Nâng cao chất lượng dạy – học môn Triết học Mác – Lênin ở Đại học, Cao đẳng

1. Đặt vấn đề

Thực tiễn hoạt động dạy học môn Triết học Mác-Lênin ở Việt Nam trong những năm qua đã đạt được nhiều thành tích to lớn, góp phần đào tạo đội ngũ trí thức trẻ, kiên định vững vàng, có đủ khả năng, năng lực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, song cũng còn bộc lộ không ít hạn chế trước sự phát triển của khoa học, công nghệ hiện đại đang tạo ra những điều kiện hết sức thuận lợi cho hoạt động giáo dục, đào tạo chất lượng cao, trong khi đó, sử dụng phương pháp dạy học của chúng ta còn nhiều điều bất cập, chưa tạo được động lực, hứng thú của người dạy và người học. Vì vậy, đổi mới phương pháp dạy học Triết học Mác-Lênin góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả giáo dục, đào tạo là một yêu cầu cấp thiết.

Chất lượng giảng dạy Triết học Mác-Lênin ở đại học, cao đẳng phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó phụ thuộc chủ yếu vào bốn yếu tố sau: đặc trưng của Triết học Mác-Lênin; trình độ và năng lực của giảng viên (GV); khả năng tiếp nhận và xử lý thông tin (tri thức triết học) của sinh viên (SV) và chất lượng giáo trình, tài liệu tham khảo.

2. Một số yếu tố tác động trực tiếp đến chất lượng giảng dạy, học tập môn Triết học Mác-Lênin

Triết học Mác-Lênin bắt nguồn từ “cây trí tuệ” của nhân loại, đồng hành phát triển cùng trí tuệ của nhân loại và trở thành tinh hoa tri thức của thời đại. Do đó, nó không phải là “giấc mơ huyền thoại”, “tín điều tôn giáo”, “khoa học thực nghiệm”; mà chính là hệ thống tri thức lý luận (khoa học luận) phản ánh chân thực thế giới khách quan (giới tự nhiên, đời sống xã hội và con người) dưới dạng các nguyên lý, khái niệm, phạm trù, quy luật được gắn kết hữu cơ với nhau bằng logic khoa học. Do đó, Triết học Mác-Lênin mang tính hàn lâm, tính trừu tượng và khái quát hóa cao.

Với tư cách là hệ thống tri thức khoa học phản ánh chân thực thế giới khách quan, Triết học Mác-Lênin có các chức năng quan trọng: 1/ Chức năng thế giới quan: trang bị cho người học thế giới quan duy vật biện chứng làm cơ sở cho việc hình thành, phát triển, hoàn thiện nhân cách con người và mở ra phương hướng cho toàn bộ hoạt động nhận thức và hoạt động thực tiễn của con người; 2/ Chức năng phương pháp luận biện chứng duy vật chỉ đạo việc hình thành các phương pháp hoạt động nhận thức và hoạt động thực tiễn của con người. Ngoài hai chức năng cơ bản trên, Triết học Mác-Lênin còn có chức năng phê phán, chức năng dự báo khoa học…

Triết học Mác-Lênin ra đời không chỉ dựa trên những tiền đề lý luận (những thành tựu khoa học tự nhiên, tinh hoa văn hóa nhân loại, nhất là tinh hoa của triết học cổ điển Đức), mà còn dựa trên đời sống thực tiễn của nhân loại. Cụ thể là sự phát triển của nền đại công nghiệp tư bản chủ nghĩa gắn với giai cấp tư sản (mang bản chất bóc lột và chạy theo lợi nhuận) và giai cấp công nhân công nghiệp (mang bản chất cách mạng, là lực lượng sản xuất hàng đầu của nhân loại, đại diện cho phương thức sản xuất mới, nhưng đang bị áp bức, bóc lột…). Nói một cách ngắn gọn, Triết học Mác-Lênin luôn bám sát, phản ánh đời sống thực tiễn của nhân loại và mang hơi thở của thời đại.

