Nghệ thuật sử dụng điển cố Trung Hoa trong thơ thiên nhiên đời Trần (Trầm Thanh Tuấn) – Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo

NGHỆ THUẬT SỬ DỤNG ĐIỂN CỐ TRONG VĂN CHƯƠNG TRUNG ĐẠI 

Đàm Gia Kiện, nhà nghiên cứu văn học Trung Quốc cho rằng: “Dùng điển gọi là “dụng sự”, “lệ sự” là trích lấy chuyện thần thoại cổ xưa, truyền thuyết, câu nói hay thành ngữ, ca dao, ngạn ngữ cả danh ngôn, giai cú trong thơ văn, rồi gia công rút gọn thành câu ngắn, từ tổ để thay thế, khỏi phải biểu đạt trực tiếp, khiến người đọc phải liên tưởng nhiều mà thể hiện thâm ý của tác giả” [1]. Đặng Đức Siêu, nhà nghiên cứu Hán Nôm thì quan niệm: “Dùng điển cố là rút gọn “chuyện cũ người xưa” thành đôi ba chữ để đưa vào văn thơ, bắt những chuyện của người xưa ấy để phục vụ cho ý đồ sáng tác của mình” [2]. Trần Đình Sử thì phát biểu: “Điển cố là các sự việc, câu chữ của tác phẩm văn học đời trước mà người đọc cũng biết, được sử dụng lại trong tác phẩm mới nhằm tăng cường sức biểu hiện, mở rộng đổi mới ý thơ” [3]. Từ điển tiếng Việt của Hoàng Phê viết: “Điển cố: sự việc hay câu chữ trong sách đời trước được dùng trong thơ văn” [4] cùng hàng loạt những khái niệm của nhiều tác giả khác. Tuy nhiên, chúng ta cũng nhận thấy: Những khái niệm đều đạt đến chỗ “đại đồng tiểu dị”. Nói những điều trên để cho thấy ở bình diện ngôn ngữ, sử dụng điển cố là một thủ pháp quan trọng trong sáng tác văn học thời trung đại nói chung và trong thơ ca nói riêng.

Khi dụng điển cố người sáng tác thường nhắm tới mục đích lời ít, ý nhiều, ngắn gọn, sâu sắc trong biểu đạt, nhằm tăng cường sức biểu hiện cũng như mở rộng, đổi mới ý thơ, tạo sự hàm súc cho ngôn từ, chỉ cần đôi ba chữ, điển cố có thể gợi cho người đọc cả một câu chuyện, một tấm gương, một bài học, một quan niệm nhân sinh. Bên cạnh đó, dùng điển cố còn thể hiện một đặc trưng của tư duy trung đại, nhìn mọi sự việc hiện tại từ góc nhìn hôm qua, xem lịch sử là chuẩn mực, đó là tư duy nệ cổ, hoài cổ. Về đặc điểm này, Khổng Tử đã khẳng định: Thuật nhi bất tác, tín nhi hiếu cổ (Thuật lại mà không sáng tác, tín hiếu với người xưa). Khi nghiên cứu đặc điểm này trong văn học cổ Trung Quốc, Lisêvich đã nhận xét: “Người ta tạo ra cái khác thường nhằm vào ngày hôm nay, nhưng quy tắc thì xác định là phải đối chiếu với cái cổ xưa” [5].

Vương Kí Đức (đời Minh) đã nói: “Lại có những điển cố, khi dùng ở trong câu thơ mà người ta biết như Thiền gia nhúm muối bỏ vào nước, khi uống cảm thấy có rặt một vị mặn mà thôi, như thế mới là tay viết giỏi” [6]. Tức khi dụng điển phải hòa tan, tự nhiên, nhìn không thấy, nhưng khi suy ngẫm có thể nhận ra được. Dùng điển phải thoát sáo, linh hoạt làm ra ý mới thì mới hay. Quách Tấn lại quan niệm: “Dụng điển là lấy sự tích nơi kinh sử đời xưa, mượn chữ mượn ý trong văn thơ cũ, trong cổ ngữ… đem vào tác phẩm để nói được kín đáo, được bóng bẩy, được gọn gàng những tình ý mà số chữ hữu hạn trong câu văn câu thơ không thể nói hết được” [7] cùng hàng loạt khái niệm của nhiều tác giả khác. Tuy nhiên, chúng ta cũng nhận thấy một điều, những khái niệm đều đạt đến chỗ “đại đồng tiểu dị”. Khi dụng điển cố, người sáng tác thường nhắm tới mục đích lời ít, ý nhiều, ngắn gọn, sâu sắc trong biểu đạt, nhằm tăng cường sức biểu hiện cũng như mở rộng, đổi mới ý thơ, tạo sự hàm súc cho ngôn từ, chỉ cần đôi ba chữ, điển cố có thể gợi cho người đọc văn bản cả một câu chuyện, một tấm gương, một bài học, một quan niệm nhân sinh.

