Ngành dịch vụ hút lao động
TPHCM có thể cần đến 320.000 chỗ làm việc năm 2023 – Ảnh: VGP/Lệ Vũ
2 kịch bản việc làm năm 2023
Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM, nhu cầu lao động năm 2023 của TPHCM vào khoảng từ 4.549.682 – 4.561.941 người.
Nhu cầu lao động trên đặt ra 2 kịch bản. Kịch bản thứ nhất, tăng trưởng kinh tế toàn cầu và một số nền kinh tế lớn có chiều hướng chậm lại, dẫn đến tăng trưởng xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp chế biến, chế tạo dự báo sẽ chậm lại trong ngắn hạn khi nhu cầu trên toàn cầu yếu đi; tuy nhiên, tiêu dùng trong nước mạnh hơn dự kiến sẽ bù đắp cho nhu cầu nước ngoài chững lại.
Dự kiến nhu cầu nhân lực năm 2023 cần khoảng 280.000 – 300.000 chỗ làm việc. Trong đó, nhu cầu nhân lực quý I cần khoảng 72.000 – 79.000 chỗ làm việc; quý II cần khoảng 66.000 – 72.500 chỗ làm việc; quý III cần khoảng 67.500 – 73.000 chỗ làm việc; quý IV cần khoảng 74.500 – 75.500 chỗ làm việc.
Kịch bản thứ hai, tăng trưởng kinh tế toàn cầu diễn biến theo chiều hướng tích cực, doanh nghiệp tại Thành phố có cơ hội tăng đơn hàng xuất khẩu, mở rộng sản xuất; nhu cầu lao động tăng, tạo điều kiện ổn định thu nhập cho người lao động.
Với kịch bản này, dự kiến nhu cầu nhân lực năm 2023 cần khoảng 300.000 – 320.000 chỗ làm việc. Trong đó, nhu cầu nhân lực quý I cần khoảng 79.000 – 87.000 chỗ làm việc; quý II cần khoảng 72.500 – 75.500 chỗ làm việc; quý III cần khoảng 73.000 – 76.000 chỗ làm việc; quý IV cần khoảng 75.500 – 81.500 chỗ làm việc.
Theo loại hình doanh nghiệp, nhu cầu tuyển dụng trong doanh nghiệp nhà nước chiếm 1,9% tổng nhu cầu nhân lực, doanh nghiệp ngoài nhà nước chiếm 88,93%, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 9,17%.
Theo khu vực kinh tế, nhu cầu nhân lực tập trung ở khu vực thương mại – dịch vụ chiếm 70,61% tổng nhu cầu nhân lực năm 2023, khu vực công nghiệp – xây dựng chiếm 28,06% và khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 1,33%. Trong đó, nhu cầu nhân lực 4 ngành công nghiệp trọng yếu chiếm 20,3% (ngành cơ khí chiếm 4,91%; điện tử – công nghệ thông tin chiếm 6,99%; chế biến tinh lương thực thực phẩm chiếm 3,78%; hóa dược – cao su chiếm 4,62%).
Nhu cầu nhân lực 9 ngành dịch vụ chủ yếu chiếm 57,69% (ngành thương mại chiếm 15,22%; vận tải, kho bãi, dịch vụ cảng – hậu cần hàng hải và xuất nhập khẩu chiếm 4,5%; du lịch chiếm 5,66%; bưu chính – viễn thông và công nghệ thông tin – truyền thông chiếm – 5,45%; tài chính – tín dụng – ngân hàng – bảo hiểm chiếm 5,93%; kinh doanh tài sản – bất động sản chiếm 5,91%; dịch vụ thông tin tư vấn, khoa học – công – nghệ chiếm 5,3%; giáo dục và đào tạo chiếm 4,79%; y tế chiếm 4,93%).
Theo trình độ chuyên môn kỹ thuật, nhu cầu nhân lực qua đào tạo chiếm 86,45%, trong đó nhu cầu nhân lực có trình độ sơ cấp chiếm 16,77%, trung cấp chiếm 25,49%, cao đẳng chiếm 20,65%, đại học trở lên chiếm 23,54%.
Năm 2023, dân số ước tính của TPHCM là 9.501.255 người (trong đó nữ chiếm 51,43%), dân số thành thị là 7.364.282 người chiếm 77,51%, nông thôn là 2.136.973 người chiếm 22,49%. Lực lượng lao động năm 2023 là 4.826.458 người, chiếm 50,80% tổng dân số. Dự kiến năm 2023, GRDP của TPHCM tăng từ 7,5% đến 8% so với 2022.
