Nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về giáo dục góp phần thực hiện thắng lợi nghị quyết của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo | Tạp chí Quản lý nhà nước
(Quanlynhanuoc.vn) – Luật Giáo dục được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 14/6/2019 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020, sửa đổi Luật Giáo dục năm 2005, là căn cứ pháp lý để các cấp, các ngành lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện và thống nhất trong hoạt động giáo dục; là công cụ quan trọng giúp Nhà nước quản lý hệ thống giáo dục quốc dân1. Trong phạm vi bài viết, tác giả nêu thực trạng quản lý nhà nước về giáo dục ở nước ta trong thời gian qua; đồng thời, đề xuất nhiệm vụ và giải pháp nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về giáo dục trong thời gian tới.
Thực trạng quản lý nhà nước về giáo dục ở nước ta trong thời gian qua
Luật Giáo dục được Quốc hội khóa XI thông qua ngày 14/6/2005, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2006 (thay thế Luật Giáo dục năm 1998), đã được sửa đổi, bổ sung tại các luật: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục được Quốc hội khóa XII thông qua ngày 25/11/2009, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2010; Luật Giáo dục nghề nghiệp được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 27/11/2014, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2015 và Luật Phí và lệ phí được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 25/11/2015, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2017.
Qua tổng kết thực tiễn 12 năm thi hành, Luật Giáo dục đã thực sự đi vào cuộc sống, tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho tổ chức và hoạt động giáo dục – đào tạo (GDĐT), nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, đáp ứng yêu cầu xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế. Trên cơ sở Luật Giáo dục năm 2005, công tác quản lý nhà nước (QLNN) về giáo dục ở nước ta trong thời gian qua đạt được những kết quả nổi bật sau đây2:
Thứ nhất, các quy định của Luật Giáo dục đã tạo cơ sở pháp lý và có hiệu lực cao để triển khai tổ chức và hoạt động giáo dục ở các cấp học và trình độ đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân tương đối hoàn chỉnh từ mầm non đến đại học. Công tác quản lý giáo dục có bước chuyển biến nhất định. Cơ hội tiếp cận giáo dục có nhiều tiến bộ, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách; cơ bản bảo đảm bình đẳng giới trong GDĐT.
Thứ hai, cơ sở vật chất, thiết bị GDĐT được cải thiện rõ rệt và từng bước hiện đại hóa. Số lượng học sinh, sinh viên (HSSV) tăng nhanh, nhất là ở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp. Chất lượng GDĐT được nâng cao. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục phát triển cả về số lượng và chất lượng, với cơ cấu ngày càng hợp lý. Chi ngân sách cho GDĐT đạt mức 20% tổng chi ngân sách nhà nước. Xã hội hóa giáo dục được đẩy mạnh, hệ thống cơ sở giáo dục (CSGD) ngoài công lập tăng nhanh, góp phần đáng kể vào phát triển GDĐT chung của toàn xã hội.
Thứ ba, giáo dục thường xuyên đã từng bước đa dạng hóa nội dung chương trình; chú trọng các chương trình và hình thức tổ chức bồi dưỡng ngắn hạn, cập nhật kiến thức, kỹ năng, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người dân được học tập suốt đời. Nhiều CSGD thường xuyên đổi mới công tác quản lý theo hướng được giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đã tích cực phối hợp các lực lượng xã hội, đẩy mạnh xã hội hóa các nguồn lực nhằm bảo đảm hiệu quả phối hợp liên thông giữa giáo dục chính quy với giáo dục không chính quy.
Thứ tư, giáo dục đại học đã tập trung nâng dần các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo: kịp thời điều chỉnh phương án tuyển sinh bảo đảm chất lượng, hiệu quả; phát triển đa dạng các hình thức đào tạo chất lượng cao; ổn định quy mô, phát triển đội ngũ giảng viên nhằm nâng cao chất lượng đào tạo; triển khai khảo sát việc làm của sinh viên tốt nghiệp; xây dựng, trình ban hành cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân và Khung trình độ quốc gia bảo đảm tính khoa học và tương thích với hệ thống giáo dục các nước trong khu vực.
