Nạn thu hoạch nội tạng tàn bạo ở Trung Quốc gây quan ngại trong Thế vận hội Mùa đông – Minh Huệ Net

Bài viết của Anh Tử, phóng viên báo Minh Huệ

[MINH HUỆ 16-02-2022] Hành vi thu hoạch nội tạng sống tàn bạo của ĐCSTQ ngày càng thu hút sự quan tâm của các chuyên gia y tế, các nhà lập pháp, chính trị gia, phương tiện truyền thông, các tổ chức nhân quyền và công chúng. Nhiều quốc gia đã ban hành luật và nghị quyết để giúp chấm dứt hoạt động du lịch ghép tạng và hành vi thu hoạch nội tạng tàn ác. Khi Thế vận hội Mùa đông đang diễn ra ở Trung Quốc, các nhà lập pháp từ Hoa Kỳ, Canada và Anh đã lên án các hành vi vi phạm nhân quyền của quốc gia này.

Nghị sỹ Vương quốc Anh: Các vụ giết người hàng loạt của một quốc gia toàn trị

Thượng viện Vương quốc Anh (Viện Quý Tộc) đã thảo luận về hai sửa đổi đối với Đạo luật về Mô người vào ngày 4 tháng 2, ngày đầu tiên của Thế vận hội Mùa đông. Đặc biệt, quốc hội tập trung vào các hành vi tàn bạo đối với học viên Pháp Luân Công và người Duy Ngô Nhĩ.

Nghị sỹ Philip Hunt, nam tước Hunt của khu vực Kings Heath, đã đề xuất Tu chính án 265 và 282, nhằm đảm bảo rằng công dân Vương quốc Anh không đến các quốc gia như Trung Quốc để cấy ghép tạng và cấm các triển lãm cơ thể người đến từ Trung Quốc. Điều này sẽ ngăn chặn việc công dân Anh trở thành đồng phạm của tội ác thu hoạch nội tạng.

abd63ad350e7bc91210a9c1569887492.jpg

Nam tước Philip Hunt của Kings Heath phát biểu tại Thượng viện Vương quốc Anh hôm 29 tháng 10 năm 2019. (Ảnh chụp màn hình từ Parliamentlive.tv)

“Điều đáng chú ý là từ năm 1999 đến năm 2013, trại lao động ở Đại Liên khét tiếng với việc tra tấn tàn bạo các học viên Pháp Luân Công,” Nam tước Hunt của khu vực Kings Heath nhận xét vào ngày 4 tháng 2, “Việc khai thác thương mại nội tạng người dưới mọi hình thức chắc chắn là phi đạo đức và tàn bạo, nhưng khi nó được kết hợp với những vụ giết người hàng loạt của một nhà nước độc tài, chúng ta không thể khoanh tay đứng nhìn mà không làm gì cả.”

Trích Điều 4 của Tuyên bố chung về Đấu tranh và Phòng chống Cưỡng bức Thu hoạch Nội tạng, ông cho biết tất cả các chính phủ cần phải chống lại và ngăn chặn nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng bằng cách quy định tội phạm hóa một số hành vi và tạo điều kiện thuận lợi cho việc truy tố tội phạm cưỡng bức thu hoạch nội tạng ở cấp quốc gia và quốc tế.

Ông nói thêm: “Tôi tin rằng chúng ta phải hành động trên phạm vi quốc tế, và ở Vương quốc Anh chúng ta cần làm tất cả những gì có thể để ngăn chặn hành vi kinh hoàng này.”

Hai sửa đổi này đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi của các nghị sỹ khác. Nữ nam tước Finlay của Llandaff cho biết bà “rất ủng hộ những sửa đổi này và không thấy bất kỳ lý do gì để người nào đó không làm như vậy. Chúng đặt ra một tiêu chuẩn đạo đức cơ bản.”

Bà cho biết có vô số bằng chứng cho thấy các học viên Pháp Luân Công và các nhóm khác ở Trung Quốc đang bị giết hại để lấy nội tạng của họ. Bà giải thích: “Không có sự đồng ý, vô đạo đức và không minh bạch.” Trên thực tế, ngày hôm trước bà đã nhận được một bức thư từ một phụ nữ có mẹ là một học viên Pháp Luân Công. “[Người mẹ] bị cầm tù và đã biến mất không dấu vết. Cô ấy không biết mẹ cô ở đâu; cô ấy đã không nghe được tin tức gì từ bà. Điều đó đang xảy ra khắp nơi trên đất nước ấy,” bà tiếp tục.

Nghị sỹ Alton của Liverpool ủng hộ cả hai bản sửa đổi. Nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng của các tù nhân lương tâm đang diễn ra trên khắp Trung Quốc, và nạn nhân chủ yếu là các học viên Pháp Luân Công. Đây là một cuộc bức hại có hệ thống từ trên xuống đối với 100 triệu học viên Pháp Luân Công từ khi “cựu lãnh đạo ĐCSTQ, Giang Trạch Dân, thành lập Phòng 610 và ra lệnh – theo lời của ông ta – là xóa sổ Pháp Luân Công.”

