Ngẫm từ 65 năm tác phẩm Đạo đức cách mạng

Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ra khái niệm đạo đức cách mạng. Đạo đức đó được nhận thức là những chuẩn mực cần có của người cách mạng, là cái căn bản trong bản chất người cách mạng. Mặt khác, khái niệm đạo đức cách mạng là sự nhấn mạnh tính cách mạng của đạo đức mới, có vai trò cải tạo, cải biến xã hội, tạo dựng xã hội mới và cũng là cách mạng trong nhận thức, lối sống của mỗi con người, loại bỏ những gì là thói xấu và sự hư hỏng.

Hồ Chí Minh quan niệm đạo đức cách mạng là đạo đức mới, đạo đức vĩ đại vì sự nghiệp chung của Đảng, lợi ích của dân tộc, vì sự nghiệp giải phóng dân tộc và giải phóng cho loài người. Đạo đức cách mạng đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh trình bày rõ ràng trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc (tháng 10/1947).

Khi cách mạng xã hội chủ nghĩa, một sự nghiệp hoàn toàn mới mẻ được tiến hành, Chủ tịch Hồ Chí Minh thấy rõ sự cần thiết phải có những nhận thức mới và tăng cường giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng trong Đảng và tròn 65 năm trước, Người đã viết tác phẩm Đạo đức cách mạng (tháng 12/1958).

Trong tác phẩm, Hồ Chí Minh đã nêu rõ sự phát triển tất yếu của xã hội loài người, từ chế độ cộng sản nguyên thủy, đến chế độ phong kiến, chế độ tư bản chủ nghĩa và ngày nay một bộ phận lớn loài người đang tiến lên chế độ xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa. Quá trình đó diễn ra với sự biến đổi cách mạng. Loài người phải đấu tranh với giới tự nhiên, thiên tai để sống còn. Việc đó phải dựa vào số đông người, riêng lẻ từng cá nhân không thể thắng nổi tự nhiên, không sống còn được.

Con người phải lao động, sản xuất mới có ăn, có mặc và sản xuất phải dựa vào lực lượng tập thể của xã hội, từng cá nhân không thể phát triển. Thời đại ngày nay là thời đại văn minh, thời đại cách mạng càng phải dựa vào lực lượng của tập thể, của xã hội. Chủ nghĩa tập thể trở thành phổ biến trong xã hội và lối sống của con người. Vì vậy, phải loại bỏ chủ nghĩa cá nhân. Đó là, yêu cầu để phát triển đạo đức mới, đạo đức cách mạng. Đạo đức cách mạng trở thành cái gốc và bản chất của người cách mạng.

Tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa, xây dựng một xã hội hoàn toàn mới là sự nghiệp vẻ vang nhưng nhiệm vụ rất nặng nề, phức tạp và gian khổ; càng đòi hỏi “Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng, mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang”2.

Để mỗi cán bộ, đảng viên thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng cần có sự tu dưỡng, rèn luyện nghiêm túc. Sinh trưởng trong xã hội cũ, ai cũng ít nhiều mang trong mình vết tích của xã hội đó về tư tưởng và thói quen. Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Vết tích xấu nhất và nguy hiểm nhất của xã hội cũ là chủ nghĩa cá nhân. Chủ nghĩa cá nhân trái ngược với đạo đức cách mạng, nếu nó còn lại trong mình, dù là ít thôi, thì nó sẽ chờ dịp để phát triển, để che lấp đạo đức cách mạng, để ngăn trở ta một lòng một dạ đấu tranh cho sự nghiệp cách mạng”3.

Hồ Chí Minh chỉ rõ những biểu hiện và nguy hại của chủ nghĩa cá nhân. “Vì chưa rửa gột sạch chủ nghĩa cá nhân, cho nên có đảng viên còn “kể công” với Đảng. Có ít nhiều thành tích, thì họ muốn Đảng “cảm ơn” họ. Họ đòi ưu đãi, họ đòi danh dự và địa vị. Họ đòi hưởng thụ. Nếu không thỏa mãn yêu cầu của họ thì họ oán trách Đảng, cho rằng họ “không có tiền đồ”, họ “bị hy sinh”. Rồi dần dần họ xa rời Đảng, thậm chí phá hoại chính sách và kỷ luật của Đảng”4.