Các kết quả này đã góp phần nâng cao Chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam và góp phần phát triển kinh tế – xã hội (KTXH)3 . Nỗ lực và kết quả phát triển GDĐT của Việt Nam thời gian qua cũng đã được ghi nhận và đánh giá cao tại các diễn đàn quốc tế cũng như khu vực. Trong báo cáo thường niên của các tổ chức uy tín có liên quan, đều đề cập và biểu dương những thành tựu trong phát triển KTXH, đặc biệt ghi nhận các kết quả đạt được trong phát triển GDĐT4.
Trước sự thay đổi nhanh chóng của thực tiễn giáo dục trong nước và quốc tế, nhất là trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0; yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT; yêu cầu hoàn thiện môi trường pháp lý trong các lĩnh vực của đời sống KTXH nước ta, QLNN về giáo dục ở nước ta trong thời gian qua đã bộc lộ những hạn chế, bất cập sau đây5:
Một là, do Luật Giáo dục được ban hành từ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) nên một số quy định chưa phản ánh được những nội dung mới về phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu nhằm nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài theo Hiến pháp năm 2013 và Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI)6.
Hai là, quy định về hệ thống giáo dục quốc dân; quy định về mục tiêu, yêu cầu, nội dung, chương trình giáo dục, phương pháp giáo dục phổ thông chưa đáp ứng yêu cầu phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực người học, nhất là những yêu cầu về vận dụng kiến thức, rèn luyện tư duy độc lập, phản biện, khả năng tự học; văn bằng chứng chỉ thiếu tính liên thông giữa các trình độ và giữa các phương thức GDĐT; còn nặng lý thuyết, nhẹ thực hành.
Ba là, quy định của Luật Giáo dục hiện hành về hệ thống giáo dục quốc dân chưa có sự liên kết giữa các bộ phận (giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên, giáo dục đại học). Hệ thống giáo dục quốc dân chưa hình thành rõ ràng các hướng phát triển cho học sinh phổ thông và thiếu sự phân luồng người học từ sau trung học cơ sở cho đến hết giáo dục phổ thông (sau lớp 12).
Mục tiêu, yêu cầu, nội dung, chương trình giáo dục, phương pháp giáo dục phổ thông chưa thực sự hướng tới việc hình thành nhân cách, phát triển về thể chất, tình cảm và phát triển năng lực của học sinh. Chương trình các môn học chủ yếu xây dựng chuẩn kiến thức, kỹ năng và yêu cầu về thái độ mà chưa xây dựng chuẩn đầu ra về phẩm chất và năng lực của học sinh; chưa tạo được điều kiện thuận lợi cho học sinh Việt Nam theo học các chương trình đào tạo quốc tế. Các quy định về giáo dục thường xuyên, giáo dục người lớn trong Luật hiện hành chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu đổi mới.
Bốn là, các quy định trong Luật hiện hành chưa khẳng định được vị thế của nhà giáo thông qua các chính sách đối với đội ngũ nhà giáo từ đào tạo, bồi dưỡng đến thu hút, tuyển dụng, sử dụng, để bảo đảm việc xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục có chất lượng. Đội ngũ giáo viên, giảng viên chưa cân đối về số lượng và cơ cấu bộ môn. Chất lượng đào tạo giáo viên, giảng viên còn thấp, một bộ phận giáo viên, giảng viên chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình, sách giáo khoa và đổi mới giáo dục đại học, nhất là yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học. Chính sách đối với HSSV sư phạm chưa phù hợp tình hình thực tiễn. Hiện nay, nhu cầu của thị trường lao động đã có sự thay đổi, số sinh viên sư phạm trên cả nước ra trường chưa có việc làm hoặc làm không đúng ngành, nghề gây lãng phí rất lớn nguồn nhân lực đầu tư cho giáo dục.
Năm là, QLNN về giáo dục chưa phân định được giữa QLNN với hoạt động quản trị trong các CSGD, đào tạo; việc phân cấp QLNN về giáo dục giữa trung ương và địa phương chưa rõ. Các quy định về đầu tư cho giáo dục, các điều kiện bảo đảm phát triển giáo dục chưa đáp ứng được yêu cầu thực hiện và xu thế phát triển KTXH, hội nhập quốc tế.