Triết học Mác-Lênin được đưa vào giảng dạy cho SV hiện nay bao gồm các phần chính là: Chủ nghĩa duy vật biện chứng, phép biện chứng duy vật và chủ nghĩa duy vật lịch sử, với mục tiêu là SV phải nắm vững những kiến thức cơ bản về các nội dung này. Cụ thể, trong chủ nghĩa duy vật biện chứng, SV cần nắm được những nội dung cơ bản của quan điểm duy vật biện chứng về vật chất, ý thức và mối quan hệ giữa vật chất và ý thức. Trong phép biện chứng duy vật, SV cần nắm được những nội dung cơ bản, duy vật biện chứng về các nguyên lí, quy luật, các cặp phạm trù, lí luận nhận thức duy vật biện chứng. Trong chủ nghĩa duy vật lịch sử, SV cần nắm được những nội dung cơ bản về vai trò của sản xuất vật chất và quy luật quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất; biện chứng giữa cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng; mối quan hệ giữa tồn tại xã hội và ý thức xã hội; về cấu trúc và vai trò của hình thái kinh tế – xã hội; đấu tranh giai cấp và vai trò của đấu tranh giai cấp đối với sự vận động, phát triển của xã hội; về con người và vai trò sáng tạo lịch sử của quần chúng nhân dân,… [6].

Vì vậy, khi giảng Triết học Mác-Lênin, GV phải thấu hiểu và thể hiện những đặc trưng trên của Triết học Mác-Lênin thông qua từng bài giảng với mỗi khái niệm, phạm trù, nguyên lý, quy luật của nó. Hiện nay, chúng ta đổi mới, nâng cao chất lượng giảng dạy Triết học Mác-Lênin cần phải quán triệt những đặc trưng của nó để tìm ra hình thức và phương pháp đổi mới thích hợp.

2.1. Trình độ và năng lực của GV

Trình độ của GV thể hiện ở sự hiểu biết về triết học Mác-Lênin, về lịch sử triết học nhân loại, về những lĩnh vực khoa học liên ngành, về con người và đời sống thực tiễn của đất nước và thế giới, nhất là thực tiễn đổi mới và hội nhập quốc tế của chúng ta hiện nay.

Năng lực của GV là tổng hợp tri thức kết hợp với kinh nghiệm, phương pháp, kỹ năng được thể hiện thông qua cách thức, phương pháp tổ chức, giảng dạy và huấn luyện SV nhằm đạt được mục tiêu đề ra. Năng lực GV còn thể hiện ở năng lực quản lý, kiểm soát quá trình giảng dạy và học tập, đánh giá một cách đúng đắn, khách quan kết quả giảng dạy, học tập, đồng thời rút ra những bài học kinh nghiệm hữu ích.

Hiện nay, trong các trường đại học, cao đẳng, đa số GV giảng dạy các môn Lý luận chính trị (trong đó có GV Triết học) đã có học vị Thạc sĩ trở lên và ở độ tuổi trẻ. Số GV trẻ có ưu điểm là sức trẻ, nhiệt tình, năng động, sáng tạo, ham học hỏi, chuyên môn khá, song lại có hạn chế là thiếu trải nghiệm, thiếu kiến thức xã hội và thực tế, thiếu cả kinh nghiệm, phương pháp và kỹ năng giảng dạy. Nói một cách ngắn gọn là năng lực còn nhiều hạn chế. Số GV lớn tuổi có ưu thế là trình độ chuyên môn vững, năng lực khá, từng trải, có phương pháp, kinh nghiệm và kỹ năng giảng dạy nhưng sức khỏe giảm, ngoại ngữ hạn chế…Những điều trình bày ở trên có ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng giảng dạy, học tập môn Triết học Mác- Lênin. Vì vậy, đổi mới giảng dạy, học tập môn Triết học Mác-Lênin không thể không tính toán kỹ đến các yếu tố trên.

