Nâng cao hoạt động nghiên cứu thực tế của học viên các lớp trung cấp lý luận chính trị – hành chính ở Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa

Nâng cao hoạt động nghiên cứu thực tế của học viên các lớp trung cấp lý luận chính trị – hành chính ở Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa

Vấn đề tổ chức cho học viên các lớp Trung cấp Lý lụân chính trị – hành chính (LLCT-HC) đi nghiên cứu thực tế là một khâu quan trọng trong quá trình đào tạo của nhà trường, nhằm thực hiện phương châm “Học đi đôi với hành”, “Lý luận liên hệ với thực tiễn”. Song, tổ chức nghiên cứu thực tế như thế nào để đạt được mục tiêu, yêu cầu đặt ra của công tác đào tạo lại là một vấn đề mang tính khoa học.

Nâng cao hoạt động nghiên cứu thực tế của học viên các lớp trung cấp lý luận chính trị - hành chính ở Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa

Đoàn cánh bộ, giảng viên và học viên lớp TCLLCT hệ không tập trung huyện Thạch Thành nghiên cứu thực tế, giao lưu tại huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình.

Thực tiễn những năm qua cho thấy, vấn đề tổ chức cho học viên đi nghiên cứu thực tế là hoàn toàn phù hợp với phương châm “Học đi đôi với hành”, “Lý luận gắn với thực tiễn” và đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của học viên. Nghiên cứu thực tế là cơ hội và điều kiện tốt để học viên được thâm nhập thực tiễn, được đích mục sở thị, tìm hiểu một cách sâu sắc về thực tế các mô hình, điển hình xây dựng, phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh ở một số địa phương, cơ sở. Đặc biệt, qua nghiên cứu thực tế giúp học viên có thêm những tư liệu, kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, quản lý cần thiết và không thể thiếu được phục vụ cho việc thi hết phần học;viết khóa luận, thi tốt nghiệp cuối khóa và bổ sung thêm kinh nghiệm cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo ở cơ sở sau này. Vì vậy, trong những năm qua đã có không ít lớp học đề xuất, kiến nghị với Nhà trường cần thêm thời gian đi nghiên cứu thực tế, nhất là thời gian dành cho viết bài thu hoạch. Điều đó cho thấy, vấn đề đi nghiên cứu thực tế của các lớp Trung cấp LLCT-HC hiện nay không chỉ có quan hệ chặt chẽ với mục tiêu đào tạo, mà còn là nhu cầu cần thiết đối với người học, giúp cho học viên có thêm kiến thức thực tế không chỉ khi họ ở trường, lớp mà cả trong quá trình công tác sau này.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực có tính ưu điểm trên, thì việc tổ chức cho học viên các lớp Trung cấp LLCT-HC đi nghiên cứu thực tế trong những năm qua còn có những hạn chế, tồn tại nhất định, chưa thực sự phát huy được mục đích, yêu cầu của chương trình. Việc tổ chức và triển khai cho học viên đi nghiên cứu thực tế mới chỉ dừng lại kế hoạch thực hiện cho hoàn thành chương trình học tập. Nội dung và hình thức tổ chức chủ yếu dưới dạng nghe báo cáo tình hình phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương, cơ sở gắn với tham quan thực tế các di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh; chưa đẩy mạnh nghiên cứu, tìm hiểu thực tế đối với các mô hình, điển hình tiên tiến, cách làm hay các địa phương. Do vậy, khi triển khai viết thu hoạch, học viên thường lúng túng trong việc chọn đề tài, có học viên chọn đề tài không thuộc lĩnh vực mình công tác hoặc không gắn với đơn vị họ, thậm chí chọn đề tài và viết cho xong. Trong quá trình tổ chức và triển khai, mặc dù là một nội dung bắt buộc trong chương trình học tập, nhưng học viên chưa nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng và ý nghĩa của việc đi nghiên cứu thực tế, nên coi nhẹ hoạt động này, không chú trọng nghiên cứu các vấn đề phục vụ cho viết bài thu hoạch, cho các phần học trong chương trình đào tạo, hay để vận dụng vào công việc hoặc tăng cường kỹ năng làm việc của bản thân. Vì thế, hầu hết các học viên đi nghiên cứu thực tế khi thu thập, xử lý thông tin, số liệu chỉ dừng lại ở tính liệt kê lại các số liệu đã có sẵn trong một số các báo cáo ở cơ sở; nhiều học viên còn vay mượn kiến thức ở các bài thu hoạch khác hay những tài liệu trên mạng… cá biệt, một số học viên thì sao chép, copy bài của nhau và của các khóa khác. Chất lượng bài thu hoạch chưa thực sự có tính thuyết phục, tính khoa học; hay nói cách khác, mới đảm bảo được về mặt hình thức, còn nội dung vẫn mang nặng tính báo cáo, lý luận tách rời thực tiễn, v.v…

