Nanh sữa ở trẻ sơ sinh có cần nhổ bỏ?
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Nguyễn Thái Ngọc Châu – Khoa Nhi – Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc.
Nhiều bà mẹ mới sinh con lần đầu khi vệ sinh răng miệng cho trẻ phát hiện trên lợi có những đốm trắng nhỏ, người ta thường gọi chúng là răng nanh, điều này khiến các mẹ cảm thấy rất lo lắng và băn khoăn.
Mục Lục
1. Nanh sữa ở trẻ sơ sinh là gì?
Nanh sữa là nang lợi ở trẻ sơ sinh, đây là một loại tổn thương lành tính hay gặp của niêm mạc miệng trong một thời gian ngắn ở trẻ sơ sinh, thường ít gây biến chứng và phần lớn tự tiêu biến sau khoảng từ 2 tuần đến 5 tháng sau khi sinh.
Bản chất của nanh sữa ở trẻ là một loại nang có vỏ mỏng trong lòng chứa đầy chất keratin. Đây là một sản phẩm thoái hóa của biểu mô sừng hóa. Nanh sữa thường có màu trắng do các mảnh vụn tế bào trong quá trình hình thành răng sữa còn sót lại ở xương hàm.
Nếu xuất hiện ở vòm miệng thì là do mảnh vụn của các tế bào tuyến nước bọt phụ bị vùi kẹt dưới niêm mạc trong thời kỳ bào thai.
2. Các biểu hiện khi mọc nanh sữa ở trẻ sơ sinh
Biểu hiện lâm sàng thường thấy là xuất hiện một hay nhiều nốt màu trắng hoặc vàng nhạt ở nông ngay dưới bề mặt niêm mạc lợi hàm trên và hàm dưới của trẻ. Kích thước mỗi nang thường khoảng 2 – 3mm, một số trường hợp có thể to đến 1cm nhưng rất hiếm gặp.
3. Mọc nanh sữa ở trẻ sơ sinh có nguy hiểm không?
Nanh sữa hay gặp ở trẻ sơ sinh từ 0 – 3 tháng tuổi, một số trường hợp gặp muộn hơn nhưng hiếm khi gặp trên 8 tháng tuổi.
Theo thống kê, nanh sữa xuất hiện ở hơn một nửa số trẻ mới sinh. Tuy nhiên tỷ lệ thực tế có thể còn cao hơn nữa do đây là một tổn thương lành tính, xuất hiện trong thời gian ngắn, ít khi gây đau đớn cho trẻ và thường tự vỡ rồi biến mất trong khoảng 2 tuần do vậy thường được bỏ qua không đến khám ở cơ sở y tế. Trường hợp nanh sữa to có thể tồn tại đến 5 tháng mà không gây biến chứng gì.
Đa số trường hợp nanh sữa không gây đau đớn hay khó chịu gì cho trẻ. Tuy nhiên, cũng có một số trẻ có thể quấy khóc hoặc bỏ bú khi mọc nanh sữa, những trường hợp này là do nanh sữa bị nhiễm khuẩn gây sưng đau khi chạm phải. Khi bị nhiễm khuẩn, nanh sữa ở trẻ sơ sinh vẫn có màu trắng nhưng niêm mạc lợi xung quanh rìa đốm trắng sẽ có màu đỏ, sưng thậm chí còn bị loét do sang chấn, có thể có sốt nhẹ.
4. Có nên nhổ nanh sữa cho trẻ sơ sinh?
Khi trẻ đã được chẩn đoán bị nanh sữa, bố mẹ cũng không nên quá lo lắng. Trước tiên, cần đánh giá xem nanh sữa ở trẻ có gây khó chịu gì cho trẻ không, trẻ có quấy khóc, sốt bỏ bú hay không. Nếu không có những dấu hiệu trên thì chỉ cần vệ sinh miệng cho trẻ thật tốt và theo dõi, nanh sẽ tự biến mất sau 1 – 2 tuần. Nếu có dấu hiệu nanh nhiễm khuẩn gây đau, khó chịu cho trẻ, cha mẹ cần đưa trẻ đến khám nha sĩ để chích hay nhể nanh.
Thủ thuật này rất đơn giản, tuy nhiên thao tác cần nhanh và chính xác để tránh tổn thương xung quanh gây chảy máu, làm trẻ đau thêm và gây tâm lý lo lắng cho cha mẹ trẻ.
Phương pháp nhổ
- Bôi thuốc tê để giảm đau cho trẻ.
- Sử dụng một dụng cụ nhọn làm rách vỏ. Nang sẽ tự vỡ giải phóng ra chất màu trắng hoặc vàng nhạt.
- Vết lợi bị chích, rạch sẽ tự liền sau 1 – 2 ngày.
Lưu ý: Việc chích nhể nanh sữa cho trẻ chỉ có vai trò giúp nanh nhanh tiêu biến chứ không có tác dụng dự phòng. Vì thế, nanh sữa có thể sẽ tái phát sau khi chích nhưng ở vị trí khác.
Trong dân gian cũng có một số mẹo vặt để chữa nanh sữa ở sơ sinh, tuy nhiên, các bác sĩ cho rằng các bậc cha mẹ không nên tự ý chích nhể nanh sữa cho trẻ sơ sinh vì nếu không biết cách xử trí đúng có thể sẽ gây đau đớn và nhiễm khuẩn nặng hơn cho trẻ.
Để lấy bỏ nanh sữa, các bậc phụ huynh nên đưa trẻ đến nha sĩ hoặc các Khoa Nhi uy tín để đảm bảo việc điều trị và có lời tư vấn chăm sóc hợp lý.
Để phòng tránh các bệnh lý mà trẻ sơ sinh hay mắc phải, cha mẹ nên chú ý đến chế độ dinh dưỡng nâng cao sức đề kháng cho trẻ. Đồng thời bổ sung thêm thực phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B,… giúp hỗ trợ hệ miễn dịch, tăng cường đề kháng để trẻ ít ốm vặt và ít gặp các vấn đề tiêu hóa.
Cha mẹ có thể tìm hiểu thêm:
Vì sao cần bổ sung Lysine cho bé?
Vai trò của kẽm – Hướng dẫn bổ sung kẽm hợp lý
Hãy thường xuyên truy cập website Vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.