Ngành Giáo dục và Đào tạo Sơn La: Ưu tiên đào tạo con em là người dân tộc thiểu số
Nhân dịp đầu năm mới, phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển có cuộc trao đổi với bà Cầm Thị Kiểu, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La xung quanh việc thực hiện chế độ chính sách cử tuyển.
Sơn La là tỉnh miền núi có nhiều con em đồng bào dân tộc được hưởng chế độ chính sách cử tuyển. Đề nghị bà cho biết kết quả thực hiện chính sách cử tuyển trong thời gian qua của tỉnh ?
Từ năm 1995 đến nay, nhất là từ năm 2001 triển khai thực hiện Thông tư Liên tịch số 04/2001/TTLT: BGD&ĐT-BTCCBCP-UBDT&MN ngày 26/02/2001 của Liên Bộ: Giáo dục và Đào tạo, Ban Tổ chức cán bộ Chính phủ, Uỷ ban Dân tộc và Miền núi về hướng dẫn tuyển sinh vào đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp theo chế độ cử tuyển, hàng năm, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La đã tham mưu cho UBND tỉnh triển khai xây dựng kế hoạch, chỉ tiêu, báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo, hướng dẫn các huyện, thị và các đơn vị giáo dục trong tỉnh thực hiện.
Để công tác này đi vào nền nếp và đạt hiệu quả với phương châm ưu tiên đào tạo con em dân tộc thiểu số tại tỉnh Sơn La, nguồn tuyển sinh đã tập trung vào đối tượng học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú; Trường Hữu nghị T80, Trường Vùng cao Việt Bắc và từ các xã đặc biệt khó khăn. Kết quả, từ năm 1995 đến 2008, toàn tỉnh đã có 1.385 học sinh được cử tuyển đào tạo tại các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp trong và ngoài tỉnh. Trong đó, đào tạo tại các trường sư phạm là 834 học sinh (chiếm 60%); đào tạo các ngành khác 551 học sinh (chiếm 40%). Trình độ đại học: 567 học sinh; cao đẳng: 225 học sinh; trung cấp: 589 học sinh; kỹ thuật viên y tế: 04 học sinh.
Tháng 12/2009, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh triển khai cử tuyển 434 học sinh đi học các ngành theo kế hoạch năm 2009.
Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La đã có những giải pháp nào để công tác cử tuyển đúng đối tượng, nhằm tạo nguồn cán bộ cho địa bàn vùng sâu, vùng xa? Thưa bà?
Hằng năm, trong kế hoạch của ngành đã ưu tiên để các huyện tuyển chọn học sinh các xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK) vào học các trường phổ thông dân tộc nội trú huyện và tỉnh, nhằm đào tạo nguồn cán bộ là người DTTS cho các xã ĐBKK. Tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức cho toàn xã hội, đặc biệt là các bậc phụ huynh học sinh. Triển khai thực hiện nghiêm túc chế độ quy định về tuyển sinh do UBND tỉnh và Sở Giáo dục và Đào tạo quy định, đảm bảo dân chủ công khai, đúng vùng tuyển, đủ số lượng, đúng đối tượng. Số học sinh ra trường cơ bản được cử tuyển vào các trường chuyên nghiệp trong và ngoài tỉnh, đảm bảo chỉ tiêu, đáp ứng yêu cầu về các môn văn hoá và theo kịp các nội dung học tập theo hướng nâng cao.
Dư luận cho rằng, nhiều đối tượng được đi cử tuyển, sau khi ra trường chủ yếu được phân về vùng thuận lợi, bà cho biết ý kiến về vấn đề này như thế nào?
Hiện nay, tỉnh Sơn La đã có chủ trương phối hợp với các sở, ban, ngành và UBND các huyện để rà soát, tổng hợp các đối tượng đã đi học cử tuyển về tỉnh và đề xuất phương án bố trí, phân công công tác hàng năm.
Riêng với các đối tượng đi cử tuyển sư phạm, các phòng Giáo dục và Đào tạo và Sở Giáo dục và Đào tạo trong chỉ tiêu biên chế hàng năm đều xem xét ưu tiên tuyển dụng và phân công về các địa phương đã đăng ký đi cử tuyển ban đầu để công tác.
Tuy nhiên, có một số ngành học như: giao thông, xây dựng, kiến trúc…, đối với cấp huyện và cấp xã do biên chế đã đủ (hoặc không có biên chế bổ sung) ở các chuyên ngành này. Vì vậy, số học sinh đã được đào tạo các chuyên ngành mà địa phương mình chưa có nhu cầu sử dụng đều tự liên hệ xin công tác tại các cơ quan, đơn vị và các doanh nghiệp.
Bên cạnh việc thực hiện chế độ cử tuyển thì việc đào tạo nguồn nhân lực cán bộ là người DTTS luôn được tỉnh Sơn La quan tâm, chú trọng. Đã có những kết quả khả quan, song vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức?
Công tác đào tạo nguồn nhân lực cán bộ DTTS trong thời gian qua đã được các cấp, các ngành của tỉnh Sơn La quan tâm, đạt được kế hoạch và quy định chung. Mục tiêu đặt ra đã đạt được là: đào tạo cán bộ trực tiếp cho các huyện, các xã và đại diện cho các dân tộc; từng bước bổ sung số lượng và khắc phục tình trạng mất cân đối về nguồn cán bộ cho các xã và vùng khó khăn; góp phần đáng kể vào việc thúc đẩy sự nghiệp phát triển kinh tế- xã hội, xoá đói, giảm nghèo, bảo vệ an ninh quốc phòng tại địa phương.
Mặc dù công tác đào tạo nguồn nhân lực cán bộ DTTS đã đạt được kết quả như trên, song vẫn còn khó khăn trong việc triển khai, cụ thể là:
– Sự phối hợp giữa các sở, ban ngành và các huyện thị; giữa các cơ sở đào tạo với tỉnh trong quá trình thực hiện cử tuyển và công tác đào tạo, đào tạo lại chưa chặt chẽ, thường xuyên do chưa có chiến lược và kế hoạch dài hơi về công tác này.
– Nguồn tuyển sinh về chất lượng đã được nâng lên, song vùng ưu tiên được chọn học sinh đi học cử tuyển còn nhiều khó khăn, vì trong đối tượng được tuyển chọn không có học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông đạt loại khá, giỏi. Điều đó cũng ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo nguồn cán bộ.
Xin cảm ơn bà !
Minh Quang
(Nguồn: Báo Dân tộc & Phát triển – Số 4/2010)
[TT: H.T.N]