Ngành Giáo dục và Đào tạo Phú Yên tổ chức dạy học trong điều kiện phức tạp của dịch Covid-19
Đại dịch Covid-19 đã tác động nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống kinh tế – xã hội trên toàn cầu. Hai năm qua, ngành Giáo dục và Đào tạo đã phải đối mặt với những hệ quả do đại dịch gây ra. Trải qua các “làn sóng” của đại dịch, việc dạy và học đã không ít lần bị gián đoạn. Tại tỉnh Phú Yên, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng trực tiếp kể từ tháng 6 năm 2021. Tuy nhiên, ngành Giáo dục và Đào tạo Phú Yên cũng đã nhiều lần phải điều chỉnh kế hoạch dạy học do những tác động gián tiếp của đại dịch trên toàn quốc và các địa phương lân cận. Hệ quả không dễ nhìn thấy nhưng lại có thể gây nên những tác động lâu dài làm ảnh hưởng đến tâm lý của đội ngũ nhà giáo, học sinh và cha mẹ học sinh. Trường học phải đóng cửa, trẻ em bị gián đoạn giao tiếp với xã hội, ảnh hưởng đến tâm sinh lý, cảm xúc xã hội, đặc biệt là học sinh thuộc nhóm nhỏ tuổi.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Dịch Covid-19 xảy ra trong bối cảnh kỷ nguyên số, do đó đã làm thay đổi cách thích ứng, vận hành và quản lý xã hội. Ngành Giáo dục và Đào tạo cũng không thể nằm ngoài sự thay đổi đó. Để việc dạy và học thích nghi trong sự diễn biến phức tạp của đại dịch, với phương châm “tạm dừng đến trường, không dừng việc học”, ngành Giáo dục và Đào tạo Phú Yên đã triển khai đồng bộ, linh hoạt các văn bản chỉ đạo của Trung ương và địa phương; phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng, đặc biêt là ngành Y tế để tổ chức, hướng dẫn và triển khai các hoạt động dạy và học phù hợp.
Trước tình hình diễn biến phức tạp dịch bệnh tại địa phương, Sở Giáo dục và Đào tạo đã chủ động triển khai dạy học trực tuyến và các hình thức dạy học linh hoạt ngay từ đầu năm học 2021-2022. Chỉ đạo thống nhất việc ứng dụng các phần mềm trong dạy học và kiểm tra, đánh giá học sinh. Hình thức dạy học mới này bước đầu có những khó khăn nhất định, chỉ phù hợp với vùng có điều kiện thuận lợi nhưng chưa thể phù hợp với những nơi còn khó khăn và đối tượng học sinh nghèo khó. Tâm lý chung của xã hội cho rằng việc dạy học trực tuyến chỉ là giải pháp tình thế, chưa thể trở thành một xu thế phát triển trong xã hội hiện đại trong giai đoạn mà chuyển đổi số mới bắt đầu trong ngành giáo dục. Thực tế đã cho thấy, dạy học trực tuyến có thể đáp ứng đối với học sinh Trung học phổ thông, nhưng ít hiệu quả với học sinh tiểu học và trung học cơ sở. Trẻ mầm non không đến trường, không được tương tác với bạn bè, cô giáo nên có nguy cơ giảm khả năng phát triển về ngôn ngữ, khả năng giao tiếp, tình cảm xã hội, vận động và sức khỏe… Ý thức học trực tuyến của học sinh chưa cao, khó kiểm soát chất lượng giáo dục. Tâm lý của một bộ phận phụ huynh chưa sẵn sàng, cùng với những khó nhọc của giáo viên, học sinh và cả cha mẹ học sinh luôn là áp lực của ngành giáo dục và những người làm công tác quản lý giáo dục.
Xác định chất lượng giáo dục là mục tiêu quan trọng. Do đó, toàn ngành Giáo dục và Đào tạo Phú Yên luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, nâng cao nhận thức để sẵn sàng chuyển trạng thái thích ứng với điều kiện diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Coi trọng công tác động viên, khích lệ nhà giáo và cán bộ quản lý trường học. Tuyên truyền, động viên học sinh và cha mẹ học sinh cùng nâng cao ý thức công dân, tự giác, tích cực tham gia các hoạt động phòng, chống dịch và chung sức đồng lòng hỗ trợ lẫn nhau vượt qua khó khăn để hoàn thành mục tiêu giáo dục. Khắc phục những hạn chế về thiết bị và đường truyền trong việc tổ chức dạy học trực tuyến, ứng dụng công nghệ, thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động dạy, học, kiểm tra, đánh giá học sinh; kết nối nền tảng dạy học trực tuyến với nền tảng quản lý nhà trường. Xây dựng kế hoạch hỗ trợ, tư vấn tâm lý cho giáo viên, học sinh và phụ huynh, giúp các em dần vượt qua những khó khăn, khủng hoảng tâm sinh lý do tác động của đại dịch, sớm bắt nhịp với môi trường học tập trực tiếp tại trường. Đồng thời vận động các nguồn lực xã hội và trong đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên góp một phần công sức của mình để hỗ trợ các em học tập trực tuyến, nhất là những vùng đặc biệt khó khăn thông qua chương trình “sóng và máy tính cho em” do Chính phủ phát động.
Để triển khai và thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về đảm bảo an toàn phòng, chống dịch khi học sinh trở lại trường học tập trực tiếp là yêu cầu quan trọng. Toàn ngành đã chủ động xây dựng kế hoạch, kịch bản, giải pháp ứng phó với tình huống dịch Covid-19 có khả năng còn ảnh hưởng lâu dài, bảo đảm an toàn trường học và thực hiện nhiệm vụ năm học 2021-2022 kịp tiến độ thời gian và đảm bảo chất lượng. Ngành giáo dục đã phối hợp với Trung tâm y tế các địa phương thường xuyên cập nhật, bổ sung hướng dẫn công tác phòng, chống dịch trong trường học và triển khai tốt chiến dịch tiêm chủng cho trẻ em 12-17 tuổi, đồng thời tích cực phối hợp để xây dựng phương án tiêm phòng cho trẻ từ 5-11 tuổi. Nhờ sự chủ động và ứng dụng linh hoạt các phương pháp và hình thức dạy học cũng như công tác phòng, chống dịch mà từ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán đến nay hoạt động giáo dục tỉnh Phú Yên đã từng bước ổn định, dần trở lại trạng thái bình thường mới.
Để tiếp tục thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch trong các trường học, nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe cho giáo viên và học sinh, đồng thời để hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch năm học 2021-2022. Một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành Giáo dục và Đào tạo là chỉ đạo việc tổ chức đánh giá chất lượng học sinh để có kế hoạch củng cố, bổ sung kiến thức nâng cao chất lượng giáo dục. Tổ chức kiểm tra, đánh giá học sinh khách quan tạo sự công bằng trong giáo dục. Đồng thời quan tâm đến hoạt động giáo dục rèn luyện thể chất và các kỹ năng cần thiết nhằm phát triển toàn diện về phẩm chất, trí và lực cho học sinh. Chủ động xây dựng kế hoạch để kết thúc năm học một cách phù hợp./.
Trần Khắc Lễ – Giám đốc Sở GD và ĐT Phú Yên