2.2. Khả năng tiếp nhận và xử lý thông tin (tri thức triết học) của SV

Trong quá trình học tập ở giảng đường đại học, việc học tập của SV được thể hiện bằng chính quá trình hoạt động, rèn luyện và nỗ lực của bản thân, đó chính là con đường tạo ra tri thức bền vững. Khối lượng kiến thức ở bậc đại học là rất lớn, phương pháp giảng dạy và môi trường học tập cũng khác rất nhiều so với bậc học ở phổ thông. Do vậy, SV cần có một phương pháp học tập mới phù hợp để có thể lĩnh hội kiến thức một cách hiệu quả. Để quá trình học tập của SV đạt hiệu quả cao thì yếu tố tự giác và chủ động của các em trong học tập có một vai trò rất quan trọng. Do ở bậc đại học, GV chỉ đóng vai trò là người tổ chức, hướng dẫn những tài liệu, nội dung trọng tâm, cơ bản của môn học và giải đáp những thắc mắc cho người học, nên cách học của SV chủ yếu là tự học và học theo nhóm. Để quá trình học tập ở bậc đại học nói chung và học tập môn Triết học Mác-Lênin nói riêng đạt hiệu quả cao thì theo chúng tôi, SV cần có một phương pháp học tập khoa học ở tất cả các khâu: từ nghe giảng, ghi chép, làm bài và quá trình tự học. Bên cạnh đó, SV cần có giáo trình, ghi chép bài đầy đủ, cần ghi được những nội dung chính và lắng nghe để hiểu đúng tinh thần, bản chất của vấn đề, đặc biệt nắm được phần ý nghĩa phương pháp luận và các ví dụ trong thực tiễn mà GV đã nêu. Trong quá trình tự học ở nhà, SV cần đọc lại giáo trình để hiểu rõ các thuật ngữ, khái niệm, phạm trù, nguyên lí, quy luật, tiếp đến là đọc các tài liệu tham khảo có liên quan, đối chiếu, liên hệ với thực tiễn để bổ sung các kiến thức thành một nội dung hoàn chỉnh. Để có kiến thức sâu rộng và nhớ lâu, SV không những cần lắng nghe bài giảng của GV, sử dụng các phương tiện hỗ trợ học tập, mà còn cần tích cực tham gia trao đổi, thảo luận cùng với bạn trong nhóm, trong lớp. Để làm được điều này, mỗi SV cần có thái độ học nghiêm túc, cầu thị,… không ngừng cố gắng trong học tập. Phương pháp học tập ở đại học của SV chủ yếu là tự học. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến kết quả tự học của SV chưa cao, trong đó có một nguyên nhân cơ bản là do SV không xây dựng được phương pháp tự học phù hợp. Tự học là quá trình nhận thức của cá nhân người học nhằm chiếm lĩnh tri thức ở một lĩnh vực nào đó, thực chất đây là quá trình cá nhân tự tư duy trên cơ sở phát huy năng lực đã có của mình để đạt được mục tiêu trong học tập và nghiên cứu. Điều đó thể hiện trình độ học vấn, khả năng tư duy, ý chí vượt khó và điều kiện học tập của SV. Trong thực tế, đa số SV có “nền” học vấn phổ thông chưa hoàn thiện, khả năng tư duy còn nhiều hạn chế, thiếu ý chí vượt khó trong học tập và điều kiện sống, sinh hoạt gặp rất nhiều khó khăn. Những điều đó tác động, làm hạn chế đến khả năng học tập của SV.

2.3. Tài liệu học tập cho SV

Sách giáo khoa và giáo trình Triết học Mác-Lênin có vai trò quan trọng, tác động trực tiếp đến chất lượng giảng dạy, học tập Triết học Mác-Lênin. Từ năm 2008 đến nay, môn Triết học Mác-Lênin được “lắp ghép” chung với môn Kinh tế chính trị Mác-Lênin và Chủ nghĩa xã hội khoa học thành môn “Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin”. “Việc “ghép” ba môn học trước đây thành một môn không chỉ tạo ra sự hiểu lầm về việc xóa bỏ một số bộ môn khoa học (Kinh tế chính trị Mác-Lênin, Chủ nghĩa xã hội khoa học) mà còn tạo ra sự hoài nghi về nền tảng tư tưởng của Đảng và trên thực tế trong hệ thống giáo dục quốc dân một số môn này dần bị bỏ. Đối với các môn Chính trị còn lại, chiêu sinh rất khó khăn…Việc phân công GV được đào tạo từng chuyên ngành trong 3 môn trước đây phải đảm nhiệm dạy môn “Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin” làm cho chất lượng bài giảng giảm sút, người giảng e ngại, không tự tin…” [2, tr. 2].

Như vậy, việc đổi mới, nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập Triết học Mác-Lênin ở đại học, cao đẳng cần phải được khảo sát tỉ mỉ, chuẩn bị chu đáo cả về chương trình, nội dung, phương pháp, đội ngũ GV, SV và giáo trình và cả lộ trình triển khai thực hiện một cách khoa học.

