Ngành GD ĐT huyện Điện Biên: Nỗ lực gặt hái nhiều thành tựu đáng khích lệ
Hội nghị trực tuyến sinh hoạt chuyên môn
Những năm gần đây, ngành GD&ĐT huyện Điện Biên đã có bước phát triển ổn định về mạng lưới cơ sở giáo dục, hệ thống trường lớp, cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu được tới trường của trẻ, học sinh. Tính đến năm học 2021-2022, huyện có tổng số 65 trường, 138 điểm trường, 893 lớp, 24.161 học sinh. So với cùng kỳ năm học trước giảm 2 trường do sáp nhập, giảm 4 lớp, tăng 165 học sinh. So với kế hoạch tỉnh giao giảm 3 lớp, tăng 60 học sinh. Tổng số học sinh dân tộc là 17.929. Tổng số trường mầm non là 26 trường, 305 lớp với 7.521 trẻ; tiểu học: 22 trường, 389 lớp với 10.001 học sinh; THCS: 17 trường, 199 lớp với 6.639 học sinh. Tỷ lệ huy động trẻ mầm non (số trẻ 0-5 tuổi/dân số 0-5 tuổi) đạt 79,4%; tiểu học đạt 99,9%; THCS: trẻ 11 tuổi vào lớp 6 đạt 98,3%, từ 11 – 14 tuổi đạt 98,1%.
Để thực hiện tốt các kế hoạch, nhiệm vụ, trong những tháng đầu năm học 2021-2022, phòng GDĐT huyện đã tham mưu và triển khai kịp thời các văn bản chỉ đạo của các cấp, phù hợp với đặc điểm của huyện; duy trì tương đối tốt khối đoàn kết nội bộ, nền nếp kỷ cương, thực hiện nghiêm túc các cuộc vận động và phong trào thi đua. Công tác chuẩn bị các điều kiện cho năm học mới được quan tâm, triển khai thực hiện có hiệu quả; nhất là công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tạo tâm lý yên tâm cho đội ngũ, học sinh khi tới trường. Việc rà soát, sắp xếp lại quy mô trường, lớp được thực hiện có hiệu quả, các chỉ tiêu cơ bản đều đạt và vượt so với kế hoạch UBND tỉnh, huyện giao.
Học sinh trường TH xã Thanh An làm bài kiểm tra
Với đặc thù là huyện miền núi, biên giới với nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống, đa số các dân tộc thiểu số huyện Điện Biên sinh sống ở vùng núi và vùng cao nên đời sống của đồng bào còn rất nhiều khó khăn. Để nâng cao chất lượng giáo dục một cách đồng đều, huyện Điện Biên xác định phải có chính sách đặc thù với khu vực này. Trong đó, huyện tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ giáo viên và phát huy vai trò của hệ thống các trường Phổ thông Dân tộc nội trú, Phổ thông dân tộc bán trú và trường có học sinh bán trú. Theo đó, công tác bồi dưỡng thường xuyên cán bộ quản lý, giáo viên được đẩy mạnh, tăng cường thực hiện linh hoạt phù hợp tình hình thực tế, nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đảm bảo các nội dung cần thiết cho thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và triển khai nhiệm vụ năm học. Thông qua công tác đào tạo, bồi dưỡng, đội ngũ nhà giáo cơ bản đáp ứng được yêu cầu và nhiệm vụ đổi mới giáo dục. 100% giáo viên được bồi dưỡng kiến thức về thực hiện đổi mới nội dung, chương trình và phương pháp giảng dạy đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học, hầu hết cán bộ quản lý, giáo viên đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.
Mặt khác, Ngành cũng chuẩn bị các điều kiện tốt nhất cho năm học 2021-2022, chỉ đạo các đơn vị, nhà trường điều chỉnh sắp xếp biên chế giáo viên, nhân viên sát định mức quy định và bổ nhiệm cán bộ quản lý các trường theo quy định; tiếp nhận 28 viên chức (Mầm non 6 viên chức, Tiểu học 17 viên chức, THCS 5 viên chức). Đầu năm học do chưa tuyển dụng bổ sung biên chế, Phòng GD&ĐT đã biệt phái 18 giáo viên (Mầm non 4 giáo viên, Tiểu học 6 giáo viên, THCS 8 giáo viên) cho các trường thiếu giáo viên nhằm chuẩn bị tốt về đội ngũ, phục vụ cho công tác giảng dạy.
