Nền giáo dục đóng gạch và những đứa trẻ không đổ vừa khuôn – Redsvn.net

Bạn sẽ dễ dàng nhận ra chúng trong một lớp học, hoặc trong một sân chơi. Những đứa trẻ không đổ vừa khuôn thường ngồi một mình một góc, chơi một mình một trò, chọc phá các bạn khác, chống đối các kỉ luật, lơ đãng và hay hỏi những thứ không ai hiểu nổi, viết tay trái…

Bài viết của tác giả Nguyễn Thị Ngọc Minh – khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm Hà Nội.

Chúng bao giờ cũng bị coi là thành phần ngoại vi, hoặc người ta không thèm để ý đến, hoặc người ta phát cáu và đuổi ra khỏi lớp học, hoặc bất lực và mặc kệ chúng muốn làm gì thì làm.

Lẽ dĩ nhiên, là cha mẹ, ai cũng muốn con mình là con ngoan trò giỏi, đi học được cô giáo khen, đi chơi chan hòa với bạn bè, ở nhà nghe lời bố mẹ, ra đường tự tin lễ phép. Và họ thường so sánh: tại sao các bạn khác được như thế, mà con mình thì không. Họ không mệt mỏi tìm những biện pháp để nhốt chúng vào một cái khuôn nào đó, nhưng càng muốn nhốt chúng lại càng muốn trồi ra, trượt đi.

Thực ra, trong quá trình tiếp xúc với rất nhiều trẻ con, tôi nhận thấy một tiềm năng rất to lớn ẩn bên trong những đứa trẻ không đổ vừa khuôn. Về bản chất, chúng là những đứa trẻ tốt một cách thái quá: hiền lành thật thà một cách thái quá, năng động một cách thái quá, thông minh một cách thái quá, sáng tạo và giàu tưởng tượng một cách thái quá, nhạy cảm và mơ màng thái quá… Chính vì thế, chúng trật ra khỏi mọi khuôn khổ, phép tắc, bị tách khỏi đám đông. Ở trường, người ta gọi chúng là nhóm học sinh cá biệt, hoặc đặc biệt, với đủ các thứ danh hiệu hay ho:  trẻ tự kỉ, kẻ phá bĩnh vô phương cứu chữa, hoặc khủng hơn, trẻ hư hỏng, sao quả tạ… Chúng là nỗi kinh hoàng của giáo viên và đối tượng gièm pha của các bạn trong lớp và nỗi thất vọng, bất lực, đau khổ của phụ huynh.

Dưới áp lực khủng khiếp của kiểm tra, thi cử, thành tích, những đứa trẻ không đổ vừa khuôn thường là những đứa trẻ bị bỏ lại phía sau. Trong khi các thang bậc đánh giá cố gắng nén tất cả các đứa trẻ vào một cái khuôn, thì người ta không có cách nào nhốt những đứa trẻ không đổ vừa khuôn vào bất cứ một cái rọ chung nào. Làm thế nào để có một kì thi chung cho những đứa thiên tài chọc phá, những thi sĩ đắm mình trong thế giới nội tâm, những kẻ mơ mộng hão huyền, những đứa trẻ có tư duy phê phán quá xuất sắc, những kẻ luôn ấp ủ trong đầu một ý tưởng đột phá, những đứa trẻ viết tay trái cực chậm và xấu nhưng bộ não lại chạy với tốc độ quá nhanh? Và thế là, chúng luôn đứng bét trong các kì thi chuẩn mực, và thật khó có một sân chơi nào phù hợp với chúng.

Những môn học hữu hạn trong nhà trường cũng không đáp ứng nổi nhu cầu của chúng. Một nhịp điệu cuộc sống ngày nào cũng như ngày nào làm chúng cảm thấy chán nản. Lũ bạn bè luẩn quẩn với những trò chơi tẻ nhạt không thuyết phục được chúng. Và thế là, tuy thuộc những loại không đổ vừa khuôn rất khác nhau, song chúng đều có một điểm chung- đó là sự cô đơn. Chúng chẳng những không hòa nhập với những đứa trẻ vừa khuôn, mà cũng chẳng tìm được tiếng nói chung với những đứa trẻ không đổ vừa khuôn như chúng.

