Ngành Hóa học, Công nghệ kỹ thuật Hóa học, Hóa dược khác nhau như thế nào?

TPO – Đứng trước các ngành có tên na ná nhau cùng chương trình đào tạo đa dạng như: Hóa học, Công nghệ kỹ thuật Hóa học, Hóa Dược nhiều thí sinh băn khoăn không biết nên chọn ngành nào. Sự khác biệt giữa các ngành trên về chương trình đào tạo cũng như cơ hội việc làm là gì? ra trường có dễ kiếm việc không?

PGS.TS. Nguyễn Minh Ngọc, Trưởng khoa Hóa học, trường Đại học (ĐH) Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội chia sẻ hiện nay Khoa Hóa học của trường đang đào tạo ba ngành học ở bậc ĐH bao gồm Hóa học, Công nghệ kỹ thuật Hóa học và Hóa Dược. Đối với ngành Hóa học, bên cạnh chương trình đào tạo (CTĐT) chuẩn còn có thêm CTĐT Tài năng và CTĐT Tiên tiến. Hai ngành Công nghệ kỹ thuật Hóa học và Hóa Dược là các CTĐT chất lượng cao.

Về nội dung chương trình đào tạo, đây là các ngành gần nhau, được thiết kế với khối kiến thức cơ bản và cơ sở tương đồng nhau trong khoảng 2,5 đến 3 năm đầu với nền tảng vững chắc về hóa học. Sự khác nhau cơ bản được thể hiện ở khối kiến thức ngành và chuyên ngành ở năm thứ 3, thứ 4, cũng như hình thức đào tạo.

Ngành Hóa học được thiết kế với các môn học mang tính cơ bản, hàn lâm gồm các hướng chuyên sâu như Hóa vô cơ, Hóa hữu cơ, Hóa phân tích, Hóa lý. CTĐT chuẩn là ngành truyền thống của Khoa, được sự hỗ trợ của Nhà nước với mức học phí theo quy định chung của Bộ GD&ĐT. CTĐT Tài năng dành cho số ít những sinh viên có năng lực vượt trội về hóa học, được tuyển chọn khi sinh viên đã trúng tuyển, được ĐH Quốc gia Hà Nội và trường ĐH Khoa học tự nhiên ưu tiên đầu tư, mức học phí giống CTĐT chuẩn. Bên cạnh đó, Khoa còn có CTĐT Tiên tiến theo đề án của Bộ GD&ĐT.

Ngành Công nghệ kỹ thuật Hóa học thiên về các môn học gắn liền với nghiên cứu và phát triển sản phẩm, quy trình công nghệ ở các lĩnh vực chuyên sâu như Công nghệ vật liệu, Công nghệ hóa sinh thực phẩm, Kỹ thuật quá trình hóa học, Hóa môi trường, Hóa học dầu mỏ. Đây là CTĐT chất lượng cao, theo đó ngoài kiến thức chuyên môn, sinh viên được tăng cường kiến thức về thực tế, định hướng nghề nghiệp, kỹ năng mềm thông qua các hoạt động trải nghiệm ở doanh nghiệp ngay từ năm đầu tiên. Sinh viên được học trên 20% các môn học chuyên ngành bằng tiếng Anh. Sau khi tốt nghiệp sinh viên đạt trình độ tiếng Anh tương đương B2 (bậc 4 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam).

Ngành Hóa dược tập chung vào các môn học phục vụ tìm kiếm các hợp chất có hoạt tính sinh học, các hoạt chất sử dụng làm thuốc, thực phẩm chức năng với các hướng chuyên sâu như Tổng hợp hóa dược, Hóa học dược liệu, Kiểm nghiệm dược phẩm, mỹ phẩm. Hóa dược cũng là CTĐT chất lượng cao với các đầu tư tương tự như CTĐT Công nghệ kỹ thuật Hóa học.

Về cơ hội việc làm, có thể nói quá trình công nghiệp hóa diễn ra mạnh mẽ ở Việt Nam trong những năm vừa qua đã mở ra cơ hội việc làm rất rộng mở đối với nhiều lĩnh vực trong đó có hóa học.

Mặc dù có một vài điểm khác nhau trong tính chất công việc nhưng cả 3 ngành Hóa học, Công nghệ Kỹ thuật hóa học và Hóa dược đều là các lĩnh vực quan trọng của ngành Hóa và giữa chúng có mối liên hệ mật thiết. Về vị trí việc làm, chúng ta đều biết là về định hướng thì Cử nhân Hóa học được đào tạo để làm việc trong lĩnh vực giảng dạy, nghiên cứu, đào tạo, phân tích, giám định, … Cử nhân Công nghệ Kỹ thuật hóa học được đào tạo để làm việc trong lĩnh vực sản xuất, nghiên cứu phát triển/cải tiến quy trình công nghệ. Cử nhân Hóa dược thì định hướng làm việc trong các các viện nghiên cứu, các công ty, cơ sở sản xuất kinh doanh có liên quan đến lĩnh vực hóa dược và dược phẩm.

Tuy nhiên, đây chỉ là định hướng chứ không có tính bắt buộc vì trên thực tế quan sát sinh viên tốt nghiệp ở Khoa Hóa học, trường ĐH Khoa học Tự nhiên thì thấy có một tỉ lệ giao thoa khoảng 30-40% sinh viên tốt nghiệp ngành này có thể làm ở những vị trí được định hướng cho ngành kia và làm rất tốt.

Nghiêm Huê