Ngành dịch vụ Thú Cưng lên ngôi – Thiết Bị Thú Y Việt Nam
Trung bình 1 lần đi spa, 3 chú chó giống Toy Poodle là Shushi, Pizza, Angels của chị Bích Thủy tốn khoảng 1-1,5 triệu đồng tiền phí dịch vụ. Chị Thủy chia sẻ giá chăm sóc cún thường dao động từ 250.000-500.000 đồng, tùy vào cân nặng, định kỳ 2 tháng lại đi spa một lần.
Ngày càng nhiều gia đình nhỏ hoặc những bạn trẻ độc thân chọn cách nuôi một chú cún hoặc một chú mèo con để bầu bạn. Vì thế, dịch vụ dành cho thú cưng cũng ngày càng đa dạng và phong phú như chăm sóc làm đẹp, khám và trị bệnh, phối giống, giữ cún, bán thức ăn và vật dụng chăm sóc cún.
Tại TP.HCM, các spa chó mèo nở rộ như PetCity, Pet Mart, Sasaki Animal Hospital hay Dog Paradise… Ở những địa chỉ này, cảnh xếp hàng đặt lịch chăm sóc thú cưng những ngày Tết đã trở nên quá quen thuộc. Đặc biệt, nhiều dịch vụ đặc biệt dành cho thú cưng đã xuất hiện như bệnh viện, nhà trẻ, cà phê, tiệm quần áo… đánh trúng tâm lý yêu thương động vật của nhiều gia đình có điều kiện.
Thậm chí, tại Hà Nội, dịch vụ nghĩa trang cho thú cưng cũng khá đắt đỏ. Năm 2010, ông Nguyễn Bảo Sinh, tại quận Hoàng Mai, Hà Nội mở một nghĩa trang rộng đến 2.000m2 để dành cho chó mèo. Chi phí cho dịch vụ an táng tại đây có giá từ 2,5-10 triệu đồng, tùy vào từng gói dịch vụ. Nếu chủ nhân quyết định địa táng thì con vật được chôn cất dưới đất, sau đó xây mộ dựng bia. Giá loại hình này dao động từ 6-10 triệu đồng phụ thuộc vào nghi lễ, hình thức mà chủ nuôi chọn. Trong khi đó, an táng theo hình thức hỏa thiêu có giá rẻ hơn chỉ từ 2,5-4 triệu đồng/lần. Hiện có khoảng hơn 1.000 ngôi mộ chó mèo được chôn cất tại đây, đó là chưa kể những người chủ nuôi hỏa táng rồi mang tro cốt con vật về.
Khác với ông Sinh, anh Minh Tiến, quê Long An lại mở phòng mạch thiên về dịch vụ thú y. Tốt nghiệp Đại học Nông lâm TP.HCM, anh Tiến quyết định về Long An mở một phòng khám nhỏ. Tuy nhiên, sau nửa năm ế ẩm vì nông dân mở trang trại quy mô lớn thường ngừa bệnh từ sớm nên vật nuôi ít bệnh, còn các hộ gia đình nhỏ thì ít quan tâm đến việc trị bệnh.
Vì vậy, anh Tiến đã lên TP.HCM, mở phòng mạch cho thú cưng tại quận 6 với khoản tiền 200 triệu đồng. Vì vốn ít, anh Tiến chỉ mở dịch vụ khám chữa bệnh, chích dại và bán thức ăn, vật dụng chăm sóc chó mèo. Giá thuê mặt bằng 10 triệu đồng/tháng, cộng thêm chi phí đặt cọc 3 tháng, tổng cộng hết 40 triệu đồng. Chi phí đầu tư bàn khám, trang thiết bị khám, lồng nhốt thú cưng để theo dõi bệnh, sửa chữa thiết kế lại phòng khám hết 60 triệu đồng. Còn lại 100 triệu đồng, anh Tiến đặt cọc mua thức ăn cho chó mèo, gà và thuốc trị bệnh.
Anh Tiến, chia sẻ thời gian đầu phòng khám nhỏ nên chủ yếu tập trung khám và chữa bệnh là chính, nhưng phải bán thêm thức ăn thú cưng để làm quen và giữ chân khách được lâu dài. Anh lý giải, họ mua thức ăn nhiều lần thì cũng có lúc vật nuôi bị bệnh, khi đó mình sẽ khám và trị bệnh cho vật nuôi của họ.
