Nghề Nông nghiệp
Nông nghiệp là ngành sản xuất vật chất cơ bản của xã hội, sử dụng đất đai để trồng trọt và chăn nuôi, khai thác cây trồng và vật nuôi làm tư liệu và nguyên liệu lao động chủ yếu để tạo ra lương thực thực phẩm và một số nguyên liệu cho công nghiệp. Nông nghiệp là một ngành sản xuất lớn, bao gồm nhiều chuyên ngành: trồng trọt, chăn nuôi, sơ chế nông sản; theo nghĩa rộng, còn bao gồm cả lâm nghiệp, thủy sản.
Nông nghiệp là một ngành kinh tế quan trọng trong nền kinh tế của nhiều nước. Trong nông nghiệp cũng có hai loại chính, việc xác định sản xuất nông nghiệp thuộc dạng nào cũng rất quan trọng:
– Nông nghiệp thuần nông hay nông nghiệp sinh nhai là lĩnh vực sản xuất nông nghiệp có đầu vào hạn chế, sản phẩm đầu ra chủ yếu phục vụ cho chính gia đình của mỗi người nông dân. Không có sự cơ giới hóa trong nông nghiệp sinh nhai.
– Nông nghiệp chuyên sâu: là lĩnh vực sản xuất nông nghiệp được chuyên môn hóa trong tất cả các khâu sản xuất nông nghiệp, gồm cả việc sử dụng máy móc trong trồng trọt, chăn nuôi, hoặc trong quá trình chế biến sản phẩm nông nghiệp. Nông nghiệp chuyên sâu có nguồn đầu vào sản xuất lớn, bao gồm cả việc sử dụng hóa chất diệt sâu, diệt cỏ, phân bón, chọn lọc, lai tạo giống, nghiên cứu các giống mới và mức độ cơ giới hóa cao. Sản phẩm đầu ra chủ yếu dùng vào mục đích thương mại, làm hàng hóa bán ra trên thị trường hay xuất khẩu. Các hoạt động trên trong sản xuất nông nghiệp chuyên sâu là sự cố gắng tìm mọi cách để có nguồn thu nhập tài chính cao nhất từ ngũ cốc, các sản phẩm được chế biến từ ngũ cốc hay vật nuôi…
Nông nghiệp không chỉ đơn thuần là ngành trồng trọt ngũ cốc (crops/cereals husbandry) mà tự thân đã bao hàm một chuỗi giá trị liên hoàn của nhiều ngành khác nhau như nương rẫy và rau quả (horticulture), trồng hoa (floriculture), thủy sinh (hydroponics), chăn nuôi (livestock/animal husbandry), v.v., chưa kể còn liên quan chặt chẽ với các ngành kỹ nghệ như kỹ nghệ chế biến thức ăn gia súc (animal feed industry) và trích ly dầu thực vật (solvent extraction industry), và giữ vai trò quan trọng trong các chương trình trồng cây gây rừng (afforestation), trồng cây gây rừng tái lập (reforestation), và nuôi trồng thủy sản (aquaculture)…
Là nước nông nghiệp với nhiều lợi thế từ các sản phẩm nhiệt đới nhưng để biến tiềm năng đó thành hiện thực, làm động lực cho phát triển nền nông nghiệp hàng hóa lớn, sản phẩm có khả năng cạnh tranh thì việc đầu tư vào quá trình đào tạo nguồn nhân lực là cần thiết. Nhóm ngành nông – lâm – ngư nghiệp ở Việt Nam đang chiếm lực lượng lao động lớn nhất (xấp xỉ 50%) nhưng thiếu lao động có trình độ.
Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, nhu cầu nhân lực khu vực nông nghiệp, nông thôn là rất lớn, mỗi năm cả nước cần tới trên 1 triệu lao động, nhưng đội ngũ cán bộ làm nông nghiệp, nông thôn chỉ có khoảng 9% có trình độ đại học, cao đẳng; 39,4% trung cấp và 9,8% sơ cấp… Trước đây, một số ngành học thuộc khối nông nghiệp không hấp dẫn nhưng tương lai đây sẽ là nghề tạo ra cơ hội việc làm lớn nhất.
Theo PGS.TS. Nguyễn Hay – Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh, cho biết các ngành nông học, lâm nghiệp, thú y hiện đang rất thiếu nhân lực so với nhu cầu xã hội “ngay khi các em chưa ra trường, các công ty lớn đã đặt hàng”. Không những dễ xin việc làm, sinh viên các ngành này cũng có cơ hội thăng tiến khá cao. Theo thống kê của phân hiệu của trường tại Gia Lai, có xấp xỉ 30% sinh viên khóa đầu tiên của ngành nông học hiện đã là trưởng-phó phòng tại các cơ quan, công ty trên địa bàn tỉnh.
Một số tố chất cần có khi theo học Nghề Nông nghiệp:
– Yêu thiên nhiên, môi trường
– Nhạy cảm và hòa hợp với thiên nhiên
– Thích chăm sóc vật nuôi, cây trồng
– Có khả năng nhớ tên và phân loại các loài động thực vật
– Thích các hoạt động ngoài trời (cắm trại, leo núi, làm vườn, lặn biển)
– Thu thập hay nghiên cứu các khía cạnh khác nhau của thiên nhiên
– Thích xem các chương trình, thông tin về thế giới tự nhiên
– Giỏi các môn tự nhiên như sinh học, hóa học, địa lý