Cần phải kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân mới có thể nâng cao đạo đức cách mạng. Hồ Chí Minh đã nêu rõ những yêu cầu và chuẩn mực căn bản của đạo đức cách mạng.

“Nói tóm tắt, thì đạo đức cách mạng là:

Quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng. Đó là điều chủ chốt nhất.

Ra sức làm việc cho Đảng, giữ vững kỷ luật của Đảng, thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng.

Đặt lợi ích của Đảng và của nhân dân lao động lên trên, lên trước lợi ích riêng của cá nhân mình. Hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Vì Đảng, vì dân mà đấu tranh quên mình, gương mẫu trong mọi việc.

Ra sức học tập chủ nghĩa Mác-Lênin, luôn luôn dùng tự phê bình và phê bình để nâng cao tư tưởng và cải tiến công tác của mình và cùng đồng chí mình tiến bộ”5.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương mẫu mực, sáng ngời về đạo đức cách mạng. Nhận thức, quan điểm của Người về đạo đức cách mạng vừa là sự tổng kết chuẩn mực xã hội vừa là kinh nghiệm từ chính cuộc đời và sự nghiệp của Người. Đó là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa những điều bình dị của đời sống, lẽ sống của con người với trí tuệ, lý tưởng sống cao cả của sự nghiệp cách mạng. Vì vậy, đạo đức đó mang tính khoa học, hiện thực và bền vững.

Thấm nhuần tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam ở mọi thời kỳ cách mạng đều coi trọng giáo dục đạo đức cách mạng trong Đảng và từng cán bộ, đảng viên tự rèn luyện để trở thành người cách mạng chân chính. Đại hội XIII của Đảng (tháng 1/2021) đặc biệt coi trọng và đẩy mạnh hơn nữa xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Đại hội nhấn mạnh tập trung xây dựng Đảng về đạo đức: “Nêu cao tinh thần tự giác tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên. Đẩy mạnh giáo dục đạo đức cách mạng, thực hiện thường xuyên, sâu rộng, có hiệu quả việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị. Thực hiện nghiêm các quy định của Đảng về trách nhiệm nêu gương, chức vụ càng cao càng phải gương mẫu”6.

Đại hội XIII của Đảng chủ trương nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện các giá trị đạo đức cách mạng theo tinh thần “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”. “Xây dựng các chuẩn mực đạo đức làm cơ sở cho cán bộ, đảng viên tự điều chỉnh hành vi ứng xử trong công việc hằng ngày”7. Đẩy mạnh giáo dục đạo đức cách mạng cho mỗi cán bộ, đảng viên. Nâng cao ý thức tự tu dưỡng, rèn luyện và thực hành đạo đức cách mạng. Đấu tranh chống các quan điểm, hành vi phản đạo đức, phi đạo đức. Cổ vũ, biểu dương các tấm gương sáng, đạo đức, tạo ảnh hưởng sâu rộng trong Đảng và ngoài xã hội.

Hiện nay, có thể bước đầu nêu lên những giá trị đạo đức cách mạng có tính chuẩn mực. Đó là, tuyệt đối trung thành và ra sức phấn đấu vì lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Luôn luôn đặt lợi ích của cách mạng, của quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết, chống chủ nghĩa cá nhân, vụ lợi. Thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, không quan liêu, tham nhũng, lãng phí. Ra sức học tập nâng cao trình độ lý luận, trí tuệ và năng lực công tác. Yêu thương đồng bào, đồng chí. Phấn đấu vì hạnh phúc của nhân dân. Có lối sống văn minh, tiến bộ, chấp hành nghiêm kỷ luật, pháp luật, trọng tình nghĩa, giữ gìn thanh danh, uy tín của Đảng và danh dự cá nhân của người cộng sản.

1 V.I.Lênin Toàn tập, Nxb Tiến bộ, Matxcơva, 1977, tập 41, trang 369.

2 Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, tập 11, trang 601.

3 Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, tập 11, trang 602.

4 Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, tập 11, trang 607.

5 Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, tập 11, trang 603.

6 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQGST, H, 2021, tập I, tr. 183.

7 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQGST, H, 2021, tập I, tr. 184.