Nghề giáo viên là gì? Ý nghĩa và tầm quan trọng của nghề giáo viên?

Từ trước đến nay, bất kể trong thời kỳ nào thì nghề dạy học, trong đó có nghề giáo viên vẫn luôn được coi là nghề cao quý và được xã hội tôn trọng và tôn vinh. Vậy nghề giáo viên là gì? Ý nghĩa và tầm quan trọng của nghề giáo viên? Hãy cùng Luật Minh Khuê tìm hiểu trong bài viết lần này nhé.

1. Nghề giáo viên là gì?

Giáo viên hay nghề giáo viên (trong tiếng Anh gọi là “teacher”) được coi là người giảng dạy, giáo dục cho học sinh, lên kế hoạch, tiến hành các tiết dạy học, thực hành và phát triển các khóa học nằm trong chương trình giảng dạy của nhà trường đồng thời cũng là người kiểm tra, ra đề, chấm điểm thi cho học sinh để đánh giá chất lượng từng người.

Hiện nay, giáo viên được phân chia thành rất nhiều loại theo nhiều căn cứ. Theo đó, nếu căn cứ vào cấp dạy học, ta có giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học, giáo viên trung học cơ sở và giáo viên trung học phổ thông. Còn nếu căn cứ vào môn học giảng dạy, ta có giáo viên âm nhạc, giáo viên toán, giáo viên ngữ văn, giáo viên lịch sử, giáo viên địa lý, giáo viên mỹ thuật, giáo viên giáo dục công dân, giáo viên thể dục, giáo viên tiếng Anh, …

 

2. Ý nghĩa và tầm quan trọng của nghề giáo viên

Sinh thời, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng nói: “Nghề dạy học là nghề cao quý bậc nhất trong những nghề cao quý”. Tại sao lại nói nghề giáo là nghề cao quý? Tại sao chỉ nghề giáo là nghề cao quý? Thật ra, nghề nào cũng là nghề, nghề nào cũng phải có trách nhiệm, cũng cao quý cả. Nhưng nghề giáo lại đặc biệt, đặc biệt ở chỗ không chỉ mang lại cho chúng ta tri thức mà cả vốn sống, cả nhân cách nữa. Giáo dục một con người không chỉ là trang bị cho họ một kiến thức tốt, vững vàng mà phải làm cho con người đó có một nền tảng về cách đối nhân xử thế, trang bị cho họ những kỹ năng, kinh nghiệm cần thiết trong cuộc sống.

Và như vậy, nghề giáo nói chung, nghề giáo viên nói riêng luôn có ý nghĩa vô cùng đặc biệt, đối với cả những người lựa chọn nó làm định hướng theo đuổi trong tương lai, và những người được nhận lại những lợi ích từ nó nữa. Bởi lẽ:

  • Nghề giáo viên thật sự là một nghề vô cùng cao quý. Nghề giáo viên đã góp phần đào tạo và cho ra đời thế hệ học trò, những mầm non tương lai có vai trò quyết định tới sự phát triển của đất nước. Vì vậy, không gì có thể đếm được công lao vất vả của những người thầy giáo, cô giáo trong sự nghiệp trồng người cho đến mãi về sau.
  • Nghề giáo viên được xem là một nghề vinh quang, và vì thế để trở thành một người thầy, cô giáo chân chính, chúng ta sẽ phải lao động thật nghiêm túc, không ngừng học tập để nâng cao trình độ của mình cũng như phải luôn luôn tu dưỡng đạo đức. Bên cạnh đó người làm nghề giáo viên cũng là người cần có bản lĩnh, tính nhẫn nhịn và không được cho phép mình được bất mãn trước học trò dẫn đến những tổn thương đáng tiếc. Rèn luyện bản thân thật tốt để trở thành một người thầy giáo, cô giáo thương yêu học trò, dìu dắt các em đến thành công trong học tập cũng như trong cuộc sống.

Có thể thấy rằng, nghề giáo viên đòi hỏi nhiều về phẩm chất đạo đức, nhân cách và thiên về sự gương mẫu, yêu nghề bên cạnh yêu cầu tối thiểu là năng lực. Tuy có áp lực nhất định nhưng nghề này cũng rèn luyện cho chúng ta được sự chủ động, kiên nhẫn trong công việc từ soạn giáo án, giảng bài, kiểm tra, chấm bài, … Vì thế, để gắn bó được với nghề giáo viên và trở thành người thầy tốt, chúng ta cần có định hướng đúng năng lực và nguyện vọng của mình, để có thể quyết tâm đi cùng nó trong chặng đường tương lai sau này của mình.

