Nét văn hóa trong lễ hội Đâm Trâu của người M’Nông
Có thể nói khi mùa Xuân về, trên khắp mọi miền của đất nước diễn ra rất nhiều lễ hội mang đậm nét văn hóa truyền thống, trong đó có lễ hội đâm trâu (hay còn gọi là lễ hội chém trâu, ăn trâu) của người M’Nông.
Lễ đâm trâu của đồng bào M’Nông nói riêng, của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên nói chung là một lễ hội truyền thống được lưu truyền từ muôn đời nay. Lễ hội mang đậm màu sắc phong tục- tín ngưỡng của đồng bào dân tộc Tây Nguyên – xuất phát từ niềm tin vào thế giới thần linh, con người muốn nhờ các vị thần linh che chở, tha thứ và giúp đỡ thì phải có vật tế thần. Và con trâu là con vật quý giá để hiến tế thần linh.
Lễ đâm trâu được tổ chức vào dịp mừng chiến thắng, mừng thắng lợi của cộng đồng, khánh thành nhà rông, lễ cầu an, lễ xóa điềm xấu, điềm gở cho cả buôn làng. Thông thường, lễ hội được tổ chức tại sân nhà rông và thường kéo dài trong 3 ngày.
Để có một lễ đâm trâu, người ta phải có nhiều rượu, thịt, cơm nếp, trầu thuốc và bắt buộc phải làm cây nêu. Việc tạo ra cây nêu góp phần làm cho buổi lễ thêm long trọng và linh thiêng. Cây nêu được làm từ cây hòn gai, thớ gỗ rất trắng và mềm nên tiện lợi cho việc trang trí hoa văn và tạo dáng. Với những người thợ khéo tay trong buôn, cây nêu là một công trình sáng tạo tập thể về nghệ thuật tạo hình dân gian của người M’Nông. Các hình con vật mang ý nghĩa phồn thực, thể hiện khát vọng của đồng bào muốn vươn tới cuộc sống ấm no, hạnh phúc, vạn vật được sinh sôi, nảy nở.
Vào lễ đâm trâu chúng ta sẽ chứng kiến nhiều lễ tục lạ rất thú vị. Để gọi thần về ăn trâu và an ủi con trâu trước lúc hiến sinh người ta có những bài khấn rất hồn nhiên: “Sáng sớm tôi gọi hồn lúa, gần trưa tôi gọi thần trâu… Thần ở với người Preh tôi theo bằng dê, thần đi với người Êđê tôi theo bằng cồng, thần trú nơi người Nong tôi theo bằng kèn rlét…”.
Sau đó, người đàn bà chủ trâu hoặc người đàn bà hàng xóm ra đứng gần cây nêu hát bài gọi thần Lúa và hát “khóc trâu” để vỗ về, an ủi, tiễn biệt con vật yêu quý này trước khi nó bị giết để làm lễ hiến sinh. Vừa lấy nước tưới vào đầu con trâu họ vừa hát rằng: “…Ta thương trâu đã mười năm nay/ Ta chăn trâu vào đủ trăm ngày/ Mời trâu ăn nắm cỏ lần cuối/ Mời trâu ăn lá cây lần cuối/ Trâu hãy ăn lá Râng(1) lần cuối/ Trâu hãy kêu nghé ọ lần cuối/ Người ta đã cột trâu vào cọc rồi/ Khách mời “ăn trâu” đã đến đầy nhà/ Chờ sáng mai họ sẽ vào ngày hội/ Ta thương tiếc trâu lắm trâu ơi!/ Ta không thể giúp gì cho trâu được/ Trâu hãy rung cho ngã cọc nêu/ Trâu vùng vẫy cho đứt chùm dây/ Người ta sắp xẻ thịt trâu rồi đấy!/ Nơi vũng nước trâu dẫm vẫn còn/ Chân trâu cào mặt đất còn dấu/ Bãi cỏ nơi trâu còn đó/ Ngọn núi kia trâu đi với cái/ Bụi tre kia trâu vỗ nghé ngủ/ Cây to kia trâu thường cọ khi ngứa/ Đôi mắt tròn trâu tìm đường đi/ Dòng suối nơi trâu tắm vẫn còn/ Ta gặp trâu đêm nay nữa thôi/ Người ta đã cột dây đầy cổ trâu/ Người ta cột trâu nhiều dây chắc lắm/ Người ta đã cho trâu đeo xâu cườm/ Ta đành chịu không cứu được trâu/ Người chặt vào lưng xin trâu đừng khóc/ Người đâm vào hông trâu chớ kêu la/ Người chặt vào đuôi trâu đừng quất nữa/ Nếu trâu quất e trúng lũ trẻ/ Có bề gì ta phải chịu đền/ Trâu chết đi bỏ lại vũng nước/ Trâu chết đi bỏ lại cỏ non/ Trâu chết đi bỏ lại vợ con/ Trâu chết đi cho buôn làng vui/ Cho thần lúa xuống ở trong nia/ Cho thần lúa xuống ở trong thùng/ Ta trao bột máu dê cho trâu/ Ta cho trâu ăn bột củ nghệ/ Ta cho trâu uống rượu ống nứa/ Trâu uống đi trước khi trâu chết!/ Ta tiếc thương trâu lắm trâu ơi!/ …/ Thôi ta từ giã trâu ta từ đây/ Trâu hãy ăn nắm cỏ này lần cuối/ Trâu hãy ăn trước khi trâu chết/ Để trâu về giữ con thần lúa …”.
Lời hát “Khóc trâu” vừa dứt, bên đoàn khách được mời đến dự lễ cử ra một người đâm trâu. Trong khi đâm trâu, hai dàn nhạc cồng chiêng của hai bên chủ, khách nổi lên để làm cho người chém trâu, đâm trâu thêm phấn chấn, can đảm. Khi con trâu chết người ta lấy chiếc chiêng mẹ đặt lên mình trâu, có khi dùng chăn mới dệt chất lên mình trâu. Xong, người ta lấy máu trâu phết vào cây nêu, cọc buộc trâu và kèn rlét.
Lễ cúng tiếp theo được tổ chức trên kho lúa. Người ta lấy sợi chỉ buộc từ kho lúa đến chỗ đầu trâu, tượng trưng cho lối đi của hồn lúa. Chủ nhà lấy huyết trâu với rượu rồi đổ vào bầu nước và tưới tượng trưng lên kho lúa. Làm như vậy, họ tin rằng hồn lúa sẽ được mát mẻ, mọi điều xấu, tai ương sẽ qua đi. Tiếp theo, người ta mổ trâu chia cho các gia đình trong buôn.
Đến bây giờ, ở nhiều nơi thuộc vùng cao của đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên vẫn còn giữ nguyên tục lệ này. Và lễ hội đâm trâu trong trường ca M’Nông lại được nhắc tới như một sinh hoạt văn hóa đầy tự hào: “Bon Tiăng ăn trâu không sót một năm/ Bon Yang ăn trâu không sót một năm/ Dựng cây nêu không thiếu một tháng…/ Tiếng Tiăng, Yang đã vang khắp nơi/ Con cá sấu dưới nước cũng phải khen/ Dù có núp trong ống mọi người cũng biết”…/.