Nên Chọn Quản Trị Du Lịch Hay Quản Trị Nhà Hàng Khách Sạn?
Bước vào độ tuổi chọn nghề, tìm trường, bạn trẻ sẽ đối diện với vô vàn lựa chọn ngành “hot” trong thời đại mới khiến các bạn phải băn khoăn. Điển hình là các ngành như Quản trị khách sạn, Quản trị nhà hàng, Quản trị du lịch và lữ hành… Trong bài viết sau, QTNHKSAAu sẽ so sánh ngành Quản trị du lịch và Quản trị khách sạn để bạn có hướng đi phù hợp nhất khi chọn nghề.
Mục Lục
So sánh Quản trị du lịch và Quản trị nhà hàng khách sạn
Trước khi phân biệt điểm giống và khác nhau giữa Quản trị du lịch và Quản trị nhà hàng khách sạn, chúng ta cần định nghĩa hai ngành này là gì.
Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành là gì?
Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành là ngành học về quy trình quản lý và điều hành du lịch, phân công công việc cho hướng dẫn viên du lịch, thiết kế chương trình và sự kiện liên quan đến du lịch, tiếp nhận thông tin để phối hợp với các bộ phận, giải quyết vấn đề phát sinh…
Quản trị du lịch liên quan đến hướng dẫn và thiết kế tour du lịch (Nguồn ảnh: Internet)
Quản trị nhà hàng khách sạn là gì?
Quản trị khách sạn là ngành học về các giải pháp tổ chức, quản lý cơ sở vật chất, nhân sự, tài chính, chất lượng dịch vụ… và điều hành các bộ phận phục vụ như lễ tân, buồng phòng, nhà hàng… cùng những dịch vụ bổ sung khác nhằm đạt mục tiêu kinh doanh của khách sạn.
Còn ngành Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống sẽ chuyên sâu về lĩnh vực quản lý nhà hàng, hướng đến phương diện văn hóa ẩm thực với công việc cụ thể là quản lý các khâu phục vụ ẩm thực, yến tiệc, hội nghị, sự kiện… theo phong cách truyền thống Việt Nam và những nền văn hóa ẩm thực khác trên thế giới.
Như vậy, Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống là ngành học chuyên sâu chỉ riêng về lĩnh vực nhà hàng, ẩm thực – 1 phần trong Quản trị khách sạn.
Quản trị khách sạn hướng đến chăm sóc bữa ăn, giấc ngủ cho khách lưu trú
(Nguồn ảnh: Internet)
Điểm giống nhau
Giữa Quản trị du lịch và Quản trị nhà hàng khách sạn có một vài nét tương đồng. Cụ thể như sau:
- Đều thiên về du lịch, chăm sóc, phục vụ, hướng dẫn khách hàng sử dụng dịch vụ.
- Đều có cơ hội tiếp xúc và làm việc với khách nước ngoài => yêu cầu ngoại ngữ.
- Phụ trách một số bộ phận về lưu trú, tiếp thị, chăm sóc khách hàng, tổ chức sự kiện…
- Có thể thăng tiến lên vị trí cao hơn sau vài năm.
- Đòi hỏi kỹ năng mềm về giao tiếp, xử lý tình huống, tư vấn cho khách hàng và sức khỏe ở mức khá trở lên.