Để khắc phục những hạn chế trên, nhằm không ngừng nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác nghiên cứu thực tế của học viên các lớp Trung cấp LLCT-HC hiện nay và thời gian tới, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó tập trung thực hiện một số giải pháp chủ yếu như: Phải đổi mới và đa dạng hóa nội dung, hình thức nghiên cứu thực tế. Vì học viên các lớp Trung cấp LLCT-HC có sự đa dạng về vị trí việc làm và tính chất, môi trường công việc, do vậy, nội dung nghiên cứu thực tế của học viên trong cùng một lớp học hiện nay không thể giống nhau và hình thức cũng phải khác nhau. Tuy từng đối tượng học viên mà địa điểm nghiên cứu thực tế sẽ khác nhau để vừa có thời gian nghiên cứu sâu nội dung, sát thực với đối tượng nghiên cứu, lại vừa tiết kiệm được kinh phí. Đồng thời, khi tổ chức cho học viên đi nghiên cứu thực tế, nên tổ chức thành từng nhóm học viên có cùng chuyên đề nghiên cứu đi riêng, không nhất thiết đi theo lớp hoặc một lớp chia làm 2 đoàn như hiện nay. Mỗi nhóm có thể về một đơn vị, cơ sở khác nhau để nghiên cứu. Cuối khóa học, Nhà trường cần có đánh giá, tổng kết, rút kinh nghiệm về hoạt động nghiên cứu thực tế của các lớp học, làm căn cứ, cơ sở khoa học để điều chỉnh, bổ sung nội dung, chương trình và kế hoạch nghiên cứu thực tế cho học viên các khóa tiếp theo. Đồng thời, có hình thức biểu dương, khen thưởng dành cho tập thể, cá nhân và các giảng viên hướng dẫn học viên đi nghiên cứu thực tế hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và các bài viết thu hoạch tốt có thể đăng trên Nội san “Thông tin lý luận và thực tiễn” hay trang thông tin điện tử của Nhà trường.

Phòng Quản lý đào tạo và nghiên cứu khoa họcphòng tham mưu, trực tiếp xây dựng, đề xuất nội dung, chương trình nghiên cứu thực tế của các lớp học cho Ban Giám hiệu, phải không ngừng cải tiến, đổi mới nội dung, hình thức nghiên cứu thực tế và dự kiến phân công những giảng viên có năng lực hướng dẫn, tổ chức cho học viên đi nghiên cứu thực tế và viết bài thu hoạch. Đồng thời, trước khi đi nghiên cứu thực tế phải quán triệt, hướng dẫn các học viên lựa chọn, đăng ký trước những nội dung muốn tìm hiểu tại cơ sở; các nội dung này nên được lựa chọn dựa trên sở yêu cầu và thực tiễn làm việc tại chính cơ quan, đơn vị của học viên, giúp học viên có thể dễ dàng xây dựng kế hoạch, đề cương nghiên cứu thực tế cá nhân và kế hoạch của tập thể nhóm và của cả lớp. Đây cũng chính là một trong những yếu tố quan trọng để đảm bảo sự thành công và hiệu quả của hoạt động đi thực tế.

Trên cơ sở học viên sau khi đã lựa chọn nội dung nghiên cứu thực tế phù hợp với công tác chuyên môn của mình, đề xuất Ban Giám hiệu Nhà trường về địa điểm nghiên cứu và phân công giáo viên hướng dẫn, theo dõi, giúp đỡ học viên trong suốt thời gian nghiên cứu thực tế và viết thu hoạch. Sau khi đã thống nhất được nội dung nghiên cứu và địa điểm đi thực tế thì Phòng Quản lý đào tạo và nghiên cứu khoa học cùng giảng viên hướng dẫn cần liên hệ trao đổi trước với địa phương, cơ sở về mục đích, yêu cầu và nhất là nội dung, thời gian cần nghiên cứu để địa phương, cơ sở có sự chuẩn bị trước, nhất là các thông tin, tài liệu báo cáo… để học viên nắm được những nội dung cơ bản cũng như những kinh nghiệm trên các lĩnh vực quan tâm.

Chủ nhiệm lớp, đóng vai trò hết sức quan trọng trong toàn bộ quá trình đi nghiên cứu thực tế và hướng dẫn viết thu hoạch cho học viên. Vì vậy việc lựa chọn mô hình nghiên cứu thực tế phải hết sức cân nhắc để phù hợp với đối tượng người học. Bên cạnh đó việc tổ chức, phối hợp trong toàn bộ quá trình đi nghiên cứu thực tế với các địa phương phải hết sức chặt chẽ.

Đối với học viên phải không ngừng nâng cao ý thức, nhận thức trong việc đi nghiên cứu thực tế và xác định rõ, nghiên cứu thực tế là một nội dung bắt buộc trong chương trình đào tạo trung cấp LLCT-HC. Khi tham gia đi nghiên cứu thực tế, học viên phải nhận thức và xây dựng rõ mục đích, yêu cầu, nội dung của nhiệm vụ này; từ đó, xây dựng đề cương, kế hoạch và các phương pháp thu thập thông tin, tư liệu phù hợp, hiệu quả nhất trong suốt quá trình nghiên cứu thực tế tại địa phương, cơ sở mình nghiên cứu. Đặc biệt, phải chủ động đưa ra được những nội dung, câu hỏi cần trao đổi với các cấp lãnh đạo, quản lý ở địa phương, cơ sở về những vấn đề có liên quan đến nội dung nghiên cứu của cả nhóm hoặc cá nhân, nhất là những kinh nghiệm về xử lý các tình huống lãnh đạo, quản lý ở cơ sở để phục vụ cho việc viết bài thu hoạch, thi cử sau khi nghiên cứu thực tế về, đồng thời sẽ là những kinh nghiệm quý báu cho bản thân có thể vận động vào thực tiễn công tác của mình đang đảm nhiệm.

Nguyễn Văn Sơn

Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa