Năng lực pháp luật hành chính phát sinh từ khi nào? – Luật Hành chính
Đánh giá post
Quan hệ pháp luật hành chính là một dạng cụ thể của quan hệ pháp luật, vì thế nó có đầy đủ các yếu tố về chủ thể, khách thể và nội dung.
Quan hệ pháp luật hành chính là gì?
Quan hệ pháp luật hành chính là quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình quản lý hành chính nhà nước, được điều chỉnh bởi các quy phạm pháp luật hành chính giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân mang quyền và nghĩa vụ đối với nhau theo quy định của pháp luật hành chính.
Về chủ thể của quan hệ pháp luật hành chính đó là những người tham gia vào quan hệ pháp luật hành chính mang quyền và nghĩa vụ đối với nhau.
Về khách thể của quan hệ pháp luật hành chính là lợi ích mà các bên chủ thể tham gia vào quan hệ pháp luật hướng tới. Trong quan hệ pháp luật hành chính khách thể mà các bên hướng tới đó chính là trật tự quản lý hành chính- chính là bộ phận quy định trong quy phạm pháp luật Bộ phận thứ ba không thể thiếu trong quan hệ pháp luật là nội dung của quan hệ pháp luật đó.
Về nội dung của quan hệ pháp luật hành chính là quyền và nghĩa vụ của các bên chủ thể tham gia vào quan hệ pháp luật hành chính. Quan hệ pháp luật hành chính là quan hệ “quyền lực – phục tùng” quan hệ bất bình đẳng về ý chí giữa các bên tham gia. Chủ thể đặc biệt (cơ quan Nhà nước, cá nhân có thẩm quyền,…) tham gia quan hệ trên cơ sở quyền lực nhà nước, phải sử dụng quyền lực nhà nước và chủ thể thường có nghĩa vụ chấp hành việc sử dụng quyền lực nhà nước của chủ thể đặc biệt. Nhưng không vì thế mà trong quan hệ pháp luật hành chính chỉ một bên mang quyền một bên mang nghĩa vụ mà trong một quan hệ thì quyền của bên này tương ứng với nghĩa vụ của bên kia và ngược lại.
Năng lực chủ thể của quan hệ pháp luật hành chính
Năng lực chủ thể là khả năng pháp lí của các chủ thể tham gia vào quan hệ pháp luật với tư cách là chủ thể của quan hệ đó. Hay nói cách khác năng lực chủ thể là khả năng thực hiện quyền và nghĩa vụ của các chủ thể quan hệ pháp luật mà họ tham gia. Năng lực chủ thể gồm năng lực pháp luật và năng lực hành vi.
Năng lực pháp luật là khả năng hưởng các quyền và nghĩa vụ pháp lí mà nhà nước quy định cho cá nhân hoặc tổ chức. Thông thường, năng lực pháp luật có khi người đó sinh ra và mất đi khi người đó chết. Đó là thuộc tính không tách rời của mỗi công dân và nó xuất hiện trên cơ sở pháp luật của mỗi nước. Yếu tố thứ hai cấu thành nên năng lực chủ thể là năng lực hành vi. Đây là yếu tố biến động nhất trong cấu thành của năng lực chủ thể.
Năng lực hành vi là khả năng của cá nhân được Nhà nước thừa nhận mà bởi khả năng này họ có thể tự mình tạo ra và thực hiện quyền và nghĩa vụ pháp lí đồng thời cũng tự mình gánh chịu những hậu quả pháp lí nhất định. Năng lực pháp luật và năng lực hành vi tạo thành năng lực chủ thể pháp luật nên vì thế chúng có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Một chủ thể pháp luật đơn thuần chỉ có năng lực pháp luật thì không thể tham gia tích cực vào các quan hệ pháp luật, tức không thể tự mình thực hiện các quyền và nghĩa vụ chủ thể.