Ông cho biết thêm: “Cho đến năm 1936, khi các trận đấu của Đức Quốc xã được tổ chức ở Berlin, thế giới chứng kiến Hitler sử dụng Thế vận hội để quảng bá tư tưởng tàn ác của mình, và hầu hết các vận động viên người Đức gốc Do Thái bị cấm tham gia sự kiện này, chúng ta mới thấy được lý tưởng của Olympic bị suy giảm với nhiều tai tiếng.”

Nghị sỹ Bernard Ribeiro tiếp tục cho biết các báo cáo viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc đã tiếp tục nêu lên những quan ngại xung quanh việc thu hoạch nội tạng từ người Duy Ngô Nhĩ ở Trung Quốc với nhiều bằng chứng cho thấy tim, gan, thận và giác mạc thường được lấy đi. Trên thực tế, vào tháng 1 năm 2022, Hiệp hội Y khoa Anh (BMA) đã lên án điều này và kêu gọi chính phủ Anh gây áp lực lên Chính phủ Trung Quốc để ngăn chặn những hành vi vô nhân đạo này và cho phép các nhà điều tra của Liên Hợp Quốc vào lãnh thổ Trung Quốc.

Nữ nam tước Northover đồng ý. Bà giải thích: “Chúng ta không thể nói là chúng ta không biết về nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng… Nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng đã được thực hiện trong nhiều năm trên khắp Trung Quốc với quy mô đáng kể. Một số quốc gia, bao gồm Tây Ban Nha, Ý, Bỉ, Na Uy và Israel , đã có hành động ngăn chặn du lịch ghép tạng đến Trung Quốc. Chúng ta tất nhiên cũng phải làm như thế.”

Nghị sỹ Patrick Cormack cũng bày tỏ sự “hết lòng ủng hộ” đối với những sửa đổi này. Ông tiếp tục: “Không có hành vi buôn bán nào hèn hạ hơn buôn bán nội tạng người, và không có hành vi nào đáng khinh bỉ hơn những gì đang diễn ra ở Trung Quốc lúc này, cùng lúc với việc khai mạc Thế vận hội thật đáng xấu hổ”.

Nữ nam tước Northover giải thích Tu chính án 282 cấm công dân Vương quốc Anh đi du lịch đến các quốc gia để ghép tạng, trong khi Tu chính án 265 nhằm chấm dứt các triển lãm cơ thể người thật đang được trưng bày ở Vương quốc Anh khi những người hiến xác không có bằng chứng nhận dạng hoặc đồng ý, trong đó có những mẫu có nguồn gốc từ Trung Quốc.

Bà phát biểu: “Nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng đã được tiến hành trong nhiều năm trên khắp Trung Quốc với quy mô đáng kể. Chúng ta có các tiêu chuẩn cao về xử lý mô người ở đất nước này… Chúng ta cần đảm bảo rằng chúng ta không đồng lõa với những gì xảy ra ở nơi khác, đặc biệt – như chúng ta đề cập – là ở Trung Quốc.”

Nghị sỹ Canada: Chúng tôi sát cánh cùng các nạn nhân

Trong một cuộc phỏng vấn vào ngày 4 tháng 2, Nghị sỹ Canada Garnett Genuis cho biết các nhà lập pháp đã kêu gọi chính phủ Canada tuyên bố về hành vi diệt chủng của ĐCSTQ và trừng phạt các quan chức có liên quan bằng Đạo luật Magnitsky.

5c0e88ffbdb01cffb2e5c9ed0e3cba4d.jpg

Ông Garnett Genuis, Nghị sỹ Canada, lên án tội ác diệt chủng của ĐCSTQ trước Đại sứ quán Trung Quốc tại Ottawa hôm 4 tháng 2 năm 2022. (Ảnh: The Epoch Times)

Dự luật S-223 của Thượng viện, một đạo luật sửa đổi của Bộ luật Hình sự và Đạo luật Bảo vệ Người tị nạn và Nhập cư (buôn bán nội tạng người), đã được thông qua lần thứ ba tại Thượng viện Canada và hiện đang được xem xét tại Hạ viện.

Canada đã ban hành nhiều đạo luật nhằm ngăn chặn hành vi thu hoạch nội tạng ở Trung Quốc. Vào tháng 2 năm 2008, Nghị sỹ Borys Wrzesnewskyj đã đề xuất dự luật quy định việc người Canada cấy ghép nội tạng ở nước ngoài là bất hợp pháp nếu nội tạng được lấy từ một nạn nhân không tự nguyện.

Tháng 12 năm 2013, Nghị sỹ Đảng Tự do Irwin Cotler đã đề xuất một dự luật nhằm trấn áp những kẻ buôn bán nội tạng người, những kẻ tham gia vào hành vi thu hoạch nội tạng hoặc cấy ghép mà không đảm bảo nội tạng là được hiến tặng.

