Nghệ thuật cho bài viết mô tả sản phẩm hay, quyến rũ khách mua hàng
Viết mô tả sản phẩm là một nghệ thuật, người tạo nên bài viết mô tả sản phẩm hay cho sản phẩm là một nghệ sĩ. Vậy một người nghệ sỹ viết nội dung cho sản phẩm sẽ cần gì nhỉ?
Với sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt trên thị trường thương mại điện tử, để thu hút khách hàng và cạnh tranh với những cửa hàng online khác, các chủ shop đang ngày càng đầu tư hơn về chất lượng dịch vụ, hình ảnh, giá cả, khuyến mại, quảng cáo,… Tuy vậy, có những điều tưởng chừng như đơn giản nhưng lại quyết định rất lớn đến tâm lý mua hàng của người tiêu dùng mà bạn dễ dàng bỏ qua, đó chính là một bài viết mô tả sản phẩm hay.
Mục Lục
Mô tả sản phẩm là gì?
Mô tả sản phẩm là những thông tin về giới thiệu đặc tính chất lượng, chức năng, lợi ích… của một sản phẩm được đăng tải trên trang web bán hàng nhằm mang đến cho người xem thông tin đầy đủ về sản phẩm để họ có cơ sở lựa chọn khi mua hàng.
Bạn có bao giờ tự hỏi: Mình cũng bán hàng giống như họ, có website bán hàng chuyên nghiệp do Sapo cung cấp, rồi hàng loạt các chương trình khuyến mại hấp dẫn… nhưng tại sao người ta bán được hàng còn mình thì không?
Hãy xem lại phần mô tả sản phẩm của bạn, có thể nó không thực sự hấp dẫn hay nói cách khác cách thức mô tả sơ sài, máy móc, qua loa, lười sáng tạo, sai lỗi chính tả. Bạn đã quên mất rằng những bài viết mô tả sản phẩm hay chính là thông điệp bạn gửi tới khách hàng của mình để họ có thể đánh giá và quyết định mua sản phẩm.
Khách hàng ngày càng khó tính và có tâm lý dè chừng, nhất là khi mua hàng online nên thông thường họ sẽ dành nhiều thời gian để tìm thông tin về sản phẩm trước khi đưa ra quyết định. Những lời mô tả sản phẩm ngắn gọn nhưng đầy đủ, dễ thương sẽ kích thích nhu cầu khách hàng sẽ đem đến cho bạn hiệu quả bất ngờ.
Thôi nào! Hãy tự pha cho bạn một ly cafe để nhâm nhi và cùng Sapo nghiên cứu xem cách thức để tạo nên một bài viết mô tả sản phẩm hay như thế nào nhé!
Đọc thêm: Cách viết nội dung quảng cáo đầy cuốn hút làm khách hàng khó cưỡng
1. Xác định chân dung khách hàng mục tiêu
David Meerman Scoot – một chuyên gia hàng đầu thế giới trong lĩnh vực hoạch định chiến lược truyền thông trực tuyến từng nói rằng “Việc xác định chính xác chân dung khách hàng sẽ giúp bạn không bị rơi vào trạng thái “thầy bói xem voi” khiến cho nội dung mô tả sản phẩm kém hấp dẫn với khách hàng mục tiêu”.
Xác định đặc tính người mua là gì? Tức là bạn phải hình dung xem chân dung khách hàng mà bạn hướng đến là ai, giới tính, độ tuổi, sở thích của họ như thế nào? Hay nói cách khác trước khi viết mô tả sản phẩm, bạn cần hình dung trong đầu tất cả các đặc tính của một vị khách mà sẽ mua hàng. Việc này sẽ giúp bạn biết được khách hàng của mình có sở thích gì, điều gì khiến họ đi đến hành động nhấn nút mua hàng hay thái độ hoài nghi và từ bỏ giữa chừng.