ĐIỂN CỐ TRONG THƠ THIÊN NHIÊN ĐỜI TRẦN

Qua khảo sát thơ thiên nhiên đời Trần, chúng ta nhận thấy các thi nhân đã sử dụng khá phổ biến hình thức mượn từ, ngữ và tứ thơ của thơ ca cổ điển Trung Quốc. Như đã biết, Lý Thương Ẩn là nhà thơ thời Vãn Đường nổi tiếng với nhiều bài thơ bất hủ như: Vô đề, Lệ, Tảo khởi, Dạ vũ kí bắc, Mã ngôi. Trong đó có bài Cầm sắt, đây là bài thơ có ảnh hưởng sâu sắc trong thơ cổ điển Việt Nam. Đặc biệt là hai hình ảnh “hồ điệp” và “đỗ quyên” trong hai câu thơ nổi tiếng:

Trang sinh hiểu mộng mê hồ điệp,

Thục Đế xuân tâm thác đỗ quyên.

(Trang sinh mơ làm bướm trong giấc mơ mai

Thục Đế gởi tấm lòng xuân nơi chim đỗ quyên)

Việc lấy chữ và vận dụng cặp hình ảnh đăng đối với nhau của câu thơ trên xuất hiện trong thơ của Nguyễn Trung Ngạn:

夢里有魂隨化蝶,

邊中無淚到啼鵑。

Mộng lí hữu hồn tùy hóa điệp,

Biên trung vô lệ đáo đề quyên.

(Biên thành xuân vãn giả chư đồng chí)

(Trong mộng đưa hồ theo cánh bướm – Ốm đau khôn khóc lối quyên kêu).

Hay:

蝶夢千家里,

鵑杜夜五更。

Điệp mộng thiên gia lí,

Quyên đỗ dạ ngũ canh.

(Dạ tọa)

(Trong giấc bước nhà xa ngàn dặm – Chim quyên kêu đêm suốt năm canh).

Nhưng ở đây, chúng ta nhận thấy Nguyễn Trung Ngạn đã có những sáng tạo trong việc sử dụng hai hình ảnh đăng đối “hồ điệp”, “đỗ quyên” để chuyển tải nội dung cụ thể hơn,  đó là nỗi lòng đau khắc khoải ước mơ của kẻ quê nhà đang trên bước đường tha hương. Nguyễn Trung Ngạn đã bỏ đi cái đa nghĩa mơ hồ của câu thơ Đường nổi tiếng mà nhiều nhà nghiên cứu đã dụng công lý giải, lĩnh hội từ bao thế kỷ nay.

Nguyễn Ức có bài Tống nhân bắc hành:

都門回首樹蒼蒼,

立馬頻斟勸客觴。

一段離情禁不得,

津頭折柳又斜陽。

Đô môn hồi thủ thụ thương thương,

Lập mã tần châm khuyến khách thương.

Nhất đoạn li tình câm bất đắc,

Tân đầu chiết liễu hựu tà dương.

(Ngoảnh lại cửa đô thành cây cối xanh xanh – Dừng ngựa liên tiếp rót rượu mời khách – Không sao ngăn nổi một khúc tình li biệt – Bến sông bẻ cành liễu trong bóng chiều tà).

