Nâng cao dân trí là quốc sách hàng đầu trong thời kỳ hội nhập

Dân trí và mặt bằng dân trí cần phải được xem là quốc sách hàng đầu trong công cuộc phát triển kinh tế – xã hội. Dân trí có mở và nâng cao thì xã hội mới phát triển và tiến bộ, đặc biệt nước ta đang xây dựng và phát triển nền kinh tế tri thức, trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

 

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất xem trọng công tác giáo dục – đào tạo. Người đã chỉ rõ: “Nạn dốt là một trong những phương pháp độc ác mà bọn thực dân dùng để cai trị chúng ta… Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu. Vì vậy, tôi đề nghị mở một chiến dịch để chống nạn mù chữ”. Người đã nâng công tác xóa mù chữ lên thành cấp chiến dịch (cấp cao nhất trong tác chiến), điều đó đã cho ta thấy được vai trò của giáo dục – đào tạo đối với quá trình xây dựng và phát triển đất nước quan trọng như thế nào. Trình độ dân trí hay trình độ học vấn, kiến thức của toàn dân tộc, mặt bằng dân trí cần được ngày càng nâng cao để tạo ra lực đẩy trong tiến trình nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp vào năm 2020.

Nước ta đã có nhiều lần “cải cách giáo dục” kể từ sau ngày thống nhất đất nước như Nghị quyết 14 Trung ương khóa IV vào năm 1979, hay Nghị quyết TW2 khóa VIII vào năm 1996 về giáo dục – đào tạo. Trong những năm gần đây, quy mô giáo dục ở các bậc học, đặc biệt là bậc Đại học, tăng trưởng tương đối cao chứng tỏ mặt bằng dân trí ở nước ta đã và đang từng bước được mở rộng và nâng cao rõ rệt. Ở các tỉnh, thành phố lớn hiện nay của nước ta, phần lớn người dân đã đạt trình độ phổ cập Trung học cơ sở và một phần đã phổ cập Trung học phổ thông. Nhiều nơi vẫn cố gắng đẩy mạnh công tác “xóa mù chữ” cũng như tổ chức “giáo dục thường xuyên” cho người dân.

Hệ thống giáo dục – đào tạo ở nước ta chia thành nhiều cấp bậc: Tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, trung cấp nghề, cao đẳng – đại học, sau đại học. Trong các bậc giáo dục trên, chúng ta cần đặc biệt chú trọng vào cấp tiểu học do bởi giáo dục tiểu học giúp học sinh hình thành những cơ sở ban đầu, căn bản cho sự phát triển đúng đắn và lâu dài về văn – thể – mỹ nhằm giúp các cháu học tiếp lên các bậc học sau.

Giáo sư Hồ Ngọc Đại (con rễ của cố Tổng bí thư Lê Duẫn) là một nhà giáo, nhà khoa học lỗi lạc đã rất quan tâm đến giáo dục cấp Tiểu học. Ông quan niệm rằng trẻ em là những “Anh hùng thời đại”, phải lấy trẻ em là nguồn cội để cải cách giáo dục. Để minh chứng cho điều này, ông đã thành lập Trường thực nghiệm dành riêng cho cấp Tiểu học và được sự đồng thuận của nhiều giới.

Nâng cao dân trí rất quan trong đối với sự phát triển đất nước

Trở lại vấn đề nâng cao dân trí, sự cần thiết về nhu cầu nâng cao dân trí hiện nay rất cấp bách trong bối cảnh nước ta đang hội nhập sâu rộng, mạnh mẽ với các nền kinh tế lớn trên thế giới như: Mỹ, EU, Nhật, Trung Quốc,… Vì vậy, công cuộc “nâng cao dân trí” phải được nâng lên thành quốc sách bên cạnh quốc sách về kinh tế – xã hội do bởi nguồn nhân lực đóng vai trò rất quan trọng trong công cuộc phát triển kinh tế – xã hội của mọi quốc gia trên thế giới. Hơn nữa, giáo dục – đào tạo còn quyết định trực tiếp đến chất lượng nguồn nhân lực, trong đó có trình độ văn hóa và trình độ tay nghề. Muốn vai trò của nguồn nhân lực có trở nên tích cực và hiệu quả hay không thì nhân lực phải có trình độ học vấn lẫn trình độ tay nghề phù hợp với yêu cầu của từng ngành nghề trong việc phân công lao động thời kỳ mới, thời kỳ đang đi vào Công nghiệp hóa –Hiện đại hóa mà giáo dục – đào tạo vốn là động lực thiết yếu nhất.

Học vấn ở mọi trình độ càng cao thì sẽ càng có hiệu quả hơn trong tăng trưởng kinh tế, đem lại những kết quả cụ thể như: (1) Tạo ra một lực lượng lao động có năng suất hơn với sự gia tăng kỹ năng và tri thức; (2) Cung cấp nhiều việc làm trong ngành nghề đa dạng và phong phú; (3) Xây dựng một đội ngũ lãnh đạo chất lượng cao; (4) Học vấn càng cao thì hiệu quả quản lý càng cao. Con người trong bộ phận nguồn nhân lực phải có tri thức và kỹ năng nghề nghiệp thích hợp với từng vị trí, chức năng, nhiệm vụ trong quá trình phân công lao động của xã hội. Nếu nguồn nhân lực phát triển theo sự gia tăng dân số một cách không kiểm soát sẽ dẫn đến tình trạng thất nghiệp, nghèo đói, dốt nát, bệnh tật,… và hàng loạt tệ nạn xã hội kéo theo. Nghèo đói là do tác động của quy luật “dân số tăng theo cấp số nhân mà tri thức và lương thực tăng theo cấp số cộng”. Phần nhiều các quốc gia kém phát triển đều rơi vào tình trạng này. Do đó, nguồn nhân lực ở các quốc gia kém phát triển thường yếu kém về trình độ tay nghề, năng suất lao động rất thấp. Chỉ có tác động của giáo dục – đào tạo mới có thể làm cho nguồn nhân lực phát triển về mặt ‘chất”. Một khi “chất” tăng lên thì “lượng” sẽ cũng tăng lên, nghĩa là trình độ tay nghề, chuyên môn kỹ thuật tăng sẽ làm cho năng suất lao động tăng theo, tạo ra nhiều sản phẩm phục vụ xã hội,

Tóm lại, ánh sáng văn hóa đi theo ánh sáng giáo dục và chỉ có giáo dục mới làm thay đổi và nâng cao mặt bằng dân trí. Lao động chất xám, còn được gọi là “cổ cồn trắng”, lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật, tay nghề cao luôn là nhân tố quyết định cho công cuộc xây dựng và kiến thiết đất nước. Nhu cầu phát triển của một quốc gia có liên quan tới nhiều mặt, trong đó kinh tế – xã hội là yếu tố tiên quyết. Phát triển kinh tế trước hết phải nhờ vào nguồn nhân lực lớn mạnh trong lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất phù hợp. Trong các nguồn lực để phát triển đất nước nhanh, hiệu quả, bền vững và đúng định hướng thì nguồn lực con người là yếu tố cơ bản và quyết định. Phát triển kinh tế là nền tảng của phát triển xã hội và ngược lại, trong đó văn hóa là nhân tố cốt lỗi. Văn hóa – xã hội luôn đi với nhau và cùng phát triển theo quá trình phát triển kinh tế.