Ngoài ra tâm lý chung của người tiêu dùng là sợ gặp phải bất kỳ một rắc rối nào dù là nhỏ nhất khi tiếp cận hay sở hữu một sản phẩm trên thị trường, nếu tinh ý bạn nên cung cấp thêm cho khách hàng thông tin tham chiếu để họ thấy rõ được sản phẩm mà bạn đang cung ứng đem lại nhiều công dụng.
So sánh, một trong những cách mô tả sản phẩm trực quan
Ví dụ bạn kinh doanh sản phẩm cho trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ với đối tượng hướng đến là những ông bố bà mẹ. Vì những người phụ nữ thường rất quan tâm đến con mình, muốn lựa chọn những thứ tốt nhất, an toàn nên đối với họ chất lượng là trên hết.
Vì vậy, một bài viết mô tả sản phẩm hay cần phải tập trung vào những yếu tố đảm bảo về nguồn gốc, xuất xứ của hàng hóa. Nếu có chứng nhận của những cơ quan quản lý, bạn nên đăng lên để tăng độ tin cậy. Hoặc có thể dẫn link tới những bài viết phân biệt hàng giả, hàng nhái. Chắc chắn khách hàng của bạn sẽ cảm thấy yên tâm hơn.
Để làm được điều này, công đoạn khảo sát thị trường là vô cùng quan trọng, những câu hỏi mà bạn lập nên sẽ quyết định đến thông tin mà nhận được. Phải hiểu rõ được thói quen mua hàng online/offline của khách hàng như thế nào? Họ hay truy cập vào website thể loại gì?.
Việc xác định mục tiêu “Lấy khách hàng làm trung tâm” trong viết mô tả sản phẩm sẽ giúp bạn lựa chọn được cách giới thiệu sản phẩm một cách sống động, hấp dẫn nhất bám sát vào đặc tính người dùng.
Bạn nên viết theo dạng mô tả lợi ích mà sản phẩm đó mang lại cho khách hàng với các cách diễn đạt như: theo hướng lợi ích tích cực của sản phẩm (ví dụ: chiếc máy tính này giúp bạn cải thiện năng suất); hoặc có thể đề cấp đến khía cạnh giải quyết vấn đề của sản phẩm (chiếc tivi này giúp bạn giảm căng thẳng). Tuy nhiên bạn cần phải có sự thấu hiểu, nghiên cứu tỉ mỉ đối với sản phẩm. Đây là bước có tính quyết định nên bạn cần phải đầu tư nhiều thời gian.
2. Có một dàn ý cụ thể và thống nhất trước khi viết
Nói vui theo ngôn ngữ cộng đồng mạng thì người ta vẫn gọi là “Tay nhanh hơn não”. Để viết đươc một bài biết mô tả sản phẩm hay, hấp dẫn, đúng đối tượng thì đừng “lao đầu” vào viết đoạn mô tả mà không suy nghĩ xem mình sẽ viết gì, viết như thế nào. Bạn cần phải dành thời gian cho việc xây dựng dàn ý cho tất cả các bài viết mô tả sản phẩm trước khi bắt tay vào viết bài.
Việc lập dàn ý sẽ tạo nên bộ khung chắc chắn cho toàn bộ các vấn đề cần trình bày, đồng thời giúp tiết kiệm thời gian viết, truyền tải những thông tin cần thiết đến khách hàng một cách có hệ thống.
Dàn ý chung thường được các chủ shop online xây dựng bao gồm:
- Mô tả chung
- Đặc điểm kỹ thuật, các thông số: ngày sản xuất, hạn sử dụng, nguồn hàng, thành phần…
- Lợi ích khi sử dụng sản phẩm
- Ưu đãi, khuyến mại
- Một số thông tin khác như phí giao hàng, thời gian vận chuyển…
3. Nguyên tắc K.I.S.S
Rất nhiều chủ shop chỉ chờ cơ hội “show” toàn bộ công dụng, phẩm chất, đặc tính, cấu thành, thông số kỹ thuật,… của sản phẩm đang bày bán bởi đơn giản họ đã bỏ ra bao tâm huyết để làm ra hoặc có được sản phẩm đó. Nhưng đó có phải là điều khách hàng mong muốn? Tôi nghĩ là không.
