Nghị định 159/2005/NĐ-CP về việc phân loại đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn

CHÍNH
PHỦ
******

CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
********

Số:
159/2005/NĐ-CP


Nội, ngày 27 tháng 12 năm 2005 

 

NGHỊ ĐỊNH

VỀ PHÂN LOẠI ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng
12 năm 2001;
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm
2003;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ,

NGHỊ ĐỊNH: 

Chương 1:

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Đối tượng, phạm
vi điều chỉnh

Nghị định này quy định mục đích, nguyên tắc,
phương pháp, thẩm quyền và trình tự, thủ tục phân loại đơn vị hành chính xã,
phường, thị trấn (sau đây gọi là đơn vị hành chính cấp xã).

Điều 2. Mục đích phân loại
đơn vị hành chính cấp xã

1. Làm căn cứ để Nhà nước có chính sách phát triển
kinh tế – xã hội, góp phần bảo đảm sự ổn định của đơn vị hành chính cấp xã và
nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền cơ sở.

2. Làm cơ sở để xác định số lượng cán bộ, công
chức chuyên trách và không chuyên trách; số lượng thành viên Ủy ban nhân dân; bổ
sung chế độ chính sách hợp lý đối với cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn.

Điều 3. Nguyên tắc phân
loại đơn vị hành chính cấp xã

Việc phân loại đơn vị hành chính cấp xã phải bảo
đảm tính thống nhất và khoa học.

Chương 2:

PHƯƠNG PHÁP, THẨM QUYỀN
VÀ TRÌNH TỰ, THỦ TỤC PHÂN LOẠI ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH CẤP XÃ
 

Điều 4. Loại và tiêu chí
phân loại đơn vị hành chính cấp xã

1. Xã, phường, thị trấn được phân làm 3 loại đơn
vị hành chính sau:

a) Xã, phường, thị trấn loại 1;

b) Xã, phường, thị trấn loại 2;

c) Xã, phường, thị trấn loại 3.

2. Các xã, phường, thị trấn thuộc địa bàn biên
giới và hải đảo là đơn vị hành chính cấp xã loại 1.

3. Tiêu chí phân loại:

a) Dân số;

b) Diện tích;

c) Các yếu tố đặc thù.

Điều 5. Cách thức tính
điểm

1. Đối với xã miền núi, vùng cao, vùng sâu, vùng
xa.

a) Về dân số:

Xã có dân số dưới 1.000 nhân khẩu được tính 45
điểm; xã có từ 1.000 đến 5.000 nhân khẩu, cứ tăng 1.000 nhân khẩu được tính
thêm 12 điểm và được tính từ 46 đến 93 điểm; xã có trên 5.000 nhân khẩu, cứ
tăng 1.000 nhân khẩu được tính thêm 11 điểm và được tính từ 94 đến tối đa không
quá 200 điểm.

b) Về diện tích:

 

Xã có diện tích tự nhiên dưới 1.000 ha được tính
30 điểm; xã có từ 1.000 đến 3.000 ha, cứ tăng 1.000 ha được tính thêm 10 điểm
và được tính từ 31 đến 50 điểm; xã có trên 3.000 ha, cứ tăng 1.000 ha được tính
thêm 09 điểm và được tính từ 51 đến tối đa không quá 100 điểm.

c) Các yếu tố đặc thù:

Xã thuộc khu vực I được tính 10 điểm; xã thuộc
khu vực II được tính 15 điểm; xã thuộc khu vực III được tính 20 điểm; xã đặc biệt
khó khăn và xã an toàn khu (ATK) được tính 20 điểm;

Xã có tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm từ 30 đến
50% dân số được tính 10 điểm, chiếm trên 50% dân số được tính 15 điểm;

Xã có tỷ lệ tín đồ tôn giáo chiếm từ 30 đến 50%
dân số được tính 10 điểm, chiếm trên 50% dân số được tính 15 điểm.

2. Đối với xã đồng bằng

a) Về dân số:

Xã có dân số dưới 2.000 nhân khẩu được tính 45
điểm; xã có từ 2.000 đến 8.000 nhân khẩu, cứ tăng 1.000 nhân khẩu được tính
thêm 11 điểm và được tính từ 46 đến 111 điểm; xã có trên 8.000 nhân khẩu, cứ
tăng 1.000 nhân khẩu được tính thêm 10 điểm và được tính từ 112 đến tối đa
không quá 200 điểm.

b) Về diện tích:

Xã có diện tích tự nhiên dưới 500 ha được tính
30 điểm; xã có từ 500 đến 2.500 ha, cứ tăng 1.000 ha được tính thêm 11 điểm và
được tính từ 31 đến 52 điểm; xã có trên 2.500 ha, cứ tăng 1.000 ha được tính
thêm 10 điểm và được tính từ 53 đến tối đa không quá 100 điểm.

c) Các yếu tố đặc thù:

Xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và
xã an toàn khu (ATK) được tính 20 điểm;

Xã có số lao động nông – lâm – ngư – diêm nghiệp
chiếm thấp hơn hoặc bằng 45% tổng số lao động toàn xã được tính 10 điểm;

Xã có tỷ lệ thu ngân sách bình quân hàng năm
trên địa bàn (tính bình quân trong 03 năm đến năm ngân sách gần nhất) đạt 100%
kế hoạch được tính 05 điểm, thu đạt thêm 10% được tính thêm 02 điểm đến tối đa
không quá 15 điểm;

Xã có tỷ lệ tín đồ tôn giáo chiếm từ 30 đến 50%
dân số được tính 10 điểm, chiếm trên 50% dân số được tính 15 điểm.

3. Đối với phường và thị trấn

a) Về dân số:

Phường và thị trấn có dân số dưới 3.000 nhân khẩu
được tính 45 điểm; phường và thị trấn có từ 3.000 đến 10.000 nhân khẩu, cứ tăng
1.000 nhân khẩu được tính thêm 10 điểm và được tính từ 46 đến 115 điểm; phường
và thị trấn có trên 10.000 nhân khẩu, cứ tăng 1.000 nhân khẩu được tính thêm 09
điểm và được tính từ 116 đến không quá 200 điểm.

b) Về diện tích:

Phường và thị trấn có diện tích tự nhiên dưới
500 ha được tính 30 điểm; phường và thị trấn có từ 500 đến 2.000 ha, cứ tăng
500 ha được tính thêm 10 điểm và được tính từ 31 đến 60 điểm; phường và thị trấn
có trên 2.000 ha, cứ tăng 500 ha được tính thêm 08 điểm và được tính từ 61 đến
không quá 100 điểm.

c) Các yếu tố đặc thù:

Phường và thị trấn miền núi, vùng cao, vùng sâu,
vùng xa và an toàn khu (ATK) được tính 20 điểm;

Phường thuộc đô thị loại đặc biệt được tính 20
điểm, phường thuộc đô thị loại I được tính 15 điểm; phường thuộc đô thị loại II
được tính 10 điểm; phường đô thị loại III được tính 08 điểm và phường thuộc đô
thị loại IV được tính 05 điểm; thị trấn có vị trí trung tâm huyện lỵ được tính
10 điểm;

Phường và thị trấn có tỷ lệ thu ngân sách bình
quân hàng năm trên địa bàn (tính bình quân trong 03 năm đến năm ngân sách gần
nhất) đạt 100% kế hoạch được tính 05 điểm, thu đạt thêm 10% được tính thêm 02
điểm đến không quá 15 điểm;

Phường và thị trấn có tỷ lệ tín đồ tôn giáo chiếm
từ 30 đến 50% dân số được tính 10 điểm, chiếm trên 50% dân số được tính 15 điểm.

Điều 6. Khung điểm để
phân loại đơn vị hành chính cấp xã

1. Số điểm cho mỗi tiêu chí quy định tại Điều 5
nghị định này.

2. Số điểm để phân loại từng đơn vị hành chính cấp
xã căn cứ vào tổng số điểm của các tiêu chí.

3. Việc phân loại đơn vị hành chính cấp xã căn cứ
vào khung điểm sau:

a) Xã, phường, thị trấn loại 1 có từ 221 điểm trở
lên;

b) Xã, phường, thị trấn loại 2 có từ 141 đến 220
điểm;

c) Xã, phường, thị trấn loại 3 có từ 140 điểm trở
xuống.

Điều 7. Thẩm quyền và
trình tự, thủ tục phân loại đơn vị hành chính cấp xã

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực
thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh) quyết định việc phân loại đơn
vị hành chính cấp xã.

2. Trình tự, thủ tục phân loại:

a) Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây
gọi chung là cấp xã) trình Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc
tỉnh (sau đây gọi chung là cấp huyện) hồ sơ ban đầu gồm: trích lục bản đồ địa
giới hành chính; bản thống kê số dân; các văn bản về các yếu tố đặc thù.

b) Ủy ban nhân dân cấp huyện lập đề án trình Hội
đồng nhân dân cùng cấp thông qua.

c) Sau khi có nghị quyết thông qua của Hội đồng nhân
dân cùng cấp, Ủy ban nhân dân cấp huyện trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
xem xét, quyết định việc phân loại đơn vị hành chính cấp xã.

Điều 8. Điều chỉnh việc
phân loại đơn vị hành chính cấp xã

1. Sau 5 năm kể từ ngày quyết định phân loại đơn
vị hành chính cấp xã có hiệu lực thi hành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tiến
hành xem xét, quyết định điều chỉnh việc phân loại đơn vị hành chính cấp xã.

Trường hợp có biến động lớn về dân số, diện tích
thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra quyết định điều chỉnh việc phân loại.

Việc điều chỉnh phân loại căn cứ theo quy định tại
Điều 6 và Điều 7 của Nghị định này.

2. Các đơn vị hành chính cấp xã sau khi được điều
chỉnh địa giới hành chính theo quyết định của cấp có thẩm quyền phải được tiến
hành phân loại đơn vị hành chính theo quy định của Nghị định này.

Chương 3:

XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 9. Xử lý vi phạm

Các tổ chức, cá nhân có hành vi làm sai lệch hồ
sơ, tài liệu trong quá trình xây dựng số liệu về các tiêu chí để tính điểm phân
loại hoặc làm trái với quy định tại Nghị định này thì tuỳ theo tính chất và mức
độ vi phạm xử lý theo pháp luật hiện hành.

Chương 4:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 10. Hiệu lực thi
hành

Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày,
kể từ ngày đăng Công báo.

Những quy định trước đây trái với quy định này đều
bãi bỏ.

Điều 11. Trách nhiệm
thi hành

Bộ trưởng Bộ Nội vụ chịu trách nhiệm hướng dẫn,
theo dõi, kiểm tra việc thi hành Nghị định này.

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ
trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực
thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

 


Nơi nhận:

– Ban Bí thư Trung ương Đảng;
– Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
– Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
– HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
– Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
– Văn phòng Chủ tịch nước;
– Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
– Văn phòng Quốc hội;
– Toà án nhân dân tối cao;
– Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
– Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
– VPCP: BTCN, TBNC, các PCN, BNC,
Ban điều hành 112,
Người phát ngôn của Thủ tướng Chính phủ,
Các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
– Lưu: Văn thư, CCHC (5b). A. 315.

TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG

 
Phan Văn Khải