Tháng 12 năm 2017, Thượng Nghị sỹ Salma Ataullahjan đã giới thiệu Dự luật S-240 sửa đổi Bộ luật Hình sự và Đạo luật Bảo vệ Người tị nạn và Nhập cư để chống lại nạn buôn bán nội tạng. Bà đã làm điều tương tự với S204 vào năm 2020. Tuy nhiên, không dự luật nào hoàn thành các thủ tục bắt buộc để trở thành luật.

Ông nói thêm: “Điều quan trọng đối với chúng ta hôm nay là nói không, để nói với Đảng Cộng sản Trung Quốc rằng chúng ta nhìn thấy họ, chúng ta thấy những tội ác đang diễn ra, và chúng ta sát cánh với các nạn nhân.“

Nghị sỹ Hoa Kỳ: Đã đến thời điểm bắt ĐCSTQ phải chịu trách nhiệm

de71087c659adf9d70051ff4cf68b734.jpg

Hạ Nghị sỹ Scott Perry được Đài truyền hình NTD phỏng vấn hôm 2 tháng 2 năm 2022

Ông Scott Perry, Hạ Nghị sỹ bang Pennsylvania, đã được phỏng vấn trên chương trình “Báo cáo Thủ đô” (Capitol Report) của Đài truyền hình NTD vào ngày 2 tháng 2. Ông cho biết tội ác diệt chủng ở Trung Quốc còn tàn bạo hơn tội ác của Đức Quốc xã. Ngoài việc giam giữ và giết hại quy mô lớn dựa trên đức tin, chính quyền này thậm chí còn thu hoạch nội tạng từ người sống để kiếm lời.

Vào tháng 12 năm 2021, ông Perry đã đề xuất Dự luật Hạ viện H.R. 6319, gọi là Đạo luật Bảo vệ Pháp Luân Công, nhằm trừng phạt những thủ phạm liên quan đến nạn thu hoạch nội tạng. Đề xuất này hiện đã được chuyển đến Ủy ban Đối ngoại và Ủy ban Tư pháp.

Luật sư nhân quyền người Canada David Matas gọi nạn thu hoạch nội tạng là “một tội ác chưa từng có trên hành tinh này”. Sau khi hành vi tàn ác này bị phanh phui trước công chúng vào năm 2006, ông và cựu Ngoại trưởng (Châu Á Thái Bình Dương) David Kilgour đã tiến hành các cuộc điều tra độc lập và công bố kết quả trong cuốn sách năm 2009 của họ – Thu hoạch đẫm máu: Giết hại các học viên Pháp Luân Công vì nội tạng (Bloody Harvest: The Killing of Falun Gong for Their Organs).

Trong cuốn sách này, ông Matas và ông Kilgour phát hiện các ca ghép tạng ở Trung Quốc có thể được lên lịch trong vài ngày hoặc vài tuần, trong khi dữ liệu của Viện Sức khỏe Quốc gia (NIH) cho thấy thời gian chờ ghép thận ở Hoa Kỳ là 4 năm. Điều này cho thấy sự tồn tại của một lượng lớn “người hiến tạng”, những người sẽ bị giết theo yêu cầu. Một công ty ghép tạng của Trung Quốc đã nêu rõ trên trang web của họ vào năm 2004 rằng thận để cấy ghép là từ người sống, điều hoàn toàn khác với tình huống ở các bệnh viện hoặc trung tâm lọc máu của Nhật Bản nơi nội tạng được lấy từ người chết.

Viện Hudson: Cuộc bức hại Pháp Luân Công là một nạn diệt chủng

Bà Nina Shea, Giám đốc Trung tâm Tự do Tôn giáo của Viện Hudson, đã đăng một bài báo trên National Review vào ngày 4 tháng 2 với tiêu đề “ĐCSTQ tiến hành cuộc diệt chủng thứ hai – chống lại Pháp Luân Công.”

“Điều này có nghĩa là các nạn nhân bị giết trong khi hoặc ngay trước khi tim, gan, phổi và thận của họ được cắt lấy để bán ở nơi mà Bắc Kinh tự hào là thị trường ghép tạng lớn nhất thế giới,” bà viết trong bài báo.

“Các nhà hoạch định chính sách Hoa Kỳ thể hiện sự sẵn sàng trong việc công nhận sự đàn áp của ĐCSTQ. Họ cần lên án rõ cuộc bức hại này là đối với Pháp Luân Công, và tuyên bố đây là một tội ác diệt chủng,” bà Shea kết luận.“ Nếu điều này được thực hiện sớm hơn, cuộc diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ có thể đã không bao giờ xảy ra. Mặc dù vậy, Thế vận hội Bắc Kinh đưa ra sự bảo đảm giám sát đặc biệt đối với tội ác này và tiếp tục hoạt động này trong hồ sơ nhân quyền của ĐCSTQ.“

Bài viết chỉ thể hiện quan điểm hoặc nhận thức của tác giả. Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.

Bản tiếng Hán: http://www.minghui.org/mh/articles/2022/2/16/439029.html

Bản tiếng Anh: http://en.minghui.org/html/articles/2022/2/17/199230.html

Đăng ngày 26-02-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.