Nghề kế toán là gì? Những quy định chung về nghề kế toán hiện nay
Thưa Luật sư, tôi là chủ một doanh nghiệp tư nhân và đang có nhu cầu tuyển dụng kế toán cho đơn vị. Vậy luật sư có thể cho tôi biết những quy định về kế toán theo pháp luật hiện nay là gì? Mong được Luật sư giải đáp, cám ơn Luật sư
Cơ sở pháp lý:
– Luật Kế toán năm 2015;
– Nghị định 174/2016/NĐ-CP hướng dẫn Luật Kế toán
Mục Lục
1. Nghề kế toán là gì?
Hiện nay có nhiều khái niệm về kế toán, do nhiều cách tiếp cận khác nhau mà có nhiều định nghĩa khác nhau và có nhiệu cuộc tranh tranh luận rằng “Kế toán là khoa học hay kế toán là nghệ thuật”. Sau đây, xin giới thiệu với các bạn một số định nghĩa về kế toán trong và ngoài nước.
1.1. Các định nghĩa về kế toán của Việt Nam
– Trên trang web kiểm toán thì “Kế toán được định nghĩa là một hệ thống thông tin đo lường , xử lý và cung cấp thông tin hữu ích cho việc đưa ra các quyết định điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp”
– Theo VCCI “Kế toán là nghệ thuật thu nhận, xử lý và cung cấp thông tin về toàn bộ tài sản và sự vận động của tài sản (hay là toàn bộ thông tin về tài sản và các hoạt động kinh tế tài chính) trong doanh nghiệp nhằm cung cấp những thông tin hữu ích cho việc ra các quyết định về kinh tế – xã hội và đánh giá hiệu quả của các hoạt động trong doanh nghiệp”
– Theo Luật kế toán Việt Nam 2015 “Kế toán quản trị là việc thu thập, xử lý, phân tích và cung cấp thông tin kinh tế, tài chính theo yêu cầu quản trị và quyết định kinh tế, tài chính trong nội bộ đơn vị kế toán.”
1.2. Các định nghĩa về kế toán các nước trên thế giới
– Trong “Báo cáo về lý thuyết kế toán căn bản” của hiệp hội Hoa kỳ thì “Kế toán là một tiến trình ghi nhận, đo lường, và cung cấp các thông tin kinh tế nhằm hỗ trợ cho các đánh giá và các quyết định của người sử dụng thông tin”
– Trong thông báo số 4 của Uy ban nguyên tắc kế toán Mỹ (APB) thì “Kế toán là một dịch vụ. Chức năng của nó là cung cấp thông tin định lượng được của các tổ chức kinh tế, chủ yếu là thông tin tài chính giúp người sử dụng đề ra các quyết định kinh tế”
– Đơn giản Giáo sư tiến sỹ Robert Anthony – một nhà nghiên cứu lý luận kinh tế nội tiếng của trường Đại học Harvard của Mỹ cho rằng “Kế toán là ngôn ngữ kinh doanh”
– Liên đoàn kế toán quốc tế (IFAC) thì cho rằng: “Kế toán là nghệ thuật ghi chép, phân loại tổng hợp theo một cách riêng có bằng những khoản tiền các nghiệp vụ và các sự kiện mà chúng có ít nhất một phần tính chất tài chính và trình bày kết quả của nó”
==> Nhưng nhìn chung, lại thì những định nghĩa đều thống nhất và chúng ta có thể hiểu một cách đơn giản về ngành Kế toán như sau: Kế có nghĩa là liệt kê, ghi chép những của cải, tài sản, hoạt động của đơn vị, tổ chức; Toán là tính toán, tính ra kết quả lao động mà còn người đạt được.
==> Vậy kế toán là gì? Đó là công việc ghi chép, thu nhận, xử lý và cung cấp các thông tin về tình hình hoạt động kinh tế tài chính của một tổ chức, doanh nghiệp, cơ quan,… Nói chuyên sâu hơn, kế toán là ngành thực hiện quá trình thu nhận, xử lý và cung cấp thông tin về toàn bộ tài sản, nguồn hình thành tài sản và sự vận động tài sản trong doanh nghiệp, tổ chức, từ đó cung cấp thông tin tài chính hữu ích cho việc đưa ra những quyết định về kinh tế – xã hội và đánh giá hiệu quả các hoạt động trong doanh nghiệp.
2. Nhiệm vụ, yêu cầu và nguyên tắc của nghề kế toán hiện nay
2.1 Nhiệm vụ kế toán là gì?
Theo Điều 4 Luật Kế toán năm 2015, nghề kế toán có 4 nhiệm vụ sau đây:
1. Thu thập, xử lý thông tin, số liệu kế toán theo đối tượng và nội dung công việc kế toán, theo chuẩn mực kế toán và chế độ kế toán.
2. Kiểm tra, giám sát các khoản thu, chi tài chính, nghĩa vụ thu, nộp, thanh toán nợ; kiểm tra việc quản lý, sử dụng tài sản và nguồn hình thành tài sản; phát hiện và ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật về tài chính, kế toán.
3. Phân tích thông tin, số liệu kế toán; tham mưu, đề xuất các giải pháp phục vụ yêu cầu quản trị và quyết định kinh tế, tài chính của đơn vị kế toán.
4. Cung cấp thông tin, số liệu kế toán theo quy định của pháp luật.
2.2 Yêu cầu kế toán là gì?
Theo Điều 5 Luật Kế toán năm 2015, nghề kế toán có các yêu cầu sau đây:
1. Phản ánh đầy đủ nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh vào chứng từ kế toán, sổ kế toán và báo cáo tài chính.
2. Phản ánh kịp thời, đúng thời gian quy định thông tin, số liệu kế toán.
3. Phản ánh rõ ràng, dễ hiểu và chính xác thông tin, số liệu kế toán.
4. Phản ánh trung thực, khách quan hiện trạng, bản chất sự việc, nội dung và giá trị của nghiệp vụ kinh tế, tài chính.
5. Thông tin, số liệu kế toán phải được phản ánh liên tục từ khi phát sinh đến khi kết thúc hoạt động kinh tế, tài chính, từ khi thành lập đến khi chấm dứt hoạt động của đơn vị kế toán; số liệu kế toán kỳ này phải kế tiếp số liệu kế toán của kỳ trước.
6. Phân loại, sắp xếp thông tin, số liệu kế toán theo trình tự, có hệ thống và có thể so sánh, kiểm chứng được.
2.3 Nguyên tắc của nghề kế toán là gì?
Theo Điều 6 Luật Kế toán năm 2015, nghề kế toán có các nguyên tắc sau đây:
1. Giá trị tài sản và nợ phải trả được ghi nhận ban đầu theo giá gốc. Sau ghi nhận ban đầu, đối với một số loại tài sản hoặc nợ phải trả mà giá trị biến động thường xuyên theo giá thị trường và giá trị của chúng có thể xác định lại một cách đáng tin cậy thì được ghi nhận theo giá trị hợp lý tại thời điểm cuối kỳ lập báo cáo tài chính.
2. Các quy định và phương pháp kế toán đã chọn phải được áp dụng nhất quán trong kỳ kế toán năm; trường hợp thay đổi các quy định và phương pháp kế toán đã chọn thì đơn vị kế toán phải giải trình trong báo cáo tài chính.
3. Đơn vị kế toán phải thu thập, phản ánh khách quan, đầy đủ, đúng thực tế và đúng kỳ kế toán mà nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh.
4. Báo cáo tài chính phải được lập và gửi cơ quan có thẩm quyền đầy đủ, chính xác và kịp thời. Thông tin, số liệu trong báo cáo tài chính của đơn vị kế toán phải được công khai theo quy định tại Điều 31 và Điều 32 của Luật này.
5. Đơn vị kế toán phải sử dụng phương pháp đánh giá tài sản và phân bổ các khoản thu, chi một cách thận trọng, không được làm sai lệch kết quả hoạt động kinh tế, tài chính của đơn vị kế toán.
6. Việc lập và trình bày báo cáo tài chính phải bảo đảm phản ánh đúng bản chất của giao dịch hơn là hình thức, tên gọi của giao dịch.
7. Cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị sự nghiệp sử dụng ngân sách nhà nước ngoài việc thực hiện quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5 và 6 Điều này còn phải thực hiện kế toán theo mục lục ngân sách nhà nước.
3, Những hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động kế toán là gì?
Luật Kế toán năm 2015 nghiêm cấm những hành vi sau đây:
– Giả mạo, khai man hoặc thỏa thuận, ép buộc người khác giả mạo, khai man, tẩy xóa chứng từ kế toán hoặc tài liệu kế toán khác.
– Cố ý, thỏa thuận hoặc ép buộc người khác cung cấp, xác nhận thông tin, số liệu kế toán sai sự thật.
– Để ngoài sổ kế toán tài sản, nợ phải trả của đơn vị kế toán hoặc có liên quan đến đơn vị kế toán.
– Hủy bỏ hoặc cố ý làm hư hỏng tài liệu kế toán trước khi kết thúc thời hạn lưu trữ quy định tại Điều 41 của Luật này.
– Ban hành, công bố chuẩn mực kế toán, chế độ kế toán không đúng thẩm quyền.
– Mua chuộc, đe dọa, trù dập, ép buộc người làm kế toán thực hiện công việc kế toán không đúng với quy định của Luật này.
– Người có trách nhiệm quản lý, điều hành đơn vị kế toán kiêm làm kế toán, thủ kho, thủ quỹ, trừ doanh nghiệp tư nhân và công ty trách nhiệm hữu hạn do một cá nhân làm chủ sở hữu.
– Bố trí hoặc thuê người làm kế toán, người làm kế toán trưởng không đủ tiêu chuẩn, điều kiện quy định tại Điều 51 và Điều 54 của Luật này.
– Thuê, mượn, cho thuê, cho mượn chứng chỉ kế toán viên, Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán dưới mọi hình thức.
– Lập hai hệ thống sổ kế toán tài chính trở lên hoặc cung cấp, công bố các báo cáo tài chính có số liệu không đồng nhất trong cùng một kỳ kế toán.
– Kinh doanh dịch vụ kế toán khi chưa được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán hoặc hành nghề dịch vụ kế toán khi không bảo đảm điều kiện quy định của Luật này.
– Sử dụng cụm từ “dịch vụ kế toán” trong tên gọi của doanh nghiệp nếu đã quá 06 tháng kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mà vẫn không được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán hoặc doanh nghiệp đã chấm dứt kinh doanh dịch vụ kế toán.
– Thuê cá nhân, tổ chức không đủ điều kiện hành nghề, điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán cung cấp dịch vụ kế toán cho đơn vị mình.
– Kế toán viên hành nghề và doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán thông đồng, móc nối với khách hàng để cung cấp, xác nhận thông tin, số liệu kế toán sai sự thật.
– Các hành vi bị nghiêm cấm khác theo quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng trong hoạt động kế toán.
4. Thuận lợi và khó khăn trong nghề
a. Những thuận lợi từ ngành kế toán
– Kế toán luôn là ngành nghề hot đối với doanh nghiệp. Các bạn phải hiểu rằng, bất kì doanh nghiệp nào hoạt động cũng cần đến kế toán. Điều này mang đến cho dân kế toán cơ hội việc làm vô cùng rộng lớn.
– Đối với kế toán, muốn được thăng tiến là chuyện không quá khó khăn. Có thể bạn khởi đầu với vị trí thấp như nhân viên kế toán kh0 hay là một thủ quỹ bì thương, nhưng khi bạn làm việc nghiêm túc, chăm chỉ, nổ lực thì thăng tiến trong công ty là việc đơn giản. Bạn sẽ dần đi đến vị trí kế toán tổng hợp, kế toán trưởng và thậm chí có thể đặt chân vào ngôi vị giám đốc tài chính
– Kế toán sẽ khác với các công việc dịch vụ, marketing. Bạn sẽ làm việc 8 tiếng mỗi ngày và rồi sau đó vứt lại tất cả ở văn phòng để về nhà thoải mái cũng gia đính.
b. Khó khăn của ngành kế toán
– Chính vì sợ thông dụng và cần thiết của kế toán đã dẫn đến tỉ lệ chọi khi xin việc khá cao. Mọi người đều nhìn thấy kế toán khá hot và cần thiết với doanh nghiệp và đổ xô đi học rất nhiều. Điều này làm cho đầu vào các trường đào tạo chính qui sẽ rất cao và khi ra trường thì cạnh tranh công việc cũng không hề thấp. Nhưng khi bạn đã có kinh nghiệm làm việc thì mọi thứ sẽ dần trở nên dễ dàng hơn rất nhiều
– Mức lương khi mới vào ngành sẽ không cao. Bạn sẽ cảm thấy thất vọng vì điều này? Không nên bạn nhé, bởi điều này khá dễ hiểu, vì trường học chỉ cho bạn những lý thuyết xuông không có tính thực tế. Vậy nên hãy kiên trì một thời gian rồi bạn sẽ đạt được điều mình muốn.
– Công việc của kế toán phải đối diện với những con số, đòi hỏi sự chính xác tuyệt đối. Đồng thời khi làm việc, bạn phải suy nghĩ nhiều, các bảng thống kế và thu chi thì lại rất phức tạp. Nếu bạn yêu thích nghề này thì những khó khăn này không thể đẩy lùi bạn.
MK LAW FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến luật sư, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)
Trên đây là nội dung Luật Minh Khuê đã sưu tầm và biên soạn. Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề hoặc/ và có sự vướng ngại, thắc mắc, chúng tôi rất mong nhận được ý kiến phản hồi của quý khách hàng. Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài gọi số: 1900.6162 hoặc liên hệ văn phòng để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Minh Khuê.
Rất mong nhận được sự hợp tác!
Trân trọng./.