Điểm khác nhau
Về tính chất công việc
Ngành Quản trị du lịch hướng đến chăm lo cho khách hàng khi tham quan ngoài trời, bao gồm các công việc như thiết kế tour (có liên quan đến đặt chỗ ở, chỗ ăn uống cho khách), chuẩn bị phương tiện di chuyển, đảm bảo an toàn cho khách…
Còn ngành Quản lý khách sạn thiên về săn sóc khách hàng khi trở về sau chuyến đi ngoài trời, bao gồm các công việc như dọn dẹp phòng ốc, chuẩn bị bữa ăn, chăm sóc cơ thể…
Về chương trình học
Chọn ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, sinh viên sẽ học về:
- Địa lý du lịch, văn hóa, tâm lý và tập quán của du khách trong và ngoài nước
- Nghiệp vụ hướng dẫn du lịch, thiết kế tour, thiết kế và quản lý sự kiện du lịch
- Văn hóa tổ chức, kinh tế du lịch, marketing du lịch…
- Giao tiếp và lễ tân ngoại giao, PR và truyền thông cho sự kiện…
Còn chọn Quản trị nhà hàng khách sạn, sinh viên sẽ học về:
- Nghiệp vụ lễ tân: check in, check out, tư vấn bán phòng, thanh toán ngoại tệ, hướng dẫn khách về phòng, vận chuyển hành lý, giới thiệu địa điểm du lịch – ăn uống…
- Nghiệp vụ nhà hàng: ghi nhận order, bưng bê thức ăn, phục vụ rượu vang, bài trí bàn tiệc Âu – Á, tư vấn thực đơn…
- Nghiệp vụ buồng phòng: trang trí phòng ngủ theo nhiều chủ đề, trải drap giường, sử dụng hóa chất tẩy rửa, vệ sinh màn cửa…
Nghiệp vụ phục vụ là kiến thức đệm để phát triển lên kỹ năng quản lý
- Kiến thức quản lý: chiến lược marketing (xây dựng hệ thống nhận diện thương hiệu, tổ chức chương trình khuyến mãi), phương pháp định giá phòng, món ăn và các dịch vụ khác liên quan, quản trị nhân sự (tuyển chọn, đánh giá, đào tạo, phân việc cho nhân sự), xây dựng bảng tính lương, xây dựng kế hoạch hoạt động các bộ phận trong nhà hàng, khách sạn, thiết lập kế hoạch ngân sách cho từng bộ phận…
- Kỹ năng mềm: kỹ năng bán hàng và chăm sóc khách hàng (customer service), nắm bắt tâm lý khách hàng, giải quyết thắc mắc và xử lý tình huống than phiền của khách…
>> Tham khảo chương trình học cụ thể ngành Quản trị nhà hàng khách sạn TẠI ĐÂY.
Về cơ hội việc làm khi ra trường
Tốt nghiệp ngành Quản trị du lịch, bạn có thể trở thành hướng dẫn viên du lịch, nghiên cứu và xây dựng các chương trình du lịch và sự kiện, tổ chức và bán sản phẩm du lịch, quản lý doanh nghiệp lữ hành, chuyên viên tại các sở, ban, ngành về du lịch hoặc giảng dạy về du lịch tại những cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu.
Đối với Quản trị nhà hàng khách sạn, bạn có thể xin vào làm tại nhà hàng, khách sạn, resort, trung tâm hội nghị tiệc cưới ở các vị trí như lễ tân, phục vụ nhà hàng, nhân viên dọn phòng, nhân viên tổng đài, nhân viên đặt phòng… (sau khi tích lũy đủ kinh nghiệm sẽ thăng tiến lên trưởng ca, giám sát, quản lý) hoặc nếu gia đình có điều kiện kinh tế thì có thể tự mở nhà hàng hoặc kinh doanh khách sạn.
Với ngành Quản trị khách sạn, bạn trẻ mới ra trường có rất nhiều vị trí để ứng tuyển (Nguồn ảnh: Internet)
Nên chọn Quản trị du lịch hay Quản trị nhà hàng khách sạn?
Thông qua những thông tin trên, chắc hẳn bạn đã biết ngành Quản trị du lịch có gì giống và khác với ngành Quản trị nhà hàng khách sạn. Việc chọn theo đuổi ngành nào sẽ phụ thuộc vào mức độ yêu thích, mức độ phù hợp với bản thân và định hướng nghề nghiệp của bạn.
Nếu bạn đam mê du lịch, thích “xê dịch”, tìm hiểu và khám phá các nền văn hóa, vùng đất mới, có sức khỏe tốt (do phải đi lại nhiều)… thì nên chọn Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành.
Còn nếu thích sự ổn định, ít phải di chuyển nhiều nơi, yêu thích công việc liên quan đến chăm lo bữa ăn, giấc ngủ, nhu cầu giải trí… của con người, có sức khỏe tốt (tăng ca, trực đêm, thao tác bưng bê đòi hỏi thể lực) thì Quản trị nhà hàng khách sạn sẽ là lựa chọn thích hợp nhất với bạn.
Chúng ta vừa cùng nhau tìm hiểu về hai ngành Quản trị du lịch và Quản trị khách sạn. Đây là những thông tin sơ bộ giúp bạn hình dung ngành đó là gì và được học những gì, bởi thực chất mỗi trường sẽ đặt tên cho ngành học khác nhau. Ví dụ Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống, Quản trị khách sạn và du lịch, Quản trị du lịch và lữ hành, Quản trị nhà hàng khách sạn…
Chúc bạn sẽ chọn được ngành học phù hợp với mình trong tương lai. Nếu muốn tham khảo thêm các khóa học Quản trị nhà hàng khách sạn ngắn hạn hoặc được tư vấn thêm về định hướng nghề, bạn có thể điền vào form bên dưới hoặc gọi đến số 1800 6148 nhé.