Nghề Điều dưỡng
Điều đưỡng là một nghề nghiệp trong hệ thống y tế nhằm bảo vệ, nâng cao, tối ưu về sức khỏe và các khả năng; dự phòng bệnh và sang thương; xoa dịu nỗi đau qua chẩn đoán và điều trị đáp ứng con người; tăng cường chăm sóc các cá nhân, gia đình, cộng đồng và xã hội.
Ngày nay, điều dưỡng đã được công nhận là một nghề nghiệp độc lập, cùng cộng tác với các bác sỹ, dược sỹ, kỹ thuật viên và các thành phần trong hệ thống y tế để cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho cá nhân, gia đình, cộng đồng và xã hội, người làm nghề điều dưỡng gọi là điều dưỡng viên.
Cùng với sự phát triển của nền y học thế giới, ngày nay điều dưỡng cũng được phát triển thành các lĩnh vực chuyên môn theo từng lĩnh vực trong hệ thống y tế. Sự phát triển này nhằm đáp ứng nhu cầu điều trị và chăm sóc cho người bệnh theo từng lĩnh vực chuyên sâu. Song hành cùng các chuyên ngành trong hệ thống y tế thì tại các trường đào tạo cũng đã xây dựng những chương trình đào tạo riêng biệt để đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực cho từng lĩnh vực đó. Hiện tại chương trình đào tạo điều dưỡng đa khoa là phổ biến nhất, sau khi người điều dưỡng tốt nghiệp chương trình này có thể tham gia các khóa học đào tạo chuyên môn cho từng lĩnh vực để trở thành các điều dưỡng chuyên ngành, như Điều dưỡng Răng hàm mặt, Điều dưỡng Gây mê hồi sức, điều dưỡng mắt…
Điều dưỡng viên là người phụ trách công tác điều dưỡng, chăm sóc sức khỏe, kiểm tra tình trạng bệnh nhân, kê toa thuốc và các công việc khác để phục vụ cho quá trình chăm sóc sức khỏe ban đầu cho đến phục hồi, trị liệu cho bệnh nhân. Theo một định nghĩa khác thì Điều dưỡng viên (bao gồm cả nam và nữ) là những người có nền tảng khoa học cơ bản về điều dưỡng, đáp ứng các tiêu chuẩn được kê toa tùy theo sự giáo dục và sự hoàn thiện lâm sàng.
Ở Việt Nam, trước đây người điều dưỡng được gọi là Y tá, có nghĩa là người phụ tá của người thầy thuốc. Ngày nay, điều dưỡng đã được xem là một nghề độc lập trong hệ thống y tế do đó người làm công tác điều dưỡng được gọi là điều dưỡng viên. Người điều dưỡng hiện có nhiều cấp bậc, trình độ và đã được qui định rất cụ thể và chi tiết trong hệ thống ngạch bậc công chức theo các văn bản quy định của Bộ Nội vụ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Công việc của Điều dưỡng viên:
– Người chăm sóc: Mục tiêu cơ bản của người điều dưỡng là thúc đẩy sự giao tiếp, hỗ trợ người bệnh bằng hành động, bằng thái độ biểu thị sự quan tâm tới lợi ích của người bệnh. Mọi máy móc và kỹ thuật hiện đại không thay thế được sự chăm sóc của người điều dưỡng vì các thiết bị này sẽ không tác động được tới cảm xúc và điều chỉnh hành động cho thích ứng với những nhu cầu đa dạng của mỗi cá thể.
– Người truyền đạt thông tin: Người điều dưỡng thông tin với đồng nghiệp và các thành viên khác trong nhóm chăm sóc về kế hoạch và việc thực hiện kế hoạch chăm sóc cho mỗi người bệnh. Mỗi khi thực hiện một sự can thiệp về chăm sóc, người điều dưỡng ghi chép vào hồ sơ những nhận xét và những thủ thuật đã thực hiện cũng như sự đáp ứng của người bệnh. Người điều dưỡng thường xuyên giao tiếp cả bằng lời và bằng ngôn ngữ viết mỗi khi bàn giao ca, mỗi khi chuyển người bệnh tới một khoa khác hoặc khi người bệnh ra viện hay chuyển tới một cơ sở y tế khác.
– Người tư vấn: Tư vấn là quá trình giúp đỡ người bệnh nhận biết và đương đầu với những căng thẳng về tâm lý hoặc những vấn đề xã hội. Người điều dưỡng tập trung khuyến khích người bệnh xây dựng ý thức tự kiểm soát. Tư vấn có thể thực hiện với một cá thể hoặc nhóm người và đòi hỏi người điều dưỡng phải có kỹ năng để phân tích tình hình, tổng hợp thông tin, đánh giá quá trình tiến triển của người bệnh sau khi đã được tư vấn. Ngày nay, việc chú trọng nhiều tới việc nâng cao và duy trì sức khỏe hơn là chỉ chữa bệnh thuần túy. Vì vậy, người bệnh cần có thêm kiến thức để tự theo dõi và chăm sóc nhằm rút ngắn ngày nằm viện.
– Người biện hộ cho người bệnh: Người biện hộ nghĩa là thúc đẩy những hành động tốt đẹp nhất cho người bệnh, bảo đảm cho những nhu cầu của người bệnh được đáp ứng. Ngoài ra, người điều dưỡng còn có vai trò là người lãnh đạo, người quản lý, người làm công tác nghiên cứu điều dưỡng và là những chuyên gia giỏi về chăm sóc lâm sàng.
Sinh viên học ngành Bác sĩ Điều dưỡng được cung cấp kiến thức đại cương chung khối B và các kiến thức cơ sở ngành như đào tạo Bác sĩ Đa khoa. Đồng thời nhà trường còn đào tạo để sinh viên có khối kiến thức chuyên sâu như: Điều dưỡng cơ bản, Phục hồi chức năng, Điều dưỡng cấp cứu, hồi sức, Điều dưỡng nội, Điều dưỡng ngoại, Điều dưỡng nhi, Điều dưỡng phụ sản, Điều dưỡng truyền nhiễm, Điều dưỡng chuyên khoa hệ nội (Lão khoa, Thần kinh, Da liễu…); Điều dưỡng chuyên khoa hệ ngoại (Mắt; Tai – Mũi – Họng, Răng – Hàm – Mặt …); Quản lý điều dưỡng, Điều dưỡng công cộng, Y học cổ truyền, Nội bệnh lý, Ngoại bệnh lý, Sản bệnh lý, Nhi bệnh lý…
Một số tố chất cần có của Nghề Điều dưỡng:
– Lòng nhân hậu, thương người, sự cảm thông và chia sẻ
– Khả năng giao tiếp tốt, phong thái cởi mở, biết cách tạo sự tin cậy
– Có khả năng tự tổ chức công việc, tự học, tự nghiên cứu
– Kiên trì, nhẫn nại, chịu khó, cẩn thận, tỉ mỉ
– Có đôi bàn tay khéo léo, có sức khỏe tốt, đặc biệt có thần kinh vững vàng
– Học tốt môn sinh học, hóa học