Ngành Công nghệ Kỹ thuật Ô tô –
Mục Lục
Mã ngành: 7510205
Thời gian đào tạo: 4 năm
Văn bằng: Kỹ sư Công nghệ Kỹ thuật Ô tô
Tổ hợp môn (dự kiến):
- A00: Toán – Lý – Hóa
- A01: Toán – Lý – Tiếng Anh
- D01: Toán – Văn – Tiếng Anh
- C01: Toán – Lý – Văn
Ngày nay, ô tô đã ngày càng trở thành phương tiện đi lại phổ biến của nhiều người dân, đồng thời, nhu cầu về nhân lực chất lượng cao cũng tăng vọt. Vì vậy, việc bảo trì, bảo dưỡng động cơ, các hệ thống tự động cho đến nghiên cứu, cải tiến công nghệ mới theo xu hướng thị trường đều đòi hỏi vai trò quan trọng của các chuyên gia và kỹ sư công nghệ ô tô có kỹ thuật cao. Giữa thế giới ngành nghề đang ngày một đa dạng hơn, sức hút bền vững của ngành Công nghệ Kỹ thuật Ô tô và đam mê “làm chủ công nghệ” của người trẻ Việt là rất lớn.
Học ngành Công nghệ Kỹ thuật Ô tô có gì thú vị?
Công nghệ Kỹ thuật Ô tô luôn được đánh giá rất cao do tính ứng dụng phổ biến trong mọi ngành công nghiệp, dịch vụ. Học ngành Công nghệ Kỹ thuật Ô tô, sinh viên được trang bị kiến thức và kỹ năng chuyên sâu về cơ khí ô tô – máy động lực, hệ thống truyền động – lực, điều khiển, cơ cấu khí,… để có thể áp dụng những nguyên lý kỹ thuật cơ bản, kỹ năng thực hành ô tô cao.
Điều thú vị ở ngành học này là trên một chiếc ô tô có hàng trăm ngàn chi tiết máy được lắp ráp và khớp nối với nhau thành hoàn chỉnh. Quá trình chế tạo một chiếc ôtô phải trải qua nhiều công đoạn và cần rất nhiều nhân lực. Tuy công việc khá vất vả và đòi hỏi tính tỉ mỉ cao, nhưng khi một chiếc ô tô được ra đời và vận hành thì chắc chắn bạn sẽ rất hãnh diện khi góp phần không nhỏ trong hành trình tạo ra nó.
Tố chất phù hợp để học ngành Công nghệ Kỹ thuật Ô tô?
- Sức khỏe tốt
- Đam mê khám phá và yêu thích ô tô:
- Tính cẩn thận
- Ham học hỏi
Học ngành Công nghệ Kỹ thuật Ô tô ở đâu?
Có thể nói ngày nay nền công nghiệp ngày càng phát triển, việc đi lại của con người cũng ngày càng nâng cao, trong đó ô tô là phương tiện thông dụng và được ưa chuộng khá nhiều, do đó ngành Công nghệ Ô tô hiện đang được đào tạo rất nhiều tại trường đại học, cao đẳng. Hiện nay đối với trình độ đại học, có thể kể ra một số trường đại học uy tín đào tạo ngành Công nghệ kỹ thuật ô tô sau đây: Trường Đại học Văn Lang; Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM; Trường Đại học Giao thông vận tải TP.HCM; Trường Đại học Công nghệ Tp.HCM; Trường Đại học Nông Lâm Tp.HCM;…
KHI BẠN LÀ SINH VIÊN CÔNG NGHỆ KỸ THUẬT Ô TÔ VĂN LANG
Ngày 18/3/2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quyết định số 645/QĐ-BGDĐT cho phép Trường Đại học Văn Lang (Tp.HCM) tuyển sinh và đào tạo ngành Công nghệ Kỹ thuật Ô tô trình độ đại học chính quy.