Đối với khách hàng, điều họ mong đợi không chỉ dừng lại ở chi tiết những tính năng hay thông số kỹ thuật mà là việc họ nhận được gì từ sản phẩm đó. Vì vậy bài viết mô tả sản phẩm hay không cần thiết phải quá dài nhưng chắc chắn phải cung cấp đầy đủ những thông tin mà khách hàng quan tâm. Và nguyên tắc cơ bản bạn cần chú ý khi viết là K.I.S.S – Keep It Short and Simple, tức là giữ cho nó ngắn và đơn giản. Vì đa số chúng ta không phải là những tay viết content chuyên nghiệp nên sẽ mất rất nhiều thời gian và không hiệu quả nếu viết lan man, không rõ ràng.
Cách viết mô tả sản phẩm theo nguyên tắc KiSS
Bên cạnh đó, không nhiều khách hàng đủ kiên nhẫn đọc nếu phần mô tả sản phẩm quá dài. Hãy cố gắng viết thật ngắn và đơn giản.
Ví dụ: Bạn có thể mô tả sản phẩm sữa dành cho bà bầu (những người quan tâm đến sức khỏe của bé và vẻ bề ngoài của mình sau sinh) như sau:
- Sản phẩm có xuất xứ tại Nga, được công nhận và kiểm duyệt bởi Cục y tế.
- Chỉ cần sử dụng sản phẩm này, bạn sẽ ngăn chặn tình trạng nôn nghén, hạ thấp nguy cơ sảy thai hoặc sinh non, tăng cường hệ miễn dịch và nâng cao sức đề kháng cho bé. Mặt khác sản phẩm còn giúp cải thiện tình trạng rối loạn cảm xúc; giảm thiểu sự nảy sinh vết nám, ngăn ngừa sự xuất hiện các vết rạn da cho các bà bầu…
- Ngăn chặn sự xuất hiện của dị tật bẩm sinh, bệnh còi xương và những khoảng trống não dẫn đến chậm phát triển trí tuệ của bé trong tương lai.
Thực ra đây chưa phải là nội dung mô tả sản phẩm hoàn chỉnh về sản phẩm sữa, nhưng khi viết bạn hãy cứ đặt mình là một khách hàng và xoáy sâu vào những khao khát của họ. Cụ thể đoạn ví dụ trên chúng ta sẽ phải đóng vai một bà bầu. Thế các bà bầu thương mong muốn gì?
Còn gì tốt đẹp hơn là mẹ khỏe, thai nhi khỏe mạnh, và con sinh con thì thông mình, hay ăn chóng lớn, mẹ thì da vẫn mịn màng, xinh đẹp như gái thuở đôi mươi… Đấy, khi đã biết khách hàng cần gì rồi thì hãy cứ hướng công dụng của sản phẩm đến những nhu cầu đó thôi. Dễ dàng phải không nào?
Ồ nhưng mà khoan đã, bạn đừng lầm tưởng rằng bước này chúng ta đang tâng bốc cho sản phẩm nhé. Hãy thành thật và đưa ra thông tin chính xác về những gì sản phẩm chúng ta có. Bởi vì sao? Đơn giản khách hàng thời nay rất thông minh và “nhớ lâu”, những thông tin về sản phẩm họ hoàn toàn có thể kiểm chứng được nhờ “Google”.
4. Lựa chọn giọng điệu giới thiệu sản phẩm
Giọng điệu giới thiệu, mô tả sản phẩm chính là yếu tố làm bạn khác biệt với đối thủ cạnh tranh. Nó quyết định rất nhiều đến tâm lý mua hàng của người tiêu dùng đồng thời là một trong số ít những yếu tố gây ấn tượng mạnh mẽ khó quên vào tiềm thức của khách hàng về văn hóa, cá tính trong tổ chức của bạn.
