Ngành Sợi Hanosimex: Tạo “sức bật” 2022 từ thành công 2021 | Tập đoàn dệt may Việt Nam
Với những kết quả khả quan của ngành Sợi trong năm 2021, bước vào năm 2022 Tổng Công ty CP Dệt May Hà Nội (Hanosimex) tiếp tục xây dựng những kịch bản dự báo nhằm bát sát thị trường, đầu tư chiều sâu cho dây chuyền sản xuất, giúp tăng năng suất và lợi nhuận… Trước thềm năm mới Nhâm Dần, Tạp chí Dệt May & Thời trang Việt Nam đã trao đổi với ông Hồ Lê Hùng – Tổng Giám đốc Hanosimex về thành công của năm 2021 và những bước chuẩn bị cho năm 2022.
Ông Hồ Lê Hùng – Tổng Giám đốc Hanosimex
Năm 2021 ngành Sợi của Hanosimex đã có rất nhiều tín hiệu tích cực về SXKD, xin ông chia sẻ về những kết quả đã đạt được?
Trong 2 năm 2019 và 2020, nhìn chung ngành Sợi tương đối khó khăn, đối với năm 2019 là ảnh hưởng của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, còn năm 2020 dư âm của chiến tranh thương mại cộng với đại dịch Covid-19 trên toàn cầu đã khiến cho nhu cầu thị trường bị giảm đi rất nhiều, do đó ảnh hưởng rất lớn đến các DN sản xuất sợi trong đó có Hanosimex. Đến năm 2021, thị trường ấm lên rất nhiều, trong đó nhu cầu thị trường và giá sản phẩm đều tăng. Có thế ví trong 2 năm 2019 và 2020 ngành Sợi như một chiếc lò xò bị “nén lại”, đến 2021 thì mới bung ra, điều này đã giúp cho thị trường tương đối tốt và kéo dài cho tới hết năm.
Với Hanosimex hiện nay có 2 Nhà máy kéo sợi, 1 Nhà máy 3 vạn cọc kéo 100% sợi cotton và 1 nhà máy 3 vạn chuyên làm sợi TC và CVC. Với bối cảnh thị trường như vậy, năm 2021 2 nhà máy đều phát huy được tối đa năng suất, luôn đầy tải. Bên cạnh đó, Hanosimex cũng đã bám sát được diễn biến thị trường, chốt được đơn hàng và có kế hoạch sản xuất cho nhà máy trước ít nhất 1-2 tháng nhằm chủ động được các phương án sản xuất, tăng hiệu suất thiết bị và chủ động nguồn nguyên liệu.
Từ những điều đó, năm 2021 kết quả SXKD của Hanosimex tương đối khả quan, với doanh thu ngành Sợi ước đạt 897 tỷ đồng, bằng 146% so với kế hoạch (kế hoạch 2020 là 614 tỷ), bằng 163% so với cùng kỳ (năm 2020 đạt 551 tỷ); Lợi nhuận ước đạt 86,3 tỷ (kế hoạch là 12 tỷ); Tổng sản lượng sản xuất quy về chi số 30 ước thực hiện 11. 271 tấn, bằng 121,8% so với cùng kỳ; Tổng sản lượng tiêu thụ ước đạt 11.905 tấn, bằng 129,6% so với năm 2020; Trong đó, xuất khẩu là 9.283 tấn (160,2% so với 2020), còn lại 2.622 tấn cho thị trường nội địa. Bên cạnh đó, doanh thu xuất khẩu ước đạt 675 tỷ (bằng 200,9% so với 2020), doanh thu nội địa ước đạt 222 tỷ (bằng 98,2% so cùng kỳ).
Về kết quả quản trị ngành Sợi, năm 2021 Hanosimex được xếp trong top đầu các đơn vị ngành Sợi của Vinatex. Với tỷ suất lợi nhuận/doanh thu là 11,7% (tính hết tháng 10/2021), đứng thứ 2 và chiếm khoảng 11,7% doanh thu ngành Sợi của Tập đoàn. Thu nhập bình quân của người lao động ngành Sợi của Hanosimex năm 2021 vẫn được đảm bảo và tăng lên ở mức 9tr3/người/tháng.
Mặc dù năm 2021, Hanosimex bị ảnh hưởng của dịch bệnh tương đối nặng, trong đó từ cuối tháng 7 đến hết tháng 10 phải sản xuất “3 tại chỗ”, một lượng lao động bị cách ly khi dịch bùng phát tại Hà Nam. Điều này đã khiến cho Nhà máy bị thiếu lao động. Tuy nhiên, Ban lãnh đạo vẫn cố gắng điều tiết sản xuất để đảm bảo sản lượng, phát huy tối đa năng lực sản xuất.
Vậy theo ông đâu là “bí quyết” thành công của những kết quả trên?
Thứ nhất, vẫn là bám sát thị trường, nhất là thị trường nguyên liệu (bông, xơ). Khi theo dõi diễn biến, cần có những dự doán và chia sẻ với đồng nghiệp trong ngành, nhất là các DN trong Ban SXKD Sợi của Tập đoàn để có những quyết định mua được nguyên liệu có giá tốt nhất. Theo tôi, Ban SXKD Sợi của Tập đoàn có vai trò vô cùng quan trọng trong việc chia sẻ, kết nối thông tin và hỗ trợ lẫn nhau về diễn biến thị trường và nguồn nguyên liệu. Hiện trong ngành Sợi, kết cấu và chi phí nguyên liệu chiếm đến 70-75% giá thành, do đó doanh nghiệp có “thắng” được hay không chính là nhờ vào việc giá nguyên liệu tốt hay không. Bên cạnh đó, phải tính toán việc mua nguyên liệu phù hợp với nhu cầu sản xuất của từng doanh nghiệp.
Với thị trường đầu ra, theo dõi và cập nhật tình hình cung cầu thị trường để điều chỉnh giá bán, cũng như lựa chọn mặt hàng để tối ưu năng lực sản xuất của từng doanh nghiệp, cũng như giảm chi phí sản xuất/cân sợi. Điều này sẽ giúp các DN tăng được hiệu quả và giá bán ở mức tốt nhất.
Thứ hai, là việc ổn định được lao động. Để làm được điều này, các DN có những chính sách điều tiết tiền lương, thu nhập sao cho hợp lý nhất nhằm giữ chân được NLĐ.
Thứ ba, cân đối năng lực thiết bị và lựa chọn mặt hàng sao cho tối ưu nhất để đảm bảo sản xuất có hiệu quả tốt nhất.
Thứ tư, tập trung và tìm các giải pháp để ổn định được chất lượng sản phẩm, giữ uy tín và tạo sự tin tưởng với khách hàng, từ đó mới có thể đàm phán được mức giá tốt.
Thứ năm, với thị trường hiện nay cần phải xem xét và đánh giá khách hàng nhằm bảo đảm độ tin cậy trong hợp tác kinh doanh và thanh toán.
Cuối cùng, cần phải tính toán các biện pháp nhằm tiết giảm chi phí tiêu hao nguyên liệu và điện, tăng hiệu suất của thiết bị…vv…
Năm 2022 được dự đoán bức tranh ngành Sợi sẽ khó ấn định hơn, vậy Hanosimex đã chuẩn bị như thế nào nếu như giá Sợi xuất khẩu xấu đi, thưa ông?
Vào giai đoạn cuối năm 2021, thị trường Sợi bắt đầu có nhiều dấu hiệu không ổn định và an toàn. Điều này được thể hiện ở giá nguyên liệu như bông tăng rất nhanh, mạnh và kéo dài. Với giá bông tăng cao, sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho SXKD, bởi khi giá bông giảm thì chắc chắn giá thành sản phẩm cũng sẽ giảm theo, trong khi nguồn nguyên liệu các DN đã phải chuẩn bị trước đó ít nhất 3 tháng. Điều này dẫn tới giá thành sản phẩm bị giảm, các DN vẫn phải sản xuất với giá bông cao đã nhập trước đó. Tôi cho rằng, điều này vô cùng “nguy hiểm”, tiềm ẩn nhiều rủi ro, ảnh hưởng trực tiếp tới kết quả SXKD.
Để giảm thiểu rủi ro, với Hanosimex vẫn đang thực hiện bám sát thị trường, chốt đơn hàng nguyên liệu tới đâu thì có kế hoạch sản xuất và bán hàng tới đó. Đồng thời, lựa chọn các đối tác tin cậy để giao dịch, bởi khi thị trường xấu đi thì đối tác vẫn cam kết thực hiện hợp đồng đã ký trước đó. Một vấn đề nữa mà Hanosimex đang thực hiện chính là việc mua nguyên liệu “vừa đủ” và không dự trữ quá nhiều nguồn nguyên liệu, để đề phòng trường hợp thị trường bị biến động thì ảnh hưởng sẽ không bị kéo theo quá dài.
Nếu như kịch bản xấu nhất của ngành Sợi xảy ra trong năm 2022, chắc chắn không chỉ riêng Hanosimex, mà các DN khác cũng sẽ phải tính toán lại kịch bản thị trường, cân đối giữa thị trường xuất khẩu và thị trường nội địa nhằm cân bằng năng lực sản xuất.
Là đơn vị có chuỗi cung ứng hoàn thiện trong hệ thống của Vinatex, định vị của thương hiệu Hanosimex sẽ như nào khi HĐQT Vinatex đã chuyển mục tiêu trở thành “Một điểm đến – Nhà cung ứng trọn gói nhu cầu khách hàng về dệt may và thời trang”, thưa ông?
Ngoài ngành Sợi, Hanosimex còn có ngành May, do đó Tổng Công ty cũng sẽ phải cân đối, tập trung phát triển đồng đều cả 2 ngành để có thể “đi bằng cả 2 chân”. Đồng thời với các công ty con có ngành Dệt – Nhuộm, sẽ phải liên kết chặt chẽ hơn trong hệ thống. Với ngành May, năm 2022 Hanosimex sẽ phát triển các đơn hàng FOB nhằm phát huy được thế mạnh của Hanosimex là cung cấp được trọn gói từ Sợi – Dệt kim– Nhuộm và May. Đồng thời, Hanosimex cũng sẽ là một trong những đơn vị có thể đáp ứng và liên kết với các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng của Tập đoàn.
Trân trọng cảm ơn ông về buổi trò chuyện!
Nam Cao (thực hiện)