3. Một số giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập Triết học Mác-Lênin

3.1. Phát triển và hoàn thiện đội ngũ GV Triết học 

Phát triển và hoàn thiện đội ngũ GV Triết học cả về tri thức, bản lĩnh chính trị, đạo đức, năng lực giảng dạy và nghiên cứu. Trong điều kiện hiện nay, khi cách mạng khoa học – công nghệ phát triển như vũ bão, toàn cầu hóa mang tính hai mặt đang tác động đến tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội trên phạm vi toàn cầu, tình hình kinh tế, chính trị trên thế giới luôn thay đổi và có diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là khi các thế lực thù địch vẫn tăng cường thực hiện “diễn biến hòa bình” đối với nước ta, đòi hỏi GV Triết học phải có hiểu biết thấu đáo về tri thức Triết học Mác-Lênin, Lịch sử triết học, Kinh tế chính trị Mác-Lênin, Chủ nghĩa xã hội khoa học, Tư tưởng Hồ Chí Minh, Đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam và có hiểu biết rộng về tri thức khoa học liên ngành, nhất là tri thức hiện đại (về đặc điểm mới của thời đại, toàn cầu hóa, cách mạng khoa học – công nghệ, kinh tế tri thức, phát triển bền vững, những vấn đề toàn cầu, biến đổi khí hậu…). Đồng thời, phải hiểu sâu sắc về thực tiễn cách mạng Việt Nam, nhất là thực tiễn đổi mới và hội nhập quốc tế. Những tri thức khoa học nói trên phải được thâm nhập và hòa quyện vào bản lĩnh chính trị, đạo đức cách mạng của người GV tạo nên một nhà khoa học, một nhà giáo và chuyên gia về công tác tư tưởng.

3.2. Đổi mới nội dung giảng dạy Triết học Mác-Lênin cho đối tượng là SV các ngành khoa học (không chuyên Triết học)

 Với đối tượng này, GV không cần thiết phải dạy tất cả các nội dung phong phú của Triết học Mác-Lênin và Lịch sử triết học. Điều quan trọng là phải chắt lọc những giá trị cơ bản nhất của Triết học Mác-Lênin và Lịch sử triết học để giảng dạy, giúp SV hình thành được thế giới quan khoa học duy vật biện chứng, phương pháp luận khoa học biện chứng duy vật, nhân sinh quan cách mạng…  Trên cơ sở đó, SV có thể tự học tập, rèn luyện, phát triển và hoàn thiện nhân cách để trở thành những công dân có ích cho xã hội.

