Nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ – Báo Gia Lai điện tử – Tin nhanh – Chính xác
(GLO)- Sau hơn 10 năm thực hiện chương trình giáo dục mầm non (GDMN) phù hợp với bối cảnh địa phương, ngành GDMN ở Gia Lai đã chuyển biến khá toàn diện. Nhiều cơ sở GDMN có những cách làm sáng tạo, xây dựng chương trình giáo dục phù hợp với điều kiện thực tế, nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ.
Chương trình GDMN do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) ban hành từ năm 2009 và được xây dựng trên cơ sở những kết quả nghiên cứu khoa học về đặc điểm tâm-sinh lý lứa tuổi mầm non, hướng tới sự phát triển toàn diện của trẻ, tạo cơ hội cho trẻ phát triển tiềm năng của bản thân.
Triển khai thực hiện hiệu quả
Trường Mầm non Hoa Hồng (thị trấn Chư Sê) là một trong những điển hình về việc đẩy mạnh thực hiện các mô hình học tập gắn với đặc thù riêng của trường nhằm đưa trẻ đến gần với thực tiễn đời sống. Với đặc thù có tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số khá cao, hàng năm, nhà trường đều lập kế hoạch chương trình giáo dục cụ thể và phù hợp.
Cô Hoàng Thị Lĩnh-Hiệu trưởng nhà trường-cho biết: “Nhà trường đã có nhiều mô hình học tập gắn với thực tiễn được tổ chức rất hiệu quả thông qua các hoạt động ngoại khóa. Đặc biệt, trẻ rất hào hứng khi được tham gia hoạt động gắn với truyền thống văn hóa của dân tộc mình như: đánh cồng chiêng, đan lát, dệt thổ cẩm… Với cách làm này, chúng tôi nhận thấy có sức lan tỏa khá mạnh mẽ không chỉ đối với trẻ mà cả phụ huynh và giáo viên; giúp các cháu yêu thích ngôi trường”.
Trường Mầm non Hoa Hồng (tổ 2, thị trấn Chư Sê) là điển hình trong việc thực hiện các mô hình học tập gắn với đặc thù riêng của trường. Ảnh: Trần Dung
Theo bà Lê Thị Thục-chuyên viên Phòng GD-ĐT huyện Chư Sê, các cơ sở GDMN đã áp dụng linh hoạt, hiệu quả chương trình GDMN phù hợp với bối cảnh địa phương và mô hình sinh hoạt chuyên môn mới; tích hợp hiệu quả các nội dung giáo dục kỹ năng sống phù hợp với lứa tuổi trong thực hiện chương trình GDMN. Toàn huyện hiện có 19 trường với tổng số 5.867 trẻ (trong đó có 2.835 trẻ dân tộc thiểu số); tỷ lệ trẻ ra lớp đạt 90%; 100% cán bộ quản lý và giáo viên đạt chuẩn về trình độ chuyên môn. Đặc biệt, các bậc phụ huynh đã nhận thức sâu hơn về GDMN, vận động con em đến trường để được học tập và vui chơi.
Kông Chro là huyện vùng khó, có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Vì vậy, khi triển khai chương trình GDMN phù hợp với bối cảnh địa phương, Phòng GD-ĐT chọn 3 cơ sở tổ chức thí điểm và lựa chọn phương pháp phù hợp, lấy trẻ làm trung tâm trong hoạt động giáo dục. Các trường học đẩy mạnh tuyên truyền cho phụ huynh hiểu về chương trình này; huy động phụ huynh tham gia đóng góp kinh phí mua sắm đồ dùng, dụng cụ và phương tiện học tập cho con em; phối hợp với trưởng thôn, già làng, các tổ chức đoàn thể tuyên truyền, vận động phụ huynh đưa con em đến lớp, tham gia các hoạt động giáo dục với nhà trường.
Ông Nguyễn Chí Thanh-Trưởng phòng GD-ĐT huyện Kông Chro-cho hay: “Sau khi có kết quả ban đầu, huyện đã nhân rộng ra 14 cơ sở GDMN trên địa bàn. Chương trình có độ mở nên trong 10 năm triển khai, giáo viên đã chủ động khi lên kế hoạch và có nhiều ý tưởng sáng tạo trong soạn giảng. Các hoạt động như làm đồ dùng, đồ chơi có nhiều sáng tạo trong việc gắn với văn hóa truyền thống của từng dân tộc. Đến nay, 100% trẻ mầm non trên địa bàn được tham gia chương trình GDMN”.
Thay đổi diện mạo GDMN
Khi bắt đầu triển khai thực hiện chương trình GDMN phù hợp với bối cảnh địa phương, tỉnh ta gặp rất nhiều khó khăn như: các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số có địa bàn rộng, cơ sở vật chất chưa đáp ứng nhu cầu phát triển của bậc học mầm non; đội ngũ cán bộ, giáo viên thiếu kinh nghiệm nên tổ chức thực hiện chương trình còn lúng túng… Tuy nhiên, sau khi có sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền và toàn xã hội, chương trình đã được triển khai thực hiện một cách mạnh mẽ và có hiệu quả.
