Nâng cao hiệu quả quản lý địa giới đơn vị hành chính ở Việt Nam

Lượt xem: 1485

Nâng cao hiệu quả quản lý địa giới đơn vị hành chính ở Việt Nam


Việc tổ chức các đơn vị hành chính ở
nước ta tùy theo giai đoạn lịch sử đã có những lúc chia tách, thành lập mới rồi
tiến hành sáp nhập. Hiện nay, công tác phân chia địa giới hành chính ở nước ta
đã đạt được những kết quả nhất định, tuy nhiên, vẫn còn tình trạng tranh chấp
địa giới hành chính giữa các địa phương với nhiều nguyên nhân khác nhau. Vì
vậy, Nhà nước cần có những giải pháp mang tính căn bản để giải quyết những vấn
đề liên quan đến công tác địa giới hành chính hiện nay.    

Ảnh minh họa (Internet).

 

Thực trạng công tác quản lý địa giới đơn vị hành chính

Pháp luật về địa giới hành chính

Hiến pháp năm 2013 là văn bản pháp luật có giá
trị cao nhất quy định về công tác quản lý địa giới hành chính (ĐGHC), tại khoản
8 Điều 74 Hiến pháp năm 2013 quy định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thẩm quyền
“quyết định thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành
chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương” và tại khoản 4 Điều 3 Luật Tổ
chức chính quyền địa phương năm 2015 cũng quy định rõ: “Căn cứ vào quy định tại
khoản 2 và khoản 3 Điều này, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định
cụ thể tiêu chuẩn của từng tiêu chí, thẩm quyền, thủ tục phân loại đơn vị hành
chính”. Để cụ thể hóa triển khai các nội dung Luật Tổ chức chính quyền địa
phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quy
định về công tác quản lý ĐGHC. Hệ thống pháp luật quy định về công tác quản lý
ĐGHC được xây dựng với trình độ pháp lý cao, bảo đảm tính khoa học, đồng bộ,
khả thi, quy định đầy đủ các lĩnh vực quản lý về ĐGHC.

Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về công
tác quản lý ĐGHC quy định nguyên tắc, trình tự, thủ tục, thẩm quyền và các tiêu
chuẩn thành lập, giải thể, sáp nhập, chia tách, điều chỉnh, giải quyết tranh
chấp địa giới đơn vị hành chính (ĐVHC). Các quy định này đã tạo cơ sở pháp lý
cho các cơ quan, địa phương tiến hành các quy trình thành lập mới, giải thể,
sáp nhập, chia tách, điều chỉnh ĐGHC các cấp theo đúng quy định pháp luật; hình
thành cơ sở pháp lý về nội dung cho việc xác định phạm vi, quy mô ĐVHC các cấp
theo hệ thống các tiêu chí rõ ràng, minh bạch và khoa học (Nghị định số
15/2007/NĐ-CP ngày 26/01/2007 của Chính phủ về phân loại ĐVHC cấp tỉnh và cấp
huyện quy định cách tính điểm phân loại ĐVHC cấp tỉnh, cấp huyện theo các tiêu
chí về dân số và diện tích theo vùng, miền), đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế
– xã hội, giữ vững an ninh – quốc phòng, trật tự an toàn xã hội của các địa
phương và của đất nước cũng như phát huy quyền làm chủ của người dân trong việc
quản lý và tiến hành các hoạt động thành lập, giải thể, sáp nhập, chia tách,
điều chỉnh ĐGHC nơi người dân sinh sống.

Về số lượng đơn vị
hành chính

Theo quy định hiện hành, địa giới ĐVHC ở nước ta
được phân chia theo ba cấp: tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (gọi chung là
cấp tỉnh); huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và thành phố thuộc thành phố
trực thuộc trung ương (gọi chung là cấp huyện); xã, phường, thị trấn (gọi chung
là cấp xã) và ĐVHC – kinh tế đặc biệt.

Vào thời điểm năm 1980, ở nước ta có 40 ĐVHC cấp
tỉnh, 521 ĐVHC cấp huyện và 10.657 ĐVHC cấp xã1. Sau nhiều lần điều
chỉnh, sắp xếp lại phù hợp với từng giai đoạn lịch sử đã đạt được một số kết
quả tích cực góp phần phát huy nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội,
bảo đảm giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội của đất nước và của
từng địa phương. Tính đến ngày 31/12/2020, Việt Nam có 63 ĐVHC cấp tỉnh, 705
ĐVHC cấp huyện và 10.603 ĐVHC cấp xã2. So với năm 1980, tăng 23 ĐVHC
cấp tỉnh, 184 ĐVHC cấp huyện và giảm 54 ĐVHC cấp xã.