Dự báo nhu cầu nhân lực qua đào tạo ở TPHCM năm 2023 chiếm 86,45% – Ảnh: VGP/Lệ Vũ
Xu hướng nghề nghiệp 5 năm tới
Ông Trần Anh Tuấn, chuyên gia dự báo nhân lực, Chủ tịch HĐKH Viện Đào tạo và phát triển nhân lực Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục Nghề nghiệp TPHCM nhận định, thị trường lao động trong giai đoạn tới thay đổi chất lượng cơ cấu ngành nghề, sự kết hợp, lồng ghép nhau hình thành những nhóm ngành nghề theo hướng tích hợp phù hợp cơ cấu công nghệ số.
Theo dự báo, trong 5 năm tới sẽ có 6 nhóm ngành phát triển mạnh. Thứ nhất là nhóm ngành công nghệ và kỹ thuật: Cơ điện tử, tự động hóa, nhiệt, công nghệ kỹ thuật ô tô – tàu thủy), điện – điện tử, công nghệ hàn, công nghệ dệt – sợi – may; quản trị viên của các ngành kỹ thuật cùng các nhóm ngành thiết kế đồ họa, thiết kế thời trang, thiết kế công nghiệp, kỹ thuật ứng dụng, kiến trúc, công nghệ xây dựng, công nghệ vật liệu, năng lượng, công nghệ môi trường.
Thứ 2 là nhóm ngành công nghệ thông tin, phát triển chuyên sâu khoa học máy tính, công nghệ thông tin – lập trình và phần mềm và trí tuệ nhân tạo.
Thứ 3 là nhóm ngành quản trị kinh doanh – kinh doanh quốc tế – tài chính – ngân hàng kết hợp các chuyên ngành quản trị rủi ro, quản lý chất lượng – quản trị kỹ thuật và y tế, quản lý hệ thống thông tin, kế hoạch và dự báo kinh tế – nhân lực – xã hội – kinh doanh, tư vấn tài chính, quản lý dự án khoa học môi trường – hàng không, logistic và chuỗi cung ứng, quản lý văn phòng cao cấp… truyền thông marketing – digital marketing, tài chính kế toán, kiểm toán, ngân hàng, tài chính doanh nghiệp.
Thứ 4 là nhóm ngành khoa học xã hội, du lịch – nhà hàng – khách sạn khách sạn – ẩm thực, sư phạm kỹ thuật và sư phạm giáo dục, luật, ngôn ngữ, quan hệ công chúng – tổ chức sự kiện, truyền thông đa phương tiện đông phương học và tâm lý các chuyên ngành.
Thứ 5 là chăm sóc sức khỏe: y, dược, điều dưỡng, nha, các chuyên ngành quản trị cơ sở dữ liệu ngành y tế, kỹ sư nghiên cứu tế bào gốc, công nghệ y sinh, nghiên cứu gen và dịch vụ làm đẹp, thẩm mỹ và sức khỏe.
Cuối cùng là nhóm ngành công nghệ nông – lâm, công nghệ thủy – hải sản và công nghệ thực phẩm, công nghệ sinh học – hóa.
Bên cạnh sự phát triển của 6 nhóm ngành trên, chuyên gia dự báo nhân lực Trần Anh Tuấn cũng cho rằng, một số ngành nghề truyền thống như thu cước, bưu tá, tiếp thị qua điện thoại, trực tổng đài, công nhân dệt may, làm vườn, làm nghề nông, thư ký, đánh máy và nhập dữ liệu… đang có dấu hiệu đi xuống do sự thay đổi của công nghệ và quy trình sản xuất kinh doanh hiện đại.
Đặc biệt, những năm tới, trong giai đoạn 2025 – 2035, xu hướng tuyển dụng các ngành liên quan đến công nghệ trong thời đại 4.0 luôn ở mức cao nhất so với các ngành khác. Vì vậy nhu cầu nhân lực qua đào tạo gắn với chuyển đổi số, khả năng thích ứng với sự chuyển đổi của xã hội ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong thị trường lao động.
Dự kiến, ngày 25/2 tới, Trung tâm dịch vụ việc làm Thanh niên TPHCM tổ chức chương trinh “Tiếp sức người lao động và Sàn giao dịch việc làm năm 2023” tại Học viện cán bộ Thành phố, quận Bình Thạnh với sự tham gia của khoảng 40 doanh nghiệp và hơn 7.000 chỉ tiêu tuyển dụng. Các ngành nghề tuyển dụng đa dạng như nhân viên bán hàng, nhân viên thời vụ, lao động phổ thông, kế toán, kỹ thuật…
Chương trình có sự tham gia của các tỉnh, thành trong cả nước, các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, quận, huyện đoàn và Thành đoàn TP. Thủ Đức. Chương trình sẽ ra quân hỗ trợ người lao động tại các bến xe, cửa ngõ vào thành phố như miền Đông, miền Tây, An Sương, Ngã Tư Ga với hơn 120 tình nguyện viên tham gia.
Lệ Vũ