Nét huyền bí về lễ hội Gò Đống Đa ở Hà Nội

Lễ hội Gò Đống Đa ở Hà Nội được xếp vào là một trong những lễ hội độc đáo. Lễ hội này mang màu về văn hóa dân gian, tính tâm linh sâu sắc gắn với chiến thắng trận Ngọc Hồi – Đống Đa của quân Tây Sơn đánh tan 20 vạn quân Thanh xưa kia.

Gò Đống Đa – minh chứng lịch sử còn mãi

hoi-go-dong-da

Gò Đống Đa. Ảnh: Redsvn

Gò Đống Đa nằm bên đường phố Tây Sơn, phường Quang Trung, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội. Đây chỉ là một cái gò nổi lên ở khu dân cư sinh sống nhưng có giá trị lịch sử rất quan trọng. Theo sử sách Việt ghi lại, hơn 200 năm trước, Gò Đống Đa là một chiến trường đẫm máu. Đêm mùng 4, rạng mùng 5 tết Kỷ Dậu (tức ngày 29-30 tháng 2 năm 1789) quân Tây Sơn do Đô đốc Đặng Tiến Đông chỉ huy với sự tham gia của nhân dân vùng Khương Thượng đã đánh tan 20 vạn quân Thanh. Tướng nhà Thanh là Sầm Nghi Đống phải thắt cổ tự tử ở núi Ốc (Loa Sơn) gần chùa Bộc bây giờ. Trận đánh này mở đường cho quân Tây Sơn tiến thẳng vào kinh thành Thăng Long, đánh đuổi quân Thanh.

hoi-go-dong-da-1

Hình minh họa trận Ngọc Hồi – Đống Đa. Ảnh: thdongdatanbinh.hcm.edu

Sau khi giải phóng được kinh thành Thăng Long, trên các đường phố xác quân địch chết ngổn ngang. Vua Quang Trung cho nhặt xác lại và xếp thành 12 đống, đắp cao lên thành gò gọi là “kình nghê quán” (gò chôn xác giặc dữ như cá kình, cá nghê ngoài biển). 12 gò này nằm rải rác làng Thịnh Quang đến làng Nam Đồng đều thuộc khu vực Đống Đa. Trên những gò này mọc lên các cây đa um tùm và cái tên Gò Đống Đa ra đời. Đến năm 1851, khi mở chợ, mở đường, đào xới nhiều nơi thấy có nhiều hài cốt giặc nên người ta cho gom lại thành chiếc gò thứ 13. Đây cũng chính là Gò Đống Đa bây giờ. Còn 12 gò cũ đã bị san bằng vào năm 1890 khi Pháp mở rộng Hà Nội.

hoi-go-dong-da-2

Ảnh minh họa vua Quang Trung. Ảnh: vietnamnet.vn

Sau này để tưởng nhớ đến công lao của vua Quan Trung dũng cảm, can trường, hết lòng vì dân vì nước, người ta đã xây dựng tượng đài người ở Gò Đống Đa và thực hiện nghi thức cúng bái.

Lễ hội Gò Đống Đa với những nghi thức rực rỡ, ấn tượng

Lễ hội Gò Đống Đa được tổ chức vào mùng 5/1 âm lịch (khoảng đầu tháng 2 dương lịch) hằng năm. Theo đó, vào buổi sáng các bô lão trong làng về đây tụ hội, dâng hương lễ bái và thay mặt bà con đọc lên lời tuyên hệ khai mạc lễ hội. Từ 6h00 – 8h00, các nghi lễ được thực hiện gồm tế lễ, dâng hương, rước kiệu hoàng đế Quang Trung và hoàng hậu Lê Ngọc Hân.

hoi-go-dong-da-3

Rước kiệu vua Quang Trung và hoàng hậu Ngọc Hân. Ảnh:

Đến 12h trưa, nghi thức chính được bắt đầu. Dân làng rước rồng lửa từ Khương Thượng đến gò Đống Đa nhằm tái hiện trận đánh của quân Tây Sơn với quân nhà Thanh khi xưa. Một tốp thanh niên đi quanh đám rước rồng và biểu diễn côn quyền để biểu dương khí thế của quân Tây Sơn. Đây là một trong những nghi lễ độc đáo của lễ hội Gò Đống Đa.

hoi-go-dong-da-5

Lễ rước rồng. Ảnh: vietnamtravellog

hoi-go-dong-da-6

Lễ rước kiệu. Ảnh: Báo công an nhân dân

Trong lúc lễ được rước từ Khương Thượng đến Gò Đống Đa, chùa Đồng Quang tiến hành nghi lễ cầu siêu cho tử sĩ nhà Thanh với lễ “cúng cháo thí” và chùa Bộc thực hiện cầu siêu cho tử sĩ nhà Tây Sơn. Kế tiếp là các nghi thức dâng hương, đọc lễ văn và cuộc tế lễ diễn ra ở đình Khương Thượng.

hoi-go-dong-da-7

Nghi lễ dân hương. Ảnh: Báo công an nhân dân

Phần hội thường có các trò chơi và biểu diễn nghệ thuật dân gian như múa lân, múa rồng, đầu vật, cờ người, chọi gà. Điểm thu hút hơn nữa chính là có sự xuất hiện của những diễn viên nhà hát chèo Việt Nam. Các nghệ sĩ đem lời ca tiếng hát để tái hiện quá trình dựng nước, giữ nước và đập tan hàng vạn Thanh. Đây là màn trình diễn mang đậm văn hóa nghệ thuật dân gian đặc sắc.

hoi-go-dong-da-8

Các nghệ sĩ đem lời ca tiếng hát để tái hiện quá trình dựng nước, giữ nước và đập tan hàng vạn Thanh. Ảnh: Báo công an nhân dân

hoi-go-dong-da-9

Múa tuồng tái diễn hình ảnh vua Quang Trung đánh giặc. Ảnh: Báo công an nhân dân

hoi-go-dong-da-10

Một phần trong màn tái hiện võ thuật. Ảnh: Vnexpress

Khi chính thức được khai mạc, hàng nghìn người dân từ nhiều nơi kéo đến tham gia lễ hội. Người dân đến chủ yếu để dâng hương lễ bái, cầu phúc, bình an cho họ và gia đình. Do có nhiều người tham gia nên hàng năm Ban tổ chức lễ hội sẽ phải xiết chặt hàng rào an ninh để đảm bảo tất cả người đến lễ hội được an toàn.

Từ sau ngày Giải phóng Thủ đô Hà Nội (10/10/1954), lễ hội gò Đống Đa được coi là ngày hội Đống Đa truyền thống, trở thành quốc lễ.

hoi-go-dong-da-11

Hàng nghìn người dân từ nhiều nơi kéo đến tham gia lễ hội. Ảnh: vnexpress

Quê hương của vua Quang Trung – Nguyễn Huệ là ở quận Bình Khê, tỉnh Bình Định. Nhân dân nơi đây cũng xây nhà thờ ba anh em nhà Tây Sơn là Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ. Du khách cũng thường xuyên đến quê vua Quang Trung để dâng hương hoa, lễ bái nhằm cảm ơn công lao của các vị anh hùng.

hoi-go-dong-da-12

Lễ hội Đống Đa – Tây Sơn được tổ chức ở Bình Định là quê hương vua Quang Trung. Ảnh: quynhonland

Lễ hội Gò Đống Đa là một trong những lễ hội lớn nhất Hà Nội và có ý nghĩa lịch sử sâu sắc với người dân Việt Nam. Tham gia lễ hội, du khách sẽ được chiêm ngưỡng nhiều nghi lễ độc đáo với quy mô hoành tráng và ấn tượng.

Nguồn tham khảo:

Di tích lịch sử – văn hóa Hà Nội

Sở văn hóa và thể thao thành phố Hà Nội