Ngày 20/3/2021 đã đến, giáo viên chẳng thấy hạng mới lương mới đâu

GDVN- Mọi chế độ của giáo viên vẫn bình thường nhưng suốt hơn 1 tháng qua các Thông tư này đã khiến cho giáo viên trải qua rất nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau.

Ngay sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành các Thông tư 01,02,03,04/2021/TT-BGDĐT Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường mầm non đến trung học phổ thông công lập thì có rất nhiều bài viết đề cập đến mức lương giáo viên sau ngày 20/3/2021.

Nhiều báo đưa ra mức lương cao ngất ngưởng ở bậc cuối cùng của giáo viên hạng hạng I, hạng II để làm tít cho các bài báo.

Nhưng, ngày 20/3/2021 cũng đã đến một cách bình thường như bao nhiêu những ngày khác mà không hề có một thay đổi mới nào, các Thông tư trên đã có hiệu lực nhưng lương giáo viên trước ngày 20/3 như thế nào thì sau ngày 20/3 cũng vẫn vậy mà thôi!

Mọi chế độ của giáo viên vẫn bình thường nhưng suốt hơn 1 tháng qua các Thông tư này đã khiến cho giáo viên trải qua rất nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau.

Ngày 20/3/2021 đã đến, giáo viên chẳng thấy hạng mới lương mới đâu ảnh 1

Chùm Thông tư 01,02,03,04/2021/TT-BGDĐT mang nhiều cung bậc cảm xúc nhất cho nhà giáo

Có lẽ, chuyện Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành các Thông tư là một chuyện rất bình thường và diễn ra thường xuyên nhưng chưa có chùm thông tư nào lại đem đến cho giáo viên nhiều cảm xúc như chùm Thông tư 01,02,03,04/2021/TT-BGDĐT ngày 02/2 vừa qua.

Bởi, theo hướng dẫn của các Thông tư này thì có rất nhiều nội dung ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của đội ngũ nhà giáo trên cả nước.

Nhưng, điều quan trọng nhất trong các Thông tư này là việc bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp, xếp lương và quy định về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của giáo viên.

Trong đó, theo hướng dẫn của Thông tư 01,02,03,04/2021/TT-BGDĐT thì mức lương hạng II, hạng I cao hơn hiện nay rất nhiều và đây là điều mà giáo viên xốn xang nhiều nhất.

Chẳng hạn, đối với giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông hạng II, hạng I được hướng dẫn xếp lương tại điểm b, điểm c, mục 1, Điều 8 của các Thông tư 02,03,04/2021/TT-BGDĐT tương đối cao.

Giáo viên hạng II được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2, nhóm A2.2, từ hệ số lương 4,00 đến hệ số lương 6,38; giáo viên hạng I được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2, nhóm A2.1, từ hệ số lương 4,4 đến hệ số lương 6,78.

Còn đối với giáo viên hạng III của 3 cấp học này vẫn áp dụng mức lương với hệ số từ 2,34 đến 4,98 như hiện nay.

Và, cứ hệ số này, nhân với mức lương cơ sở hiện nay là 1 490 000, cộng với phụ cấp đứng lớp, phụ cấp thâm niên thì giáo viên hạng II, hạng I đương nhiên sẽ rất cao.

Nhiều bài viết còn đề cập đến mức lương tháng giáo viên sau ngày 20/3 lên đến trên chục triệu đồng…

Nhưng, có phải lương giáo viên đạt đến mức như vậy không? Bao nhiêu giáo viên đạt được mức đỉnh của giáo viên hạng II, hạng I và chính sách tiền lương này có áp dụng ngay không? Chúng tôi cho rằng mọi chuyện chưa có gì mới sau ngày 20/3/2021 và thực tế đã như vậy.

Ngày 20/3/2021 đã đến và đi như bao nhiêu ngày tháng khác

Ngày 12/3/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Công văn 971/BGDĐT-NGCBQLGD về việc triển khai thực hiện mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập.

Cụ thể, Công văn 971/BGDĐT-NGCBQLGD yêu cầu các Sở Giáo dục và Đào tạo báo cáo về Bộ phương án triển khai thực hiện mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập trước ngày 30/6/2021 và kết quả bổ nhiệm hạng chức danh nghề nghiệp và xếp lượng giáo viên trước ngày 31/12/2021.

Điều này cũng đồng nghĩa khi có văn bản hướng dẫn thực hiện (Công văn 971/BGDĐT-NGCBQLGD) thì các địa phương còn phải có phương án triển khai, tổ chức thực hiện trong một thời gian nhất định chứ không phải khi các Thông tư 01,02,03,04/2021/TT-BGDĐT có hiệu lực là lương giáo viên được tăng ngay.

Hơn nữa, mốc thời gian cụ thể để thực hiện thì Bộ cũng đã hướng dẫn rồi.

Trong khi, lộ trình trả lương theo vị trí việc làm được các cơ quan chức năng thống nhất là ngày 01/7/2022.

Chính vì thế, phương án xếp hạng, trả lương theo các Thông tư 01,02,03,04/2021/TT-BGDĐT gần như rất khó thực hiện trước mốc thời gian ngày 01/7/2022.

Bởi, cho dù giáo viên đủ điều kiện để bổ nhiệm là giáo viên hạng II, hạng I thì vấn đề quan trọng nhất là lấy đâu kinh phí để trả lương cho giáo viên từ hệ số lương 4,00 đến hệ số lương 6,78?

Vậy nên, sau ngày 20/3/2021 thì mọi chính sách tiền lương đối với giáo viên vẫn sẽ giống như bây giờ…Nếu có thay đổi, có áp dụng chính sách tiền lương mới thì có lẽ giáo viên phải đợi đến sau ngày 01/7/2022.

Chùm Thông tư 01,02,03,04/2021/TT-BGDĐT không có nhiều giá trị thực tiễn và nó sẽ nhanh chóng bị thay thế khi Nhà nước áp dụng chính sách trả lương theo vị trí việc làm vào tháng 7/2022 tới đây.

Nhưng, nó đã có tác động rất lớn đến giáo viên trong thời điểm hiện nay. Chẳng hạn, sau khi các Thông tư này ra đời thì nhiều trường đại học đã tranh thủ mở lớp chiêu sinh, giáo viên đổ xô đi học online.

Nhiều giáo viên thì băn khoăn, lo lắng chuyện giữ hạng, xuống hạng và mức lương trong tương lai của mình!

NHẬT DUY