3.3. Đổi mới phương pháp giảng dạy

 Phương pháp giảng dạy không tự nhiên mà có, cũng không phải do con người tư biện nghĩ ra để áp dụng vào giảng dạy. Một phương pháp giảng dạy khoa học, trước hết bắt nguồn từ nội dung Triết học Mác-Lênin với thế giới quan và phương pháp luận của nó, từ mục tiêu của giáo dục, đào tạo, từ khả năng tiếp thu, xử lý thông tin và từ thực tiễn xã hội. Trên cơ sở đó, GV hình thành các phương pháp giảng dạy. Hiện nay, đổi mới phương pháp giảng dạy là phải tổng kết tất cả những giá trị, ưu điểm của những phương pháp đã có. Trên cơ sở đó, sử dụng và phát huy mặt tích cực của nó, đồng thời có thể sáng tạo ra phương pháp mới. Cụ thể, tăng cường sử dụng các phương pháp dạy học tích cực trong giảng dạy môn Triết học Mác-Lênin. Phát huy tính tích cực, chủ động của SV là tăng cường vai trò làm chủ, tính tự giác, sáng tạo của các em trong giờ học. Đổi mới phương pháp giảng dạy các khái niệm trong hệ thống Triết học Mác-Lênin. Trước hết, GV cần đổi mới nhận thức về vị trí, vai trò của khái niệm triết học; cần xem nó như là những đơn vị kiến thức cơ bản, đóng vai trò cấu thành nên môn học. V.I.Lênin cho rằng, các khái niệm là “điểm nút của mạng lưới nhận thức” [7, tr. 270]. Để giảng dạy các khái niệm về Triết học Mác-Lênin một cách sinh động và hiệu quả đòi hỏi GV cần đổi mới phương pháp phân tích nội dung khái niệm, chuyển từ cách giảng dạy siêu hình, đóng kín sang xét khái niệm nào đó trong mối quan hệ với các khái niệm khác. Kết hợp giữa nhiều phương pháp giảng dạy. Bởi phương pháp là cách thức, con đường để đạt được nội dung dạy học. Mỗi phương pháp đều có ưu, nhược điểm nhất định nên GV cần linh hoạt trong quá trình giảng dạy… Mặc dù vậy, cũng cần lưu ý rằng, dù đổi mới phương pháp giảng dạy thế nào đi nữa, thì phương pháp giảng dạy “thuyết trình khoa học” vẫn là phương pháp thích hợp với giảng dạy Triết học Mác-Lênin. Bởi lẽ, “thuyết trình khoa học” là: nêu vấn đề, phân tích vấn đề (tìm ra mối liên hệ, mặt đối lập, mâu thuẫn của sự vật), chắt lọc những giá trị, tinh hoa, đối chiếu, so sánh với khoa học và thực tiễn để khẳng định chân lý, đồng thời từ chân lý triết học này mà phê phán những quan điểm đối lập, sai trái hoặc những “khập khiễng” trong thực tiễn. Đó là “thuyết trình khoa học”, trong đó, đưa tư duy của GV và SV đi từ cái cụ thể (trong thực tiễn) đến cái trừu tượng và từ cái trừu tượng đến cái cụ thể (trong tư duy, tức khám phá ra chân lý). Đó cũng là quá trình đưa tư duy của GV và SV đi từ hiện tượng khám phá ra bản chất, từ bàn chất cấp một (vượt bỏ mâu thuẫn) đến bản chất cấp hai…và mãi xâm nhập vào thế giới vật chất vô cùng vô tận. Thuyết trình khoa học như vậy không thể là khô khan và lỗi thời được. Bởi lẽ, nó đưa chúng ta đến cánh rừng có những cây cổ thụ quý hiếm, tràn ngập những hoa thơm, cỏ lạ…Và, tất cả những cái đó kích thích trí tò mò và thúc đẩy tư duy sáng tạo của SV.

4. Kết luận

Như vậy, để nâng cao chất lượng dạy – học môn Triết học Mác-Lênin hiện nay, phương pháp dạy học bộ môn giữ vai trò rất quan trọng. Bởi lẽ, phương pháp dạy – học đó là cách thứ là cách tổ chức nội dung của quá trình dạy học. Thực tiễn dạy học cho thấy, sử dụng phương pháp dạy học khoa học cho phép tiết kiệm được thời gian rất nhiều để truyền tải và tiếp thu, lĩnh hội tri thức khoa học của người dạy và người học.

Nâng cao chất lượng đào tạo trí thức trẻ đó là kết quả tổng hợp của hoạt động giáo dục, đào tạo của các bộ môn khoa học cơ bản, khoa học cơ sở và khoa học xã hội…, trong đó, kiến thức của bộ môn Triết học Mác-Lênin có vai trò to lớn và trực tiếp. Đây là hạt nhân hình thành thế giới quan khoa học, là cơ sở phương pháp luận cho việc tiếp thu các kiến thức khoa học, góp phần hoàn thiện mục tiêu, yêu cầu đào tạo và nhân cách người trí thức trong giai đoạn mới.

_____________

Tài liệu tham khảo

1. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tài liệu hướng dẫn giảng dạy, học tập các môn Khoa học Mác-Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh, Hà Nội, 2007.

2. Đặng Vũ Hoạt, Lý luận dạy học đại học, NXB Đại học Sư phạm, Hà Nội, 2006.

3. Võ Văn Thắng, Vai trò của giáo dục đại học trong sự phát triển kinh tế – xã hội, NXB Nông nghiệp, Hà Nội, 2014.

4. Lê Đức Quảng, Phương pháp và tư liệu giảng dạy môn Giáo dục công dân, NXB Giáo dục, Hà Nội, 1998.

5. Phạm Minh Phượng, “Về việc giảng dạy môn Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lê nin ở các trường đại học khối không chuyên ngành Mác-Lênin”, Tạp chí Tuyên Giáo, số 4 tháng 11/2011.

6. Phạm Văn Sinh, Phạm Quang Phan, Giáo trình Những nguyên lí cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin. NXB Chính trị Quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2012.

7. V.I.Lênin, Bút kí triết học, NXB Chính trị Quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 1977.