Nét đẹp văn hóa lễ hội Chùa Hương ngày xưa – smot
Nét đẹp văn hóa lễ hội Chùa Hương ngày xưa
Theo sách “Thống kê lễ hội Việt Nam” của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Việt Nam có 7.996 lễ hội, trong đó có 7.039 lễ hội dân gian, chếm 88,36% tổng số lễ hội. Trong số lễ hội dân gian: lễ hội Chùa Hương cùng với các lễ hội: lễ hội Đền Hùng (Phú Thọ), lễ hội hội Phủ Dày (Nam Định), lễ hội xuân Núi Bà Đen (Tây Ninh), lễ hội Bà Chúa Xứ Núi Sam (An Giang) là 5 lễ hội lớn nhất của cả nước[1]. Lễ hội chùa Hương gắn liền với tín ngưỡng dân gian thờ Chúa Ba: Theo truyền thuyết dân gian, ở vùng “Linh sơn phúc địa” này trước kia, vào thế kỷ đầu tiên đã có công chúa Diệu Thiện (tục gọi là Chúa Ba ứng thân của Bồ Tát Quán Thế Âm) đã tới vùng núi Hương Sơn tu hành 9 năm sau đó đắc đạo thành Phật đi cứu độ chúng sinh (ngày đó gọi là ngày Phật đản nhằm ngày 19 tháng 2 âm lịch hàng năm). Đây cũng là giữa mùa xuân, mùa của trăm hoa đua nở, cây cỏ xanh tươi khí trời mát mẻ, để tỏ lòng biết ơn, tưởng nhớ bà Chúa Ba, hàng năm dân làng Hương Sơn mở hội chùa Hương.
Trải qua thăng trầm biến đổi của thời gian, từ xưa đến nay, lễ hội chùa Hương vẫn ngày càng hấp dẫn, hàng năm thu hút một lượng du khách lớn. Để khán giả thêm hiểu thêm về giá trị văn hóa của lễ hội chùa Hương. Bài viết giới thiệu lễ hội chùa Hương ngày xưa, một nét đẹp văn hóa nguyên sơ, một vẻ đẹp lễ hội thuần khiết, thanh tao trong hệ thống lễ hội cổ truyền Việt Nam.
Lễ hội chùa Hương. Ảnh: Baovanhoa.vn
Đã là người Việt Nam, rất ít người mà lại không biết tới hội chùa Hương. Phan Huy Chú một học giả lỗi lạc đầu thế kỷ XIX từng đánh giá hội chùa Hương là hội vui bậc nhất ở cõi trời Nam.
Hội chùa diễn ra trên địa bàn xã Hương Sơn, trong địa phận huyện Mỹ Đức, tỉnh Hà Tây (nay là Thành phố Hà Nội). Xã gồm sáu thôn (Tiêm Mai, Phú Yên, Hội Xá, Đục Khê, Yến Vĩ, Hạ Đoan). Đầu thế kỷ XIX, các thôn này thuộc tổng Phù Lưu thượng, huyện Hoài Đức, trấn Sơn Nam thượng.
Hương Sơn hôm nay là xã lớn nhất của huyện Mỹ Đức, diện tích khoảng 30 km2, chiều dài 6 km, bề rộng 5 km, nằm ven bờ sông Đáy, có dãy núi đá vôi Hương Tích nhấp nhô, những dòng suối chảy men chân núi, những cánh đồng màu mỡ mở rộng trông ra châu Thổ. Cảnh thiên nhiên ấy thật như ca dao địa phương miêu tả:
“Một vùng non nước bao la
Ràng dây lạc quốc hay là Đào Nguyên
Hương Sơn là chốn non tiên
Bồng lai mà thấy ở miền nhân gian”.
“Không đi thì nhớ thì thương
Ra đi mến cảnh Chùa Hương không về”
Hàng năm, khách thập phương (trong đó có rất nhiều đoàn khách quốc tế) trẩy hội về chùa Hương. Những hôm cao điểm khách về lễ hội tới vạn người. Điều đó, phản ánh sức hút của hội chùa đến nhường nào.
Hội trải dài trên 3 tuyến:
Tuyến Hương Tích: Đây là tuyến chính. Khách chủ yếu đi tuyến này, những gì đặc sắc nhất đều tập trung ở đó. Khách ngồi đò từ bến Yến ghé lễ đền Trình, đi tiếp qua cầu Hội, hang Sơn Thủy Hữu Tình, núi Dổi Chèo, núi Con Voi, núi Mâm Xôi, núi Con Gà… cập bến Thiên Trù (tục gọi là chùa Bếp Trời hay còn gọi là chùa Ngoài), từ đấy đi chùa Tiên, chùa Giải Oan, đền Cửa Võng (còn gọi là đền Trấn Song) và đền Đệ Nhất Động Hương Tích (chùa Trong). Cũng từ Thiên Trù có lối rẽ qua rừng mơ lên chùa Hinh Bồng.
Tuyến Tuyết Sơn: Từ bến Đục rẽ làng Phú Yên gặp suối Tuyết ra bến đò của làng gọi là bến Phú Yên vào trình đền Mẫu Hạ gần đó, ngồi đò qua núi Thuyền Rồng, núi Con Phượng, hòn Đầu Sư Tử, vách đá Kỳ Sơn Tú Thủy đến bến Tuyết Sơn, rồi thuyền vào chùa Bảo Đài, leo núi đến Bạch Tuyết Môn, vào điện Cô, tới chùa Tuyết Sơn còn có tên Ngọc Long động.
Tuyến Long Vân: Đò từ bến Yến dừng ở đền Trình, sau rẽ một nhánh của dòng suối Yến, qua núi Ông Sư Bà Vãi, cặp bến Long Vân, lên thuyền vào chùa Long Vân, leo núi thăm động cùng tên, đi đến giữa chùa Cây Khế và cách đó chừng vài trăm mét là hang Sũng Sàm – một di chỉ khảo cổ lưu dấu của người xưa.
Thời gian mở hội: ngày xưa, các cụ nói hội chùa tự mở và tự đóng. Thường là sau tết Thượng Nguyên (rằm tháng Giêng) khách đã đông đúc về hội đến khoảng rằm tháng ba thì vãn khách.
Lễ hội Chùa Hương. Ảnh: VOV.vn
Ngày nay, hội chùa mở sớm hơn, Ban tổ chức lấy ngày mồng sáu tháng Giêng để khai hội. Ngày này vốn là ngày lễ khai sơn (lễ mở cửa rừng) của người làng Yến Vi và Phú Yên. Lễ mở cửa rừng của làng Yến Vi tổ chức ở đền Ngũ Nhạc, xưa, đền thờ sơn thần (ông Hổ), một tín ngưỡng thờ vật thiêng. Sau đó có sự hòa trộn giữa tín ngưỡng thờ vật thiêng với nhân thần để ra đời vị thần thờ tên là Hùng Lang con ông Hùng An, một vị tướng thời Hùng Vương có công dẹp giặc Ân trừ bạo cho nước. Còn làng Phú Yên làm lễ mở cửa rừng ở đền Hạ cúng thờ sơn thần. Lễ khai sơn vốn có là nghi lễ nông nghiệp của người Việt cổ tạ thần núi, tạ chúa sơn lâm mong trong năm làm ăn gặp nhiều may mắn, mưa gió thuận hòa, con người an khang tráng kiện, không bị thú dữ ăn thịt. Nay lễ này còn sót lại ở một số vùng người Mường. Đối với cư dân ở đồng bằng, lễ khai sơn không còn nữa mà biến dạng thành lễ hạ cây nêu (mồng bảy tháng Giêng) chấm dứt một tuần vui tết để bắt tay vào mùa làm ăn mới.
