Nghề giáo – Nghề cao quý
2,798 lượt xem
1
lượt thích
Nghề giáo – nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý, một nghề với vô vàn những nỗi gian truân vất vả. Lòng nhiệt huyết và đạo đức của người thầy bao năm qua đã kết tinh thành những cống hiến tận tuỵ thầm lặng, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để đạt được những kết quả và thành tích đáng tự hào của toàn ngành Giáo dục Thái Bình trong năm học qua.
Những ai đã từng ngồi trên ghế nhà trường có lẽ không bao giờ quên được dáng hình những người thầy đứng trên bục giảng truyền đạt những kiến thức, bài học đầy nhiệt huyết để học sinh có hành trang bước vào đời. Nhưng phía sau tấm bảng đen phấn trắng ấy, không phải ai cũng có thể hiểu thấu được những khó khăn vất vả mà các thầy cô giáo đang gồng gánh.
Người thầy ngày ngày đứng trên bục giảng truyền đạt những kiến thức để học sinh có hành trang bước vào đời
NỖI VẤT VẢ CỦA GIÁO VIÊN NGÀY NAY
Những dãy bàn học lẽ ra chỉ có 2 chỗ ngồi dành cho 2 học sinh. Thế nhưng, tại các lớp học, cứ 3 học sinh thì được xếp vào 1 bàn có 2 chỗ ngồi. Theo quy định hiện hành, một lớp khối tiểu học sĩ số tối đa là 35 em. Tuy nhiên, tại nhiều trường học, nhất là các trường trong khu vực thành phố, sĩ số đều rất đông. Thậm chí nhiều lớp có tới 60-70 học sinh.
Những lớp học đông học sinh không chỉ vất vả cho cô mà còn ảnh hưởng đến học sinh
Cô Phan Thị Bích, Trường tiểu học Lý Tự Trọng, thành phố Thái Bình
Lớp đông chúng tôi rất là vất vả, vào lớp nói mà chúng tôi mất hết cả tiếng. Trong giờ học là chúng tôi giảng bài học cho học sinh, còn toàn bộ phần chấm bài chúng tôi hoàn toàn làm ngoài giờ như giờ ra chơi, giờ nghỉ trưa, và buổi tối để chấm bài.
Theo quy định, với bậc mầm non, mỗi lớp học có 2 giáo viên đứng lớp. Nhưng trên thực tế tại nhiều trường như trường mầm non Lê Tư Thành, huyện Hưng Hà thì mỗi lớp chỉ có 1 giáo viên phụ trách. Cơ sở vật chất thiếu thốn, sĩ số mỗi lớp quá tải, trong khi học sinh lại nhỏ tuổi, hiếu động và chưa biết cách tự phục vụ bản thân.
Giáo viên mầm non không chỉ đứng lớp giảng dạy mà phải lo từ bữa ăn, giấc ngủ đến tình hình sức khoẻ của con trẻ
Cô Đinh Thị Len, Trường mầm non Lê Tư Thành, xã Đông Đô, huyện Hưng Hà
Phụ huynh giao cho chúng tôi từ việc học, từ bữa ăn, giấc ngủ đến tình hình sức khoẻ của các con, lớp lại đông, giáo viên thì thiếu nên gánh nặng trên vai chúng tôi rất là lớn.
Đặc biệt năm học qua, khoảng thời gian học sinh tạm dừng đến trường để phòng dịch Covid19, nhiều giáo viên hợp đồng phải nghỉ dạy và không có lương. Cô giáo Đỗ Thị Hạnh, giáo viên Trường mầm non thị trấn Diêm Điền, huyện Thái là một trong những trường hợp như thế. Là giáo viên mầm non đã vật vả, lại chỉ là giáo viên hợp đồng với đồng lương eo hẹp, chi phí sinh hoạt cho một gia đình 3 người vẫn phải duy trì, buộc cô phải làm thêm các công việc khác để có tiền trang trải.
Cô Đỗ Thị Hạnh, Trường mầm non thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thuỵ
Hàng ngày tôi đi làm thêm bằng việc bóc tôm, làm cá, ra biển bắt con ngao, con sò về trang trải cuộc sống hàng ngày. Cũng mong cuộc sống ổn định để gia đình đỡ vất vả.
Năm học qua dẫu có có nhiều khó khăn do bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid19, nhưng với tinh thần sáng tạo, tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy để phù hợp với tình hình thực tế, các thầy cô giáo vận dụng linh hoạt nhiều hình thức dạy học, nên chất lượng giáo dục của tỉnh Thái Bình vẫn đạt được những kết quả đáng tự hào.
KHÔNG NGỪNG CỐNG HIẾN
Trong suốt thời gian học sinh tạm dừng đến trường để phòng dịch, nhiều thầy cô giáo tại các vùng nông thôn còn nổi tiếng trên Youtube với những video bài giảng gần gũi, dễ nhớ. Như thầy giáo Trần Xuân Kháng đã dành tâm huyết cho kênh Youtube dạy Toán và Tiếng Việt với 5.000 lượt theo dõi, hơn 100 bài giảng.
