Nền kinh tế tri thức và những đặc trưng cơ bản của nền kinh tế tri thức

25,926

lượt xem

Kinh tế tri thức là lực lượng sản xuất của thế kỷ XXI, đặc trưng của nền kinh tế tri thức là thị trường chất xám, trong đó con người là vốn quý nhất.

Từ những năm 80 trở lại đây, do tác động mạnh mẽ của khoa học và công nghệ hiện đại, đặc biệt công nghệ thông tin, sinh học, vật liệu mới, năng lượng…nền kinh tế thế giới đang biến đổi sâu sắc, toàn diện, chuyển từ kinh tế công nghiệp sang kinh tế tri thức. Đây là một bước ngoặt có ý nghĩa lịch sử trọng đại đối với quá trình phát triển của nhân loại.

 

Lịch sử xã hội loài người đã trải qua là nền kinh tế nông nghiệp, nền kinh tế công nghiệp và đang bước vào nền kinh tế tri thức. Khái niệm nền kinh tế tri thức ra đời từ năm 1995 do Tổ chức OPDC nêu ra” Nền kinh tế tri thức là nền kinh tế trong đó sự sản sinh, truyền bá và sử dụng tri thức trở thành yếu tố quyết định nhất đối với sự phát triển kinh tế, không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống”.

 

Theo định nghĩa của WBI, kinh tế tri thức là: “Nền kinh tế dựa vào tri thức như động lực chính cho sự tăng trưởng kinh tế. Có người cho rằng: Kinh tế tri thức là hình thức phát triển cao nhất hiện nay của nền kinh tế hàng hoá, trong đó công thức cơ bản Tiền – Hàng – Tiền được thay thế bằng Tiền – Tri thức – Tiền và vai trò quyết định của tri thức.

 

Vậy kinh tế tri thức là gì? Kinh tế tri thức là nền kinh tế trong đó sự sản sinh ra, phổ cập và giữ vai trò quyết định nhất đối với sự phát triển kinh tế, tạo ra của cải, nâng cao chất lượng cuộc sống. Kinh tế tri thức là biểu hiện hay xu hướng của nền kinh tế hiện đại, trong đó tri thức, lao động chất xám được phát huy khả năng sinh lợi của nó và mang lại hiệu quả kinh tế lớn lao trong tất cả các ngành kinh tế: công nghiệp, nông – lâm – ngư nghiệp và dịch vụ, phục vụ cho phát triển kinh tế.

 

Kinh tế tri thức cũng được hiểu là nền kinh tế chủ yếu dựa trên cơ sở tri thức, khoa học; dựa trên việc tạo ra và sử dụng tri thức, phản ánh sự phát triển của lực lượng sản xuất ở trình độ cao. Hoặc cũng được hiểu, là một loại môi trường kinh tế- kỹ thuật, văn hoá-xã hội mới, có những đặc tính phù hợp và tạo thuận lợi nhất cho việc học hỏi, đổi mới và sáng tạo. Trong môi trường đó, tri thức sẽ tất yếu trở thành nhân tố sản xuất quan trọng nhất, đóng góp vào phát triển kinh tế xã hội.

 

Nền kinh tế tri thức dựa trên 4 tiêu chí:    

 

1. GDP, trên 70% là do các ngành sản xuất và dịch vụ ứng dụng công nghệ cao mang lại.

2. Cơ cấu giá trị gia tăng, trên 70 % là kết quả của lao động trí óc,

3. Lao động xã hội, trên 70% lực lượng lao động là lao động trí thức

4. Vốn sản xuất, trên 70% là vốn về con người.  

 

Trong nền kinh tế tri thức, của cải làm ra chủ yếu dựa vào cái chưa biết, cái đã biết không có giá trị. Tìm cái chưa biết tức là tạo ra giá trị mới. Khi phát hiện ra cái chưa biết, thì cũng tức là loại trừ cái đã biết, cái cũ mất đi thay thế bằng cái mới; phát triển từ cái mới, không phải từ số lượng lớn dần lên, nền kinh tế xã hội luôn đổi mới. Sức mạnh của nền kinh tế tri thức dựa vào ba loại hình công nghệ, được xem như là ba thành quả điển hình:

 

1. Công nghệ sinh học, bao gồm cả công nghệ gen. Bằng công nghệ sinh học, con người có thể cải tạo được những yếu tố cơ bản của thế giới hữu cơ, trong đó có cả bản thân sự sống của loài người.

