Nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục và xóa mù chữ ở Việt Nam

Trong những năm qua, Việt Nam đã đạt kết quả tích cực trong công tác phổ cập giáo dục và xóa mù chữ như: Hoàn thành phổ cập tiểu học; tất cả các tỉnh, thành phố đều đạt phổ cập trung học cơ sở, đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi. Từ những kết quả đạt được, Việt Nam được UNESCO đánh giá xếp thứ 64/127 nước về phát triển giáo dục. Tuy đạt kết quả tích cực nhưng những hạn chế về bất bình đẳng, khoảng cách giữa thành thị và nông thôn trong giáo dục đang là những rào cản đòi hỏi Việt Nam cần nâng cao hơn nữa công tác phổ cập giáo dục và xóa mù chữ trong thời gian tới.

 

Kết quả tích cực trong phổ cập giáo dục, xóa mù chữ

 

Để tiếp tục nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục và xóa mù chữ, Việt Nam đang tích cực hành động thiết thực với sự ủng hộ của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng từ phía người dân. Cụ thể, Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) đã ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; Chính phủ ban hành Nghị định số 20/2014/NĐ-CP, về thực hiện chính sách phổ cập giáo dục, xóa mù chữ trên địa bàn cả nước và Quyết định số 692/QĐ-TTg phê duyệt đề án “Xóa mù chữ đến năm 2020”. Đặc biệt, nhiều chính sách công bằng trong tiếp cận giáo dục đối với trẻ dân tộc thiểu số, trẻ ở vùng khó khăn, trẻ khuyết tật đã được ban hành như: Dự án giáo dục tiểu học cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn”. Tại các địa phương cũng đã thành lập Ban Chỉ đạo phổ cập giáo dục, xóa mù chữ ở cả 3 cấp (tỉnh, huyện, xã). Bên cạnh đó, công tác xã hội hóa, huy động các tổ chức chính trị – xã hội tích cực tham gia công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ cũng được các địa phương chú trọng thực hiện.
 

Nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục và xóa mù chữ ở Việt Nam

                                                 Ảnh minh họa (Internet)

 

       Kết quả sơ bộ Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 của Tổng cục Thống kê cho thấy, sau 20 năm, tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên biết đọc, biết viết tăng mạnh; phổ cập giáo dục tiểu học được thực hiện trên cả nước và ở tất cả các vùng, miền; tình trạng học sinh trong độ tuổi đi học không đến trường giảm mạnh; khoảng cách về giới trong giáo dục phổ thông gần như được xóa bỏ. Năm 2019, tỷ lệ đi học đúng tuổi của cấp tiểu học là 98,0%; THCS là 89,2%; THPT là 68,3%. Tỷ lệ biết chữ của dân số từ 15 tuổi trở lên đạt 95,8%, tăng 1,8 điểm phần trăm so với năm 2009. Chênh lệch về tỷ lệ biết chữ giữa khu vực thành thị và nông thôn dần được thu hẹp, với chênh lệch 4,0 điểm phần trăm, thấp hơn so với mức chênh lệch 4,7 điểm phần trăm năm 2009. Đồng bằng sông Hồng là vùng có tỷ lệ biết chữ cao nhất (98,9%). Trung du và miền núi phía Bắc có tỷ lệ biết chữ thấp nhất (89,9%), đây cũng là vùng có sự chênh lệch về tỷ lệ biết chữ giữa thành thị và nông thôn cao nhất cả nước (10,1 điểm phần trăm), trong khi mức chênh lệch này ở các vùng còn lại chỉ dưới 3,0 điểm phần trăm.

 

Trong giai đoạn 2013-2018, trung bình mỗi năm cả nước huy động được khoảng 30.000 người mù chữ từ 15-60 tuổi tham gia học các lớp xóa mù chữ (từ lớp 1 đến lớp 3); huy động được 25.000 người đã được công nhận biết chữ (học hết lớp 3) và những người đang học dở lớp 4, lớp 5 tham gia các lớp học giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ (từ lớp 4 đến lớp 5). Ngoài ra, tại các trung tâm học tập cộng đồng, mỗi năm có khoảng 18 triệu lượt người tham gia vào các lớp chuyên đề bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng để duy trì, củng cố kết quả xóa mù chữ.

