Ngành trái cây chậm cơ giới hóa, vẫn hái quả bằng tay nên tổn thất sau thu hoạch còn cao

Thông tin tại hội thảo “Cơ giới hóa trong sản xuất trái cây” ngày 22/8, ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết cả nước hiện có 1,18 triệu ha vườn trồng cây ăn quả. Trong đó, một số loại cây có sản lượng cao như: xoài 940.000 tấn, thanh long gần 1,4 triệu tấn, bưởi 992.000 tấn, vải 374.000 tấn, sầu riêng 664.000 tấn, dứa 733.000 tấn…

CƠ GIỚI HÓA YẾU NHẤT KHÂU THU HOẠCH

Theo ông Thịnh, năm 2021, sản lượng trái cây thu hoạch đạt trên 11 triệu tấn; xuất khẩu đem về trên 3 tỷ USD mỗi năm. Riêng vùng Đồng bằng sông Cửu Long có trên 400.000 ha, chiếm gần 40% tổng diện tích cây ăn quả cả nước với sản lượng hàng năm 4,3 triệu tấn và giá trị sản xuất đạt 48.651 tỷ đồng năm.

Những năm qua, cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp nói chung đã diễn ra mạnh mẽ. Trong giai đoạn 2011 – 2021, số lượng máy kéo các loại cả nước tăng 60%, máy cấy tăng 10 lần; máy bơm nước tăng 60%; máy gặt đập liên hợp tăng 80%; máy sấy nông sản tăng 30%; máy phun thuốc bảo vệ thực vật tăng 3,5 lần. Cả nước hiện có trên 100 cơ sở chế tạo máy, thiết bị nông nghiệp phục vụ cơ giới hóa.

Ông Lê Đức Thịnh nhận định trái cây là sản phẩm chủ lực xuất khẩu của Việt Nam. Vì vậy, việc áp dụng các máy móc, thiết bị, công nghệ vào sản xuất, thu hoạch trái cây hết sức quan trọng nhằm tăng năng suất, chất lượng, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.

Cơ giới hóa sản xuất trái cây chủ yếu ở các khâu: chuẩn bị đất trồng lên liếp; phun thuốc phòng trừ sâu bệnh, vun xới đất, làm cỏ, bón phân; bao trái cây, cắt cành, tỉa nhánh; vận chuyển, chế biến, bảo quản. 

 

“Kết cấu hạ tầng kỹ thuật chưa sản xuất trái cây hiện chưa thuận lợi cho máy móc, thiết bị hoạt động. Một số khâu sản xuất trái cây chưa có máy móc phù hợp hoạt động hiệu quả, đặc biệt là khâu thu hoạch vẫn chủ yếu làm thủ công đã khiến tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch vẫn còn cao…”

Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn.

Khảo sát của Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn cho thấy, trong sản xuất trái cây thì cơ giới hóa khâu làm đất đạt trên 90%, khâu chăm sóc đạt từ 70 – 80%, khâu chế biến và bảo quản sau thu hoạch mới chỉ khoảng 20%. 

Lãnh đạo Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn chỉ ra những thách thức hiện nay trên lĩnh vực này là khâu thu hoạch, bao trái cây, xới đất bón phân vẫn chủ yếu làm thủ công; cơ giới hóa trong sản xuất và thu hoạch trái cây vẫn còn hạn chế.

Từ thực tiễn trên, ông Lê Đức Thịnh đề xuất: Căn cứ vào Chiến lược phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông lâm thủy sản đến năm 2030 và tình hình thực tế địa phương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh cần tham mưu xây dựng Đề án phát triển cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp, đặc biệt là trong sản xuất, thu hoạch trái cây có sản lượng lớn tại địa phương.

Song song đó, cần tổ chức lại sản xuất theo hướng phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật nông nghiệp gắn với xây dựng vùng nguyên liệu tập trung nhằm áp dụng cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất cũng như đẩy mạnh xã hội hóa nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp nói chung, chế biến, bảo quản nông sản nói riêng…

LỰA CHỌN MÁY MÓC PHÙ HỢP VỚI TỪNG LOẠI CÂY

Ông Phạm Văn Trọng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, cho hay tại Tiền Giang, việc áp dụng cơ giới hóa trên cây ăn trái cụ thể như sau: Cơ giới hóa trong khâu làm đất chiếm 84,3%, bơm tát bằng động cơ chiếm 100%, phun thuốc bảo vệ thực vật bằng máy chiếm 100%, ứng dụng hệ thống tưới nước phun mưa vào sản xuất chiếm 59% diện tích.

Thực hiện Quyết định 68/2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp, tỉnh Tiền Giang đã triển khai giúp hỗ trợ lãi suất giúp nông dân tiếp cận vốn vay Ngân hàng để đầu tư máy móc canh tác trái cây. Hiện đã có khoảng 500 khách hàng vay vốn với tổng số tiền vay gần 150 tỷ đồng, số tiền lãi được hỗ trợ hơn 12 tỷ đồng.

Đại diện Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Hòa Lộc RR tại huyện Cái Bè, Tiền Giang cho biết doanh nghiệp này đã áp dụng cơ giới hóa trong khâu vệ sinh, đóng gói, bảo quản.. nhờ vậy đã xuất khẩu trái cây đến nhiều quốc gia trên thế giới.

Riêng khâu chế biến và bảo quản sau thu hoạch, các cơ sở, nhà máy sơ chế, chế biến đạt khoảng 30% thiết kế, chủ yếu phục vụ việc đông lạnh, đóng hộp, chiên sấy, nước quả tự nhiên, nước quả cô đặc, đông lạnh.

 

“Một số giải pháp công nghệ, kỹ thuật cần được tích hợp trong cơ giới hóa sản xuất trái cây bao gồm giải pháp về cây giống chất lượng, giải pháp về quy hoạch thiết kế vườn chuyên canh, giải pháp kỹ thuật thâm canh theo khoa học trong sản xuất trái cây”.

TS. Võ Hữu Thoại, Phó Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam.

Tại hội thảo, nhiều đại biểu đã đề xuất những giải pháp để thúc đẩy cơ giới hóa trong sản xuất trái cây. Ông Nguyễn Đức Long, Viện phó Viện Cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng để cơ giới hóa, cần xác định tiềm năng và lợi thế của từng vùng để lựa chọn các máy móc, thiết bị phù hợp với từng loại trái cây.

Cần đẩy mạnh công tác dồn điền, đổi thửa tập trung đất đai để hình thành cánh đồng lớn nhằm đáp ứng nhu cầu về cơ giới hóa. Nên khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ trái cây, từng bước đồng bộ các khâu trong quy trình sản xuất khép kín; hình thành các dịch vụ cơ giới ở các vùng sản xuất.

“Thực hiện xã hội hóa công tác nghiên cứu khoa học, từng bước nghiên cứu, ứng dụng máy, thiết bị hiện đại, tự động hóa cao, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng trong sản xuất”, ông Nguyễn Đức Long nhấn mạnh.

Để áp dụng công nghệ đồng bộ, TS.Võ Hữu Thoại, Phó Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam khuyến nghị cần phải quy hoạch vùng trồng cây ăn quả tập trung, nhằm phát triển thành vùng chuyên canh thuận lợi trong việc cơ giới hóa. Các doanh nghiệp cần đầu tư đổi mới dây chuyền công nghệ, thiết bị tiên tiến, hiện đại và đồng bộ để nâng cao công suất bảo quản, chế biến trái cây gắn với xúc tiến thương mại, giải quyết đầu ra nông sản hàng hóa.