Nạn bài Do Thái trỗi dậy

Kể từ hôm 10/5, thời điểm giao tranh Israel – Hamas bùng phát, ít nhất 26 trường hợp bài Do Thái đã được báo cáo trên khắp nước Mỹ.

“Họ gọi tôi là một tên Do Thái dơ dáy, bẩn thỉu. Họ nói rằng Hamas sẽ giết tất cả chúng tôi, Israel sẽ bị thiêu rụi”, Joseph Borgen, một trong những người Do Thái bị tấn công, cho biết.

Borgen bị đám đông bạo lực nhắm tới hôm 20/5, khi đang trên đường đến một cuộc tuần hành ủng hộ Israel tại New York, Mỹ. Người đàn ông 29 tuổi kể lại rằng anh bị đấm, đánh bằng nạng và xịt một loại chất kích ứng vào mặt. “Tôi thực sự nghĩ rằng mình có thể chết”, Borgen nói.

Những tấm biển gọi người theo chủ nghĩa phục quốc Do Thái là “Đức Quốc xã”, ít nhất 4 trường hợp phá hoại giáo đường và các trung tâm cộng đồng của người Do Thái, cùng những vụ bạo lực gần đây tại Mỹ được cho là liên quan đến xung đột giữa Israel và Hamas.

Một người đàn ông cầm tấm biển Cầu nguyện cho hòa bình của Jerusalem tại cuộc tuần hành ủng hộ Israel ở New York, Mỹ, hôm 12/5. Ảnh: Reuters.

Một người đàn ông cầm tấm biển “Cầu nguyện cho hòa bình của Jerusalem” tại cuộc tuần hành ủng hộ Israel ở New York, Mỹ, hôm 12/5. Ảnh: Reuters.

Israel tiến hành hàng trăm cuộc không kích nhắm vào phong trào Hamas, lực lượng kiểm soát Dải Gaza, sau khi nhóm dân quân này không ngừng phóng rocket về phía lãnh thổ Israel từ ngày 10/5, xuất phát từ xung đột giữa người Israel và Palestine tại Jerusalem. Lệnh ngừng bắn giữa hai bên, do Ai Cập làm trung gian, có hiệu lực từ 2h sáng 21/5. Hơn 250 người đã thiệt mạng, hầu hết là người Palestine.

Giới chuyên gia cho biết xung đột tại Trung Đông thường làm bùng phát bạo lực ở Mỹ. Tuy nhiên, họ đánh giá những vụ tấn công gần đây là bằng chứng cho thấy một xu hướng đáng lo ngại đã leo thang. “Cảm giác lần này khá khác biệt”, Jonathan Greenblatt, giám đốc điều hành Liên đoàn Chống Phỉ báng tại Mỹ, trả lời phỏng vấn hôm 23/5.

Greenblatt chỉ ra rằng vào năm 2019, Liên đoàn đã xác định hơn 2.100 sự cố bài Do Thái, bao gồm hành hung, bạo lực và quấy rối, con số cao nhất kể từ khi tổ chức bắt đầu tiến hành thống kê vào năm 1979. Nhưng tới năm 2020, khi người dân phải ở nhà suốt thời gian dài vì Covid-19, số trường hợp vẫn cao thứ ba trong các năm được thống kê.

Hôm 18/5, một nhóm người la ó phản đối Israel đã lao vào tấn công các thực khách bên ngoài một nhà hàng ở thành phố Los Angeles. Cảnh sát bắt một người đàn ông với cáo buộc tấn công bằng vũ khí chết người, trong khi giới chức đang điều tra sự cố theo hướng một tội thù ghét.

Cùng ngày tại Bal Harbour, bang Florida, Eric Orge kể lại rằng 4 người đi ô tô ngang qua khi ông đang đi dạo với gia đình đã hét lên những câu chống lại người Do Thái. Họ hô vang “Tự do cho Palestine” và “Chết đi lũ Do Thái”, đe dọa cưỡng bức vợ con của Orge, đồng thời ném rác vào gia đình ông.

“Tôi vô cùng tức giận và lo lắng cho sự an toàn của vợ con mình. Tôi thấy khó hiểu, bởi chúng tôi chỉ đơn giản là đang đi dạo trong kỳ nghỉ”, người đàn ông 46 tuổi đội một chiếc mũ Do Thái, cho biết.

