Nâng cao chất lượng dịch vụ y tế cho người dân theo hướng công bằng, chất lượng, hiệu quả
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nhấn mạnh, đây là dự án Luật rất quan trọng, có phạm vi ảnh hưởng lớn, tác động đến tất cả người dân trên đất nước Việt Nam – Ảnh: VGP/ĐH
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan khẳng định, đây là một dự án luật rất quan trọng, góp phần giúp ngành y tiếp tục làm tốt nhiệm vụ chăm sóc và nâng cao chăm sóc sức khỏe của nhân dân.
Trong quá trình nghiên cứu, xây dựng và soạn thảo dự án Luật, cơ quan soạn thảo đã luôn phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội. Đặc biệt, trong thời gian vừa qua, sau khi xin ý kiến của đại biểu tại kỳ họp thứ 3, cơ quan soạn thảo đã phối hợp rất chặt chẽ cùng với Ủy ban Xã hội của Quốc hội tổ chức rất nhiều các hội nghị để lắng nghe ý kiến nhiều chiều và tiếp thu những ý kiến của các vị đại biểu, cũng như các chuyên gia trên lĩnh vực này để làm sao những nội dung được tiếp thu một cách đầy đủ và toàn diện nhất, ở mức cao nhất để hoàn thiện dự án Luật.
“Về những vấn đề cụ thể, nội dung góp ý của các vị đại biểu Quốc hội ngày hôm nay, tôi thấy rất chất lượng, đi đúng vào những vấn đề thực tiễn hiện nay đang mong muốn và đòi hỏi. Chúng tôi xin phép được tiếp thu tối đa những nội dung mà các vị đại biểu đã có ý kiến để hoàn thiện dự án luật này với một tinh thần quyết tâm cao nhất”, bà Đào Hồng Lan phát biểu.
Liên quan đến ý kiến của đại biểu về vai trò, trách nhiệm và đặc biệt là thẩm quyền của Hội đồng Y khoa quốc gia, bà Đào Hồng Lan cho biết, cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật xin tiếp thu để cụ thể hóa hơn vai trò, trách nhiệm của Hội đồng Y khoa trong dự luật.
Về việc sử dụng ngôn ngữ trong khám bệnh, chữa bệnh, đây cũng là một nội dung mà ngay từ kỳ họp thứ 3, cũng như kỳ họp này sẽ có rất nhiều đại biểu quan tâm. Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 3, dự án Luật đã có báo cáo giải trình thêm về vấn đề này.
Về cơ chế tài chính, có thể nói, đây là một nội dung được rất nhiều đại biểu quan tâm. Thực tế, đây cũng là những điểm còn khó khăn, vướng mắc của ngành y tế trong thời gian vừa qua. Chính vì vậy, cơ quan soạn thảo dự án Luật xin được tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội trên cơ sở rà soát lại những nội dung mà các pháp luật chuyên ngành đã có, ví dụ liên quan đến các luật về đầu tư, Luật Doanh nghiệp, liên quan đến Luật Đấu thầu, Luật PPP, Luật Giá,…
Đề cập đến vấn đề cơ chế tài chính của ngành y, cũng như các vấn đề hiện nay đang còn nhiều ý kiến, ví dụ như vấn đề về xã hội hóa, hợp tác công tư… bà Đào Hồng Lan cho rằng, phải tiếp tục nghiên cứu, rà soát, chỉnh sửa một cách tổng thể nhất để làm sao cụ thể hóa trong nội dung dự án Luật này.
“Chúng tôi nghĩ, đây là một nội dung rất quan trọng và nếu xử lý được, thì những vấn đề để định hướng cho việc xây dựng một hệ thống y tế bền vững, kể cả về mặt tài chính cũng như về mặt chuyên môn, trong thời gian tới mới được giải quyết một cách căn cơ và bài bản”, bà Đào Hồng Lan phát biểu.
Về giá khám bệnh, chữa bệnh, đây là một nội dung hết sức quan trọng, do đó cần đưa ra được những định hướng phù hợp, để cùng với các luật khác tạo ra hệ thống hành lang pháp lý đồng bộ, từ đó có những quy định liên quan đến giá khám bệnh, chữa bệnh.
“Chúng tôi xin tiếp thu đầy đủ ý kiến của các vị đại biểu liên quan đến nội dung về giá khám bệnh, chữa bệnh để làm sao có những đánh giá và thể hiện một cách cụ thể nhất trong dự án Luật này”, bà Đào Hồng Lan khẳng định
Nhấn mạnh, đây là một dự án Luật rất quan trọng, có phạm vi ảnh hưởng lớn, tác động đến tất cả người dân trên đất nước Việt Nam, bà Đào Hồng Lan cho rằng, việc cụ thể hóa chủ trương, đường lối Đảng liên quan đến định hướng phát triển của ngành y tế, cũng như việc giải quyết được những khó khăn, bất cập, hạn chế của ngành y trong thời điểm này có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần đạt được mục đích nâng cao được chất lượng dịch vụ y tế cho người dân theo hướng công bằng, chất lượng, hiệu quả và đảm bảo hội nhập quốc tế.
Nguyễn Hoàng