Một giọng điệu mô tả sản phẩm buồn tẻ, thiếu sức sống chắc chắn không kích thích được tâm lý mua sắm của khách hàng như nếu bạn sử dụng những câu từ hấp dẫn, cá tính và pha chút hài hước sẽ giúp người đọc thoải mái, dễ dàng đưa ra quyết định “chi tiền” mua hàng. Hãy cùng xem một ví dụ về bài viết mô tả sản phẩm hay dưới đây:
Trích đoạn mô tả sản phẩm nồi cơm điện Elmich RCE-0897
Đừng bao giờ tự nhận xét rằng mình có dịch vụ chăm sóc khách hàng tuyệt vời mà hãy để cho chính khách hàng của bạn cảm nhận được điều này qua giọng điệu mô tả. Việc thể hiện cá tính trong mô tả sản phẩm kết hợp với một chút sự hài hước sẽ làm người đọc cảm thấy rằng bạn thật thân thiện, dễ gần.
Ngoài ra, thay vì nói rằng bạn đã sẵn sàng cung ứng những gì tốt nhất thì bạn hãy thể hiện cá tính của mình thông qua nội dung giới thiệu kết hợp giọng điệu riêng và không quên nêm chút gia vị của sự hài hước.
Đừng bao giờ tự vỗ ngực nhận xét rằng dịch vụ chăm sóc khách hàng của bạn là tuyệt vời, mà hãy để chính khách hàng của bạn cảm nhận được điều này qua các câu văn mô tả, giọng điệu cho khách hàng thấy rằng bạn thân thiện, dễ gần và không quên quan tâm, tôn trọng đến công việc và sự hiểu biết của khách hàng.
5. Lựa chọn định dạng văn bản bắt mắt
Một nghiên cứu gần đây của Nielsen Norman Group đã chỉ ra rằng một người trung bình chỉ đọc khoảng 16% nội dung trên một website. Để dụ dỗ được khách hàng bỏ tiền ra mua sắm hay thử ứng dụng của bạn, họ sẽ cần đọc bản giới thiệu của bạn. Vậy làm sao để giữ chân được khách hàng đọc chi tiết những gì bạn viết thay vì lướt nhanh qua.
- Hãy xem 2 ví dụ dưới đây:
Trên trang giới thiệu sản phẩm của Invision, họ sử dụng giao diện thân thiện với phông chữ đơn giản (tiêu đề có kích cỡ 30px trong khi phần nội dung mô tả chi tiết sử dụng font kích cỡ 20px) giúp người đọc dễ dàng nắm bắt được thông tin cần thiết mà chỉ cần đọc lướt qua.
Bên cạnh đó phần tiêu đề tập trung vào thể hiện lợi ích sản phẩm còn phần nội dung lại giới thiệu chi tiết cụ thể hơn về sản phẩm.
[eBook] 200 mẫu tiêu đề xuất sắc, viết là bán được hàng
👉 XEM NGAY
Còn tại website của nhà sản xuất nước hoa quả Innocent (Anh) lại đi theo hướng đưa ra một câu chuyện hấp dẫn. Họ sử dụng font chữ trau chuốt (Cỡ chữ chỉ khoảng 16px), đoạn văn ngắn gọn, sử dụng nhiều màu để thu hút sự chú ý vào tiêu đề và gạch những đầu dòng đậm nét.
Mô tả sản phẩm của Invision
Họ thu hút khách hàng vào cái họ cần bán, khiến khách hàng khó cưỡng lại việc nhấn vào nút xem chi tiết sản phẩm và cuối cùng là đưa nó vào giỏ hàng.