Văn Lang là một trong những trường tư thục lâu đời nhất của Việt Nam, có kinh nghiệm đào tạo đa ngành, có nền tảng về nhóm ngành Kỹ thuật. Được biết, Trường Đại học Văn Lang đã giao cho Khoa Kỹ thuật tổ chức đào tạo ngành Công nghệ Kỹ thuật Ô tô từ năm 2019.
Điểm nổi bật của ngành Công nghệ Kỹ thuật Ô tô tại Trường Đại học Văn Lang là gì?
Với đặc trưng của một trường đại học ứng dụng, Trường Đại học Văn Lang chú trọng các học phần thực hành xưởng và thực tập doanh nghiệp. Học phần thực hành xưởng được Trường bố trí ở các phòng thực hành cơ khí, phòng thực hành điện – điện tử, phòng thực hành ô tô. Trong học kỳ cuối, sinh viên thực tập ở doanh nghiệp trong 8 tuần, Khoa Công nghệ Ô tô của Trường Đại học Văn Lang là đơn vị liên hệ và bố trí cho sinh viên thực tập tại các nhà máy sản xuất phụ tùng, phụ kiện và lắp ráp ô tô, showroom lớn tại Tp.HCM…
Trong thời gian 4 năm, sinh viên được đào tạo để hiểu:
- Vận dụng kiến thức cơ sở ngành và kiến thức chuyên ngành để phân tích và đánh giá các chỉ tiêu kỹ thuật trong lĩnh vực Công nghệ ô tô.
- Vận dụng kiến thức về tổ chức và quản lý trong điều hành sản xuất doanh nghiệp, lắp ráp, chế tạo, sửa chữa và khai thác ô tô.
Từ đó, sinh viên tốt nghiệp sẽ có những kỹ năng cần thiết mà nhà tuyển dụng yêu cầu đối với lĩnh vực công nghệ ô tô hiện đại: thiết lập quy trình kiểm tra, chẩn đoán, bảo dưỡng và sửa chữa ô tô; tính toán, thiết kế quy trình công nghệ chế tạo, lắp ráp; tư vấn về vận hành, khai thác, bảo trì các thiết bị động lực; nghiên cứu và tiếp nhận chuyển giao công nghệ; quản lý và chỉ đạo sản xuất trong các doanh nghiệp ô tô, cơ khí.
Chương trình học ngành Công nghệ Kỹ thuật Ô tô đào tạo những gì?
Chương trình đào tạo ngành Công nghệ kỹ thuật ô tô được thực hiện trong 4 năm (8 học kỳ chính và 4 học kỳ hè). Học kỳ cuối cùng, sinh viên làm Khóa luận tốt nghiệp.
Chương trình bao gồm các học phần thuộc:
- Khối kiến thức giáo dục đại cương như: các môn thuộc lĩnh vực chính trị, pháp luật, quản lý kinh tế, môi trường, phát luật và định hướng nghề nghiệp, toán, khoa học tự nhiên. Đây là các môn nền của chương trình.
- Khối học phần ngoại ngữ
- Khối kiến thức cơ sở ngành, bao gồm các môn thuộc nhóm cơ khí, nhóm động lực và nhóm điện – tự động.
- Khối kiến thức chuyên ngành, bao gồm các môn thuộc nhóm khung gầm ô tô, nhóm động lực ô tô, nhóm điện – điện tử – tự động ô tô.
- Thực tập cơ khí, thực tập tốt nghiệp và khóa luận tốt nghiệp.
Hoạt động của sinh viên ngành Công nghệ Kỹ thuật Ô tô?
Thế hệ sinh viên đầu tiên (khóa 25) của ngành Công nghệ Kỹ thuật Ô tô Trường Đại học Văn Lang đã tổ chức thành công 02 chương trình:
- Giải bóng đá Mini tranh Cúp Khoa Công nghệ Ô tô lần I vào ngày 27/11/2019
- Cương trình văn nghệ đặc trưng SPEED #F1 vào ngày 26/11/2019 tại Hội trường C001 – Cơ sở 2.Sinh viên ngành Công nghệ Kỹ thuật Ô tô đã khẳng định những tân binh mạnh mẽ, nhiệt huyết và tài năng không thua kém chiến binh kỳ cựu nào của làng hoạt động phong trào tại Văn Lang.
