Nestle thừa nhận chỉ 30% sản phẩm của hãng là tốt cho sức khỏe
Tạp chí Forbes nhận định Nestle đã trở thành thương hiệu đồ ăn có giá trị nhất trên thế giới. Tuy nhiên mới đây hãng tin Bloomberg lại đưa tin Nestle thừa nhận chỉ có 30% sản phẩm của hãng này là tốt cho sức khỏe, 35% là không tốt.
Số sản phẩm còn lại thuộc mảng thức ăn cho thú cưng, sữa bột trẻ em hay thực phẩm dinh dưỡng y tế vốn được sản xuất theo tiêu chuẩn đặc biệt không được xếp trong bảng phân tích.
Kết quả này đã khiến Nestle phải cam kết sẽ gia tăng giá trị dinh dưỡng với những sản phẩm đồ ăn vặt, đồ uống hay thực phẩm nhằm tạo ảnh hưởng tích cực lên sức khỏe cộng đồng.
Công bố của Nestle dựa trên hệ thống tiêu chuẩn dinh dưỡng quốc tế được hãng công khai lần đầu tiên trước những áp lực về việc gia tăng tình trạng béo phì, tiểu đường của người tiêu dùng tại các nước phát triển lẫn đang phát triển.
Hệ thống mà Nestle bắt đầu sử dụng từ năm 2022 là HSR, vốn được áp dụng rộng rãi tại Australia và New Zealand để cho thấy sự minh bạch về sản phẩm sau khi nhiều nhà đầu tư kêu gọi các hãng thực phẩm hãy dùng tiêu chuẩn chung thay vì quy chuẩn nội bộ.
Theo tiêu chuẩn HSR, các sản phẩm sẽ được đánh giá theo thang 5 sao, trên 3,5 sao là tốt cho sức khỏe, dưới 1,5 là chỉ nên thỉnh thoảng sử dụng, từ 1,5 đến 3,5 thì cần dùng theo hướng dẫn hoặc thành phần dinh dưỡng cần được cải thiện thêm.
Tuy nhiên báo cáo thường niên năm 2022 mới được công bố của nhà sản xuất Kitkat và Nescafe này cho thấy 54% doanh số thuần của hãng đến từ những sản phẩm nằm ở nửa dưới của tiêu chuẩn 5 sao trên.
Bỏ qua những sản phẩm như Vitamin tổng hợp, nước khoáng, thức ăn thú cưng…vốn không được xếp hạng thì Nestle sản xuất rất nhiều chủng loại mặt hàng, từ cà phê hòa tan, sữa lắc, kem Haagen Dazs cho đến ngũ cốc ăn liền.
Trong số đó, có đến 17% sản phẩm có điểm HSR dưới 1,5 và thêm 18% sản phẩm nữa dưới 3,5 sao. Chỉ có 30% sản phẩm trên 3,5 sao và 35% sản phẩm còn lại không được xếp hạng.
Cam kết cải thiện
Theo tờ Wall Street Journal (WSJ), nhiều sản phẩm bánh kẹo của Nestle thường không được coi là tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên hãng cũng đã cam kết cải thiện sản phẩm để chúng có ích lợi hơn cho sức khỏe người tiêu dùng, ví dụ như dán nhãn thành phần dinh dưỡng rõ ràng, thiết kế kích thước sản phẩm phù hợp hơn hay thay thế sử dụng những nguyên liệu tự nhiên.
Tập đoàn này cũng cho biết đã giảm lượng muối (Sodium) trên nhiều sản phẩm như mỳ ăn liền hay nước sốt. Hãng dự kiến sẽ hoàn thành đợt cải thiện sản phẩm này vào cuối năm 2025 và sẽ tiếp tục đặt kế hoạch cho đợt cải tiến tiếp theo đến năm 2030.
“Với vai trò là một trong những công ty thực phẩm và đồ uống lớn nhất thế giới, Nestle có ảnh hưởng rất lớn đến văn hóa ăn uống của người tiêu dùng. Thế nhưng những kết quả công bố lại khá đáng lo ngại khi sản phẩm của hãng vẫn còn cách xa so với cái gọi là thực phẩm tốt cho sức khỏe”, chuyên gia Holly Gabriel của ShareAction nhận định.
Hệ thống tiêu chuẩn HSR đánh giá sản phẩm dựa trên thành phần năng lượng (Energy), chất béo, đường, muối, protein, chất xơ…Những sản phẩm bánh kẹo nhiều đường hoặc nước sốt có nhiều muối thường có thang điểm thấp, trong khi những mặt hàng ít béo, muối và đường như cà phê thuần và nước lọc được đánh giá cao.
Trên thực tế, không riêng gì Nestle, nhiều hãng thực phẩm cũng đang phải áp dụng các tiêu chuẩn mới về dinh dưỡng và sức khỏe trước áp lực của người tiêu dùng.
Ví dụ Unilever cũng sử dụng hệ thống tiêu chuẩn HSR với khoảng 24% sản phẩm của hãng có thang điểm trên 3,5 sao. Hiện hãng đang đặt mục tiêu 85% sản phẩm dinh dưỡng của mình sẽ đạt chuẩn tốt cho sức khỏe vào năm 2028.
Trong khi đó, hãng Danone cho biết 90% sản phẩm của hãng có điểm trên 3,5 sao theo tiêu chuẩn HSR.
*Nguồn: Bloomberg, WSJ