Trong bài thơ có từ “chiết liễu” chỉ sự tiễn biệt. Đây vốn là tập tục của người Trung Quốc xưa, khi tiễn đưa người thân thường bẻ một cành liễu, tỏ ý tình cảm sâu đậm, biệt ly, bịn rịn nói chẳng nên lời lấy cành liễu thay người. Hành động “chiết liễu” không chỉ làm người đọc gợi nhớ đến một tập tục đẹp của người xưa, mà còn gợi không khí. Đó là không khí ly biệt thấm đẫm ý tình của người đi, kẻ ở, làm sống dậy những áng Đường thi trác tuyệt trong tâm thức của người tiếp nhận (dĩ nhiên người tiếp nhận phải am hiểu thơ Đường). Đó là “tiếng bẻ liễu” trong Tái hạ khúc của Lý Bạch:

笛中聞折柳,

春色未曾看。

Địch trung văn chiết liễu,

Xuân sắc vị tằng khan.

(Trong tiếng địch nghe tiếng bẻ liễu – Xuân sắc chưa từng được xem).

Đó là cây liễu với màu sắc “thương tâm” trong bài Thanh môn liễu của Bạch Cư Dị, hay bài Dương liễu chi của Lưu Thuấn Vũ. Đặc biệt là màu liễu làm buồn đến chết người trong bài thơ Hoài thượng biệt hữu nhân của Trịnh Cốc:

楊子江頭楊柳春,

楊花愁殺渡江人。

Dương Tử giang đầu dương liễu xuân,

Dương hoa sầu sát độ giang nhân.

(Bên sông Dương Tử, dương liễu đượm mùa xuân – Hoa dương liễu khiến người qua sông buồn đến chết.)

Tiếp cận bài Dạ Vũ của Trần Minh Tông, ta sẽ bắt gặp tứ thơ trong Dạ Vũ của Bạch Cư Dị:

秋氣和燈失曙明,

碧蕉窗外遞殘更。

自知三十年前錯,

肯把閒愁對雨聲。

Thu khí hòa đăng thất thự minh,

Bích tiêu song ngoại đệ tàn canh.

Tự tri tam thập niên tiền thác,

Khẳng bả nhàn sầu đối vũ thanh.

(Hơi thu lồng bóng đèn mờ đi trước ánh ban mai – Tàu chuối xanh ngoài cửa sổ điểm canh tàn – Tự biết sai lầm ba mươi năm trước – Đành ôm mối sầu mà nghe tiếng mưa).

Bài thơ đã vận dụng lại những hình ảnh, không gian, thời gian trong bài ngũ ngôn tứ tuyệt cú của thi nhân họ Bạch:

早蛩啼複歇,

殘燈滅又明。

隔窗知夜雨,

芭蕉先有聲。

Tảo cùng đề phục yết,

Tàn đăng diệt hựu minh.

Cách song tri dạ vũ,

Ba tiêu tiên hữu thanh.

(Trùng sớm kêu lại ngừng – Đèn tàn lưu lại sáng – Cánh cửa sổ biết đâu có mưa – Vì vừa mới nghe tiếng lộp độp trên tàu lá chuối).

Tuy nhiên ta vẫn thấy nét đặc sắc riêng ở bài thơ của Trần Minh Tông. Ở đây trên cơ sở tiếp thu ý thơ của Bạch Cư Dị, Trần Minh Tông đã ký thác vào đấy cả một mối sầu, một nỗi ân hận khôn nguôi. Nếu ở bài thơ của Lạc Thiên, ta thấy hiện lên một nhân vật trữ tình với những cảm thức tinh tế trước thiên nhiên thì ở bài thơ của Trần Mạnh, đó là một sầu nhân đang đối diện tự vấn lương tâm trước những sai lầm của mình. Thiên nhiên ở trong bài thơ này có tác dụng làm nền để nhân vật trữ tình khởi phát tâm trạng. Khi khảo sát thơ thiên nhiên đời Trần, ta sẽ nhận thấy có hiện tượng tập cú, trích cú từ thơ ca cổ điển Trung Quốc. Trong di sản thơ của Nguyễn Trung Ngạn cũng có nhiều câu thơ đã tập cú, trích cú:

Ngã mã khôi đồ (Kinh Thi).

Ngã mã tựu khôi đồ (Nguyễn Trung Ngạn).

Xá nam xá bắc giai xuân thủy (Đỗ Phủ).

Xá nam xá bắc trúc biên li (Nguyễn Trung Ngạn).