Bên cạnh đó, công tác kiểm định chất lượng giáo dục và xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia được triển khai tích cực, hiệu quả. Tính đến ngày 7/10/2021, toàn ngành có 57/65 trường đạt chuẩn Quốc gia, đạt 87,7%, trong đó 19 trường đạt chuẩn Quốc gia mức độ 2; có 51/65 trường được đánh giá ngoài, trong đó: 31 trường đạt cấp độ 3 và 20 trường đạt cấp độ 2.
Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đồ dùng học tập tại các trường học tiếp tục được quan tâm, đầu tư, nâng cấp từ nguồn ngân sách và các nguồn xã hội hóa từ nhân dân, các tổ chức xã hội… đã đáp ứng cơ bản yêu cầu tổ chức hoạt động giáo dục của các nhà trường theo tinh thần đổi mới giáo dục trong tình hình mới. Hiện toàn ngành có 876 phòng học (trong đó: 662 phòng kiên cố, chiếm 75,6%; 200 phòng bán kiên cố chiếm 22,8%; 14 phòng tạm chiếm 1,6%); 214 phòng bộ môn (trong đó: 149 phòng kiên cố, chiếm 69,6%; 63 phòng bán kiên cố chiếm 29,4%; 2 phòng tạm chiếm 0,9%); 213 phòng công vụ (trong đó 97 phòng kiên cố; 93 phòng bán kiên cố; 23 phòng tạm); 153 phòng nội trú học sinh (trong đó 22 phòng kiên cố; 112 phòng bán kiên cố; 19 phòng tạm). 65/65 trường có công trình nước đạt chuẩn; 65/65 trường có công trình vệ sinh đạt chuẩn.
Về chất lượng giáo dục, toàn ngành GD&ĐT huyện Điện Biên tích cực hưởng ứng phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”, tổ chức tốt hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp. Ở tất cả các cấp học, bậc học, chất lượng giáo dục đều có những chuyển biến rõ rệt. Kế hoạch thời gian năm học, nội dung giáo dục, quy chế chuyên môn trong các cấp học được thực hiện nghiêm túc ngay từ đầu năm học. Các điều kiện đảm bảo thực hiện kế hoạch được chú trọng; công tác xã hội hóa giáo dục tiếp tục được đẩy mạnh. Các chính sách của nhà nước hỗ trợ cho cán bộ, giáo viên, học sinh được thực hiện nghiêm túc.
Đặc biệt, trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh Covid-19, tích cực chỉ đạo các trường rà soát hạ tầng công nghệ thông tin; tăng cường chỉ đạo bồi dưỡng trực tuyến; xây dựng, ban hành kế hoạch sinh hoạt chuyên môn cấp huyện trực tuyến trong năm học để tạo thuận lợi cho giáo viên các trường tham gia trực tiếp và hạn chế tụ họp đông người.
Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, ngành GD&ĐT huyện Điện Biên nỗ lực thực hiện tốt các giải pháp đề ra như: Tiếp tục quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước; Đẩy mạnh thực hiện các cuộc vận động và phong trào thi đua; Thực hiện tốt công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư, khiếu nại theo quy định; tăng cường chỉ đạo công tác công khai, dân chủ trong các nhà trường; Tiếp tục quan tâm bồi dưỡng đội ngũ, chỉ đạo giáo viên đổi mới phương pháp dạy học; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, dạy và học; Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho các trường, nhất là đối với các trường vùng khó khăn, trường kiểm định chất lượng giáo dục; Thực hiện tốt công tác thi đua, khen thưởng; nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật;… Qua đó từng bước nâng cao hơn nữa chất lượng các hoạt động giáo dục, đào tạo theo hướng đáp ứng ngày càng tốt hơn những yêu cầu của thực tiễn; đóng góp thiết thực vào sự phát triển kinh tế – xã hội nói chung của toàn huyện./.