Ngành giáo dục học ra trường làm ở đâu?

TGe3l6nS.jpgPhóng toHọc sinh tham gia Chương trình tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp 2014 do Tuổi Trẻ tổ chức.

TS Phạm Tấn Hạ – trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG TP.HCM):

Sau khi tốt nghiệp ngành giáo dục học, em có thể công tác tại các trung tâm khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục; các viện, trung tâm nghiên cứu về giáo dục và tâm lý giáo dục; các trung tâm tư vấn tâm lý hoặc làm chuyên viên ở các phòng ban chức năng trực thuộc Sở GD-ĐT; làm công tác tham vấn, tư vấn tại các trường trung học phổ thông. Bên cạnh đó, em cũng có thể làm công tác giảng dạy tại các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp có đào tạo ngành giáo dục học.

* Em vừa tốt nghiệp cao đẳng ngành cơ khí chế tạo máy. Hiện nay em muốn liên thông lên đại học chính quy nhưng chưa đủ điều kiện 36 tháng nên phải thi lại đại học. Theo em biết thì Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật khóa 2013 lớp liên thông 1,5 năm do không đủ đầu vào nên không có lớp.

*Xin thầy cho em hỏi điểm đầu vào hệ chuyển tiếp lấy bằng với hệ đại học hay không? Và nếu đậu hệ liên thông sẽ được học chương trình riêng hay học chương trình chung với hệ đại học nhưng được miễn một số môn? Nếu đầu vào quá ít có bị hủy kết quả? Mong sự hồi đáp từ thầy. Em xin cảm ơn. (maingocduyphuong@…)

PGS-TS Nguyễn Văn Thư – hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM: Theo quy định về đào tạo liên thông thì sau khi tốt nghiệp em sẽ được cấp bằng đại học liên thông và trong bằng cũng ghi rõ là hệ chính quy hoặc vừa học vừa làm tùy theo việc em theo học hệ nào. Điểm đầu vào sẽ được lấy theo quy định của từng trường, có thể khác với điểm của hệ đại học.

Chương trình của hệ liên thông được thiết kế để bổ sung cho chương trình cao đẳng cho đủ lượng kiến thức của hệ đại học. Tùy theo từng trường mà sinh viên hệ liên thông có thể học riêng hoặc học chung với hệ đại học và được miễn một số môn (như ở Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM). Em cần liên hệ với Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật để hỏi cho rõ hơn.

* Thầy cho em hỏi ngành công nghệ kỹ thuật hóa học khi ra trường có thể làm việc tại sở tài nguyên môi trường và các đơn vị thuộc lĩnh vực môi trường được không? Tương lai của ngành này như thế nào ở ĐBSCL? Cảm ơn thầy nhiều. (Bapypink…@yahoo.com)

PGS-TS Đỗ Văn Dũng – hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM: Về cơ bản, nếu em tốt nghiệp ngành công nghệ kỹ thuật hóa học em cũng có thể làm việc ở lĩnh vực môi trường vì một số vấn đề về môi trường cũng liên quan đến hóa học. Tuy nhiên em phải học thêm rất nhiều. Tại sao em không thi vào ngành công nghệ môi trường để làm cho đúng chuyên môn?

Hiện nay ở ĐBSCL cũng có nhiều xí nghiệp hóa chất, đặc biệt là Khu công nghiệp khí – điện – đạm Cà Mau nên cơ hội việc làm cũng khá.

* Ngành công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa và ngành công nghệ kỹ thuật cơ điện tử có những điểm giống nhau và khác nhau gì? Cơ hội việc làm ngành cơ điện tử sau khi tốt nghiệp như thế nào? (ghostrider…@yahoo.com.vn)

PGS-TS Đỗ Văn Dũng: Kỹ sư ngành công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa có kiến thức khoa học cơ bản, kiến thức cơ sở chuyên ngành về điều khiển và tự động hóa, có khả năng phân tích, giải quyết vấn đề và đánh giá các giải pháp trong các hệ thống điều khiển tự động trong công nghiệp, có kỹ năng giao tiếp và làm việc nhóm, có thái độ nghề nghiệp phù hợp với yêu cầu phát triển của ngành và xã hội.

Ngành cơ điện tử là ngành giao thoa giữa ba lĩnh vực: cơ khí, điện -điện tử và công nghệ thông tin. Như vậy kỹ sư cơ điện tử biết về cơ khí nhiều hơn kỹ sư điều khiển vả tự động hóa.

Sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường có thể làm việc tại các công ty, xí nghiệp cơ khí, xí nghiệp điện – điện tử, nhà máy liên quan đến các lĩnh vực về thiết kế, vận hành và bảo trì các hệ thống điều khiển tự động trong công nghiệp hoặc trong lĩnh vực dịch vụ kỹ thuật và nghiên cứu có liên quan đến cơ khí, điện tử, tự động hóa công nghiệp… với vai trò người thực hiện trực tiếp hay người quản lý, điều hành. Cơ hội việc làm của kỹ sư cơ điện tử rất cao.