Phân định địa giới
đơn vị hành chính

Phân định ĐGHC nhằm xác định ranh giới giữa các
địa phương, phục vụ cho công tác quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội và quản
lý nhà nước về mọi mặt của đời sống xã hội của chính quyền địa phương. Tuy
nhiên, ĐGHC do chính quyền cũ xây dựng tại thời điểm khoa học kỹ thuật chưa
phát triển, độ chính xác chưa cao và ranh giới được xác định giữa các địa
phương còn chung chung theo lịch sử để lại nên đã tồn tại nhiều vấn đề bất hợp
lý, không rõ ràng, có sự giao thoa, chồng lấn giữa các ĐVHC. Vấn đề này đã gây
nhiều khó khăn trong quá trình quản lý cũng như quy hoạch và phát triển kinh tế
– xã hội của các địa phương, gây ra sự tranh chấp ĐGHC trong một thời gian khá
dài.

Trước tình hình thực tế và từ đề nghị của các địa
phương cũng như yêu cầu công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực ĐGHC, Chủ tịch
Hội đồng Bộ trưởng đã ký ban hành Chỉ thị số 364-CT ngày 06/11/1991 về giải
quyết những tranh chấp đất đai liên quan đến ĐGHC tỉnh, huyện, xã (Chỉ thị số
364). Đây là văn bản có giá trị pháp lý giúp cho các bộ, ngành và địa phương áp
dụng để tiến hành giải quyết tranh chấp ĐGHC. Đến năm 2010, các địa phương
trong cả nước đã chủ động phối hợp với Bộ Nội vụ và các cơ quan có liên quan
tiến hành hội nghị hiệp thương, về cơ bản đã giải quyết các vụ việc tranh chấp
ĐGHC, xây dựng hồ sơ, bản đồ và cắm mốc phân định ĐGHC, làm cơ sở pháp lý cho
các bộ, ngành và địa phương thực hiện công tác quản lý nhà nước cũng như thực
hiện quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm an ninh – quốc phòng của
từng ĐVHC và đất nước.

Trong quá trình quản lý về công tác ĐGHC theo quy
định tại Chỉ thị số 364, các bộ, ngành và địa phương đã phát hiện ra những tồn
tại, sai sót trong công tác lập hồ sơ, bản đồ ĐGHC, như:

(1) Chưa có sự thống nhất về ĐGHC giữa các tài
liệu, hồ sơ, bản đồ trên giấy tờ so với thực địa;

(2) Chưa có sự thống nhất chính trong hồ sơ, bản
đồ ĐGHC;

(3) Do sự tác động của quá trình phát triển kinh
tế – xã hội và vận động của địa chất tự nhiên, lũ lụt đã gây ra nhiều khu vực
địa giới ĐVHC bị thay đổi, không giữ được nguyên trạng như lúc lập hồ sơ, bản
đồ, mất dấu vết, cột mốc nhận biết trên thực địa.

Điều này đã phát sinh ra nhiều khu vực bị giao
thoa, chồng lấn, gây khó khăn cho công tác quản lý ĐGHC của chính quyền địa
phương các cấp và nảy sinh nhiều khu vực tranh chấp kéo dài, chưa thể giải
quyết dứt điểm3. Dẫn đến nhiều hệ lụy kéo theo tại khu vực tranh
chấp về ĐGHC như: triển khai xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội,
bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, sản xuất và sinh hoạt của
tổ chức và công dân…

Trước yêu cầu giải quyết dứt điểm những tồn tại,
hạn chế trong công tác quản lý ĐGHC, Bộ Nội vụ đã phối hợp với các bộ, ngành và
địa phương tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 513/QĐ-TTg
ngày 02/5/2012 phê duyệt Dự án: “Hoàn thiện, hiện đại hóa hồ sơ, bản đồ ĐGHC và
xây dựng cơ sở dữ liệu về địa giới hành chính” (Dự án số 513). Sau 10 năm thực
hiện Dự án số 513, Bộ Nội vụ đã phối hợp với các bộ, ngành và địa phương về cơ
bản đã giải quyết các khu vực tranh chấp ĐGHC các tỉnh, như sau: 103 khu vực
cấp tỉnh, 243 khu vực cấp huyện và 627 khu vực cấp xã. Bộ Nội vụ đã yêu cầu các
cấp chính địa phương đã tổ chức một số hội nghị hiệp thương nhưng chưa thỏa
thuận được phương án xác định địa giới ĐVHC do có nhiều quan điểm khác nhau nên
chưa thể giải quyết dứt điểm tại 6 khu vực liên quan đến ĐGHC các tỉnh: Lào
Cai, Lai Châu, Bình Định, Phú Yên, Bến Tre, Tiền Giang, Quảng Nam, Kon Tum,
Quảng Ngãi.

