Ngân hàng phá sản khách hàng có được nhận lại tiền gửi?

Ở Việt Nam, người dân khi có khoản tiền dư dả thì gửi tiết kiệm vẫn luôn là hình thức được ưa chuộng nhất. Tuy nhiên nhiều người vẫn lo lắng về các rủi ro cho tiền gửi của mình tại các ngân hàng sẽ đi về đâu khi ngân hàng gặp các sự cố như phá sản, giải thể, v.v… Do vậy, để giúp Quý độc giả giải đáp thắc mắc Ngân hàng phá sản khách hàng có được nhận lại tiền gửi? chúng tôi xin cung cấp những thông tin qua bài viết sau đây

Ngân hàng tuyên bố phá sản trong những trường hợp nào?

Theo Điều 152, Mục 1e, Điều 1 Luật sửa đổi Luật các tổ chức tín dụng 2017 quy định về việc phá sản tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt như sau:

“1.Ngân hàng Nhà nước xem xét, trình Chính phủ quyết định chủ trương phá sản tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt theo quy định tại Điều 147a hoặc thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 148, khoản 4 Điều 148c, khoản 2 Điều 149a, khoản 4 Điều 149d, khoản 7 Điều 151a hoặc khoản 7 Điều 151d của Luật này khi tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt lâm vào tình trạng phá sản.

2.Trình tự, thủ tục quyết định chủ trương phá sản thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 148, khoản 4 Điều 148c, khoản 2 Điều 149a, khoản 4 Điều 149d, khoản 7 Điều 151a, khoản 7 Điều 151d của Luật này được thực hiện theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 147a của Luật này.”

Theo quy định trên pháp luật cho phép các ngân hàng hoạt động không hiệu quả được phép phá sản. Tuy nhiên, xác suất phá sản của một tổ chức tín dụng nói chung hay ngân hàng nói riêng là rất thấp, bởi một ngân hàng hoạt động không hiệu quả sẽ được Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo và thực hiện nhiều phương án khác nhau như: phục hồi, hợp nhất, sáp nhập, chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, phần vốn góp, giải thể, chuyển giao bắt buộc.

Theo đó, có thể hiểu, khi cho ngân hàng phá sản thì đó chỉ là giải pháp cuối cùng khi ngân hàng đã được Ngân hàng Nhà nước kiểm soát đặc biệt và không có khả năng thực hiện hoặc thực hiện không thành công các phương án đó.

Ngân hàng phá sản khách hàng có được nhận lại tiền gửi?

Trong trường hợp ngân hàng phá sản khách hàng có được nhận lại tiền gửi? Việc phá sản ngân hàng gây ảnh hưởng lớn đến lợi ích của người gửi tiền bởi theo nguyên tắc, ngân hàng phá sản là không đủ khả năng thanh toán.

Do vậy, để đảm bảo an ninh trật tự và an ninh tiền tệ và an ninh quốc gia, theo quy định của luật Bảo hiểm tiền gửi và Quyết định 21/2017/QĐ-TTg, khách hàng gửi tiền tại ngân hàng khi ngân hàng phá sản thì được nhận đền bù của bảo hiểm tiền gửi.

Theo Điều 3, Quyết định 21/2017/QĐ-TTg quy định hạn mức trả tiền bảo hiểm như sau:

“Số tiền bảo hiểm được trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm theo quy định của Luật bảo hiểm tiền gửi (gồm cả gốc và lãi) của một cá nhân tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi tối đa là 75.000.000 đồng (bảy mươi lăm triệu đồng)”.

Bên cạnh việc nhận khoản đền bù trên, người gửi sẽ có thể được nhận tiền đền bù từ hoạt động thanh lý tài sản của ngân hàng phá sản.

Theo quy định của luật phá sản, khi ngân hàng phá sản, các tài sản còn lại của ngân hàng đó sẽ được ưu tiên chi trả lần lượt cho các đối tượng cụ thể lần lượt như sau:

– Chi phí phá sản

– Trả cho chủ nợ là các khoản vay đặc biệt

– Những người gửi tiền

– Các tổ chức tín dụng trên thị trường liên ngân hàng

– Những người sở hữu trái phiếu ngân hàng

– Các nhà cung cấp sản phẩm dịch vụ

– Trả cho cổ đông hay các thành viên góp vốn của ngân hàng bị phá sản.

Tổ chức tín dụng chỉ được phép sử dụng khoản vay đặc biệt để hỗ trợ thanh khoản vào mục đích chi trả tiền gửi của người gửi tiền là cá nhân.

Làm thế nào để giảm thiểu rủi ro mất tiền?

Nhằm giúp khách hàng có thể gửi tiền an toàn và giảm thiểu các rủi ro thì chúng tôi lưu ý người gửi tiền cần phải chú một số vấn đề sau:

– Thứ nhất: Nên chọn các ngân hàng lớn và uy tín để gửi tiết kiệm

Hiện nay, tại Việt Nam có thể kể đến 4 ngân hàng lớn nhất hiện nay thuộc sở hữu của nhà nước hay có vốn đầu tư của nhà nước như Vietcombank, BIDV, Vietinbank và Agribank. Hay khách hàng có thể tham khảo đến các Ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân như: Techcombank, Maritimebank, TP. Bank, v.v..

Có thể thấy, lãi suất của các ngân hàng thuộc Nhà nước thường có lãi suất thấp hơn so với các ngân hàng tư nhân với mức chênh lệch khoảng từ 0- 2%. Tuy nhiên nó lại có độ tin cậy, an toàn và uy tín thì tiền gửi của bạn sẽ luôn được đảm bảo.

– Thứ hai: Khách hàng nên chọn kỳ hạn gửi tiền thích hợp

Hiện nay, các ngân hàng cung cấp rất nhiều kỳ hạn gửi tiền linh hoạt cho khách hàng cân nhắc và lựa chọn kỳ hạn thích hợp. Các kỳ hạn ngắn từ 1 tháng đến 3 tháng, thậm chí 1 tuần, 3 tuần, hay các kỳ hạn dài là 6 tháng, 9 tháng, 12 tháng, 18 tháng, v.v…

Theo đó, người gửi tiền nên dựa vào tình hình thực tế của mình để chọn kỳ hạn gửi tiền, nếu cảm thấy đủ tin tưởng thì hãy chọn kỳ hạn dài, nếu không chỉ nên chọn kỳ hạn ngắn để gửi.

-Thứ ba: Khách hàng cần giữ sổ tiết kiệm an toàn

Để phòng ngừa rủi ro mất tiền, người gửi tiền sau khi khi gửi tiền phải nhớ mang sổ tiết kiệm về nhà hoặc tìm đến dịch vụ tủ an toàn của ngân hàng để cất giữ tài sản, tuyệt đối không nên để sổ lại ngân hàng hay để cho nhân viên ngân hàng cất giữ hộ.

Trên đây là toàn bộ nội dung liên quan đến Ngân hàng phá sản khách hàng có được nhận lại tiền gửi? bao gồm: Ngân hàng tuyên bố phá sản trong những trường hợp nào, Ngân hàng phá sản khách hàng có được nhận lại tiền gửi và làm thể nào để giảm thiểu rủi ro mất tiền.