Sơn vi cố quốc chu tạo tại (Lưu Vĩ Tích).

Sơn vi cố quốc quy mô tiểu (Nguyễn Trung Ngạn).

Trượng Lê phù ngã quá kiều đông (Chí Nam).

Trượng Lê phù ngã quá tiền quan (Nguyễn Trung Ngạn).

Nhất bôi liêu vị tống chinh an (Dương Quả).

Nhất bôi liêu vị túy nam lâu (Nguyễn Trung Ngạn).

Bên cạnh đó, các thi nhân đời Trần cũng đã lấy ý thơ của thơ ca cổ điển Trung Quốc trong Đề ẩn giả sở cư họa vận, Phạm Mại đã viết: Vân ngoại du du quyện điểu hoàn (Ngoài tầng mây thăm thẳm con chim mỏi bay trở về). Câu này lấy ý từ hai câu sau đây trong bài Quy khứ lai từ của Đào Tiềm:

雲無心而出岫,

鳥倦飛而知還。

Vân vô tâm nhi xuất tụ,

Điểu quyện phi nhi tri hoàn.

(Mây vô tâm mà ra khỏi hốc đá – Chim bay khỏi mà biết trở về)

Chúng ta thấy trong bài từ của Đào Tiềm đã sử dụng liên tiếp hai hư từ (nhi) trong hai câu thơ. Nhưng đến câu thơ của Phạm Mại thì hai hư từ này đã hoàn toàn bị tỉnh lược để kết tinh lại thành hai câu thơ hàm súc hơn. Tuy lấy ý nhưng hình ảnh đám mây trong thơ Phạm Mại với từ “du du” bổ trợ nghĩa vì thế đã trở nên mềm mại hơn. Nó biểu đạt sâu  sắc hơn sự chiêm nghiệm về thế giới, về nhân sinh. Bên cạnh đó nó còn gợi cho người đọc nhớ đến câu thơ tuyệt tác của Thôi Hiệu: “Bạch vân thiên tải không du du”. Hoặc trong bài Vân Tiêu am, Trần Anh Tông viết:

此風此月與此人,

合成天下三奇絕。

Thử phong thử nguyệt dữ thử nhân,

Hợp thành thiên hạ tam kì tuyệt.

(Gió này trăng này người này – Hợp thành ba kì tuyệt của thiên hạ).

Câu thơ vận dụng lại ý thơ trong bài thơ nổi tiếng Nguyệt hạ độc chước của Lý Bạch:

舉杯邀明月,

對影成三人。

Cử bôi yêu minh nguyệt,

Đối ảnh thành tam nhân.

(Cất chén mời trăng sáng -Trước bóng thành ba người).

Nếu “tam nhân” trong thơ Lý Bạch là: trăng – bóng thi nhân và chính thi nhân đã trở thành ba người bạn thì ở thơ Trần Anh Tông “tam kì tuyệt” là trăng –  gió và thi nhân. Như đã biết, Lý Bạch là một hồn thơ lãng mạn vào loại bậc nhất trong hơn 2.300 tao nhân mặc khách đời Đường, làm bạn với chính cái bóng của mình là một ý tưởng hết sức lãng mạn. Tứ thơ này cũng đã được Nguyễn Trãi tiếp thu trọn vẹn trong tác phẩm của mình sau này:

Rượu đối cầm đâm thơ một thủ,

Ta cùng bóng liễn nguyệt ba người.

(Thuật hứng VI)

Tuy nhiên, chúng ta nhận thấy trong bài Vân Tiêu am của Trần Anh Tông lại mang đậm cảm thức Thiền học. Hình ảnh thiên nhiên trong bài thơ được nhìn qua lăng kính của Thiền giả chứ không phải là một nhà Nho tài tử như Lý Bạch. Hơn nữa, trong Thiền học không coi trọng “cái bóng”, cái ảo ảnh của sắc tướng thế nên “cái bóng” (ảnh) trong thơ Lý Bạch đã được Trần Anh Tông thay vào hình ảnh của “thanh phong”. Đồng thời, chúng ta nhận thấy từ đầu bài thơ hai hình ảnh “thanh phong”, “minh nguyệt”  trở đi trở lại, hoà quyện vào nhau trở thành bạn láng giềng “tương vi lân”. Đây là hai hình ảnh chủ đạo trong việc khắc hoạ không gian của chốn Thiền. Bài Tảo mai của Trần Nhân Tông có câu:

一枝迷入故人夢,

覺後不堪持贈君。

Nhất chi mê nhập cố nhân mộng,

Giác hậu bất kham trì tặng quân.

