Ngày 20-5-1963: Ngày truyền thống Học viện Biên phòng

Chuyên mục Ngày này năm xưa số ra ngày 20-5-2022 cũng được Báo Quân đội nhân dân Điện tử thực hiện dưới hình thức các tác phẩm phát thanh podcast và video clip trên Chuyên trang Media Báo Quân đội nhân dân Điện tử, trân trọng mời bạn đọc xem thêm.

Một số sự kiện trong nước và quốc tế ngày 20-5

Sự kiện trong nước

– Ngày 20-5-1963: Ngày truyền thống Học viện Biên phòng.

Cách đây 59 năm Trường sĩ quan Công an nhân dân vũ trang đã khai giảng khóa đào tạo Sĩ quan Quân chính đầu tiên. Sự kiện này đánh dấu bước phát triển vô cùng quan trọng trong công tác đào tạo và bồi dưỡng cán bộ của lực lượng Công an nhân dân vũ trang (nay là Bộ đội Biên phòng) nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ các cơ quan đầu não, các mục tiêu kinh tế, chính trị quan trọng, bảo vệ nội địa, bảo vệ giới tuyến tạm thời, giữ vững chủ quyền, an ninh biên giới, vùng biển, đảo của Tổ quốc. Với ý nghĩa đó, ngày 20-5 hằng năm đã trở thành Ngày truyền thống của Học viện Biên phòng.

Trong 59 năm xây dựng và trưởng thành, mỗi bước đi lên của Học viện Biên phòng đều gắn với nhiệm vụ cách mạng vẻ vang của dân tộc, sự trưởng thành lớn mạnh của lực lượng Bộ đội Biên phòng. Trong bất kỳ hoàn cảnh lịch sử nào, Học viện Biên phòng cũng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đào tạo hàng vạn cán bộ, sĩ quan cho lực lượng Bộ đội Biên phòng, trong đó có hàng nghìn cán bộ là con em các dân tộc ở vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới, hải đảo; đào tạo hàng trăm cán bộ cho Quân đội, Công an hai nước bạn Lào và Campuchia.

leftcenterrightdel

Ngày 16-5-2018, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Thiếu tướng Nguyễn Văn Nam, Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Bộ đội Biên phòng trao Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba cho Học viện Biên phòng. Ảnh: bienphong.com.vn 

Với những thành tích xuất sắc đó, Học viện Biên phòng đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cùng nhiều Huân chương, Huy chương các loại và các phần thưởng cao quý khác. Đặc biệt, nhân dịp kỷ niệm 55 năm Ngày truyền thống, Học viện Biên phòng vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba; Bộ Quốc phòng nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào tặng Huân chương Anh dũng hạng Hai.

Đây là sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước, nhân dân và bạn bè quốc tế đối với những đóng góp to lớn của Học viện trong sự nghiệp giáo dục-đào tạo, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và thực hiện nhiệm vụ quốc tế.

Sự kiện quốc tế

– Ngày 20-5-1983: Bài viết về virus HIV gây bệnh AIDS do Luc Montagnier phát hiện ra lần đầu tiên đăng trên Tạp chí Science, một trong những tạp chí khoa học hàng đầu thế giới.

– Ngày 20-5-1990: Kính thiên văn vũ trụ Hubble chụp tấm ảnh đầu tiên gửi về Trái Đất. Kính thiên văn Hubble là một công cụ nghiên cứu vũ trụ hiện đại do NASA thiết kế và được mang tên của nhà thiên văn học nổi tiếng người Mỹ Edwin Powell Hubble. Kính Hubble được nghiên cứu từ thập niên 1970 và phóng lên không gian tháng 4-1990. 

Ngày 20-5-1990, nó đã chụp và gửi về Trái Đất bức ảnh đầu tiên về vùng trời xung quanh ngôi sao HD96755 trong cụm sao NGC 3532 thuộc chòm sao Carina. Kính Hubble tạo ra bước đột phá quan trọng trong quan sát thiên văn trong phổ quang học, tử ngoại và hồng ngoại của thời kỳ này, nhờ vào ưu điểm là quan sát các thiên thể mà không bị ảnh hưởng bởi khí quyển Trái Đất.

leftcenterrightdel

Kính viễn vọng không gian Hubble được triển khai vào ngày 25-4-1990 từ tàu con thoi Discovery. Ảnh: laodong.vn 

