Nêu và phân tích khái niệm quá trình dạy học – Lý luận dạy học
5.1.Nêu và phân tích khái niệm quá trình dạy học:
Khi trả lời cho câu hỏi thế nào là quá trình dạy học, thường chúng ta nhận được câu giải đáp: Đó là quá trình người giáo viên truyền thụ tri thức và hình thành kỹ năng, kỹ xảo cho người học.
Câu trả lời như vậy đã đúng đắn hay chưa?
Trả lời như vậy là hoàn toàn chưa đúng. Câu trả lời đó mới đề cập đến quá trình dạy chứ chưa phản ánh quá trình học, đó là chưa đề cập đến chức năng của hoạt động dạy trong thời đại ngày nay.
Trên con đường tìm kiếm câu trả lời, chúng ta cũng gặp những giải đáp như sau:…”Dạy học là quá trình hoạt động hai mặt do thầy giáo (dạy) và học sinh (học) nhằm thực hiện các mục đích dạy học. Nhiệm vụ dạy học trong nhà trường không chỉ đảm bảo một trình độ học vấn nhất định mà còn góp phần hình thành nhân cách con người của xã hội cộng sản chủ nghĩa”.(Bách khoa Giáo dục học – Maxcơva).
Quan niệm trên về quá trình dạy học đã phản ánh tính chất hai mặt của quá trình này: quá trình dạy của giáo viên và quá trình học của học sinh. Hai quá trình này không tách rời nhau mà là một quá trình hoạt động chung nhằm hình thành nhân cách của con người mới, đáp ứng được yêu cầu của thời đại. Trong quá trình họat động chung đó, người giáo viên đóng vai trò lãnh đạo, tổ chức, điều khiển hoạt động nhận thức của học sinhđể giúp họ tự khám phá ra tri thức. Tất nhiên người giáo viên còn có chức năng cung cấp cho người học tri thức, nhưng chỉ khi nào thật cần thiết. Song chức năng này không phải là chức năng chính yếu của toàn bộ quá trình dạy. Người giáo viên phải suy nghĩ để giúp học sinh sử dụng những tri thức, những kinh nghiệm mà họ thu thập được qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua cuộc sống, kết hợp với tri thức giáo viên cung cấp cho để tạo nên sự hiểu biết của bản thân mình.
Phối hợp với hoạt động đó của giáo viên, học sinh tự giác, tích cực, chủ động, tự tổ chức, tự điều khiển hoạt động nhận thức của mình nhằm nắm vững tri thức, hình thành kỹ năng, kỹ xảo, phát triển năng lực nhận thức, đặc biệt là năng lực tư duy sáng tạo, hình thành cơ sở thế giới quan khoa học và những phẩm chất đạo đức của con người mới. Chính học sinh chứ không phải người nào khác phải tự mình làm ra sản phẩm giáo dục. Tính chất hành động của họ có ảnh hưởng quyết định tới chất lượng tri thức mà họ tiếp thu.
Từ đó có thể rút ra định nghĩa quá trình dạy học như sau: Quá trình dạy học là quá trình mà dưới sự lãnh đạo, tổ chức, điều khiển của người giáo viên, người học tự giác, tích cực, chủ động tự tổ chức, tự điều khiển hoạt động của mình nhằm thực hiện những nhiệm vụ dạy học.
Kim Hoàng – SP Lý – KTCN k37 – CĐSP Nha Trang