Đối với mỗi chúng ta, có con đường nào đến thành công mà không qua những khổ công rèn luyện, phải trải biết bao gian lao, vất vả. Trong những khó nhọc, chông gai đó, chính những người thầy giáo, cô giáo đã tiếp bước, đã thắp và giữ ngọn lửa niềm tin, ngọn lửa tri thức. Người thầy, cô giáo với vai trò định hướng đã làm tròn trách nhiệm đưa chúng ta qua sông bằng chính chiếc đò tri thức của mình. Để từ đó, mỗi chúng ta phải vươn ra biển lớn bằng sức lực, bằng trí tuệ và bằng lời bảo ban của thầy cô.

 

3. Phân biệt nghề giáo viên với nghề giảng viên

Theo quy định tại khoản 1 Điều 66 Luật Giáo dục năm 2019 thì:

“Nhà giáo giảng dạy ở cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục khác, giảng dạy trình độ sơ cấp, trung cấp gọi là giáo viên; nhà giáo giảng dạy từ trình độ cao đẳng trở lên gọi là giảng viên.”

Có thể thấy rằng, tuy đều là những người làm nghề dạy học ở các trường nhưng giáo viên và giảng viên lại có sự khác biệt. Theo đó, sự khác biệt lớn nhất giữa giảng viên và giáo viên chính là giảng viên sẽ dạy từ trình độ cao đẳng trở lên, còn giáo viên thì giảng dạy từ bậc trung học phổ thông trở xuống. Hơn nữa, giáo viên thường sẽ chỉ tập trung giảng dạy cho một trường, còn giảng viên thì lại có thể tham gia giảng dạy cho nhiều trường, vì thời giờ giảng dạy của giảng viên luôn linh hoạt hơn so với giáo viên. Dưới đây là bảng các tiêu chí cụ thể nhằm phân biệt nghề giáo viên với nghề giảng viên:

Tiêu chí
Nghề giáo viên
Nghề giảng viên

Trình độ giảng dạy
Mầm non, giáo dục phổ thông, sơ cấp, trung cấp
Từ cao đẳng trở lên

Thời gian làm việc
Thời gian làm việc là 42 tuần và tùy vào từng cấp học để phân rõ thời gian cụ thể của mỗi nhiệm vụ
44 tuần (tương đương 1760 giờ hành chính)

Nhiệm vụ trong năm học

– Giảng dạy

– Học tập, bồi dưỡng và nâng cao trình độ

– Chuẩn bị năm học mới

– Tổng kết năm học

– Giảng dạy

– Nghiên cứu khoa học

– Phục vụ cộng đồng

– Thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn khác

Định mức tiết dạy
Tùy thuộc vào từng cấp học mà sẽ có số tiết lý thuyết hoặc thực hành chuẩn bắt buộc của mỗi giáo viên phải giảng dạy trong một tuần
Được tính trong một năm học từ 200 đến 350 giờ chuẩn giảng dạy (tương đương từ 600 đến 1050 giờ hành chính)

Chế độ nghỉ hè
02 tháng (bao gồm cả nghỉ hàng năm), được hưởng nguyên lương và các phụ cấp (nếu có)
Không quy định cụ thể mà chỉ yêu cầu về thời gian làm việc của giảng viên, còn thời gian nghỉ sẽ phụ thuộc vào giảng viên và cơ sở giảng viên làm việc

 

4. Phân biệt nghề giáo viên với nghề giáo

Những người làm nghề giáo (hay còn gọi là nghề dạy học) khi khai hồ sơ cá nhân ở mục nghề nghiệp hẳn đều ghi là “giáo viên” bởi gần như mặc định “giáo viên” là định danh về mặt nghề nghiệp cho công việc đó, tương tự như bác sĩ, kỹ sư, công nhân, nhà báo, … Tuy nhiên, suy cho cùng, dạy học và giáo viên không phải là những từ có nội hàm giống hệt nhau. Cũng như bác sĩ chưa hẳn là thầy thuốc, bởi tuy họ có nghề nghiệp là bác sĩ nhưng họ có thể không còn hành nghề đó hoặc đã chuyển sang làm công tác quản lý.