Những tồn tại,
bất cập và nguyên nhân

Thứ nhất, chưa nghiên cứu làm rõ về lý
luận và thực tiễn các khái niệm, thuật ngữ được sử dụng trong những văn bản quy
phạm pháp luật về ĐGHC. Luật Đất đai năm 2013 sử dụng thuật ngữ ĐGHC nhưng Hiến
pháp năm 2013, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, Nghị quyết số
1210/2016/NQ-UBTVQH và Nghị quyết số 1211/2016/NQ-UBTVQH của Ủy ban Thường vụ
Quốc hội lại sử dụng cả hai cụm từ ĐGHC và địa giới ĐVHC.

Luật Đất đai năm 2013 quy định về giải quyết
tranh chấp ĐGHC. Tuy nhiên, lại không có quy định hoặc danh mục về những trường
hợp nào được xác định là tranh chấp ĐGHC. Thực tế tại các cấp chính quyền địa
phương đều xác định là không có tranh chấp ĐGHC mà chỉ có sự chồng lấn về địa
giới ĐVHC hoặc tranh chấp đất đai liên quan đến ĐGHC.

Luật Đất đai năm 2013 không có quy định về căn cứ
pháp lý, nguyên tắc, trình tự và thẩm quyền xác định địa giới ĐVHC; không quy
định về việc phải phối hợp với chính quyền của ĐVHC cùng cấp liền kề. Đây là
nguyên nhân chính dẫn đến những chồng lấn về địa giới ĐVHC, gây khó khăn cho
công tác quản lý nhà nước của các cấp chính quyền địa phương.

Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 quy
định về giải quyết tranh chấp liên quan đến ĐGHC, thuật ngữ này lại khác so với
thuật ngữ tranh chấp ĐGHC quy định trong Luật Đất đai năm 2013. Bên cạnh đó,
Luật chưa có quy định về thẩm quyền, nguyên tắc, hồ sơ và trình tự, thủ tục
giải quyết tranh chấp liên quan đến ĐGHC.

Thứ hai, Điều 129 Luật Tổ chức chính
quyền địa phương năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) quy định thẩm quyền quyết
định thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới, đổi tên ĐVHC và giải
quyết tranh chấp liên quan đến địa giới. Tuy nhiên, hiện nay chưa có quy định
về trình tự, thủ tục lập hồ sơ trình cấp có thẩm quyền giải quyết tranh chấp
liên quan đến địa giới. Do đó, đã gây lúng túng cho các bộ, ngành và địa phương
trong việc tổ chức thực hiện quy định thẩm quyền quyết định thành lập, giải
thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới, đổi tên ĐVHC và giải quyết tranh chấp
liên quan đến địa giới, nhất là đối với việc giải quyết tranh chấp liên quan
đến ĐGHC.

Thứ ba, các quy định pháp luật về ĐGHC
còn phân tán ở nhiều văn bản và giá trị pháp lý chưa thật cao. Quy phạm pháp
luật về ĐGHC được quy định ở rất nhiều loại văn bản khác nhau: Hiến pháp năm
2013, Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, Luật
Quy hoạch…, quy định những vấn đề cơ bản về thành lập, giải thể, sáp nhập, chia
tách, điều chỉnh,  giải quyết tranh chấp về ĐGHC các cấp như: các cấp
chính quyền địa phương, phân loại ĐVHC, thẩm quyền, nguyên tắc, hồ sơ… Còn
những quy định cụ thể, trực tiếp liên quan đến thành lập, giải thể, sáp nhập,
chia tách, điều chỉnh ĐGHC các cấp lại chủ yếu ở Nghị quyết số
1210/2016/NQ-UBTVQH và Nghị quyết số 1211/2016/NQ-UBTVQH của Ủy ban Thường vụ
Quốc hội. Nếu xét về tính thứ bậc, theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp
luật năm 2015, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành có giá trị
pháp lý thấp hơn so với luật. Sự thiếu tập trung và giá trị pháp lý đã phần nào
ảnh hưởng tới hiệu lực, hiệu quả, tính thống nhất trong việc thi hành pháp luật
về ĐGHC các cấp.