Cảm giác cô đơn, đôi khi rất cần thiết để chúng tự xác lập mình như một cái tôi khác biệt. Ý thức mình là khác biệt khiến cho chúng dám đi trên con đường mà chúng lựa chọn. Trong khi những đứa trẻ khác thường rất dễ bị cuốn vào dòng chảy của các áp lực và trào lưu thời thượng, những kẻ cô đơn ý thức được rất rõ mình cần gì. Trong khi những đứa trẻ khác thường có xu hướng trở thành những kẻ a dua a tòng phụ thuộc vào kẻ khác, thì những kẻ cô đơn thường tự tạo cho mình một sân chơi với những luật lệ riêng. Những thiên tài nghệ thuật, những bộ óc trác tuyệt về khoa học, thậm chí những nhà lãnh đạo lừng danh chẳng phải đã từng là những đứa trẻ không đổ vừa khuôn hay sao? Chẳng phải con đường họ đi trong suốt cuộc đời luôn luôn là một hành trình đầy liều lĩnh, thậm chí gàn dở và luôn luôn cô đơn hay sao?

Nhưng cảm giác cô đơn cũng có thể khiến chúng trở nên yếu đuối và dễ bị tổn thương. Vì lẽ đó, bên trong những vẻ ngoài vô cảm, lì lợm, khó ưa, rất có thể là một trái tim mỏng manh cần được che chở. Chúng vô cùng nhạy cảm với những định kiến, sự phân biệt đối xử, sự áp đặt, nhạo báng… và luôn trong tư thế tự vệ, xù lông như một con nhím hoặc thu mình lại trong vỏ ốc.

Dường như chả có một công thức nào trong việc tiếp cận một đứa trẻ không đổ vừa khuôn, bởi chúng bao giờ cũng là một bản thể vô cùng phức tạp, thất thường. Cảm giác về sự cô đơn tạo nên một bức tường ngăn chúng với đồng loại, khiến cho chúng thật khó có thể giãi bày với kẻ khác, và thậm chí có khi tạo nên cho chúng một lớp vỏ bọc trái ngược hoàn toàn với bản chất bên trong. Như mọi đứa trẻ khác, chúng mong muốn được quan tâm và yêu thương. Nhưng cách mà chúng làm để thu hút sự chú ý của người khác nhiều khi dễ gây nên sự hiểu lầm: chúng luôn đòi hỏi thái quá, muốn làm nổi bật sự hiện diện của bản thân trong cuộc sống bằng những hành động ngược đời, dại dột. Thay vì tỏ ra ngoan ngoãn tuân phục, chúng lại muốn chiếm cảm tình của người khác bằng sự chống phá. Đôi khi, một hành động phá phách ngạo ngược nhất của những đứa trẻ không đổ vừa khuôn lại xuất phát từ một động cơ không gì chính đáng và dễ thương hơn: được tôn trọng và yêu thương. Chỉ có những trái tim co dãn mênh mông, một con mắt có khả năng nhìn xuyên thấu tâm can kẻ khác, cùng với một sự bình tĩnh và khả năng kiềm chế vô hạn độ mới chịu đựng nổi những cung bậc cảm xúc luôn luôn thái quá và những đòi hỏi nhiều khi phi lý của những đứa trẻ không đổ vừa khuôn.

Sự giáo dục, nói chung, chẳng bao giờ có công thức. Không có một công thức chung nào để có thể thuyết phục, cảm hóa vài tỉ con người sinh ra vào những giờ khắc khác nhau, trong những không gian và điều kiện khác nhau. Không có một dây chuyền sản xuất nào có thể sản xuất ra những sản phẩm giáo dục hoàn hảo như nhau. Không có một chương trình nào có thể làm hài lòng tất cả các mong đợi khác nhau của phụ huynh lẫn học sinh. Làm giáo dục, có nghĩa là bạn luôn phải đương đầu với thách thức, nhưng lại chỉ có thể dựa vào bản thân. Bạn phải hiểu biết về con người nói chung, nhưng bạn không được phép bỏ qua mỗi cá thể. Mỗi cá thể luôn là độc lập, riêng biệt, không hoàn hảo, thất thường, thái quá, vì vậy không thể nhốt chúng vào một khuôn. Khi không thể nhốt vào một khuôn, bạn đừng trông đợi vào một phác đồ điều trị nào mà người khác chỉ định, bạn phải tự tìm ra cách điều trị đối với mỗi trường hợp khác nhau. Nhưng điều quan trọng nhất, nền tảng của tất cả, luôn là một sự lắng nghe đầy kiên nhẫn, tôn trọng và cảm thông.

Theo HOCTHENAO.VN

Tags: Trẻ em

Tags: Giáo dục