Nói về nghề giáo, người ta có khá nhiều từ để định danh như: Nghề “gõ đầu trẻ”, “bán cháo phổi”, “thầy giáo hay cô giáo”, “kỹ sư tâm hồn”, … Từ “giáo viên”, nếu hiểu đơn giản ở góc độ chữ nghĩa có thể là “viên chức làm nghề giáo (nghề dạy học)” nhưng khi chuyển từ nghề dạy học sang giáo viên thì đã có sự khác biệt nhiều về ý nghĩa, về sự nhìn nhận.

Do đó, sự khác biệt giữa nghề giáo viên và nghề giáo nên được hiểu như sau: Khi nói đến giáo viên là nói đến một loại chức nghiệp, để nhằm xếp hạng trong các thang bảng về mặt lương bổng, về mặt ngạch trật hơn là sự nhìn nhận về công việc, tính chất công việc hoặc phẩm cách nghề nghiệp. Khi muốn làm giáo viên phải có những tiêu chí theo quy định (chẳng hạn, có trình độ học vấn (bằng cấp) nhất định, các chứng chỉ kèm theo, được tuyển dụng hoặc ký hợp đồng, có độ tuổi phù hợp, …); nhưng còn làm nghề dạy học hoặc làm công việc dạy học thì không nhất thiết có những đòi hỏi đó. Người mới 14 tuổi cũng có thể làm công việc dạy học cho các em nhỏ hơn hoặc cho người học lớp thấp hơn, có trình độ thấp hơn. Người chưa từng qua trường lớp sư phạm, chưa đậu bằng cấp gì đáng kể vẫn có thể tự tổ chức lớp học theo điều kiện của mình (lớp dạy kèm, lớp tình thương, …). Người đã nghỉ hưu vẫn có thể tổ chức lớp dạy kèm từng môn hoặc đứng lớp vỡ lòng cho trẻ em, cho người mù chữ, … Nhưng những người như thế này lại không thể được coi là đang làm “giáo viên”.

Khi phân biệt ở khía cạnh trên, có người sẽ cho rằng nghề dạy học và giáo viên khác nhau ở chỗ là được trả lương. Giáo viên được nhận lương từ nhà trường (từ ngân sách nhà nước hoặc ngân sách của trường) và theo thang bậc, thâm niên cùng các mức cụ thể khác theo quy định của pháp luật, hoặc theo thỏa thuận giữa nhà trường và giáo viên. Còn người dạy học không phải là giáo viên có thể được trả thù lao (dạy kèm, dạy thêm,…) hoặc không được trả thù lao (dạy học với tính chất là công việc xã hội).

Thế nhưng, có lẽ sự khác nhau nhiều hơn cả là về sự thể hiện tình cảm, gắn bó, tư cách của nghề dạy học và nghề giáo viên. Xét nhiều mặt, nghề dạy học (hay công việc dạy học) đòi hỏi sự tận tụy, yêu nghề, yêu trẻ, tôn trọng người học, có sự chăm chút cho công việc của mình, đồng thời thường thể hiện phong thái, tư cách nhất định, ít nhiều được mặc định với công việc đó. Và vì vậy, nghề giáo viên thường được gắn với những phẩm chất nhất định về tri thức, về thái độ, về tình cảm, về đạo đức, …, mà nếu thiếu những điều đó thì sẽ không được coi là nhà giáo hoặc không đủ sự nhìn nhận về một nhà giáo.

Tóm lại, một giáo viên không chỉ làm tròn trách nhiệm, mà còn cao hơn các yêu cầu theo chức trách của mình thì lúc đó sẽ đạt đến tiêu chí của nghề giáo, của người thầy. Người giáo viên dạy hết giờ, xong bài học, bảo đảm tiến độ theo chương trình, thực hiện đúng các quy định theo chức trách của mình, …, là đã tròn vai giáo viên. Nhưng người đó dành thời gian, tâm sức, tình cảm để khích lệ những học sinh học chưa thật tốt vươn lên, giúp đỡ học sinh nghèo có thêm điều kiện học tập, gợi mở cho học sinh có tư chất nâng cao năng lực của mình, làm lan tỏa lý tưởng, lối sống đẹp đến với người học, … thì có thể đã làm tốt vai người thầy, vai người dạy học của mình.

Trên đây là toàn văn bài viết của Luật Minh Khuê về nghề giáo viên là gì? Ý nghĩa và tầm quan trọng của nghề giáo viên? Hi vọng chúng tôi đã cung cấp cho các bạn những thông tin hữu ích. Luật Minh Khuê xin trân trọng cảm ơn.