Thứ tư, các cơ quan, tổ chức còn chậm
ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành, văn bản hướng dẫn khi được ban hành
thiếu tính đồng bộ, khó thực hiện và hiệu quả chưa cao. Từ năm 2013, Hiến pháp
nước ta đã quy định thẩm quyền thành lập, giải thể, sáp nhập, chia tách, điều
chỉnh ĐGHC các cấp từ Chính phủ sang Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Nhưng phải đến
năm 2016, Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới ban hành Nghị quyết số
1210/2016/NQ-UBTVQH13 và Nghị quyết số 1211/2016/NQ-UBTVQH13 quy định và cụ thể
hóa những quy định về công tác quản lý ĐGHC của Hiến pháp năm 2013. Điều này đã
dẫn đến tình trạng Đề án về thành lập, giải thể, sáp nhập, chia tách, điều
chỉnh ĐGHC của nhiều địa phương (cấp huyện, cấp xã) trong thời gian 2 năm không
thực hiện được, phải chờ hướng dẫn cụ thể của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Thứ năm, Điều 129 Luật Tổ chức chính
quyền địa phương năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) quy định về thẩm quyền
quyết định thành lập, giải thể, nhập, chia tách, điều chỉnh địa giới, đổi tên
ĐVHC và giải quyết tranh chấp liên quan đến địa giới. Tuy nhiên, tính đến thời điểm
hiện nay, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền vẫn chưa ban hành quy định về
trình tự, thủ tục lập hồ sơ trình cấp có thẩm quyền giải quyết vấn đề này. Do
đó, trong quá trình lập hồ sơ để thành lập, giải thể, nhập, chia tách, điều
chỉnh địa giới, đổi tên ĐVHC và giải quyết tranh chấp liên quan đến địa giới
lại thiếu căn cứ, gây lúng túng trong quá trình tổ chức thực hiện cho các địa
phương.

Nguyên nhân của tồn tại, bất cập là do:

Chủ thể và thời điểm ban hành các văn bản quy
phạm pháp luật quy định về công tác quản lý ĐGHC là rất khác nhau. Đặc biệt,
các cơ quan tham mưu ban hành chính sách chưa thực sự làm tốt công tác rà soát
pháp luật, chưa có sự nghiên cứu sâu về lý luận và thực tiễn, các khái niệm,
thuật ngữ được sử dụng trong những văn bản quy phạm pháp luật về ĐGHC chưa
thống nhất. Thẩm quyền ban hành văn bản của các cơ quan cũng khác nhau, dẫn đến
tình trạng nội dung quy định về công tác ĐGHC bị phân tán ở nhiều văn bản.

Nhận thức của một số cán bộ, công chức cấp chính
quyền cơ sở làm công tác quản lý về ĐGHC chưa cao; công tác quản lý hồ sơ, bản
đồ, mốc ĐGHC các cấp sau khi thực hiện Chỉ thị số 364 ngày 06/11/1991 của Hội
đồng Bộ trưởng về việc giải quyết những tranh chấp đất đai liên quan đến ĐGHC
tỉnh, huyện, xã chưa được quan tâm đúng mức, còn để xảy ra tính trạng mất mốc,
phá hủy mốc địa giới, mất hồ sơ, bản đồ ĐGHC. Do nhận thức chưa đầy đủ tinh
thần Chỉ thị số 364 của một số bộ phận nhân dân; tranh chấp lợi ích về đất đai,
tài nguyên, khoáng sản, vị trí địa lý… Chế tài xử lý kỷ luật sai phạm về quản
lý hồ sơ, bản đồ, mốc ĐGHC chưa nghiêm, không  bảo đảm tính răn đe; trình
độ chuyên môn về quản lý đất đai của một số cán bộ, công chức (đặc biệt là công
chức địa chính – xây dựng – tài nguyên, môi trường cấp xã) ở một số địa phương
còn nhiều hạn chế…

Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016
của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về tiêu chuẩn của ĐVHC và phân loại ĐVHC
không hợp lý, chưa phù hợp, quá cao so với thực tế. Do đó, các ĐVHC ở các địa
phương cơ bản không đạt tiêu chuẩn. Ví dụ: tỉnh Lào Cai hiện có 27/162 ĐVHC đạt
cả 2 tiêu chuẩn về diện tích và dân số, chiếm 16,66%4.