(Một cành hoa mai lạc vào giấc mộng cố nhân –  Dậy không thể giữ tặng anh)

Có thể nói câu thơ trên đã lấy ý từ thơ của Lục Khải, nhà thơ thời Lục Triều (Trung Quốc) tặng Phạm Việt:

折梅逢驛使,

寄與隴頭人。

江南何所有,

聊贈一枝春。

Chiết mai phùng dịch sứ,

Kí dữ Lũng Đầu nhân.

Giang Nam hà sở hữu,

Liêu tặng nhất chi xuân.

(Bẻ cành hoa mai gặp được người đưa trạm – Gửi cho người ở Lũng Đầu –  Đất Giang Nam có gì đâu – Tặng anh một nhành xuân)

Chúng ta nhận thấy ở bài Tảo mai tuy Trần Nhân Tông vận dụng lại ý thơ của Lục Khải nhưng tác giả đã có những sáng tạo độc đáo. Nếu “một cành mai” trong thơ của Lục khải là cành mai thực của đất Giang Nam thì cành mai trong bài thơ của Trần Nhân Tông là “một cành mai ảo”, cành mai trong mộng. Mai là thành viên trong nhóm “Tuế hàn tam hữu” (Tùng, trúc, mai). Mai thể hiện tiết tháo của người quân tử, không những thế nó còn là sứ giả báo tin xuân “Mai hàm ngọc lạp truyền thiên tín”  (Trần Nguyên Đán) (Cây mai ngậm hạt ngọc như truyền thư tín của đất trời) thậm chí nó còn tượng trưng cho cả mùa xuân: “Nhất chi xuân”. Như vậy, trong thơ Lục Khải, từ hình ảnh cành mai thực đã trở thành hình ảnh biểu trưng. Còn ở thơ của Trần Nhân Tông, hình ảnh cành mai ấy hoàn toàn là hình ảnh mang ý nghĩa tượng trưng. Nếu trong thơ của Lục Khải mùa xuân được cảm nhận bằng thị giác “Cành mai thực” thì ở trong Tảo mai, thi nhân đã cảm nhận bằng tâm linh “cành mai ảo”. Tình bạn của Lục khải thể hiện đậm đà, sâu lắng trên nền của “cái có” còn tình bạn trong thơ của Trần Nhân Tông lại thể hiện trên nền của “cái không”, “cái không” kiểu như Bạn đến chơi nhà của Nguyễn Khuyến. Hơn thế nữa, qua tiêu đề Tảo mai kết hợp với hình ảnh “một cành mai”, ta có thể nhận ra ảnh hưởng của bài Tảo mai của Tề Kỉ đời Đường:

前村深雪裏,

昨夜一枝開。

Tiền thôn thâm tuyết lý,

Tạc dạ nhất chi khai.

(Thôn trước trong tuyết âm u – Đêm qua một nhành mai nở)

Sách Thực tân lục chép: Nhà sư Tề Kỉ hay thơ. Một hôm đem thơ yết kiến Trịnh Cốc. Bài thơ như sau: Tiền thôn thâm tuyết lý -Tạc dạ sổ chi khai. Trịnh Cốc cười nói: Sổ 數, một vài, thì chẳng phải là sớm nữa, chẳng hay bằng nhất. Tề Kỉ cúi đầu bái lạy và gọi Trịnh Cốc là “Nhất tự sư” (thầy một chữ). Như thế, từ đời Đường trở về sau hình ảnh “một nhành mai” đã gắn với hình ảnh tảo mai như hình với bóng.

Trần Thánh Tông có một bài thơ hay thể hiện sâu sắc tâm tình của những người cung nữ vò võ cả cuộc đời nơi cung cấm:

宮門半掩徑生苔,

白晝沈沈少往來。

萬紫千紅空爛漫,

春花如許爲誰開。

Cung môn bán yểm kính sinh đài,

Bạch trú trầm trầm thiểu vãng lai.

