Ngày 27/3/1946: Bác Hồ kêu gọi toàn dân luyện tập thể dục thể thao, nâng cao sức khỏe
Lời huấn thị “Giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới, việc gì cũng cần có sức khỏe mới thành công. Mỗi một người dân yếu ớt tức là cả nước yếu ớt, mỗi một người dân mạnh khỏe, tức là cả nước mạnh khỏe” trong bài viết “Sức khỏe và thể dục” của Bác đăng trên Báo Cứu quốc, số 199, ngày 27/3/1946.
Sau Cách mạng Tháng Tám thành công, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa lãnh đạo nhân dân chống giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm, vừa chủ động tích cực khắc phục tình trạng ốm yếu của người dân.
“Mỗi một người dân mạnh khỏe tức là cả nước mạnh khỏe”
Để có sức khỏe kiến thiết và bảo vệ đất nước, Bác kêu gọi mọi người dân, bất kể già trẻ, trai gái ra sức luyện tập thể dục, thể thao; luyện tập hàng ngày để có sức khỏe. Bác khẳng định: Luyện tập thể dục, bồi bổ sức khỏe là bổn phận của mỗi một người yêu nước. Mỗi người dân mạnh khỏe tức là cả nước mạnh khỏe, có như vậy, công cuộc kháng chiến mới thắng lợi, kiến quốc mới thành công.
Dù công việc lãnh đạo đất nước vô cùng bận rộn, nhưng Bác vẫn dành sự quan tâm đặc biệt cho công tác thể dục thể thao. Vì vậy, ngày 30/1/1946, Bác đã ký Sắc lệnh số 14, thành lập Nha Thể dục Trung ương thuộc Bộ Thanh niên. Từ đây, ngành thể dục thể thao có nhiệm vụ liên lạc mật thiết với Bộ Y tế và Bộ Giáo dục để nghiên cứu phương pháp, thực hành thể dục trong toàn quốc nhằm tăng cường sức khỏe quốc dân, cải tạo nòi giống Việt Nam.
Để tăng cường, mở rộng các hoạt động thể dục thể thao và trực tiếp chỉ đạo công tác giáo dục thể chất cho thế hệ trẻ, hai tháng sau, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký tiếp Sắc lệnh số 38 ngày 27/3/1946 thành lập Nha Thanh niên và Thể dục thuộc Bộ Quốc gia Giáo dục. Từ năm 1991, Chính phủ quyết định lấy ngày 27/3 hàng năm là Ngày Thể thao Việt Nam.
Thực hiện lời dạy của người, 77 năm qua, nền thể dục thể thao nước nhà đã có những buớc tiến đáng kể qua từng chặng đường phát triển. Mỗi chặng đường đi qua được ghi dấu ấn với sự phát triển của phong trào thể thao quần chúng và thể thao thành tích cao, qua đó tạo dựng, lan tỏa hình ảnh, con người Việt Nam ra thế giới.
Đơn cử như trong năm 2022 vừa qua, ngành thể thao chứng kiến nhiều sự kiện quan trọng, được chờ đợi từ người dân trong nước và khu vực. Đại hội thể thao Đông Nam Á (SEA Games 31) được tổ chức trong bối cảnh đặc biệt, tác động của đại dịch Covid-19 đã buộc chúng ta phải lùi thời gian tổ chức từ tháng 11/2021 sang tháng 5/2022. Rất nhiều khó khăn, thử thách đối với nước chủ nhà khi phải tổ chức một sự kiện thể thao lớn nhất khu vực trong bối cảnh đại dịch vừa được kiểm soát.
Tuy nhiên, với sự chỉ đạo thường xuyên, sâu sát của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự chuẩn bị chu đáo, toàn diện của toàn ngành văn hóa – thể thao – du lịch, các địa phương đăng cai, SEA Games 31 đã được tổ chức thành công, qua đó cho thấy một Việt Nam mạnh mẽ, luôn nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, một Việt Nam chủ động, kết nối và lan truyền những cảm hứng tích cực với thông điệp “Vì một Đông Nam Á mạnh mẽ hơn”.
Theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, Đại hội là sự kiện quan trọng, là nơi gửi gắm những tình cảm lớn lao, sự quan tâm, tin tưởng, kỳ vọng của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, của nhân dân đối với tương lai, sự phát triển của phong trào thể dục thể thao quần chúng, thể thao thành tích cao của nước nhà trong thời gian tới.
Ngày nay, sự nghiệp cách mạng của đất nước có những bước chuyển biến tích cực, tuy nhiên, còn tiềm ẩn nhiều khó khăn, thách thức và nguy cơ. Lời huấn thị của Bác: “Mỗi một người dân yếu ớt, tức là cả nước yếu ớt, mỗi một người dân mạnh khỏe tức là cả nước mạnh khỏe” vẫn vẹn nguyên giá trị và tiếp tục được toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phát huy mạnh mẽ trong giai đoạn cách mạng mới.
Đặc biệt trước sự phát triển của khoa học công nghệ và sự xâm lăng của văn hóa xấu độc, đòi hỏi mỗi người không những phải có sức khỏe về thể xác mà còn cần có cả sức khỏe về tinh thần, có như vậy đất nước ta mới thật sự khỏe mạnh và đủ sức chống lại họa xâm lăng và những mầm mống của chế độ tư bản chủ nghĩa.