– Ngày 20-5-2006: Phần thân đập ngăn nước của đập thủy điện Tam Hiệp trên sông Dương Tử, con sông dài nhất Trung Quốc (6.360 km) đã hoàn thành, sớm 10 tháng so với kế hoạch.

leftcenterrightdel

Đập Tam Hiệp. Ảnh: thanhnien.vn 

Theo dấu chân Người

– Ngày 20-5-1924, Nguyễn Ái Quốc gửi thư tới Tổng thư ký Ban Phương Đông của Quốc tế Cộng sản bàn về việc thúc đẩy phong trào cách mạng ở các nước phương Đông, bức thư viết bằng tiếng Pháp, gồm ba nội dung chính:

1. Nêu nguyên nhân đầu tiên đã dẫn tới sự suy yếu của các dân tộc phương Đông, đó là sự đơn độc. “Họ hoàn toàn không biết đến những việc xảy ra ở các nước láng giềng gần gũi nhất của họ, do đó họ thiếu sự tin cậy lẫn nhau, sự phối hợp hành động và sự cổ vũ lẫn nhau”. Người đề nghị hãy phổ biến cho họ kinh nghiệm tổ chức đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc và kinh nghiệm đoàn kết giai cấp chống ách bóc lột của chủ nghĩa tư bản ở các nước Ấn Độ, Nhật Bản, Ai Cập.

2. Cử cán bộ nước này sang nước khác hoạt động để tăng cường việc hợp tác trao đổi kinh nghiệm đấu tranh và đoàn kết giữa các dân tộc.

3. Đề nghị triệu tập một Tiểu ban Phương Đông họp bàn việc thành lập một “nhóm châu Á” ở Trường đại học Phương Đông. (Hồ Chí Minh Biên niên tiểu sử tập 1)

– Ngày 20-5-1946, để động viên phong trào Bình dân Học vụ, Bác viết “Lời căn dặn anh chị em giáo viên bình dân học vụ”, trong đó có câu “Anh chị em giáo viên bình dân học vụ cố gắng đọc kỹ sách này, rồi tận tâm dạy bảo đồng bào thất học, làm cho nạn mù chữ chóng hết. Thế là làm tròn một nhiệm vụ thiêng liêng của mình đối với Tổ quốc”. (Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, 2011, tập 4) 

leftcenterrightdel

Bác Hồ thăm một lớp bình dân học vụ. Ảnh tư liệu

– Ngày 20-5-1951, trong thư cảm ơn gửi tới các cơ quan, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân đã chúc mừng sinh nhật, Bác bày tỏ: “Tuổi tuy hơi già, nhưng vì nước ta trẻ, dân ta trẻ, cho nên tinh thần và lực lượng tôi vẫn trẻ. Để báo đáp lòng yêu mến của đồng bào, tôi xin hứa rằng: Với sự giúp đỡ của Quốc hội và Chính phủ, với sự đôn đốc và ủng hộ của toàn dân, với ý chí kiên quyết thi hành mệnh lệnh của cán bộ và bộ đội, tôi quyết đưa cả tinh thần và lực lượng để phụng sự Tổ quốc, và hướng dẫn đồng bào cùng bộ đội đi đến: Kháng chiến thắng lợi, Kiến quốc thành công. Và góp phần vào sự nghiệp giữ gìn dân chủ, hòa bình thế giới”. (Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia – Sự thật, 2011, tập 7)

leftcenterrightdel

Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí Tôn Đức Thắng, Lê Duẩn, Trường Chinh tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa III (ngày 20-5-1968). Ảnh: TTXVN

– Ngày 20-5-1968, Bác dự lễ khai mạc kỳ họp thứ 4 của Quốc hội khóa III. Sau khi nghe Thủ tướng Phạm Văn Đồng chúc thọ nhân sinh nhật lần thứ 78, Bác Hồ đáp lại: “…Lần trước tôi có nói là những thắng lợi của chiến sĩ và đồng bào hai miền làm cho tôi thấy như mình trẻ lại 20 tuổi. Nhưng nay nghe nói 78 tuổi, thì tôi thấy già đi. Vì vậy, tôi có bài thơ thế này:

Bảy mươi tám tuổi, chưa già lắm,

Vẫn vững hai vai việc nước nhà.