Cô Trần Thị Thu Năm-giáo viên Trường Mẫu giáo Hoa Sữa (xã Ia Kly, huyện Chư Prông) chia sẻ: “Giáo viên được tham gia các lớp tập huấn, trau dồi kỹ năng, nắm được quan điểm, mục tiêu, phương pháp giáo dục và tích cực học tập để đáp ứng yêu cầu chương trình. Mặt khác, các cơ quan, ban ngành, đoàn thể và phụ huynh cũng đồng tình hưởng ứng, tích cực tham gia các hoạt động giáo dục, góp ý, xây dựng mục tiêu giáo dục phù hợp tình hình thực tiễn ở địa phương, quan tâm hỗ trợ vật chất, tinh thần để cùng thực hiện tốt nhiệm vụ năm học”.
Trẻ hào hứng khi được tham gia các tiết học gắn với thực tiễn địa phương. Ảnh: Trần Dung
Bà Nguyễn Thị Phương Huệ-Trưởng phòng GDMN (Sở GD-ĐT): “Kế thừa những kết quả đạt được trong việc thực hiện chương trình GDMN, Sở sẽ chỉ đạo các đơn vị tiếp tục nghiên cứu, triển khai và thực hiện có hiệu quả hơn, cả về quy mô và chất lượng giáo dục; góp phần thực hiện mục tiêu chiến lược phát triển GDMN của tỉnh nhà nói riêng và cả nước nói chung”.
Ông Lê Hồng Sơn-Phó Trưởng phòng GD-ĐT huyện Chư Prông-thông tin: “Việc tổ chức thực hiện chương trình GDMN trên địa bàn huyện qua 10 năm cho thấy chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ có chuyển biến tích cực; giáo viên đã nắm được nội dung, phương pháp để tổ chức các hoạt động giáo dục phù hợp, tạo hứng thú cho trẻ tham gia các hoạt động tự giác, tích cực. Chất lượng GDMN có 4 yếu tố liên quan: gia đình, nhà trường, xã hội và bản thân trẻ em. Hiện nay, sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường trong việc chăm sóc, giáo dục trẻ đã có nhiều chuyển biến tích cực. Từ năm 2009 đến nay, 100% trường mầm non trên địa bàn huyện đã triển khai thực hiện chương trình GDMN phù hợp với bối cảnh địa phương. Trẻ ở cuối bậc học được phát triển tối đa tiềm năng vốn có; trang bị những kỹ năng sống cần thiết, phù hợp để chuẩn bị bước vào lớp 1”.
Tính ưu việt của chương trình GDMN phù hợp với bối cảnh địa phương là không dạy rập khuôn theo một kiểu mà giáo viên phải lấy trẻ làm trung tâm, dựa vào khả năng của trẻ để đưa ra cách dạy phù hợp. Chương trình cũng đưa ra những yêu cầu phải đạt được sau một thời gian nhất định để giáo viên chủ động và linh hoạt trong thực hiện kế hoạch.
Bà Nguyễn Thị Phương Huệ-Trưởng phòng GDMN (Sở GD-ĐT) nhấn mạnh: Điểm mạnh trong thực hiện chương trình GDMN của tỉnh nhà là giáo viên nắm được nội dung chương trình khung, chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục phù hợp với đặc điểm nhóm, lớp và tình hình thực tế của địa phương. Các trường tổ chức hoạt động hài hòa giữa các mặt chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ, chuyển tải hết nội dung cho trẻ và giúp trẻ lĩnh hội các kiến thức một cách nhẹ nhàng, dễ hiểu. Chương trình cũng phát huy được giá trị văn hóa của địa phương, đảm bảo có sự tham gia của trẻ, phụ huynh và cộng đồng.
Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện, chương trình đã đạt những kết quả đáng ghi nhận. Quy mô trường lớp được phát triển đến tận vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; công tác xây dựng, cải tạo môi trường giáo dục được chú trọng, luôn có sự sáng tạo, đổi mới và mở rộng. Cảnh quan môi trường các cơ sở giáo dục bảo đảm xanh-sạch-đẹp-an toàn và thân thiện; 100% trẻ em 5 tuổi đều được theo dõi, đánh giá sự phát triển theo Bộ chuẩn phát triển; đảm bảo 100% trẻ đi học được theo dõi biểu đồ tăng trưởng, hàng năm giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng từ 3% đến 5%… Hiện nay, toàn tỉnh có 120/264 trường mầm non đạt chuẩn quốc gia. Tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi mẫu giáo ra lớp đạt 88,56%; riêng trẻ 5 tuổi đạt 99,89%…
Bên cạnh đó, trong hơn 10 năm qua, toàn tỉnh đã được bổ sung 1.478 biên chế giáo viên; xây dựng 1.414 phòng học kiên cố, bán kiên cố; giảm 147 phòng học tạm và 449 phòng học mượn; bổ sung 1.625 bộ đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học tối thiểu, 2.919 bộ đồ chơi ngoài trời từ các nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia, ngân sách tỉnh, xã hội hóa giáo dục… đáp ứng được nhu cầu cấp thiết để tổ chức hoạt động giáo dục, dạy 2 buổi/ngày và ăn bán trú. Ngoài ra, môi trường học tập cũng được cải tạo theo hướng giúp trẻ có cơ hội phát triển về thể chất, nhận thức, tình cảm xã hội, thẩm mỹ và phát triển ngôn ngữ.
TRẦN DUNG