Sau 4 năm kinh doanh, trung bình phòng mạch của anh Tiến thu được 50 triệu đồng/tháng. Trong đó, 20% đến từ bán thức ăn, 10% từ chăm sóc và giữ thú cưng, 70% từ khám và trị bệnh. Mảng khám và chữa bệnh cũng mang lại lợi nhuận lớn nhất, có thời điểm chiếm 50-60% doanh thu. Hiện anh Tiến đã có thêm một phòng khám tại quận 2 và nhận thêm dịch vụ chăm sóc, giữ thú cưng và anh đang cân nhắc mở thêm dịch vụ làm đẹp, tỉa lông. Dịch vụ làm đẹp thì mấy năm đầu phải trừ hao chi phí máy móc, nhưng dịch vụ chăm sóc, giữ thú cưng mang lại 100% lợi nhuận, anh Tiến cho biết. Thông thường mô hình phòng khám và chữa bệnh thú cưng chỉ khoảng 2-3 năm là có thể thu hồi vốn, anh Tiến chia sẻ.
Các spa thiên về làm đẹp, chăm sóc thú cưng và bán thức ăn thường lớn về quy mô phòng khám, nên vốn đầu tư vào khoảng 600-800 triệu đồng vì chi phí mặt bằng tùy theo quận, có quận lên đến 15-20 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó, chi phí nhập máy móc để tỉa lông cũng gần 100 triệu đồng/bộ máy, cộng thêm một khoản chi phí để chịu lỗ ít nhất 6 tháng đến một năm đầu.
Nếu dịch vụ tốt và được nhiều khách hàng ủng hộ thì sau một năm sẽ bắt đầu tạm ổn, anh Tiến cho biết. Phòng mạch của anh cũng thường xuyên bị thiếu nhân sự vì các bạn đã đủ trình độ tay nghề nên tự ra mở cửa hàng. Đây là bài toán đau đầu của nhiều spa chăm sóc thú cưng. “Nhiều nhân viên dù trước đó không có trình độ nhưng sau vài năm đào tạo, tay nghề cứng cáp là xin nghỉ để mở tiệm riêng”, anh Tiến chia sẻ. Theo anh Tiến, làm dịch vụ cho thú cưng cũng gặp không ít khó khăn, không phải cứ mở ra là thành công. Cũng có vài spa được mở gần phòng khám của anh Tiến nhưng chưa đến một năm thì đóng cửa.
Tuy nhiên, dịch vụ dành cho thú cưng vẫn là mảnh đất màu mỡ. Thấy được tiềm năng của thị trường dịch vụ thú cưng tại Việt Nam, hệ thống siêu thị Aeon của Nhật mới mở 2 trung tâm dịch vụ dành cho thú cưng tại Aeon Tân Phú và Aeon Thủ Đức lấy tên là PETEMO. Trong website AeonEshop, sản phẩm dành cho chó mèo như thức ăn, lồng chó, dầu gội đầu, sữa tắm, chải lông, thậm chí dầu xả, bình xịt dưỡng lông, kẹp tóc, đệm làm mát… dành cho thú cưng.
Theo số liệu của Statista, doanh thu thị trường thức ăn thú cưng tại Việt Nam có tốc độ tăng trưởng hằng năm 7,3% (CAGR 2019-2023). Nhiều nhà sản xuất thức ăn thú cưng nước ngoài như InVivo NSA, Smart Heart, Royal Canin… đang tập trung vào việc xây dựng hệ thống phân phối thức ăn vật nuôi tại Việt Nam.
Ông Saeki Naohisa, Phó Tổng Giám đốc Khối Phát triển Kinh doanh mới và vận hành, Công ty AEON Việt Nam, chia sẻ: “Tại Việt Nam, lượng người có sở thích nuôi thú cưng đang gia tăng nhanh chóng và đây chính là cơ hội cho ngành công nghiệp dịch vụ thú cưng phát triển trong tương lai”. Cũng theo ông Saeki Naohisa, theo báo cáo từ Rakuten Insight, công ty nghiên cứu thị trường tại Nhật, thị trường dịch vụ thú cưng tại châu Á ước tính sẽ đạt 1 tỉ USD/năm và sẽ lên tới 1,5 tỉ USD vào năm 2020.
(Theo Nhipcaudautu.vn)