Đoạn mô tả sản phẩm nước hoa quả hấp dẫn trên website của Innocent
Như vậy, để đoạn mô tả sản phẩm vừa ngắn gọn, vừa hấp dẫn bạn cần tập trung vào các yếu tố sau:
- Có dòng tựa đề hấp dẫn khiến khách hàng phải đọc tiếp
- Đưa ra những gạch đầu dòng mô tả điểm mấu chốt của sản phẩm
- Phông chữ lớn để tăng độ nhận diện
- Tạo khoảng trống để dẫn dắt người đọc đi qua những nội dung và khiến cho trang của bạn trở nên thú vị trong quá trình đọc, tránh cảm giác nhàm chán
6. Tham khảo những trang web bán hàng lớn về cách viết
Những trang web bán hàng lớn có một đội ngũ bao gồm nhiều nhân viên có khả năng viết tốt và xây dựng nội dung. Do đó, bạn có thể học hỏi cách mô tả sản phẩm , cách xây dựng dàn ý, hành văn, ngôn ngữ được sử dụng,… của họ thông qua website.
Ví dụ khi mô tả máy đọc sách Kindle Paperwhite, Amazon đã kết hợp những yếu tố lợi ích của sản phẩm (có thể dùng bằng một tay khi đọc, tuổi thọ của pin kéo dài hơn sản phẩm của đối thủ cạnh tranh,…) với những thứ người dùng có thể tránh được khi sử dụng sản phẩm (màn hình không chói dưới ánh mặt trời, đọc không mỏi mắt).
7. Viết bản nháp mô tả sản phẩm đầu tiên
Nhiệm vụ viết bản nháp đầu tiên sẽ không còn khó khăn khi mà bạn đã xác định được chân dung khách hàng và lên kế hoạch phát triển nội dung. Điều đầu tiên cần làm là bạn hãy dành thời gian đọc lại danh sách các lợi ích, tính năng, mục tiêu, sự phản đối (nếu có) và sắp xếp chúng theo thứ tự khoa học sao cho khách hàng có thể theo dõi dễ dàng.
Trường hợp danh sách đó ngắn, hãy sắp xếp lần lượt từ lợi ích quan trọng nhất rồi mới tới lợi ích kém nhất. Còn nếu danh sách dài hơn, đừng chọn sắp xếp theo lợi ích, hãy chọn chủ đề. Ví dụ, đặc trưng thiết kế chính là chủ đề được Apple lựa chọn mô tả.
Hãy nhắc tới toàn bộ những lợi ích mà sản phẩm của bạn có, và khẳng định có thể thách thức mọi phản đối, nội dung mô tả của bạn sẽ cực kỳ thuyết phục. Ví dụ, nếu bạn chào hàng với giá cao, hãy chứng minh cho khách hàng thấy mức giá đó hoàn toàn phù hợp với giá trị sản phẩm mà bạn cung cấp cho họ. Hoặc nếu bạn cung cấp ứng dụng, người mua sẽ vì sự phức tạp mà do dự, hãy giúp khách hàng đăng ký, sử dụng nhanh chóng bằng việc hướng dẫn họ.
Để có một bản chính đầy thu hút, bản nháp đầu tiên này phải thực sự đầy ắp ý tưởng và tràn trề năng lượng. Hãy chú tâm vào ý tưởng thay vì lỗi ngữ pháp hay chính tả vì sẽ còn giai đoạn chỉnh sửa sau cùng.
8. Chỉnh sửa bản nháp để tăng tính thuyết phục
Giai đoạn này bạn chưa chỉnh sửa lỗi ngữ pháp hay chính tả nhé, mà hiểu nôm na là chỉnh sửa thêm bớt để thuyết phục, lôi cuốn hơn.
Đầu tiên bạn phải kiểm tra lại danh sách lợi ích và đặc tính xem mình có bỏ qua điều gì hay không. Tiếp theo là kiểm tra mức độ tương tác. Nội dung bạn mô tả hướng vào công ty hay khách hàng? Cách nhận biết là, nếu sử dụng từ “bạn”, nhiều hơn các từ “tôi”, “chúng tôi” hay tên thương hiệu, sản phẩm thì nội dung tương tác sẽ tốt hơn.