Việc sắp xếp các ĐVHC cấp xã ảnh hưởng rất nhiều
đến sự ổn định của hệ thống tổ chức bộ máy chính trị, đội ngũ cán bộ, công chức
ở cơ sở, đến quy hoạch, phát triển kinh tế – xã hội. Sau khi thành lập, giải
thể, nhập, chia, điều chỉnh ĐGHC sẽ phải xây dựng lại hệ thống hồ sơ, mốc giới,
bản đồ ĐGHC, bản đồ hành chính, hồ sơ, bản đồ địa chính; điều chỉnh toàn bộ các
thông tin, dữ liệu về đất đai, nhà ở, dân cư, địa chỉ trên giấy tờ của tổ chức,
cá nhân…, ảnh hưởng nhiều đến hoạt động quản lý nhà nước về công tác quản lý
ĐGHC.

Về thẩm quyền giải quyết tranh chấp ĐGHC: theo
quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Quốc hội có thẩm quyền giải
quyết tranh chấp liên quan đến ĐGHC cấp tỉnh; Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thẩm
quyền giải quyết tranh chấp ĐGHC ở cấp huyện, cấp xã; Chính phủ có thẩm quyền
trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải quyết tranh chấp ĐGHC các cấp.
Như vậy, những bất cập, các khuc vực tranh chấp liên quan ĐGHC không được giải
quyết một cách kịp thời, do thẩm quyền của Quốc hội, mà Quốc hội 1 năm họp có 2
kỳ. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển kinh tế – xã hội và an
ninh, trật tự ở địa phương. Đặc biệt, việc hiệp thương, giải quyết bất cập về
hồ sơ, bản đồ ĐGHC 364 (theo Quyết định số 513/QĐ-TTg ngày 02/5/2012 của Thủ
tướng Chính phủ) sẽ mất thời gian và khó giải quyết dứt điểm.

Một số giải
pháp nâng cao hiệu quả quản lý địa giới hành chính

Thứ nhất, Bộ Nội vụ cần phối hợp với các
bộ, ngành và địa phương tiến hành rà soát văn bản quy phạm pháp luật và nghiên
cứu kỹ lưỡng, đề nghị Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, sửa đổi
Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 và Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 ngày
25/5/2016 theo hướng như sau: sử dụng thống nhất một số thuật ngữ: ĐGHC, địa
giới ĐVHC; tranh chấp ĐGHC, tranh chấp liên quan đến ĐGHC, tranh chấp đất đai
liên quan đến địa giới ĐVHC…, ban hành quy định về nội dung đề án, thành phần
hồ sơ, quy trình, thủ tục thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới
và đổi tên ĐVHC; quy định về nguyên tắc, trình tự, thủ tục giải quyết tranh
chấp ĐGHC; giải quyết tranh chấp liên quan đến ĐGHC; giải quyết tranh chấp đất
đai liên quan đến ĐGHC và giải quyết chồng lấn địa giới ĐVHC; quy định cơ sở
pháp lý, thẩm quyền, trình tự, thủ tục xác định địa giới ĐVHC và lập hồ sơ, bản
đồ địa giới ĐVHC.

Thứ hai, kiến nghị với Quốc hội xem xét
điều chỉnh thẩm quyền giải quyết tranh chấp liên quan đến ĐGHC quy định tại
Điều 129 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 từ Quốc hội và Ủy ban
Thường vụ Quốc hội sang Chính phủ đối với nội dung giải quyết tranh chấp ĐGHC ở
cấp tỉnh; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết tranh chấp ĐGHC cấp
huyện, xã sẽ phù hợp, bảo đảm tính kịp thời, hiệu quả hơn so với quy định hiện
nay.

Thứ ba, đề xuất về tiêu chuẩn đối với
ĐVHC, tiêu chuẩn quy mô dân số và diện tích tự nhiên của các ĐVHC tỉnh, huyện,
xã thuộc miền núi, vùng cao, biên giới theo quy định tại Nghị quyết số
1211/2016/ UBTVQH13 là quá cao, đề nghị xem xét nên giảm xuống ở mức 70% quy
định của Nghị quyết là phù hợp, bảo đảm mặt bằng chung so với cả nước và sự ổn
định cũng như phát triển của các ĐVHC, tăng hiệu quả trong công tác quản lý nhà
nước về mọi mặt.

