Nghề trồng dâu nuôi tằm: Trước niềm vui được mùa, được giá
Bước vào lứa tằm đầu tiên của năm nay, những người làm nghề “ăn cơm đứng” thực sự vui vì kén tằm năm nay vừa được mùa vừa được giá. Năng suất kén trung bình đạt 12-13kg/vòng trứng. Giá kén tiêu thụ tại chỗ đạt từ 50 đến 52 nghìn đồng/kg (cao hơn mức trung bình mọi năm từ 4-5.nghìn đồng/kg). So với nhiều loại cây trồng khác trên vùng đất bãi các xã ven đê, trồng dâu nuôi tằm là nghề tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định không chỉ cho những người trong độ tuổi lao động mà còn có thể sử dụng được lao động trẻ em, người già. Đây được xem là một trong những lựa chọn khả thi để các địa phương vùng ven đê thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng cánh đồng 50 triệu đồng/ha/năm và doanh thu 50 triệu đồng/hộ/năm.
Dọc theo con đê sông Luộc, xuôi xuống các xã phía Nam của tỉnh, dưới ánh nắng sớm đầu hạ, những cánh đồng dâu mượt xanh làm cho không gian của những làng quê trên bãi bồi ven sông thêm bình yên. Khắp trong xóm, ngoài đồng ai nấy đều phấn chấn. Người hái dâu, người chuẩn bị nong, né, sang tằm. Thời tiết thuận lợi nên cây dâu xanh tốt, tằm khoẻ mạnh, kén đạt năng suất cao, chất lượng tốt, hình thức đẹp nên giá thành hơn hẳn so với mọi năm. Nhanh tay hái những lá dâu xanh tốt, chị Hoàng Thị Thanh, thôn La Tiến, xã Nguyên Hoà (Phù Cừ) không giấu nổi niềm vui khi lứa tằm đầu tiên vừa được mùa, được giá: “Trồng dâu nuôi tằm tuy có vất vả nhưng có việc làm và thu nhập thường xuyên. Hơn nữa, ở đồng đất bãi bồi ven sông này chưa có loại cây trồng, vật nuôi nào đầu tư thấp mà thu nhập lại cao như nghề trồng dâu nuôi tằm. Chính vì vậy gia đình tôi nuôi 6-7 vòng trứng/năm. Tính chi ly, mỗi năm cũng chỉ vất vả khoảng 3 tháng cho tằm ăn dỗi, nhưng bù lại mỗi năm cũng có khoản tiền ra tấm, ra món để đầu tư làm việc lớn”.
Mỗi ha trồng dâu nuôi tằm ở xã Nguyên Hòa (Phù Cừ) cho thu nhập từ 60- 80 triệu đồng/năm
Trao đổi về nghề trồng dâu nuôi tằm của địa phương, anh Lê Thanh Triền, Phó Chủ tịch UBND xã Nguyên Hoà (Phù Cừ) cho biết: Nghề trồng dâu nuôi tằm xuất hiện ở Nguyên Hoà chừng hơn chục năm nay. Đặc tính của cây dâu, con tằm rất nhạy cảm với thời tiết và phụ thuộc nhiều vào sự bấp bênh của giá cả thị trường nên năm được, năm mất. Tuy nhiên, hiệu quả kinh tế mà nghề trồng dâu nuôi tằm đem lại vẫn hơn hẳn các nghề khác. Hơn nữa, vì muốn góp phần lưu giữ nét văn hoá truyền thống của nghề trồng dâu, chăn tằm, dệt lụa nên đến thời điểm này trong xã vẫn còn trên 300 hộ giữ nghề, 60% số hộ này tập trung ở hai thôn La Tiến và Thị Giang. Nhờ có nghề trồng dâu nuôi tằm mà nhiều gia đình trong xã đã thoát được cảnh đói nghèo, vươn lên khá giả. Nghề trồng dâu nuôi tằm đã đem lại giá trị thu nhập cho xã từ 2,1 đến 2,3 tỷ đồng/năm. Ước tính, mỗi hec ta trồng dâu, nuôi tằm cho giá trị thu nhập từ 60 đến 80 triệu đồng/năm.
Do đặc điểm thổ nhưỡng phù hợp với nghề trồng dâu, chăn tằm nên càng ngược về khu vực thị xã Hưng Yên, qua các xã Hoàng Hanh, Quảng Châu, phường Hồng Châu và ngược lên các xã Ngọc Thanh, Hùng An… nghề trồng dâu nuôi tằm càng phát triển. Theo đánh giá của những người trồng dâu nuôi tằm, những khu vực này cây dâu phát triển tốt, lá dâu nhiều chất dinh dưỡng. Hơn nữa, kỹ thuật của người trồng dâu nuôi tằm nơi đây cao hơn những nơi khác nên giá kén tiêu thụ tại chỗ luôn cao hơn các nơi khác từ 3 đến 5 nghìn đồng/kg. Chúng tôi đến xã Hùng An (Kim Động) đúng vào thời điểm thu hoạch lứa tằm đầu tiên và chuẩn bị cho lứa thứ 2. Đầu vụ, người nông dân phải mua trứng giống tằm lưỡng hệ kén trắng với giá 20 nghìn đồng/kg (cao hơn 4-5 nghìn đồng so với mọi năm) nên nhiều người lo vì chi phí đầu vào tăng cao ngay từ khâu đầu tư con giống. Song lứa tằm đầu tiên thời tiết rất thuận lợi, giá kén lại tăng đến 10% so với mọi năm nên bước sang lứa tằm thứ 2 mọi người phấn chấn hẳn. “Đầu xuôi, đuôi lọt”, anh Đặng Việt Sơn thốt lên như vậy rồi thở phào: “Nói vậy thôi chứ theo kinh nghiệm thì lứa tằm đầu tiên thường rất khó khăn vì thời tiết không thuận lợi, độ ẩm trong không khí cao, lá dâu nhiều nước nên tằm dễ nhiễm bệnh. Nhưng năm nay thời tiết đã ủng hộ người trồng dâu nuôi tằm”. Anh Phan Quang Độ, Phó chủ tịch UBND xã đặt phép tính nhanh: Toàn xã hiện có khoảng 700 hộ làm nghề trồng dâu nuôi tằm. Trung bình mỗi năm toàn xã nuôi từ 1.900 đến 2.000 vòng trứng, đem lại giá trị thu nhập khoảng 4,3 đến 4,5 tỷ đồng. Riêng lứa tằm đầu tiên này, năng suất trung bình đạt từ 12-13kg kén/vòng trứng. Giá thu mua tại địa phương đạt từ 50 – 52 nghìn đồng ước tính tổng giá trị thu nhập từ lứa tằm đầu tiên trong toàn xã đạt trên 1 tỷ đồng.
Để lưu giữ và phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm, từ năm 2002, Sở Khoa học và Công nghệ thực hiện dự án “xây dựng mô hình ứng dụng khoa học công nghệ phát triển nghề trồng dâu lai nuôi tằm giống mới và ươm tơ cơ khí”. Dự án này đã giúp nông dân các địa phương có thêm kiến thức khoa học kỹ thuật và đưa giống dâu, tằm mới vào chăn nuôi đem lại năng suất và giá trị kinh tế cao. Như năm 2002-2003, Sở phối hợp với Trung tâm dâu tằm tơ Trung ương đưa về giống dâu lai F1, VH9 hay giống tằm lưỡng hệ kén trắng; phối hợp với Viện cơ điện nông nghiệp đưa về những mô hình ươm tơ cơ khí góp phần giải phóng sức lao động. Hàng năm, Sở còn thực hiện hỗ trợ hàng chục hecta giống dâu lai VH 9 cho các xã và hướng dẫn kỹ thuật trồng dâu, nuôi tằm, cách phòng, trị bệnh và xử lý kích thích tằm ngủ đều và chín tập trung cho nông dân. Theo tin từ Trung tâm ứng dụng khoa học và công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ), những người làm khoa học sẽ sát cánh cùng bà con nông dân thực hiện dự án này trong những năm tiếp theo với hy vọng năng suất, chất lượng và giá thành đầu ra của kén tằm ngày một nâng cao…
Lệ Thu