 

2. Công nghệ nano, dựa trên những thành quả của việc sắp sếp lại cấu trúc nguyên tử, thông qua đó con người có thể tác động cả vào bản chất của thế giới vô cơ.

 

3. Công nghệ tin học, thông tin (ICT) với các siêu máy tính. Công nghệ tin học chính là công nghệ trí tuệ điển hình. Con người nhờ vào đó mà tổ chức quản lý, điều hành và thực hiện các quy trình sản xuất hết sức tinh vi, phức tạp mà con người không thể nào thực hiện nổi, thậm chí không nghĩ tới quá khứ tồn tại của mình. Cũng nhờ có công nghệ tin học mà con người có thể làm phong phú lên gấp nhiều lần các mối quan hệ trong đời sống xã hội, giữa con người với con người.

 

Kinh tế tri thức là một khái niệm mà nó không có trong chủ nghĩa Mác Lê nin cũng như trong các tài liệu triết học trước đó. Nó ra đời trong bối cảnh nền công nghệ thông tin toàn cầu phát triển mạnh mẽ với tốc độ chưa từng có. Đặc trưng cơ bản của nền kinh tế tri thức là ở đó con người sử dụng các loại hình công cụ chủ yếu là để thực hiện các thao tác trí tuệ. Nền kinh tế tri thức có 10 đặc trưng chủ yếu:

 

1. Sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế. ý tưởng đổi mới và phát triển công nghệ mới trở thành chìa khoá cho việc tạo ra việc làm mới và nâng cao chất lượng cuộc sống. Nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao, dịch chuyển cơ cấu nhanh

 

2. ứng dụng công nghệ thông tin được tiến hành rộng rãi trong mọi lĩnh vực; mạng thông tin đa phương tiện phủ khắp, kết nối hầu hết các tổ chức, gia đình. Thông tin trở thành tài nguyên quan trọng. Mọi lĩnh vực hoạt động xã hội đều có tác động của công nghệ thông tin.

 

3. Sản xuất công nghệ trở thành loại hình sản xuất quan trọng nhất, tiên tiến nhất, tiêu biểu nhất của nền sản xuất tương lai. Các doanh nghiệp đều có sản xuất công nghệ, đồng thời có doanh nghiệp chuyên sản xuất công nghệ, có thể gọi đó là doanh nghiệp tri thức, trong đó khoa học sản xuất được thể chế hoá, không còn phân biệt giữa phòng thí nghiệm và công xưởng, những người làm việc trong đó họ vừa là nhà nghiên cứu vừa là nhà sản xuất, họ là những công nhân trí thức…

 

4. Xã hội học tập, giáo dục phát triển, đầu tư cho giáo dục khoa học chiếm tỷ lệ cao. Đầu tư vô hình (con người, giáo dục, khoa học…) cao hơn đầu tư hữu hình (cơ sở vật chất). Phát triển con người trở thành nhiệm vụ trọng tâm. Hệ thống giáo dục phải đảm bảo cho mọi người có thể học tập ở bất cứ lúc nào. Mạng thông tin có ý nghĩa quan trọng, đảm bảo cho việc học tập suốt đời.

 

5. Tri thức trở thành vốn quý nhất trong nền kinh tế tri thức. Tri thức là nguồn lực hàng đầu tạo sự tăng trưởng. Tri thức và thông tin được tăng lên khi sử dụng, không mất đi khi sử dụng (các nguồn vốn khác bị mất đi khi sử dụng).

 

6. Sáng tạo là linh hồn của đổi mới, sáng tạo là vô tận. Đổi mới thường xuyên là động lực thúc đẩy sự phát triển. Công nghệ đổi mới nhanh, vòng đời công nghệ rút ngắn, có khi chỉ mấy năm, thậm chí mấy tháng. Các doanh nghiệp muốn trụ được và phát triển phải luôn đổi mới công nghệ và sản phẩm.

 

7. Dân chủ hoá, xã hội thông tin thúc đẩy sự dân chủ hoá. Mọi người đều dễ dàng truy cập thông tin mình cần. Điều này dẫn đến dân chủ hoá các hoạt động và tổ chức điều hành xã hội. Người dân nào cũng có thể được thông tin kịp thời về các chính sách của Nhà nước, các tổ chức và có ý kiến ngay khi thấy không phù hợp.