 

Chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học được giữ vững và nâng cao, 63/63 tỉnh, thành phố đều đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2, trong đó 14 tỉnh, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3. Chất lượng phổ cập giáo dục trung học cơ sở được duy trì bền vững, 63/63 tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 1, trong đó một số tỉnh đạt chuẩn THCS mức độ 2 và 3. Việc dạy và học 8 thứ tiếng dân tộc thiểu số (Mông, Chăm, Khmer, Gia Rai, Ba Na, Ê Đê, M’Nông, Thái) tiếp tục được quan tâm triển khai tại 23 tỉnh, thành phố có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.

 

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phổ cập giáo dục và xóa mù chữ vẫn tồn tại những hạn chế nhất định như: Sự bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục, còn tồn tại khoảng cách về chất lượng giáo dục giữa thành thị và nông thôn, vùng dân tộc thiểu số; nhận thức của người dân về công tác phổ cập giáo dục và xóa mù chữ còn hạn chế, chưa thấy rõ được vai trò và lợi ích của việc biết chữ đối với cuộc sống của cá nhân và sự phát triển chung của cộng đồng; công tác điều tra cơ bản số người mù chữ hàng năm của các địa phương chưa được coi trọng; việc vận động người dân tham gia lớp học xóa mù chữ và duy trì sĩ số không được quan tâm đúng mức; đồng bào dân tộc thiểu số sau khi biết chữ không có hoặc có ít cơ hội sử dụng tiếng Việt nên rất dễ tái mù chữ…

 

Giải pháp nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục và xóa mù chữ

 

Để nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục và xóa mù chữ trong thời gian tới, ngành giáo dục cần tập trung vào các giải pháp như:

 

Một là, củng cố, kiện toàn và nâng cao năng lực hoạt động của Ban chỉ đạo phổ cập giáo dục – chống mù chữ của địa phương, phối hợp chặt chẽ giữa ngành giáo dục với các ngành, các tổ chức có liên quan trong công tác chống mù chữ; Tăng cường công tác điều tra, có kế hoạch cụ thể xóa mù chữ cho từng đơn vị cấp huyện, xã; phân công cán bộ chủ chốt của các xã, thôn, bản vận động từng người mù chữ ra lớp học.

 

Hai là, tổ chức các lớp học xóa mù chữ phù hợp với tập quán sinh hoạt của đồng bào dân tộc thiểu số, phù hợp với người khiếm thị, khiếm thính; Phát huy vai trò của các già làng, trưởng bản, dòng họ trong việc vận động người mù chữ ra lớp học; Tăng cường giáo viên chuyên trách xóa mù chữ cho các xã có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn; Tổ chức bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, giáo viên trong và ngoài ngành giáo dục tham gia dạy xóa mù chữ.

 

Ba là, đổi mới Chương trình xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ phù hợp với chương trình phổ thông; Hướng dẫn thực hiện chương trình phù hợp với các vùng miền, các nhóm đối tượng; Biên soạn các tài liệu hướng dẫn dạy và học xóa mù chữ phù hợp với nhóm đối tượng người học như: Người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, nhóm dân cư vùng sông nước.

 

Bốn là, tăng cường tổ chức các lớp học chuyên đề về y tế, văn hóa, kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt… tại các trung tâm học tập cộng đồng nhằm củng cố kết quả biết chữ, hạn chế mù chữ trở lại (tái mù chữ); Tăng cường hoạt động của các thư viện xã, tổ chức mô hình thư viện di động để phục vụ người dân ở các vùng sâu, vùng xa; Tổ chức các lớp học nghề truyền thống, nghề ngắn hạn cho những người mới biết chữ.

 

Năm là, tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về tầm quan trọng của việc biết chữ đối với sự phát triển của cá nhân, gia đình và cộng đồng; Gắn kết tuyên truyền chống mù chữ với việc xây dựng xã hội học tập và các phong trào thi đua của địa phương; Tổ chức tuyên dương, khen thưởng các tập thể và cá nhân có nhiều thành tích trong công tác chống mù chữ.

 

Sáu là, tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế về công tác chống mù chữ, tiếp thu có chọn lọc các phương pháp xóa mù chữ hiện đại; Tham gia hội thảo, nghiên cứu học tập kinh nghiệm về công tác chống mù chữ tại một số nước có nhiều kinh nghiệm./.

 

Minh Đạt