Sáu là, Luật Giáo dục chưa quy định cụ thể hình thức dạy học trực tuyến, nhất là khi xảy ra dịch bệnh Covid-19 vừa qua. Thực tế cho thấy, việc dạy học trực tuyến theo hướng dẫn tại Công văn số 988/BGDĐT-GDĐH ngày 23/03/2020 và Công văn số 1061/BGDĐT-GDTrH ngày 26/03/2020 của Bộ GDĐT về việc hướng dẫn dạy học qua Internet, trên truyền hình; thời gian qua, các địa phương, CSGD, đào tạo đã tích cực triển khai, được HSSV, cha mẹ HSSV hưởng ứng và đạt được nhiều kết quả tốt. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức dạy học qua Internet có xảy ra hiện tượng bị kẻ xấu xâm nhập vào địa chỉ lớp học/phòng học trực tuyến, đăng tải nội dung xấu, độc, phản cảm, phản giáo dục… có dấu hiệu lạm dụng, quấy rối và bắt nạt trẻ em, HSSV trên mạng, không bảo đảm an toàn và đã gây tâm lý hoang mang cho người học, người dạy; ảnh hưởng đến chất lượng dạy học qua internet.
Nhiệm vụ và giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả QLNN về giáo dục ở nước ta trong thời gian tới
Để phát huy kết quả đã đạt được, khắc phục hạn chế, bất cập trong QLNN về giáo dục ở nước ta trong thời gian qua, nâng cao hiệu lực QLNN về giáo dục trong thời gian tới, triển khai Hiến pháp năm 2013 và Nghị quyết của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, cần thực hiện quyết liệt, đồng bộ những nhiệm vụ và giải pháp sau đây:
Một là, triển khai thi hành Luật Giáo dục năm 2019 đã được Quốc hội thông qua. Đây là căn cứ pháp lý để các cấp, các ngành lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện và thống nhất trong hoạt động giáo dục, là công cụ quan trọng giúp Nhà nước quản lý hệ thống giáo dục quốc dân; CSGD, nhà giáo, người học; QLNN về giáo dục; quyền và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động giáo dục7; quản lý hệ thống giáo dục nghề nghiệp; tổ chức, hoạt động của CSGD nghề nghiệp; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp nói riêng8.
Bộ GDĐT tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị quyết về triển khai thi hành Luật Giáo dục; theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về triển khai thi hành Luật Giáo dục; thường xuyên tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình, kết quả triển khai thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp nêu tại Nghị quyết này.
Tiếp tục hoàn thiện Luật Giáo dục theo hướng bổ sung vào Luật Giáo dục hình thức dạy học trực tuyến và QLNN đối với hình thức dạy học này. Thực hiện có hiệu quả việc tổ chức dạy học qua Internet, trên truyền hình theo các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ GDĐT. Tổ chức tuyên truyền, tập huấn phổ biến kiến thức, kỹ năng sử dụng internet, mạng xã hội bảo đảm an toàn, an ninh mạng khi tham gia hoạt động dạy – học qua internet; kỹ năng phòng, tránh các nguy cơ, tình huống, tác hại có thể xảy ra đối với thầy cô giáo, HSSV và cha mẹ HSSV trong dạy học qua internet…9
Hai là, Bộ GDĐT chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ và ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Giáo dục trình Chính phủ về các nội dung như: hướng nghiệp và phân luồng trong giáo dục theo từng giai đoạn phù hợp với nhu cầu phát triển KTXH; liên thông giữa các cấp học, trình độ đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân; chuyển đổi loại hình nhà trường trong hệ thống giáo dục quốc dân; trường của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân; điều kiện, thủ tục thành lập hoặc cho phép thành lập; chính sách đối với nhà giáo; chính sách ưu đãi đối với trường dân lập, trường tư thục và hợp tác, đầu tư của nước ngoài về giáo dục…
Chủ động nghiên cứu, rà soát, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức hoạt động giáo dục và giáo dục nghề nghiệp được phân công theo quy định của Luật Giáo dục và Luật Giáo dục nghề nghiệp. Phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội rà soát CSGD nghề nghiệp, CSGD đại học tuyển sinh trước ngày Luật Giáo dục nghề nghiệp có hiệu lực thi hành để được tiếp tục tổ chức đào tạo, cấp bằng, chứng chỉ cho người học theo quy định của Luật Giáo dục số 38/2005/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 44/2009/QH12, Luật Dạy nghề số 76/2006/QH11 và Luật Giáo dục đại học số 08/2012/QH13 cho đến khi kết thúc khóa học.