Ngược lại năng lực pháp luật là tiền đề của năng lực hành vi. Không thể có chủ thể nào của pháp luật không có năng lực pháp luật mà lại có năng lực hành vi. Giữa năng lực pháp luật và năng lực hành vi có giới hạn rõ nét khi chủ thể quan hệ pháp luật là các cá nhân vì trong trường hợp này sự xuất hiện năng lực hành vi của chủ thể xảy ra muộn hơn so với năng lực pháp luật. Còn đối với chủ thể pháp luật là các pháp nhân, tổ chức thì ranh giới này khó nhận thấy vì nó xuất hiện đồng thời khi pháp nhân đó được thành lập.
Năng lực chủ thể trong quan hệ pháp luật hành chính cũng là khả năng của các chủ thể tham gia vào quan hệ pháp luật hành chính với tư cách là chủ thế của quan hệ đó. Hay nói cách khác năng lực chủ thể trong quan hệ pháp luật hành chính là khả năng hưởng và thực hiện quyền và nghĩa vụ của các chủ thể tham gia vào quan hệ pháp luật hành chính. Năng lực chủ thể trong quan hệ pháp luật hành chính cũng bao gồm năng lực pháp luật và năng lực hành vi. Nhưng ranh giới giữa chúng rõ ràng trong trường hợp chủ thể là cá nhân. Còn trong trường hợp chủ thể là cơ quan nhà nước, cán bộ công chức, tổ chức thì năng lực pháp luật và năng lực hành vi khó phân biệt được. Thường thì năng lực pháp luật và năng lực hành vi của các chủ thể này xuất hiện và chấm dứt đồng thời.
Năng lực pháp luật hành chính phát sinh từ khi nào?
Năng lực chủ thể của cán bộ công chức phát sinh khi cá nhân được nhà nước giao đảm nhiệm một công vụ, chức vụ nhất định trong bộ máy nhà nước và chấm dứt khi không còn đảm nhiệm công vụ, chức vụ đó nữa. Và trong năng lực chủ thể của cán bộ công chức, năng lực hành vi hành chính xuất hiện và chấm dứt đồng thời với năng lực pháp luật hành chính.
Đối với cá nhân, thời điểm phát sinh năng lực pháp luật hành chính và năng lực hành vi hành chính không giống nhau. Năng lực pháp luật hành chính phát sinh từ khi sinh ra và chấm dứt khi cá nhân chết đi. Tuy nhiên để lý giải về mặt nhận thức thế nào là sinh ra cũng như xác định được một cách chính xác thời điểm sinh ra và thời điểm chết đi đối với một cá nhân không hề đơn giản. Điều này trong khoa học và thực tiễn pháp lý các nước trên thế giới thực tế cho thấy sự lúng túng và chưa có sự thống nhất về nhận thức và cách lý giải chung.
Về thời điểm phát sinh và thời điểm chấm dứt ở đây phải phụ thuộc vào tính chất, nội dung của từng loại quan hệ pháp luật hành chính cụ thể mà Nhà nước yêu cầu cá nhân phải đáp ứng những điều kiện nhất định và khả năng thực tế của cá nhân có tham gia vào quan hệ pháp luật hành chính đó hay không, nếu tham gia thì cá nhân đó có đáp ứng đủ điều kiện để tham gia vào quan hệ pháp luật hành chính đó không…
Còn năng lực hành vi hành chính của cá nhân không chỉ phụ thuộc vào khả năng thực tế của cá nhân mà còn phụ thuộc vào cách thức nhà nước thừa nhận khả năng thực tế đó. Và thường thì nhà nước sẽ mặc nhiên thừa nhận năng lực hành vi hành chính của cá nhân khi họ đủ điều kiện nhất định hay thông qua những hành vi pháp lý cụ thể để thừa nhận năng lực đó.
Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest
-
Bài viết trong lĩnh vực pháp luật nêu trên được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
-
Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết
-
Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật:
1900 6198
, E-mail: [email protected].