Nâng cao nhận diện và bảo vệ thương hiệu sâm Ngọc Linh trên thị trường

Đây là sự kiện đặc biệt do Tổng cục Quản lý thị trường tổ chức lần đầu tiên, nhằm nhằm giúp người tiêu dùng, khách tham quan nhận diện, phân biệt sâm Ngọc Linh trồng tại tỉnh Kon Tum và một số loại sâm khác.

Nâng cao nhận diện và bảo vệ thương hiệu sâm Ngọc Linh trên thị trường ảnh 1

Theo đó, tuần lễ “Nhận diện đúng sâm Ngọc Linh trên thị trường” sẽ trưng bày, giới thiệu đến người tiêu dùng 2 nội dung, sản phẩm là sâm tươi và các sản phẩm được chiết xuất từ sâm. Trong đó, gian trưng bày chính sẽ giới thiệu củ sâm Ngọc Linh tỉnh Kon Tum tươi và một số loại sâm củ tươi khác…

Gian thứ hai sẽ trưng bày giới thiệu các sản phẩm từ sâm như: rượu lá sâm Ngọc Linh; rượu hoa sâm Ngọc Linh… cùng các sản phẩm khác như: trà sâm Ngọc Linh, nước tăng lực sâm Ngọc Linh, tổ yến sâm Ngọc Linh, tổ yến sâm Ngọc Linh K5 Kids, thực phẩm bảo vệ sức khỏe sâm Ngọc Linh, dịch chiết Sâm Ngọc Linh…

Nâng cao nhận diện và bảo vệ thương hiệu sâm Ngọc Linh trên thị trường ảnh 2

Việc tổ chức trưng bày và giới thiệu sản phẩm sâm Ngọc Linh được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều kiến thức phân biệt, dấu hiệu nhận biết cho người tiêu dùng trong việc lựa chọn, mua và sử dụng các sản phẩm sâm được trồng tại đỉnh núi Ngọc Linh (Kon Tum).

Phát biểu tại sự kiện, ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường cho hay, từ lâu sâm Ngọc Linh được coi là vị thuốc quý đứng đầu trong các loại thuốc quý đông y, là cây dược liệu mang lại hiệu quả kinh tế cao, thu hút nhiều cá nhân, doanh nghiệp đầu tư. Tuy vậy, không phải ai cũng biết được chính xác loại cây này được trồng ở các địa phương nào, nguồn gốc xuất xứ ra sao, đâu mới là sản phẩm chất lượng…

Nâng cao nhận diện và bảo vệ thương hiệu sâm Ngọc Linh trên thị trường ảnh 4

Vì vậy, Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh đánh giá, tuần lễ “Nhận diện đúng Sâm Ngọc Linh trên thị trường” được tổ chức có ý nghĩa vô cùng quan trọng, nhằm giúp người tiêu dùng, khách tham quan trang bị những kiến thức trong việc nhận diện đúng sản phẩm sâm Ngọc Linh trồng tại Kon Tum và sâm trồng tại một số địa phương khác; giúp nâng cao nhận thức của người tiêu dùng trong việc chọn mua sâm Ngọc Linh và các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Đồng thời, hướng tới mục tiêu giới thiệu các địa chỉ uy tín, chính hãng trong việc kinh doanh, phân phối các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh qua đó góp phần phòng, tránh mua phải hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Nâng cao nhận diện và bảo vệ thương hiệu sâm Ngọc Linh trên thị trường ảnh 5

Thông qua Tuần lễ này, chúng tôi muốn tạo ra một diễn đàn, một cẩm nang cho người tiêu dùng thông thái; đồng thời tạo ra mối liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp, người tiêu dùng với cơ quan quản lý nhà nước trong ngăn chặn, phát hiện, xử lý các sản phẩm hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ trên thị trường.

Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh

“Thông qua Tuần lễ này, chúng tôi muốn tạo ra một diễn đàn, một cẩm nang cho người tiêu dùng thông thái; đồng thời tạo ra mối liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp, người tiêu dùng với cơ quan quản lý nhà nước trong ngăn chặn, phát hiện, xử lý các sản phẩm hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ trên thị trường”, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh cho biết.

Hiện nay, thị trường sâm cũng đối diện với không ít áp lực từ nạn sâm giả, tình trạng trà trộn các giống sâm ngoại lai từ nơi khác vào gắn mác thương hiệu sâm Ngọc Linh. Thời gian qua, trên thị trường, các lực lượng chức vẫn thường xuyên kiểm tra, phát hiện nhiều vụ việc vi phạm liên quan sâm Ngọc Linh. Thậm chí tình trạng này còn xảy ra ngay trên “thủ phủ” trồng sâm Ngọc Linh.

Điển hình, đầu tháng 3/2021, lực lượng quản lý thị trường tỉnh Kon Tum phối hợp lực lượng công an mật phục, vây bắt vụ vận chuyển các loại củ giống với sâm Ngọc Linh Kon Tum được ngụy trang trong các thùng hoa phong lan. Kiểm tra thực tế, lực lượng chức năng phát hiện 3 thùng xốp, trong đó có 2kg củ và 12kg lá rất giống sâm Ngọc Linh Kon Tum.

Trong số hàng trên, có 2 củ lớn (kèm lá) nặng gần 3 lạng/củ. Còn lại là các củ nhỏ. Qua đấu tranh khai thác được biết, số hàng hóa trên đều là củ tam thất, vận chuyển từ các tỉnh phía bắc đưa vào huyện Đăk Tô (Kon Tum) để làm giả sâm Ngọc Linh.

Thực hiện theo sự chỉ đạo của Tổng cục Quản lý thị trường, hiện lực lượng quản lý thị trường ở nhiều địa phương khác đã tăng cường triển các biện pháp nghiệp vụ, nắm bắt thông tin từ quần chúng nhân dân tại địa bàn về các các địa điểm kinh doanh có các biểu hiện gian lận thương mại, vận chuyển, buôn bán các sản phẩm sâm Ngọc Linh (là: hạt, cây giống, củ, lá, các sản phẩm chiết xuất) kém chất lượng; hàng nhái, hàng giả, không có logo, tem chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” nhằm kịp thời phát hiện, xử lý theo quy định pháp luật, góp phần bảo vệ thương hiệu sâm Ngọc Linh.

Đồng thời, thường xuyên theo dõi, nắm tình hình trên các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook… để xác định các tài khoản thường xuyên có các hoạt động giao dịch, buôn bán các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các đối tượng, đường dây kinh doanh sản phẩm không bảo đảm chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không có tem chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh”, không có Giấy chứng nhận về an toàn thực phẩm, hàng nhái, hàng giả.

Theo số liệu của tỉnh Kon Tum, riêng trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông hiện nay có hơn 1.710ha sâm Ngọc Linh. Trong đó, có gần 1.700ha là của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình và gần 70ha là của người dân Tổng diện tích rừng tự nhiên có trồng sâm Ngọc Linh trên toàn tỉnh là hơn 1.200ha với tổng số hơn 24,8 triệu cây, tổng sản lượng ước khoảng 213,6 tấn sâm.

Tuy nhiên, để sâm Ngọc Linh trở thành sản phẩm mạnh, mang lại “quốc kế dân sinh” như vai trò nhân sâm đối với Hàn Quốc là một chặng đường còn rất nhiều thử thách phía trước. Mà trong đó, việc nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về thương hiệu sâm Ngọc Linh đóng vai trò rất quan trọng.