Mâm lễ của làng Yến Vi dâng sơn thần phải có một mặt lợn cạo sách để sống, còn làng Phú Yên là con chó thui, chỉ những khi không kiếm được chó thì thay bằng khúc cổ ợn, đây là những thứ sơn thần hay ăn. Sau những nghi thức cúng tế, làng Yến Vi cử một cụ ông, vợ chồng ăn ở thuận hòa, sinh con đẻ cái mau ăn chóng lớn, bước vào rừng cầm dao chặt đứt một cành cây, vài sợ dây leo; làng Phú Yên cũng cử một ông đẹp lão, có kinh nghiệm làm rừng, dùng dao chặt đứt một cành cây rừng. Sau lễ khai sơn, dân chúng hai thôn mới chính thức đi rừng.
Ngày nay, nghi thức mở cửa rừng hàm chứa ý nghĩa mới, đồng nghĩa với mở cửa chùa. Do biến động về địa lý nên đền Trình của chùa Hương xưa là đền của làng Dục Khê, gần con sông Đáy, nay chuyển vào đền Ngũ Nhạc của thôn Yến Vi (nơi diễn ra lễ mở cửa rừng) và có tên gọi là đền Trình.
Ngày mồng sáu tháng Giêng là lễ khai hội, khách du lịch, các tín đồ rất đông. Ngày hội có lễ dâng hương tưởng nhớ vị tướng của vua Hùng do nhà chức trách địa phương đảm nhiệm. Hôm ấy, dân Yến Vi tổ chức múa rồng ở sân đền Trình, bơi thuyền múa rồng trên dòng suối Yến. Sau lễ mở cửa chùa du khách trảy hội trên 3 tuyến (Hương Tích, Tuyết Sơn, Long Vân) ngày càng đông dần, cao điểm nhất là ngày 19 tháng hai âm lịch. Tương truyền là ngày khánh đản Đức Quan Thế Âm, nghĩa là ngày sinh của bà chúa Ba ở chùa Hương.
Hội cứ đông vui tấp nập suốt đến tháng ba. Khi cái nắng đầu hè oi bức thì cái thú leo núi chẳng còn hấp dẫn du khách nữa, hội vãn dần. Cứ theo tiến trình ấy thì hội chùa Hương diễn ra suốt ba tháng Xuân, hết cái quý đầu của vòng luận hồi Xuân – Hạ – Thu – Đông của trời đất. Nói thế, gọi là khép hội chùa, chứ lễ chùa, du lịch thắng cảnh Hương Sơn thì đâu đã hết. Mồng một, hôm rằm và các ngày chủ nhật những tháng sau đó, khách vẫn thường lui tới với đất danh thắng Hương Sơn.
Chùa Hương là một danh thắng nổi tiếng. Sự hấp dẫn của Hương sơn không chỉ ở bề ngoài, còn ở bên trong. Đó là vẻ đẹp sâu lắng, giàu triết lý dân gian của các hang động. Du khách đến chùa Hương có cái thú ngồi thuyền chiêm ngưỡng bầu trời, cảnh bụt, khoái cảm nhìn sông ngắm núi như thấy một góc của non sông đất nước vừa thơ, vừa thực thu gọn trong tầm mắt và cũng ảo huyền như lạc vào cõi bồng lai tiên cảnh. Sau đấy là thú vui trèo núi, thật dân dã trong cây gậy lụi, cứ theo con đường núi lấm tấm hoa dại, lây lan thơm gợi mùi hoài cổ, lạ lẫm một dáng cây, thoảng nghe tiếng chim rừng, uống một bát chè lão mai, ăn một quả mơ đặc sản của Hương Sơn, thật ngỡ ngàng như mình đang thoát thực tế để tận hưởng cho viên mãn cái vẻ đẹp của thiên nhiên đất nước, để thêm yêu cuộc đời này.
