Nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ em

STO – Trẻ em là niềm hy vọng của gia đình và là tương lai của xã hội. Trẻ được chăm sóc, giáo dục tốt sẽ trở thành người con ngoan của gia đình, của xã hội. Trong những năm qua, tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên Trường Mầm non Tuân Tức (Thạnh Trị) luôn quan tâm nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ để những “búp măng non” phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần.

Trường được quan tâm đầu tư cơ sở vật chất mới, với kinh phí trên 14 tỉ đồng. Ảnh: H.NHƯ  

Ở lứa tuổi này trẻ luôn tò mò, hoạt động nhiều, ham học hỏi, khả năng tiếp thu kiến thức mới thông qua việc phát triển ngôn ngữ và tư duy logic phát triển nhanh, đòi hỏi người giáo viên phải linh hoạt sáng tạo khi tổ chức các hoạt động cho trẻ và để trẻ được chăm sóc, giáo dục cần phải có sự nỗ lực phấn đấu, quyết tâm cao của đội ngũ cán bộ, giáo viên và nhân viên nhà trường. Đối với Trường Mầm non Tuân Tức, một trong những giải pháp được nhà trường thực hiện để nâng cao công tác chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng trẻ là tích cực đẩy mạnh phong trào thi đua “dạy tốt, học tốt” và xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện gắn với các cuộc vận động do ngành giáo dục phát động. Đồng thời, đổi mới cách thức quản lý, thực hiện kỷ cương nề nếp trong dạy học và chăm sóc trẻ.

Ban Giám hiệu nhà trường luôn xác định, chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên là khâu then chốt, tạo nên chất lượng giáo dục. Vì vậy nhà trường thường xuyên quan tâm nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, hiện nay trường có 100% cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đạt trình độ chuẩn, 100% giáo viên đạt trình độ trên chuẩn đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục mầm non. Hàng năm, nhà trường luôn tạo điều kiện cho giáo viên được học bồi dưỡng nâng cao trình độ, tổ chức tập huấn các chuyên đề, thường xuyên tổ chức sinh hoạt chuyên môn trao đổi kinh nghiệm, khuyến khích giáo viên tham gia các hội thi, hội giảng do nhà trường và phòng giáo dục phát động. Qua đó tạo động lực cho đội ngũ giáo viên hăng say, toàn tâm cho công tác chăm sóc, giáo dục trẻ. 

Giáo viên ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học. Ảnh: H.NHƯ

Nhà trường còn quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, giáo viên, sắp xếp công việc phù hợp với năng lực trình độ chuyên môn để giáo viên phát huy hết khả năng, tâm huyết với công việc. Tổ chức đánh giá kết quả đúng quy trình, biểu dương khen thưởng kịp thời, tạo động lực khuyến khích cán bộ, giáo viên nỗ lực hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Hiện 100% giáo viên đều soạn bài trên máy vi tính và ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ. Bên cạnh đó, đội ngũ giáo viên hăng hái thi đua dạy tốt, có nhiều giáo viên dạy giỏi như: 18 giáo viên đạt dạy giỏi cấp trường, 7 giáo viên dạy giỏi cấp huyện và 1 giáo viên đạt dạy giỏi cấp tỉnh. Ngoài ra, nhiều giáo viên có sáng kiến kinh nghiệm trong làm đồ dùng đồ chơi, tổ chức các hoạt động ngoài trời, giáo dục trẻ vận động bằng phương pháp mới. Cùng với đó, nhà trường luôn chú trọng và làm tốt công tác tham mưu, xã hội hóa giáo dục, huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường, lớp khang trang, đáp ứng yêu cầu dạy và học của con em ở địa phương.

Đặc biệt, để nâng cao chất lượng chăm sóc trẻ, nhà trường luôn chú trọng khâu nề nếp, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và làm tốt công tác nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho trẻ thể hiện qua việc khám sức khỏe định kỳ 2 lần/năm và theo dõi sức khỏe bằng biểu đồ tăng trưởng được nhân viên y tế cân, đo định kỳ theo quý và được treo trước phòng học để phụ huynh theo dõi và cùng phối hợp với giáo viên chủ nhiệm, y tế trường học đối với những cháu suy dinh dưỡng.

Hoạt động học tập của cô và trò Trường Mầm non Tuân Tức. Ảnh: H.NHƯ

Với địa bàn xã vùng sâu, tỷ lệ học sinh là đồng bào Khmer chiếm trên 70% học sinh toàn trường, điều kiện đi lại khó khăn, đa số học sinh là con em lao động sống chủ yếu bằng nghề nông nên ngay từ đầu năm học, lãnh đạo nhà trường đã chỉ đạo giáo viên thống kê và quan tâm tới trẻ thuộc diện có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách, trẻ khuyết tật để huy động các nguồn lực hỗ trợ cho các em; còn đối với trẻ chậm phát triển, nhà trường theo dõi, đánh giá thường xuyên sự phát triển của trẻ để có kế hoạch hướng dẫn hoạt động phù hợp với từng cá nhân trẻ và phát hiện sớm những trẻ có biểu hiện chậm phát triển về các lĩnh vực để có kế hoạch và biện pháp hỗ trợ kịp thời. Chia sẻ về những kết quả đã đạt được, cô Lâm Thanh Diệu – Hiệu trưởng Trường Mầm non Tuân Tức cho biết: “Được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, sự tín nhiệm của phụ huynh học sinh, ban giám hiệu đã tạo được mối liên kết chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và xã hội. Đồng thời, nhà trường còn được quan tâm đầu tư xây mới cơ sở vật chất khang trang, với đầy đủ trang thiết bị phục vụ tốt cho hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ. Cán bộ, giáo viên nhà trường còn nghiêm túc triển khai thực hiện tốt các cuộc vận động, phong trào thi đua và chủ đề năm học. Đội ngũ giáo viên có phẩm chất chính trị tốt, được đào tạo và bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, có tinh thần trách nhiệm, có ý thức tu dưỡng, rèn luyện phấn đấu vươn lên hoàn thành nhiệm vụ được giao”.

Việc nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ mà Trường Mầm non Tuân Tức đã đạt được là niềm vui để khuyến khích, động viên tập thể cán bộ, giáo viên nỗ lực phấn đấu hơn nữa trong sự nghiệp “trồng người”, góp phần ươm những mầm non phục vụ cho sự phát triển của đất nước trong thời kỳ mới. Đặc biệt, với những kết quả đạt được, nhà trường đã duy trì trường đạt chuẩn quốc gia từ năm 2007 cho đến nay.

H.NHƯ