Ngày Thất tịch bàn chuyện Ngưu Lang Chức Nữ
Truyện Ngưu Lang Chức Nữ
Mùng 7 tháng 7 âm lịch, ngày duy nhất trong năm mà Ngưu Lang và Chức Nữ được gặp nhau. Chuyện kể rằng ngày xửa ngày xưa, trên thượng giới có một chàng chăn bò tên là Ngưu Lang và một cô gái dệt vải tên là Chức Nữ. Hai người phải lòng nhau rồi nên duyên và bỏ bê, trễ nải công việc. Thấy vậy, Ngọc Hoàng Thượng Đế vô cùng giận giữ, bắt cả hai phải xa cách nhau, kẻ ở đầu sông người cuối sông Ngân Hà, và chỉ cho gặp nhau một lần trong năm. Nhưng kể cả đến ngày họ được gặp nhau thì vẫn bị dòng sông Ngân Hà ngăn trở, không có cách nào để tìm đến được với nhau. Biết được nỗi lòng nhớ nhung da diết của Ngưu Lang và Chức Nữ, thương cho tình cảnh hai người, các loài quạ và chim ác là (ở Việt Nam là chim khách) trên thế gian đã bay tới sông Ngân Hà, lấy thân mình làm thành chiếc cầu Ohjakgyo (Cầu Ô Thước) cho Ngưu Lang và Chức Nữ vượt sông đến với nhau. Trong một năm chỉ có duy nhất một ngày họ được tái ngộ, ngày đó có tên gọi là Chilseok (Thất tịch), tức là ngày mùng 7 tháng 7 âm lịch. Thường thì trời hay mưa tầm tã vào dịp này. Người Việt Nam còn gọi hai người là ông Ngâu, bà Ngâu và ngày Chilseok là ngày mưa Ngâu. Cả người Hàn xưa cũng quan niệm rằng mưa Ngâu chính là những giọt nước mắt của Ngưu Lang và Chức Nữ mừng mừng tủi tủi khi được gặp nhau rồi lại phải ly biệt. Sau ngày mùng 7 tháng 7 âm lịch là thời điểm lông đầu của chim quạ và chim ác là rụng, thật khớp với câu chuyện thần thoại về hai loài chim này bay lên dải Ngân Hà lấy thân mình làm cầu Ô Thước cho Ngưu Lang, Chức Nữ giẫm lên để vượt sông gặp nhau.
Trên thực tế, sao Ngưu Lang và sao Chức Nữ là hai ngôi sao sáng nhất của chòm sao Thiên Ưng và Thiên Cầm, và chúng cũng chạm vào nhau vào đúng dịp mùng 7 tháng 7 âm lịch. Có lẽ xưa kia, người ta đã nhìn lên các chòm sao trên bầu trời đêm rồi thêu dệt nên câu chuyện để gửi gắm tâm tình trái ngang của mình. Khúc hát Barameun (Gió thổi) trong khúc thơ phổ nhạc Gagok dòng Wurak dành cho giọng nữ có đoạn diễn tả nỗi niềm của người con gái chờ người thương trong đêm dài mưa to gió lớn, rằng:
Gió gầm rú, mưa như trút nước
Hẹn người thương trong tim giông tố huống chi
Nếu thật tình chàng vượt đêm mưa gió bão
Duyên đôi ta duyên phận bền lâu
Nếu là Ngưu Lang và Chức Nữ thì mưa gió cũng đâu thể ngăn cản được việc họ tìm đến với nhau. Không biết hai nhân vật chính trong thơ có gặp được nhau trong đêm giông tố đó không nhỉ.
Phong tục ngày Thất tịch ở Hàn Quốc
Trong ngày mùng 7 tháng 7 âm lịch, người Hàn Quốc xưa thường ăn bánh tráng bột lúa mỳ Miljeonbyeong hoặc ăn mỳ Guksu. Những món này có vẻ rất phù hợp trong những ngày mưa. Ngoài ra, người Hàn xưa còn có phong tục Geolgyo. Theo phong tục này, vào sáng sớm ngày Thất tịch, các bà các mẹ cúng nàng Chức Nữ bằng dưa lê và dưa chuột, là những loại hoa quả đang vào mùa, để cầu mong Chức Nữ phù hộ cho họ tài thêu thùa may vá. Có người lại múc bát nước sạch gọi là Jeonghwasu, đặt lên vại gốm Jangdokdae trước nhà, trên bát nước để một khay tro, rồi khấn vái cầu nguyện. Vào buổi tối ngày này, người ta tin rằng nếu khay hoa quả cúng có mạng nhện giăng hoặc khay tro có dấu vết nào đó thì có nghĩa là nàng Chức Nữ đã lắng nghe lời cầu nguyện của họ. Vì ở xã hội phong kiến Hàn Quốc xưa, may vá thêu thùa là một trong những nhiệm vụ quan trọng của người phụ nữ. Những ngày quay tơ xe sợi thâu đêm suốt sáng, để chống lại cơn buồn ngủ và sự mệt mỏi, các bà các mẹ thường hát khúc “Mullye Taryeong” (Khúc ca guồng xe sợi).
* Nhạc phẩm Chilseok (Thất tịch) / Ccotbyel (đàn nhị Haegeum)
* Khúc hát Yeonbun (Duyên phận) / Ha Yoon-ju
* Khúc ca “Mullye Taryeong” (Khúc ca guồng xe sợi) / Anh Hyang-yeon, Oh Jeong-suk, Nam Hae-seong