Hang động ở Hương Sơn là yếu tố cấu thành quan trọng để quần thể Hương Sơn trở thành danh thắng nổi tiếng, là đặc thù của quần thể này. Cả ba tuyến du lịch (Hương Tích, Tuyết Sơn, Long Vân) đều khai thác các vị trí động đá để thu hút khách. Ven suối có hang Sơn Thủy Hữu Tình, hang Long Vân, hang Cá. Trên núi có hang Hồng Sơn, hang Sũng Săm, hang Trú Quân, có động Tiên, động Tuyết Sơn, động Hương Tích. Ở Hương Sơn thường chùa đi liền với hang, hay gọi đúng tên là chùa hang (chùa ở trong hang) như chùa Tuyết Sơn, chùa Cá, chùa Cây Khế, chùa Hinh Bồng, chùa Tiên, chùa Giải Oan… Trong tất cả các hang động, nổi bật hơn là động Hương Tích và động Tuyết Sơn. Động Hương Tích đã to lại rộng. Hàng triệu năm những giọt nước từ trên núi đá vôi thánh thót rơi xuống tạo thành những nhũ đá có hình kỳ thú. Người xưa gọi động Hương Tích là miệng con rồng. Theo quan niệm dân gian đã đi chùa Hương mà chưa tới động Hương Tích coi như chưa tới chùa Hương… Năm Canh Dần (1770), Tỉnh Đô Vương Trịnh Sâm lên thăm động Hương Tích đã đặt bút khắc năm chữ “Nam thiên đệ nhất động” (động đẹp nhất trời Nam).
Hương Sơn không chỉ hấp dẫn du khách ở vẻ đẹp thiên nhiên, nơi đây còn giữ lại dấu tích văn hóa của nhiều giai đoạn lịch sử. Đó là những sản phẩm vô giá kết tinh tài năng trí tuệ, tâm tư tình cảm của nhân dân lao động, phản ánh tư tưởng của các thời đại.
Ngày xưa, hội làng tưng bừng, lễ vật tươm tất là vào những năm được mùa. Phải năm thiên tai thất bát, hai hoặc ba năm làng mới mở hội. Du khách đến chùa Hương được chứng kiến và tham dự vào không khí sinh hoạt văn hóa của hội làng, cảm nhận cái tinh thần thiên nhiên của ngày hội lịch sử, từ đó hồi âm về quá khứ tổ tiên ở một làng quê ven chân núi. Bóng dáng của lịch sử dân tộc hiện ra qua các kỳ hội làng là như thế.
Đến với chùa Hương và tham dự vào cuộc tiếp xúc kỳ diệu giữ con người với vẻ đẹp lung linh của sông nước, bao la của đất trời, sâu lắng của núi rừng, huyền bí của hang động, ngời sáng của tòa tháp và cái đẹp không ngừng của mùa xuân cây cỏ. Đến với chùa Hương là cuộc hội ngộ của con người, với niềm mơ ước về một thế giới bình đẳng chan hòa tình thân ái. Đến với chùa Hương là dịp con người tìm về cội nguồn của tư duy, trỗi dậy sự nỗ lực, gặp gỡ bóng dáng tổ tiên mình một thời đã đi qua. Trải qua thăng trầm biến đổi của thời gian, lễ hội chùa Hương xưa vẫn tỏa sáng một nét đẹp văn hóa nguyên sơ, một vẻ đẹp lễ hội thuần khiết, thanh tao trong hệ thống lễ hội cổ truyền Việt Nam./.
Nguồn: Bài viết tổng thuật từ Lê Trung Vũ (1992), “Hội Chùa Hương”, Bài trong sách Lễ hội cổ truyền, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội Hà Nội, Hà Nội, 1992.
Trần Thị Tuyết Mai
Viện Văn hóa Trường Đại học Văn hóa Hà Nội
[1]Nguồn: Theo Quyết định số 39/2001/QĐ-BVHTT ngày 23 tháng 8 năm 2001 của Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quy chế tổ chức lễ hội.