Nghị định 16/2022/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng

Theo đó, Nghị định gồm 8 Chương, 86 Điều, quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức và mức phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản và xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng. Vi phạm hành chính về xây dựng quy định tại Nghị đinh này bao gồm:

– Hoạt động xây dựng;

– Sản xuất vật liệu xây dựng;

– Quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật;

– Kinh doanh bất động sản;

– Quản lý, phát triển nhà.

* Đối tượng áp dụng

1. Tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trừ trường hợp Điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác.

2. Người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính, áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử phạt vi phạm hành chính, người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính.

3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này.

* Hình thức xử phạt, mức phạt tiền tối đa, biện pháp khắc phục hậu quả và thẩm quyền xử phạt

1. Hình thức xử phạt chính:

a) Cảnh cáo;

b) Phạt tiền;

2. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ năng lực, chứng chỉ hành nghề hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 03 tháng đến 24 tháng;

b) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

3. Trong Nghị định này, mức phạt tiền tối đa được quy định như sau:

a) Trong hoạt động xây dựng, kinh doanh bất động sản là 1.000.000.000 đồng;

b) Trong hoạt động sản xuất vật liệu xây dựng, quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật, quản lý, phát triển nhà là 300.000.000 đồng;

c) Mức phạt tiền quy định tại Nghị định này là mức phạt áp dụng đối với tổ chức (trừ mức phạt quy định tại điểm a, điểm b, điểm c khoản 1 Điều 24; điểm a, điểm b, điểm c khoản 1 Điều 59, điểm a khoản 3 Điều 64, Điều 65, khoản 1 (trừ điểm e) Điều 70 Nghị định này là mức phạt đối với cá nhân). Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với cá nhân bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính, ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả được quy định cụ thể như sau:

a) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu;

b) Buộc thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường;

c) Buộc phá dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm;

d) Buộc thu hồi sản phẩm, hàng hóa không bảo đảm chất lượng;

đ) Buộc tiêu hủy sản phẩm, hàng hóa không đảm bảo chất lượng;

e) Những biện pháp khác được quy định cụ thể tại Nghị định này.

5. Thẩm quyền phạt tiền của các chức danh được quy định tại Chương VI Nghị định này là thẩm quyền phạt tiền đối với một hành vi vi phạm hành chính của tổ chức. Thẩm quyền phạt tiền đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân bằng 1/2 lần thẩm quyền phạt tiền đối với tổ chức.

* Các hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt như sau:

1. Hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả trong hoạt động xây dựng.

2. Hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả trong hoạt động sản xuất vật liệu xây dựng

3. Hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả trong quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật

4. Hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả trong kinh doanh bất động sản, quản lý, phát triển nhà

                                    Xem chi tiết Nghị định 16/2022/NĐ-CP tải tại đây

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 28/01/2022; thay thế Nghị định  139/2017/NĐ-CP, ngày 27/11/2017, Nghị định số 21/2020/NĐ-CP, ngày 17/02/2020 và điểm b, điểm c khoản 5 Điều 17 Nghị định số 38/2021/NĐ-CP, ngày 29/3/2021./.

 Võ Thanh Dũng.

        Nguồn tham khảo: Nghị định 16/2022/NĐ-CP