Vạn tử thiên hồng không lạn mạn,

Xuân hoa như hứa vị thuỳ khai.

(Cửa cung khép nửa, lối đi đầy rêu xanh – Giữa ban ngày không gian trầm lặng, ít người qua lại – Muôn tía nghìn hồng vẫn cứ rực rỡ – Hoa xuân đẹp như thế hẹn vì ai mà nở nhỉ?)

Bài thơ này có tiếp nhận cái tứ của bài Sơn phòng xuân sự của Sầm Tham

樑園日暮亂飛鴉,

极目蕭條三两家。

庭樹不知人去盡,

 春來還發舊時花。

Lương viên nhật mộ loạn phi nha,

Cực mục tiêu điều tam lưỡng gia.

 Đình thụ bất tri nhân khứ tận,

Xuân lai hoàn phát cựu thời hoa.

(Trong vườn Lương, lúc chiều tà những con quạ bay hỗn loạn – Trong núi hết tầm mắt chỉ thấy có hai, ba nóc nhà lơ thơ, tiêu điều – Cây trong sân không biết rằng người trong nhà đã đi hết – Nên mỗi độ xuân về vẫn nở những bông hoa như ngày cũ)

Hoặc bài Đề tích sở kiến xứ của Thôi Hộ:

去年今日此門中,

人面桃花相映紅。

人面不知何處去,

桃花依舊笑春風。

Khứ niên kim nhật thử môn trung,

Nhân diện đào hoa tương ánh hồng.

 Nhân diện bất tri hà xứ khứ,

 Đào hoa y cựu tiếu đông phong

(Năm ngoái vào ngày hôm nay, ở trong cửa này – Gương mặt nàng và hoa đào cùng ánh lên một màu tươi thắm – Giờ đây mặt người đã không biết đi đâu? – Nhưng hoa đào thì vẫn cười cợt với gió đông)

Qua đối chiếu ba bài thơ, ta nhận thấy vẫn là ý thơ của Sầm Tham, Thôi Hộ: Người cũ đã mất nhưng hoa xưa lại nở. Tiếp nhận tứ thơ này nhưng Trần Thánh Tông đã đặt vào một cảnh huống khác: Thể hiện sự cảm thương trước thân phận của người cung nữ. Trong hai bài thơ Đường, các thi nhân đã dùng tính từ cựu gắn liền với tính chất của hoa: Hoa năm ngoái nhằm thể hiện sự bất biến của thiên nhiên qua đó nhằm làm bật lên sự khả biến vô thường của số phận con người. Trong bài thơ của mình Trần Thánh Tông đã không dùng lại từ cựu mà  thi nhân thay vào đó là cụm từ “không lạn mạn” vẫn cứ rực rỡ. Chữ không ở đây với tư cách là một nhãn tự, thể hiện trạng thái tồn tại vĩnh hằng. Thế nên màu hoa rực rỡ của tiết xuân là màu hoa của muôn đời. Qua đó, thi nhân đã làm bật nổi sự đối lập: Vẻ đẹp của thiên nhiên thì trường cửu mà sắc đẹp của người phụ nữ thì hạn hữu: “Trăm năm nào có gì đâu – Chẳng qua một đám cỏ khâu xanh rì” (Cung oán ngâm khúc – Nguyễn Gia Thiều). Bài thơ thấm đẫm tinh thần nhân văn sâu sắc trước thân phận của người cung nữ, vốn chịu nhiều bất hạnh và đắng cay của  một vị vua với tâm hồn tràn đầy nhân ái.

Có trường hợp các thi nhân sử dụng lại từ ngữ nhưng hoán đổi vị trí, như trong bài Dạ tọa, Nguyễn Trung Ngạn viết:

Mao điếm hựu kê thanh (茅店又雞聲).

(Ở bên điếm tranh lại có tiếng gà).

Ta thấy câu thơ đã dùng lại ý thơ nổi tiếng của Ôn Đình Quân trong Thương sơn tảo hành:

Kê thanh mao điếm nguyệt (雞聲茅店月).

(Tiếng gà gáy trăng trên điếm tranh).