Orge cảm thấy người Do Thái không nhận được mức độ hỗ trợ tương đương các nhóm tôn giáo, chủng tộc và sắc tộc yếu thế khác. “Ai đang bảo vệ chúng tôi? Ai đang lên tiếng vì chúng tôi?”, ông đặt câu hỏi.

Hai ngày sau tại New York, một người đã ném thiết bị nổ khiến một phụ nữ 55 tuổi dính lửa. Sự việc xảy ra ở quận Diamond, nơi có nhiều doanh nghiệp chủ sở hữu là người Do Thái, và đang được điều tra như một tội thù ghét, cảnh sát cho biết.

Hôm 21/5, một số tổ chức Do Thái nổi bật tại Mỹ đã gửi thư đến Nhà Trắng, kêu gọi Tổng thống Joe Biden “lên tiếng mạnh mẽ chống lại xu hướng nguy hiểm này, đồng thời sát cánh với cộng đồng Do Thái đối mặt làn sóng thù ghét trước khi tình hình trở nên tồi tệ hơn”.

“Chúng tôi sợ rằng cách mà xung đột Israel – Palestine bị lợi dụng để phóng đại luận điệu bài Do Thái, thúc đẩy các phần tử nguy hiểm tấn công người Do Thái và cộng đồng Do Thái, sẽ gây ra những hệ quả vượt xa hai tuần qua”, lá thư có đoạn.

Nguồn cơn xung đột Israel - Palestine

 

 

Nguồn cơn xung đột Israel – Palestine

Nguồn cơn xung đột Israel – Palestine. Video: Vox.

Đáp lại, cố vấn chính sách đối nội Nhà Trắng Susan Rice viết trên Twitter rằng “sự bùng phát các vụ tấn công bài Do Thái khắp thế giới và tại Mỹ là vô cùng tồi tệ”, đồng thời tán thành việc tình trạng này “phải bị lên án thẳng thừng và phản đối mạnh mẽ”.

Nhiều nghị sĩ Mỹ cũng đã lên tiếng về tình hình gần đây. “Chủ nghĩa bài Do Thái đang gia tăng tại Mỹ và khắp thế giới. Chúng ta phải chống lại xu hướng gây tổn thương này”, thượng nghị sĩ Dân chủ Bernie Sanders trả lời phỏng vấn hôm 23/5.

“Việc các vụ tấn công người Do Thái gia tăng đáng kể tại New York, cũng như trên toàn quốc, là điều vô cùng đáng lo ngại và không thể chấp nhận. Mọi thủ phạm phải bị truy tố một cách toàn diện”, hạ nghị sĩ Dân chủ Hakeem Jeffries viết trên Twitter, tương tự thông điệp của lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Chuck Schumer.

Thượng nghị sĩ Sanders còn đề cập tới tình trạng bạo lực nhắm vào các cộng đồng thiểu số khác ở Mỹ. “Chúng ta phải chống lại sự gia tăng tội thù ghét đối với người châu Á, người Mỹ gốc Phi và người Mỹ Latinh. Chúng ta đang gặp vấn đề nghiêm trọng của một quốc gia ngày càng chia rẽ, bị dẫn dắt bởi những kẻ cực đoan cánh hữu”, ông nói.

Borgen, cư dân New York, so sánh việc anh bị tấn công với tình trạng bạo lực nhắm vào người gốc Á, được cho là gia tăng sau khi cựu tổng thống Mỹ Donald Trump và nhiều quan chức gọi nCoV là “virus Trung Quốc”. Borgen cảm thấy “hoàn toàn vô lý” khi một đồng nghiệp người Mỹ gốc Á của anh vô cùng sợ hãi những lúc phải đi tàu điện ngầm vào ban đêm.

Trong khi đó, giám đốc Greenblatt của Liên đoàn Chống Phỉ báng kêu gọi các quan chức dân cử tăng cường lên án những vụ tấn công người Do Thái, hành động mà ông cho rằng sẽ giúp xoa dịu căng thẳng và giảm bạo lực.

“Tôi nghĩ một trong những bài học rút ra từ 4 năm qua là việc các lãnh đạo lên tiếng hay không sẽ tạo ra khác biệt lớn”, Greenblatt nhận định.

Ánh Ngọc (Theo Washington Post)