‘Ngâm mình trong nước lạnh’ sau khi vận động thể thao tốt hay xấu cho sức khoẻ?
Bài viết sau đây của BS. Nguyễn Tiến Lộc – Bác sĩ điều trị tại Khoa Y học Thể thao, Viện Chấn thương Chỉnh hình – Bệnh viện Quân Y 175 sẽ chia sẻ với độc giả về chủ đề này.
Chắc hẳn bất kì ai trong chúng ta khi vừa mới chơi thể thao đều trải qua cảm giác đau mỏi cơ bắp. Sau ngày luyện tập, cơ thể tuy có sảng khoái, nhưng vì đau cơ mà chất lượng sinh hoạt cũng có ảnh hưởng đôi chút.
Thông thường, mọi người sẽ tự nhủ “là do căng cơ, dần dần sẽ khỏi”, hoặc nếu quá khó chịu có thể ra nhà thuốc mua thuốc tây, sử dụng dầu nóng xoa bóp cho đỡ đau. Các vận động viên chuyên nghiệp cũng gặp tình trạng tương tự, nhưng họ có một đội ngũ chăm sóc y tế chuyên nghiệp, có những cách để giảm tình trạng đau mỏi cơ bắp, nhằm chất lượng thi đấu luôn ở trong trạng thái tốt nhất.
Đặc biệt để chuẩn bị cho SEA GAMES 31, trước đó các vận động viên phải luyện tập với cường độ cao hơn, nguy cơ gặp phải chấn thương cũng tăng lên. Ngoài các chấn thương lớn, cần có sự can thiệp của bác sĩ chuyên khoa Y học thể thao, còn có các chấn thương nhỏ, có thể tự phục hồi, nhưng vẫn cần các phương pháp nhằm mục đích đẩy nhanh quá trình “tự chữa lành” của cơ thể. Đó chính là phương pháp “ngâm mình trong nước lạnh” sau khi vận động thể thao (Chirotherapy).
Ngâm mình trong nước lạnh là liệu pháp chăm sóc và hồi phục cơ thể nhanh chóng cho các cầu thủ và vận động viên.
1. Vì sao vận động viên sau
vận động, luyện tập
phải ngâm mình trong nước lạnh?
Khi luyện tập thể thao, cơ thể chúng ta sẽ bị những vi chấn thương (chấn thương nhỏ mà chúng ta ít để ý đến). Các vi chấn thương xảy ra do rách các sợi cơ nhỏ, ví dụ sau khi tập gym, chúng ta thường bị đau nhức ở các cơ ngày hôm đó tập luyện.
Tình trạng này kéo dài khoảng một tuần rồi sau đó giảm dần nên không cần phải uống thuốc hay thoa dầu. Tuy nhiên, đối với một vận động viên thì một tuần nghỉ ngơi là quá dài, đôi khi lịch thi đấu dày đặc không cho họ có đủ thời gian để dưỡng thương.
Cũng như chúng ta làm việc, không có ngày nghỉ, mà tình trạng đau này cứ dai dẳng thì cũng gây khó chịu. Vì thế, ở trường hợp này, ngâm mình trong nước lạnh có lẽ là phương pháp rẻ tiền, dễ áp dụng, an toàn, và đạt hiệu quả tốt.
2. Ngâm mình nước lạnh giúp cơ thể phục hồi như thế nào
sau vận động, luyện tập
?
Khi chúng ta làm lạnh cơ thể, các mạch máu ở tay và chân sẽ co lại. Điều này khiến cho máu được đưa về thân mình nhiều hơn, giúp cho chúng ta cảm thấy thân thể mình được thoải mái hơn, vì thân mình được nhiều máu mang oxy đến hơn. Ngoài ra, khi bị vi chấn thương, tại tay chân sẽ xuất hiện các dấu hiệu viêm, sưng nóng. Vậy nên khi được ngâm người trong nước lạnh, các hiện tượng viêm nóng này sẽ giảm đi, từ đó khiến cho chúng ta đỡ đau, giảm đau do tập luyện.
3. Ngâm nước lạnh như thế nào để đạt hiệu quả?
Đối với vận động viên chuyên nghiệp, họ sẽ ngâm mình ở nhiệt độ 15 độ C trong vòng 15 phút. Ở Việt Nam, các trung tâm huấn luyện thể thao cũng đã áp dụng, nhờ thế tỉ lệ phục hồi sức khỏe vận động viên sau chấn thương cũng dần được cải thiện. Ở điều kiện tại nhà, chúng ta có thể dùng thùng to hoặc bồn và đổ nước đá vào, sau đó ngâm mình trong đó 15 phút, hoặc có thể thay thế bằng biện pháp khác, như sau:
– Nếu có tổn thương rách da, sử dụng màng nylon sạch, quấn quanh vết thương không cho gặp nước.
– Dùng vòi sen hoặc dội nước từ các đầu ngón chân, ngón tay, hướng dần dần về phía thân mình.
– Lặp lại quy trình trên trong vòng 15 phút.
Những cách làm trên sẽ không thể đạt hiệu quả cao như điều kiện của các vận động viên chuyên nghiệp, nhưng cũng mang lại khả năng giảm đau nhức phần nào. Đặc biệt, đây là phương pháp rẻ tiền, không thuốc men, bất kì ai cũng làm được, nên cũng có thể là một phương pháp đáng cân nhắc.
Chuyên gia giải đáp về luyện tập, chấn thương thể thao và bệnh lý xương khớp
Mời độc giả xem thêm video:
3982709770404836319