Rút gọn lại những câu quá dài, thay thế những từ khó hiểu bằng từ đơn nghĩa giúp khách hàng tiếp cận dễ hơn. Đừng ngần ngại sử dụng các từ nối như “bởi”, “và” hay “nhưng” khi bắt đầu câu, vì ngay cả những copywriters xuất sắc của Apple cũng thực hiện như vậy.
Những cụm từ chung chung nên được mô tả chi tiết hơn khách hàng sẽ thêm tin tưởng vào sản phẩm, dịch vụ của bạn. Ví dụ, thay vì dùng cụm từ “Dịch vụ khách hàng xuất sắc” để thể hiện cam kết bạn sẽ chăm sóc khách hàng tốt hãy khẳng định “Chúng tôi sẽ trả lời thắc mắc của bạn trong vòng 24 giờ”.
Số liệu chính là minh chứng khách quan thuyết phục khách hàng cao nhất, họ sẽ dừng lại xem xét và thêm tin tưởng vào sản phẩm của công ty bạn. Bởi vậy đừng quên nó.
Cuối cùng, hãy đọc thành tiếng bản mô tả sản phẩm của mình và tự kiểm chứng xem có câu nào bị vấp không. Mô tả như vậy đã đủ hấp dẫn hay chưa? Khách hàng khi đọc mô tả này có mua hàng hay không? Để có thể thuyết phục người mua rút ví trả tiền, bạn phải có một bài viết mô tả sản phẩm hay đúng nghĩa.
9. Tối ưu hóa mô tả sản phẩm cho công cụ tìm kiếm
Bạn sử dụng những từ ngữ mà chân dung khách hàng mục tiêu thường dùng để mô tả, thì khi muốn biết về sản phẩm, dịch vụ họ sẽ đánh những cụm từ đó vào để tìm kiếm trên Google, vậy là bạn đã thực hiện tối ưu hóa mô tả sản phẩm cho các công cụ tìm kiếm rồi đó.
Khi thực hiện nhiệm vụ này, bạn cần chú ý những điều sau:
- Hạn chế sử dụng các thuật ngữ chuyên môn, chỉ dùng khi khách hàng mục tiêu cũng dùng các từ đó.
- Sử dụng cụm từ khóa ở tiêu đề ảnh, Alt tag và mô tả hình ảnh để tối ưu hình ảnh minh họa cho sản phẩm, dịch vụ.
- Đưa các cụm từ khóa vào trong tiêu đề chính, tiêu đề phụ và thân bài một cách hài hòa.
Tuy nhiên, bạn phải nhận định rõ việc tối ưu cho công cụ tìm kiếm chỉ đứng thứ hai, viết cho khách hàng trước mới quan trọng, là nhiệm vụ cần hoàn thành đầu tiên.
10. Cách viết bài mô tả sản phẩm hay đầy lôi cuốn
Khi bắt đầu viết, đừng áp lực mình sẽ mô tả sản phẩm như thế nào cho hay mà hãy nghĩ về khách hàng. Mình sẽ giúp cho cuộc sống của họ thoải mái, vui vẻ, giàu có hơn không? Lợi ích nào của sản phẩm giúp mình trả lời được câu hỏi trên. Đây sẽ là cách viết mô tả sản phẩm, dịch vụ giúp bạn dễ dàng thu hút và thuyết phục khách hàng, nhanh chóng tăng doanh số bán hàng.
Một lưu ý đó là hãy viết bản thảo trong tâm trạng thoải mái, phấn chấn và vào lúc bạn có suy nghĩ tích cực bởi chúng ta thường có câu “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Tâm trạng của bạn sẽ tác động rất lớn đến nội dung. Đừng bận tâm đến những lỗi chính tả, ngữ pháp, hãy để dòng chảy sáng tạo của bạn liên tục. Công việc soát lại văn bản hãy để sau này.