Cơ hội việc làm với sinh viên học ngành Công nghệ kỹ thuật ô tô?
- Công việc ở các nhà máy sản xuất lắp ráp ô tô: Trưởng phòng kỹ thuật, Trưởng phòng sản xuât, Trưởng phòng kế hoạch và chiến lược, Trưởng phòng thiết kế,…
- Công việc ở các trạm bảo dưỡng, sửa chữa: giám sát các nhân viên kỹ thuật, tiếp nhận khách hàng, trực tiếp sữa chữa, bảo trì, tư vấn khách hàng về kỹ thuật, dịch vụ bảo dưỡng,…
- Công việc ở các trạm đăng kiểm: làm công tác quản lý, trực tiếp đóng vai trò đăng kiểm viên
- Công việc giảng dạy kỹ thuật: do đặc thù của ngành, sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể tham gia công tác giảng dạy kỹ thuật ở các trường dạy nghề, cao đẳng kỹ thuật, trợ giảng ở các trường đại học kỹ thuật, v.v… Sau khi học sau đại học thạc sĩ ô tô có thể giảng dạy ở các trường đại học kỹ thuật.
- Công việc ở các lĩnh vực khác: dầu khí, trạm phát điện, máy công trình, tàu thủy,…
Nhu cầu thị trường, xu hướng việc làm với Kỹ sư Công nghệ Kỹ thuật Ô tô?
Triển vọng nghề nghiệp của ngành Công nghệ Kỹ thuật Ô tô hiện nay là một điều tất yếu. Những kỹ sư Công nghệ Kỹ thuật Ô tô được đào tạo bài bản, có năng lực chuyên môn vững vàng luôn là mục tiêu săn đón của các doanh nghiệp.
Trong CMCN 4.0 ngành công nghệ ô tô sẽ bị tác động rất mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực từ công nghệ thiết kế, công nghệ sản xuất, đến dịch vụ giao thông vận tải, dịch vụ chăm sóc, sửa chữa sau bán hàng…
Trong lĩnh vực sản xuất công nghệ ô tô, trong thời kỳ này sẽ được ứng dụng mạnh mẽ các robot thông minh và các siêu máy tính để đưa ra các phép tính cho phép sản xuất, lắp ráp đạt độ chính xác cao và cho năng suất gấp nhiều lần con người. Trong các nhà máy gần như mọi thứ đều tự động và rất hiếm hoi thấy bóng dáng con người. Lúc này con người chỉ còn số ít ngồi ở văn phòng bấm nút mà thôi.
Để tra cứu về chương trình học tập, khối lượng kiến thức của khóa học mà bạn cần tích lũy và tra cứu các thông tin về học phần bạn có thể tham khảo tại đây.
Bao nhiêu điểm có thể trúng tuyển ngành Công nghệ Kỹ thuật Ô tô tại Văn Lang?
Ngành Công nghệ Kỹ thuật Ô tô là ngành mới và cũng đang được Đại học Văn Lang đầu tư phát triển trong thời gian sắp tới. Tham khảo điểm trúng tuyển năm 2019 và 2020
- Xét theo điểm thi THPT quốc gia (thang điểm 30): 16 điểm (2019) và 17 điểm (2020)
- Điểm trúng tuyển theo phương thức xét kết quả học tập THPT (học bạ):
– Năm 2019: 18.00 điểm
– Năm 2020: 18.00 điểm
KHOA KỸ THUẬT Ô TÔ
- Trưởng Khoa: PGS.TS. Lê Hữu Sơn
- Văn phòng Khoa: Tòa nhà hành chính A, Cơ sở 3, phòng 5.06
- Email: [email protected]
- Điện thoại: 028. 710 99 258 – 0939 732 084 (Cô Quyên)