Thứ tư, cần điều chỉnh quy định về tiêu
chuẩn quy mô dân số và diện tích tự nhiên đối với ĐVHC cấp huyện, cấp xã theo
Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 để phù hợp với điều kiện thực tế đối với ĐVHC
cấp huyện, cấp xã thuộc khu vực miền núi có các yếu tố đặc thù về vị trí địa
lý, điều kiện tự nhiên bị chia cắt, dân cư phần lớn là người dân tộc thiểu số,
phân bố không tập trung để các địa phương có cơ sở định hướng quy hoạch, sắp
xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã phù hợp với điều kiện thực tiễn.

Thứ năm, đối với các hồ sơ, bản đồ ĐGHC
được lập theo Chỉ thị số 364 và lập mới theo nghị định, nghị quyết của Chính
phủ khác so với thực tế quản lý ĐGHC của các địa phương. Các sở nội vụ chủ động
phối hợp với đơn vị tư vấn khảo sát, nghiên cứu, đề xuất phương án và tổ chức
hiệp thương giữa các ĐVHC liên quan để thống nhất lại các tuyến địa giới theo
các nguyên tắc phân định đường ĐGHC là phải tôn trọng sự thuận lợi cho sinh
hoạt và đi lại của người dân, thuận lợi trong quản lý nhà nước, tôn trọng hiện
trạng quản lý và bảo đảm người dân ở khu vực sinh sống không có tranh chấp.

Chú thích:

1.
Tăng cường
công tác quản lý địa giới đơn vị hành chính đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế
– xã hội và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới. https://moha.gov.vn, ngày 11/8/2020.

2.
Tổng Cục Thống kê. Thống kê các đơn vị hành chính tính đến ngày 31/12/2020.

3.
Theo số liệu thống kê của Vụ Chính quyền địa phương, Bộ Nội vụ năm 2021.

4.
Vụ Chính quyền địa phương, Bộ Nội vụ tại Hội thảo: “Thực trạng thực hiện nhiệm
vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân các cấp trong một số lĩnh vực Nội vụ” ngày
26/10/2021.

Tài liệu tham khảo:

1.
Đỗ Vinh, Lê Huy. Phóng sự: “Bất cập chồng lấn địa giới hành chính giữa các địa
phương”. Đài Truyền
hình Việt Nam, ngày 04/01/2022.

2.
Kinh nghiệm
qua việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã ở Hà Nội. http://www.xaydungdang.org.vn, ngày
09/4/2020.

3.
Mấy vấn đề
về quản lý địa giới hành chính. http://www.daibieudancukontum.gov.vn, ngày 03/11/2021.

4.

Sáp nhập,
chia tách đơn vị hành chính phải đánh giá tác động hết sức thận trọng.  

https://www.hcmcpv.org.vn, ngày
09/8/2018.

TS. Đào Mạnh
Hoàn


Viện Khoa
học Tổ chức nhà nước

Nguồn: https://www.quanlynhanuoc.vn/2022/05/17/nang-cao-hieu-qua-quan-ly-dia-gioi-don-vi-hanh-chinh-o-viet-nam/

Tin khác

  • Quản lý nguồn nhân lực và vấn đề thu hút công chức tâm huyết cống hiến

    (159
    Lượt xem
    )

  • Ứng dụng lý thuyết quản trị rủi ro – giải pháp bảo đảm an toàn cho hệ thống văn bản điện tử của các cơ quan, tổ chức

    (2394
    Lượt xem
    )

  • Cải cách thủ tục hành chính ở Việt Nam trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0.

    (3661
    Lượt xem
    )

  • Hoàn thiện quy định pháp luật về tuyển dụng công chức bảo đảm tính thống nhất, khách quan, minh bạch.

    (2141
    Lượt xem
    )

  • Góp ý Đề án thực hiện thống nhất việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức.

    (809
    Lượt xem
    )

  • Kiên quyết cắt bỏ các tổ chức trung gian; giảm đầu mối bên trong, cấp phó

    (892
    Lượt xem
    )

  • Bộ Nội vụ trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết về thí điểm không tổ chức HĐND phường tại các quận, thị xã của TP. Hà Nội nhiệm kỳ 2021 – 2026

    (811
    Lượt xem
    )