 

8.  Các doanh nghiệp vừa hợp tác vừa cạnh tranh để phát triển. Trong cùng một lĩnh vực, khi một công ty thành công, lớn mạnh lên thì các công ty khác phải tìm cách sáp nhập hoặc chuyển hướng hoạt động.

 

9. Nền kinh tế toàn cầu hoá. Thị trường và sản phẩm mang tính toàn cầu, một sản phẩm được sản xuất từ bất kỳ nơi nào cũng có thể nhanh chóng có mặt khắp nơi trên thế giới hoặc sản phẩm phần lớn được thực hiện từ nhiều nơi trên thế giới, kết quả cao của công ty ảo, làm việc từ xa.

 

10. Sự thách đó văn hoá. Trong nền kinh tế tri thức- xã hội thông tin, văn hoá có điều kiện phát triển nhanh và văn hoá là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội. Do thông tin, tri thức bùng nổ, trình độ văn hoá nâng cao, nội dung và hình thức các hoạt động văn hoá phong ohú, đa dạng. Nhu cầu thưởng thức của người dân cũng tăng cao, giao lưu văn hoá thuận lợi, tạo điều kiện cho các nền văn hoá giao thoa, đễ tiếp thu các tinh hoa văn hoá của nhân loại để phát triển. Nhưng các nền văn hoá cũng đứng trước nguy cơ rủi ro cao, dễ bị pha tạp, lai căng, dễ mất bản sắc văn hoá dân tộc..

 

Theo WBI, một quốc gia muốn chuyển sang nền kinh tế tri thức, trước tiên cần hình thành 4 trụ cột quan trọng, đó là:

 

1. Môi trường kinh tế và thể chế xã hội thuận lợi cho sáng tạo và sử dụng tri thức. Một môi trường và thể chế theo luật, cho phép dòng chảy tự do của tri thức, hỗ trợ công nghệ thông tin và truyền thông, khuyến khích việc làm chủ doanh nghiệp như trọng tâm của kinh tế tri thức.

 

2. Giáo dục và đào tạo. Hệ thống giáo dục và đào tạo có chất lượng cao để người dân được giáo dục và đào tạo, nâng cao năng lực sáng tạo, chia sẻ và sử dụng tri thức, nguồn nhân lực chất lượng cao

 

3. Hạ tầng cơ sở thông tin (ICT) hiện đại. Một cơ sở thông tin động, từ radio đến internet, là cần thiết để cho phép dễ dàng liên lạc, phổ biến và sử lý thông tin.

 

4. Hệ thống sáng tạo có hiệu quả. Một mạng lưới các trung tâm nghiên cứu, đại học, tổ chức chuyên gia, cố vấn, doanh nghiệp tư nhân, các nhóm cộng đồng là cần thiết để thu nhận được kho tri thức toàn cầu luôn không ngừng tăng, truyền bá và thích ứng chúng cho các nhu cầu của đất nước,và sáng tạo ra các tri thức mới cần thiết.

 

Vì vậy, để xây dựng nền kinh tế tri thức, Việt Namon> cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:

 

Một là. Phải đổi mới cơ chế và chính sách, tạo lập một khuôn khổ pháp lý mới phù hợp với sự phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Cơ chế chính sách phải thực sự khuyến khích và buộc các doanh nghiệp phải luôn đổi mới, và thúc đẩy nhanh chóng sự ra đời các doanh nghiệp mới, nhất là các doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm mới, công nghệ mới. Tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, chống độc quyền.

 

Hai là. Phải chăm lo phát triển nguồn nhân lực, nâng cao dân trí, đào tạo nhân tài, Tập trung đầu tư phát triển giáo dục, cải cách giáo dục. Tăng nhanh đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật và công nhân lành nghề, đội ngũ cán bộ quản lý, doanh nhân..

 

Ba là. Tập trung tăng cường năng lực khoa học và công nghệ quốc gia để có thể tiếp thu, làm chủ, vận dụng sáng tạo các tri thức khoa học và công nghệ mới nhất của thế giới cần thiết cho phát triển của đất nước, từng bước sáng tạo công nghệ đặc thù của đất nước, xây dựng nền khoa học và công nghệ tiến tiến của Việt Nam

 

Bốn là. Đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin phục vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Công nghệ thông tin là chìa khoá để đi vào kinh tế tri thức. Muốn rút ngắn quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, rút ngắn khoảng cách với các nước, phải khắc phục khoảng cách về công nghệ thông tin..

                                                           

Trần Duy Khanh

Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Thái Bình