Câu thơ nổi tiếng của nhà thơ Vương Lệnh đời Tống, với tiếng kêu ra máu của con chim tử quy khắc khoải:

Tử quy dạ bán do đề huyết,

Bất tín đông phong hoàn bất hồi.

(Chim tử quy nửa đêm kêu ra huyết – Không biết gió đông gọi chẳng về).

Tiếng cuốc ấy đã trở thành hình ảnh đặc biệt có sức ảnh hưởng sâu rộng trong thơ ca cổ điển Việt Nam nói chung và thơ ca đời Trần nói riêng. Đọc thơ Trần Nguyên Đán, ta sẽ bắt gặp thi nhân vận dụng lại hình ảnh này:

三春啼血鵑聲斷,

萬里歸心桂影孤。

Tam xuân đề huyết quyên thanh đoạn,

 Vạn lý quy tâm quế ảnh cô.

(Ba xuân rỏ máu tiếng quyên đã dứt – Muôn dặm lòng về bóng trăng lẻ loi).

Tiếng Tử quy kêu thảm thiết trong thơ của Vương Lệnh là tiếng kêu gọi mùa, còn tiếng đỗ quyên trong thơ của Trần Nguyên Đán lại là tiếng lòng (bởi nó có sự tương tác, liên hội về nghĩa với hình ảnh “quế ảnh cô” ở câu dưới) mà tiếng lòng ở đây là tiếng lòng đau đớn trước vận nước đang trong hồi suy vi.

Kết luận

Chúng ta thừa nhận sự ảnh hưởng của thơ ca Trung Quốc (về phương diện thi liệu) đối với thiên nhiên đời Trần như là một thực tế khách quan trong quá trình giao lưu, vừa mang tính tự nguyện vừa mang tính áp đặt, đã từng diễn ra liên tục suốt chiều dài lịch sử. Tuy nhiên, qua cái nhìn đối sánh như trên chúng ta vẫn nhận thấy những sáng tạo của các thi nhân đời Trần thể hiện qua việc các nhà thơ tuy vận dụng lại từ ngữ, tứ thơ nhưng với ý tưởng khác, thậm chí đã mở rộng sắc thái nghĩa của điển cố.

Trầm Thanh Tuấn

 

Chú thích:

* ThS. Trầm Thanh Tuấn

[1] Đàm Gia Kiện (1993), Lịch sử văn hoá Trung Quốc, Nxb. Khoa học Xã hội, tr.397.

[2] Đặng Đức Siêu  (2004), Cơ sở ngữ văn Hán Nôm (tập 1) Nxb. Giáo dục, tr.88.

[3] Trần Đình Sử (1997), Những thế giới nghệ thuật thơ, Nxb. Giáo dục, tr.30.

[4] Hoàng Phê (1992), Từ điển Tiêng Việt, Trung tâm từ điển ngôn ngữ, tr.324.

[5] Lixêvich.I.S (Trần Đình Sử dịch) (2001), Tư tưởng văn học Trung Quốc cổ xưa, Nxb. Giáo dục, tr.275.

[6] Khâu Chấn Thanh  (1994), Lý luận văn học cổ điển Trung Quốc, Nxb. Văn học, tr.365.

[7] Quách Tấn (1998),Thi pháp thơ Đường, Nxb. Trẻ, tr.224.

 

Tài liệu tham khảo:

  1. Trần Văn Chánh, Sơ Lược Ngữ pháp Hán văn, Nxb. Đà Nẵng, 1997.

  2. Nguyễn Kim Châu, Thơ tứ tuyệt trong văn học Việt Nam từ thế kỉ X đến thế kỉ XIX, Nxb. Văn học, 2010.

  3. Nguyễn Sĩ Đại, Một số đặc trưng nghệ thuật thơ tứ tuyệt thời Đường, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1996.

  4. Khâu Chấn Thanh (1994) Lý luận văn học cổ điển Trung Quốc, Nxb. Văn học, Hà Nội.

  5. Lê Trí Viễn (chủ biên), Cơ sở ngữ văn Hán Nôm (tập 1), Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 1984.

  6. Nguyễn Đăng Na, Con đường giải mã văn học trung đại Việt Nam, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2006.

  7. Viện Văn Học (1989), Thơ văn Lý – Trần (tập 2, quyển thượng), Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội.