Ngành Giáo dục học
Ngành giáo dục học đáp ứng các vai trò cần thiết trong các cơ sở giáo dục, các cơ sở tư vấn về giáo dục, tư vấn tâm lý học đường, các cơ quan quản lý giáo dục.
Mục Lục
Thông tin giới thiệu ngành của Trường đại học Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn (ĐHQG TP.HCM)
1.Tổng quan về ngành:
Khoa Giáo dục được ĐHQG – HCM quyết định thành lập năm 1999 và chính thức tuyển sinh, đào tạo từ năm học 2000-2001, với hai chuyên ngành Quản lý giáo dục và Tâm lý giáo dục. Năm 2015 khoa được trường phê duyệt đề án thành lập bộ môn sư phạm; dự kiến tuyển sinh từ năm 2016.
Khoa Giáo dục là đơn vị đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao phương pháp giáo dục hiện đại, với quy mô, loại hình và trình độ đào tạo đa dạng.Với chất lượng được đảm bảo và có uy tín, nguồn nhân lực được đào tạo từ khoa Giáo dục đáp ứng nhu cầu xã hội trong các hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học giáo dục, tư vấn giáo dục và quản lí giáo dục.
2. Mục tiêu đào tạo
Sinh viên tốt nghiệp ngành GDH (chuyên ngành Quản lý giáo dục và Tâm lý học giáo dục) được trang bị những kiến thức nền tảng và đa dạng về Khoa học giáo dục và Tâm lý giáo dục, Quản lý giáo dục, có năng lực xây dựng kế hoạch, thiết kế, triển khai và đánh giá hoạt động giáo dục, tư vấn, quản lý trong các trường học, các cơ quan/ trung tâm giáo dục, các tổ chức phi chính phủ, các đoàn thể xã hội, doanh nghiệp… để có thể đảm nhiệm tốt vai trò và các vị trí công việc khác nhau như nhân viên, chuyên viên, trợ lý, nhà tư vấn, nhà nghiên cứu, nhà giáo, nhà quản lý – lãnh đạo… trong thực tiễn nghề nghiệp.
3. Cơ hội việc làm sau tốt nghiệp:
3.1. Cơ hội việc làm
- Vị trí làm việc của nghề nghiệp nghiên cứu: làm chuyên viên, cán bộ nghiên cứu khoa học tâm lý tại các Viện nghiên cứu (Viện Khoa học Xã hội, Viện Tâm lý học, Viện nghiên cứu giáo dục, sư phạm…); trung tâm nghiên cứu (Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng Tâm lý học, Trung tâm nghiên cứu dư luận xã hội, Trung tâm khảo thí, kiểm định chất lượng…);…
- Vị trí làm việc của nghề nghiệp giảng dạy: làm giáo viên, giảng viên tại các trường học; cơ sở giáo dục nghề nghiệp; giáo dục đại học; cao đẳng; trung cấp chuyên nghiệp; viện nghiên cứu; các trường nghề;…
- Vị trí làm việc của tham vấn tâm lý: làm chuyên gia, chuyên viên tham vấn tâm lý tại các trung tâm tư vấn tâm lý, trường học, bệnh viện, viện sức khỏe tâm thần, các tổ chức xã hội, hành nghề độc lập,…
- Vị trí làm việc của quản lý: làm chuyên gia, chuyên viên quản lý đào tạo, học vụ tại các trường học (quản lý đào tạo, quản lý sinh viên, quản sinh, quản nhiệm,…), chuyên viên đào tạo, nhân sự, chuyên viên dự án tại các công ty, các cơ quan – tổ chức phi chính phủ…
3.2. Khả năng học tập nâng cao trình độ
- Có khả năng tự học để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ hoặc có thể học sau đại học (Thạc sĩ, tiến sĩ) trong nước và ngoài nước trong các chuyên ngành như: Tâm lý học, Giáo dục học, Quản lý giáo dục,…
- Có khả năng nghiên cứu và ứng dụng những kết quả nghiên cứu trong hoạt động của tổ chức.
4. Hình thức và thời gian đào tạo: chính quy tập trung, thời gian đào tạo từ 3,5 năm đến 6 năm.
5. Chuẩn đầu ra:
Trang bị cho người học kiến thức cốt lõi về khoa học xã hội và nhân văn; kiến thức cơ sở ngành và liên ngành của khoa học giáo dục và kiến thức chuyên sâu trong quản lý giáo dục cũng như tâm lý giáo dục.
Giúp người học hình thành và rèn luyện các phẩm chất đạo đức, kỹ năng cá nhân và xã hội như khả năng độc lập, khái quát hoá, nhìn nhận vấn đề dưới nhiều góc độ, khả năng giao tiếp và hợp tác để làm việc hiệu quả và thành công trong môi trường làm việc hiện đại.
Cung cấp các cơ hội để người học hình thành và phát triển các kỹ năng nghề nghiệp như tư duy hệ thống, kỹ năng nghiên cứu, khám phá, giải quyết vấn đề chuyên môn, kỹ năng quản lý các nguồn lực và các hoạt động chuyên môn trong giáo dục.
Giúp người học hình thành và phát triển các năng lực hình thành ý tưởng, xây dựng kế hoạch, triển khai và đánh giá các hoạt động giáo dục để ứng dụng trong thực tiễn giáo dục và xã hội.