Kháng chiến dân ta đang thắng lớn,

Tiến bước! Ta cùng con em ta”. (Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia – Sự thật, 2011, tập 15)

leftcenterrightdel

Quốc hội khóa III nhất trí với Báo cáo của Hội đồng Chính phủ và phê chuẩn Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Kế hoạch nhà nước năm 1968, tại kỳ họp thứ 4, tháng 5-1968. Ảnh: media.quochoi.vn 

– Ngày 20-5-1969, từ 9 đến 10 giờ, lần cuối cùng Bác Hồ sửa và xem lại bản Di chúc, sau đó, xếp vào phong bì cất đi. (Hồ Chí Minh Biên niên tiểu sử tập 10)

Lời Bác dạy ngày này năm xưa

 “Dao có mài, mới sắc,

Vàng có thôi, mới trong,

Nước có lọc, mới sạch,

Người có tự phê bình, mới tiến bộ. Đảng cũng thế ”

Là lời dạy của Bác đăng trên Báo Nhân Dân số 9 ra ngày 20-5-1951. Bài báo dài với nhiều điều sâu sắc: “Tự phê bình là gì? Là thật thà nhận, công khai nhận trước mặt mọi người những khuyết điểm của mình để tìm cách sửa chữa. Điều đó nói thì dễ nhưng làm thì khó. Khó là vì người ta hay có lòng tự ái. Thừa nhận cái sai, cái dốt, cái kém của mình, thì sợ mất thể diện, mất uy tín, mất địa vị…. Những người cách mạng càng phải kiên quyết thực hành tự phê bình. Không thực hành tự phê bình, thì không xứng đáng là người cách mạng…”. (Hồ Chí Minh toàn tập – Nxb Chính trị quốc gia – Sự thật, 2011, tập 7).

Tự phê bình và phê bình là nguyên tắc, quy luật tồn tại và phát triển của Đảng; công cụ sắc bén để giáo dục, rèn luyện đảng viên thực hiện tốt hơn công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Trong bản Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng”. Thấm nhuần di huấn của Người, các đơn vị cơ sở quân đội xem công tác tự phê bình và phê bình thường xuyên là góp phần xây dựng và chỉnh đốn tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh.

leftcenterrightdel

Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025. Ảnh: nhandan.vn 

Quán triệt và thực hiện tốt tư tưởng Hồ Chí Minh về tự phê bình và phê bình trong xây dựng, chỉnh đốn tổ chức đảng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu và năng lực cầm quyền của Đảng nói chung, Đảng bộ Quân đội nói riêng; giữ gìn phẩm chất, đạo đức, tư cách đảng viên, nâng cao uy tín của Đảng, đem lại niềm tin của nhân dân đối với Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa.

Thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15-5-2016, của Bộ Chính trị, “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” được coi là giải pháp trọng tâm nhằm xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.

Thời gian qua, nhiều tổ chức đảng tại đơn vị cơ sở quân đội thường xuyên giáo dục cho đảng viên thấy rõ sự cần thiết phải tăng cường tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt để các đảng viên thống nhất tư tưởng và hành động, khắc phục những biểu hiện buông lỏng sinh hoạt Đảng, tăng cường công tác kiểm điểm, đánh giá xếp loại chất lượng hàng năm để các cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị và từng cá nhân tự soi, tự sửa lại mình, từ đó đề ra chủ trương, giải pháp phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế, khuyết điểm trong lãnh đạo, quản lý, điều hành và thực hiện nhiệm vụ. Qua công tác tự phê bình và phê bình, các đảng viên đã thấy được những điểm mạnh để phát huy, những điểm hạn chế để sửa chữa, khắc phục.

Dấu ấn Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân

– Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 2871 ra ngày 20-5-1969 có đăng các bức điện mừng thọ Hồ Chủ tịch.

leftcenterrightdel

Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 2871. 

– Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 3232 ra ngày 20-5-1970 có đăng lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch: “Nam Bắc một lòng, nhân dân cả nước ta kiên quyết kháng chiến, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, tiến tới hòa bình thống nhất nước nhà”, và đăng trang trọng bức ảnh chụp Hồ Chủ tịch và các đồng chí Lê Duẩn, Trường Chinh.

leftcenterrightdel

Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 3232. 

– Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 5045 ra ngày 20-5-1975 đăng Lễ kỷ niệm trọng thể lần thứ 85 ngày sinh của Chỉ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

leftcenterrightdel

Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 5045. 

 

THANH HƯƠNG (tổng hợp)