Ba là, Bộ GDĐT, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, ban hành văn bản quy định, quy chế tổ chức và hoạt động của lớp xóa mù chữ, lớp ngoại ngữ, lớp tin học, lớp dành cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn không có điều kiện đi học ở trường, lớp dành cho trẻ khuyết tật; trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trung tâm học tập cộng đồng, trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập, các trung tâm khác thực hiện nhiệm vụ giáo dục thường xuyên; quy định chi tiết về chương trình, sách giáo khoa, giáo trình, tài liệu giáo dục thường xuyên.
Bộ trưởng Bộ GDĐT, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, ban hành Thông tư quy định chi tiết điều kiện, trình tự, thủ tục, thẩm quyền công nhận văn bằng; cung cấp thông tin về CSGD đại học bảo đảm chất lượng được nước sở tại công nhận; khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông mà người học phải tích lũy để học trình độ cao đẳng.
Bộ GDĐT chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan để tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật Giáo dục với nội dung, hình thức phù hợp đến cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân hiểu rõ, thực hiện; tổ chức tập huấn nội dung quy định của Luật Giáo dục và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục cho cán bộ, công chức tại các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân các cấp và các cơ quan, tổ chức liên quan.
Bốn là, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, các cơ quan QLNN về giáo dục nghề nghiệp ở trung ương chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Giáo dục trình Chính phủ xem xét, ban hành về việc hợp tác quốc tế về giáo dục nghề nghiệp; quyền, trách nhiệm của doanh nghiệp trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp; thẩm quyền và nội dung QLNN về giáo dục nghề nghiệp; việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm pháp luật.
Tham mưu Chính phủ xem xét, ban hành văn bản hướng dẫn về các nội dung như: chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với tổ chức, cá nhân đóng góp, đầu tư xây dựng CSGD nghề nghiệp; thủ tục thành lập, sáp nhập, chia, tách hoặc cho phép thành lập, sáp nhập, chia, tách đối với CSGD nghề nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; chế độ chính sách đối với nhà giáo; chính sách đối với người học…
Năm là, thủ trưởng cơ quan QLNN về giáo dục nghề nghiệp ở trung ương ban hành văn bản với các nội dung như: danh mục trình độ trung cấp, cao đẳng đối với các ngành, nghề khó tuyển sinh nhưng xã hội có nhu cầu; điều kiện, yêu cầu đối với việc thành lập, sáp nhập, chia, tách hoặc cho phép thành lập, sáp nhập, chia, tách, giải thể CSGD nghề nghiệp; điều kiện, thẩm quyền, thủ tục cấp, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp hoặc giấy chứng nhận đăng ký bổ sung hoạt động giáo dục nghề nghiệp; thủ tục đình chỉ hoạt động giáo dục nghề nghiệp; điều kiện mở lớp đào tạo nghề của tổ chức, cá nhân mở lớp đào tạo nghề theo đặt hàng của Nhà nước; việc cấp giấy phép thành lập văn phòng đại diện của CSGD nghề nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam…
Chú thích:
1, 7. Điều 1 Luật Giáo dục năm 2019.
2, 5. Bộ Giáo dục và Đào tạo. Báo cáo tổng kết thi hành Luật Giáo dục năm 2015 và Luật Giáo dục sửa đổi, bổ sung năm 2009 (ban hành kèm theo Tờ trình số 123/TTr-CP ngày 11/4/2018 của Chính phủ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục).
3. UNDP. Báo cáo phát triển con người 2016: Chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam tăng từ 0,617 năm 2012 (xếp thứ 127/186 nước) lên 0,683 năm 2015 (xếp thứ 115/188 nước).
4. Seven out of 10 top school systems are in east asia pacific but more needs to be done world bank sayshttp://www.worldbank.org, ngày 15/3/2018.
6. Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11 2013 của Ban Chấp hành Trung ương “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.
8. Điều 1 Văn bản hợp nhất Luật Giáo dục nghề nghiệp số 18/VBHN-VPQH ngày 05/7/2019 của Văn phòng Quốc hội.
9. Bộ Giáo dục và Đào tạo. Công văn số 1247/BGDĐT-GDCTHSSV ngày 13 4/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc tăng cường công tác đảm bảo an toàn cho trẻ mầm non, học sinh, sinh viên trong quá trình học tập qua internet.
PGS.TS. Nguyễn Thị Ngọc Hoa
Học viện Báo chí và Tuyên truyền