Thầy “Youtube” Trần Xuân Kháng
Thầy giáo Trần Xuân Kháng, Trường tiểu học Điệp Nông, huyện Hưng Hà
Bản thân tôi cũng như rất nhiều giáo viên, bằng sự đam mê đã xây dựng các video up lên youtube, từ đó hướng dẫn học sinh ôn lại bài học cũ nếu cần, học kiến thức mới nếu muốn, có thể trực tiếp chia sẻ và giao lưu với các bạn trên toàn quốc.
Học sinh Nguyễn Minh Chiến, Trường tiểu học Điệp Nông, huyện Hưng Hà
Những video bài giảng của thầy Kháng nội dung rất đa dạng, phong phú. Bài nào không hiểu chúng em thường để lại bình luận và sau đó sẽ được thầy giải đáp. Nhờ những video này mà em có thể hoàn toàn tự học và không cần ai bên cạnh để kèm cặp.
Với những thầy cô giáo cao tuổi, việc sử dụng các thiết bị thông minh để dạy học là điều không hề dễ dàng. Thế nhưng, nhiều thầy cô đã tích cực học hỏi kinh nghiệm từ đồng nghiệp để có thể đáp ứng linh hoạt theo yêu cầu thực tế. Ngoài ra trong mùa dịch, với những gia đình học sinh không có TV, máy tính để học qua truyền hình hay học trực tuyến, nhiều giáo viên như cô Hương lại hỗ trợ các em bằng 1 cách khác.
Hình thức học mạng xã hội, trực tuyến đã ra đời khi có dịch Covid19
Cô giáo Nguyễn Thị Hương, Trường tiểu học và trung học cơ sở An Vũ, huyện Quỳnh Phụ
Thời gian dịch, chúng tôi đã đạp xe tới từng nhà học sinh để phát tài liệu, đề cương ôn tập đến tận tay học sinh.
Trong tình hình hiện nay, dịch Covid19 cơ bản đã ổn định, nhưng các thầy cô giáo vẫn tiếp tục chủ động các phương pháp và hình thức dạy học cho mọi tình huống. Trên cơ sở hiểu sâu và đánh giá đúng về mọi khó khăn, các nhà trường đã tìm ra được những giải pháp để vượt qua và biến khó khăn thành thuận lợi. Kết thúc năm học 2019-2020, tỉ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THPT đạt trên 99%, kết quả kì thi THPT quốc gia tỉnh Thái Bình xếp thứ 11 toàn quốc, tăng 5 bậc so với năm học trước.
Niềm vui đến trường được học
được chơi cùng bạn bè, gặp gỡ thầy cô
Nhà giáo Nguyễn Viết Hiển – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Bình
Chúng tôi đề nghị ngành giáo dục dù khó khăn đến đâu vẫn phải thi đua dạy tốt, học tốt để đảm bảo chất lượng giáo dục. Trong các nhà trường, vai trò của Hiệu trưởng rất quan trọng, phải tạo được quy chế dân chủ. Khi có 1 môi trường sư phạm tốt, giáo viên được quan tâm động viên thì những tiết dạy của giáo viên sẽ thăng hoa và có hiệu quả. Và tôi tin chắc rằng nếu các thầy cô giáo vượt qua khó khăn 1 cách quyết tâm thì chất lượng giáo dục của Thái Bình tiếp tục giữ vững và tiếp tục có những bước phát triển tốt hơn khi thực hiện chương trình cải cách giáo dục phổ thông 2018.
TÔN VINH NGHỀ GIÁO
Cũng chính từ trong những khó khăn, đội ngũ cán bộ giáo viên càng thêm gắn bó, đoàn kết và hoàn thành tốt nhiệm vụ. Thời gian tới ngành Giáo dục Thái Bình tiếp tục đổi mới sáng tạo trong phong trào quản lý tốt, giảng dạy tốt, phục vụ tốt và học tập tốt.
“…Có một nghề bụi phấn bám đầy tay
Người ta bảo đó là nghề trong sạch nhất
Có một nghề không trồng cây vào đất
Lại dâng cho đời những đoá hoa thơm…”
Cô Mai Thị Lịch, Hiệu trưởng Trường mầm non Lê Tư Thành, xã Đông Đô, huyện Hưng Hà
Mỗi một ngày các con đến trường, tôi nhìn thấy các con nở những nụ cười rất là tươi và đặc biệt là sự trưởng thành của các con. Các con ngoan bao nhiêu, các con lớn lên bao nhiêu thì đấy là động lực thôi thúc tôi gắn bó với nghề. Và càng yêu nghề hơn tôi càng gắn bó, cống hiến hết mình. Tôi yêu nghề và sẽ cống hiến hết mình cho nghề mà tôi đã yêu.
Cô giáo Mai Thị Bích Nguyện, Trường tiểu học & THCS An Vũ, huyện Quỳnh Phụ
Chúng tôi sẽ luôn thực hiện tốt khẩu hiệu coi trường học là nhà, coi học sinh là con.
Em Nguyễn Trần Bảo Trân, Trường THPT Phụ Dực, huyện Quỳnh Phụ
Em mong cô mãi nở nụ cười, luôn dành hết nhiệt huyết của mình để giữ lửa và truyền lửa cho các thế hệ học sinh chúng em thành công trên con đường học vấn. Em cảm ơn cô rất nhiều! Em yêu cô!
Ngọc Anh